Một lối viết hiện đại

Thứ Sáu, 04/03/2022 17:28

. Nguyễn Hải Tiến

 

Bước sang thế kỷ XX tự sự học mới chú ý đến cách kể trong lời văn, phân tích và khái quát thành các lối viết hiện đại, trong đó có nghệ thuật nhại lời. Nếu vậy phải coi nghệ thuật nhại của Nguyễn Ái Quốc trong những văn bản tiếng Pháp đầu thế kỷ XX là tiên phong. Bài viết xin chứng minh một nghệ thuật nhại lời nhân vật thú vị.

Nhại lời nhân vật thể hiện trong đoạn văn có hai giọng cùng tồn tại, giọng nhân vật và giọng người kể, giọng nhân vật bị nhại lại trong giọng người kể. Trong mảnh đoạn lời người kể vừa có giọng nhân vật vừa có giọng người kể, hai giọng này bất bình đẳng, mang nội dung mâu thuẫn nhau, ngược chiều nhau trong một hình thức tưởng là cùng chiều, thuận chiều. Tư­ cách giọng nhân vật chỉ là t­ư cách bị đư­a ra làm trò nhại, trò cười; ngược lại, t­ư cách giọng người kể là tư­ cách chủ nhân của trò nhại:

"Ngài còn nói: "Tôi tin rằng trong một thời gian không xa nữa, xứ Đông Dư­ơng sẽ không tiêu mất một đồng xu nào nữa của chính quốc và nó sẽ tự hào và hạnh phúc được đem lại sự đóng góp của mình" (giọng nhân vật chúng tôi in nghiêng).

Nhất định thế, đến thời kỳ đó, không còn xa lắm, như­ ngài nói, giai cấp vô sản chính quốc sẽ làm nhiệm vụ của mình: họ sẽ tống cổ tất cả bọn ăn bám ra khỏi cửa; sau khi đã giải phóng mình, họ sẽ giải phóng những người anh em ở Đông Dư­ơng; được giải phóng khỏi ách đế quốc chủ nghĩa, nhân dân Đông Dương nhất định sẽ tự hào và hạnh phúc, tự hào và hạnh phúc hơn là ông tưởng, đem lại sự đóng góp của mình, cùng với những người lao động Pháp xây dựng Tổ quốc chung. Trong khi chờ đợi, hãy cứ bắt những người bại trận ở Đông Dương trả tiền. Ngài hãy khéo xoay xở theo phương pháp D. Nếu hòm tiền của nhân dân rỗng, thì còn có các lăng mộ của vua chúa (1).

Trong mảnh đoạn sau giọng nhân vật bị nhại lại để đay đả: đến thời kỳ đó, không còn xa lắmsẽ tự hào và hạnh phúc, tự hào và hạnh phúc hơnđem lại sự đóng góp của mình… Một mũi tên nhại nh­ưng trúng hai đích: chỉ trích, nhạo báng đối tượng "Ngài" (tức Xarô - Bộ trưởng Thuộc địa Pháp) và khẳng định sự thắng lợi tất yếu của nhân dân Đông Dương. Tính chất mỉa mai "Ngài" còn thể hiện rõ ở phép viết tắt nửa kín nửa hở: phương pháp D, D viết tắt từ débrouillard có nghĩa là tháo vát, linh hoạt. Tháo vát, linh hoạt là cách nếu đã vơ vét hết tiền của dân thì còn cách đào mồ mả "các lăng mộ của vua chúa". Cũng vẫn một mũi tên mỉa mà trúng hai đích: tố cáo sự xa hoa nhờ bóc lột dân, xa hoa khi sống và xa hoa cả khi đã chết của bọn vua chúa và sự táng tận lương tâm của "Ngài".

"Ông nói rằng, về mặt thuộc địa, nếu nước Pháp có phạm lỗi thì chẳng qua là do có quá nhiều tinh thần cao cả đấy thôi. Th­ưa ông ácsimbô, xin ông cho chúng tôi biết có phải vì tinh thần cao cả ấy mà người ta tước mất của người bản xứ tất cả mọi quyền ngôn luận, đi lại, v.v. không? Phải chăng cũng vì tinh thần ấy mà người ta buộc họ phải chịu cái thân phận dân bản xứ hèn mọn, mà người ta tước hết ruộng đất của họ để cho bọn xâm lăng, và sau đó buộc họ phải lao động nh­ư kẻ nô lệ? Chính ông đã nói rằng giống người Tahiti vì nghiện rượu mà đã chết mòn dần và hiện đang đi đến diệt vong. Phải chăng cũng vì quá ư cao cả mà các ông đã tìm đủ cách để làm cho người An Nam say khướt với rượu cồn của các ông và trở nên u mê, đần độn với thuốc phiện của các ông?

Sau cùng, ông nói đến "bổn phận", đến "nhân đạo" và "khai hoá"! Vậy bổn phận ấy là cái gì? Ông đã đem phô bày trong suốt cả bài diễn văn của ông rồi" (2).

Đoạn văn trên đúng là "vũ đài vật lộn của hai giọng", các cụm từ chúng tôi in nghiêng: tinh thần cao cả, quá ư cao cả, bổn phận, nhân đạo, khai hoá từ giọng nhân vật bị nhại lại trong giọng người kể nên chúng từ địa vị hào nhoáng trang trọng bị hạ xuống địa vị thảm hại, trống rỗng, vô nghĩa. Sự "vật lộn của hai giọng" còn rõ hơn ở sự đối lập triệt để: sự cao cả, quá ư cao cả của nước Pháp đã làm cho "thân phận dân bản xứ hèn mọn", "người An Nam say khướt với rượu cồn… và trở nên u mê, đần độn với thuốc phiện…"…

"Trong cơn sóng hằn thù và thú tính, những kẻ tham gia hành hình lôi người da đen đến một khu rừng hay một quảng trường công cộng nào đó. Họ trói người đó vào cây, tưới dầu lửa vào người đó, lấy những chất dễ cháy phủ lên người đó. Trước khi châm lửa, họ bẻ dần từng chiếc răng một của người đó. Rồi móc mắt người đó. Từng nhúm tóc xoăn bị rứt khỏi đầu, mang theo từng mảng da, để lộ ra một sọ người đẫm máu. Nhiều miếng thịt nhỏ rời khỏi cái thân hình đã tím bầm vì bị đánh đập.

Người da đen không kêu được nữa: lưỡi đã sư­ng phồng lên vì một thanh sắt nung đỏ gí vào. Toàn thân người ấy quằn quại như­ một con rắn bị đánh, dở sống, dở chết. Một nhát dao, thế là rụng một tai. ái chà! Nó mới đen làm sao! Nó mới đáng tởm làm sao! Thế là bọn đàn bà rạch nát mặt người đó ra...

Có kẻ hét: "Châm lửa lên đi!". Một kẻ khác góp thêm: "Đốt vừa đủ để thui nó từ từ thôi".

Ngư­ời da đen bị nướng chín, thui vàng, cháy thành than. Nh­ưng người đó phải chết hai lần mới đáng đời. Cho nên họ liền treo người đó lên, nói cho đúng là treo cái xác không còn là một cái xác nữa lên. Và bây giờ, tất cả những người không được tham dự cảnh thiêu sống ấy, vỗ tay. Hoan hô!" (3).

Đoạn văn trên, xét dưới góc độ chức năng có hai phần, phần tả và phần bình luận, phần tả làm sống lại cảnh hành hạ dã man có lẽ chỉ có ở thời Trung cổ, phần bình luận (chúng tôi in nghiêng) có vỏ ngôn ngữ là của người kể còn nội dung bình luận là của nhân vật đám đông. Vẫn có hai giọng, một giọng của thú tính vô cảm nổi lên: … phải chết hai lần mới đáng đời Hoan hô! Một giọng căm hờn bi phẫn uất nghẹn đau đớn xót xa của người kể chìm lắng vào trong.

Nghệ thuật nhại này được Hồ Chí Minh sau này sử dụng rất hiệu quả.

"Ngày 10-6-1963, tổng Ken nói chuyện ở một trường đại học Mỹ. Đề mục bài nói chuyện là "Chiến lược hoà bình".

Bài nói chuyện dài khoảng 6.000 chữ, mà y đã lặp đi lặp lại chữ "hoà bình" 92 lần.

Tổng Ken nói những lời ngon ngọt như­ "mật rót vào tai". Ví dụ:

"Mỹ kiên trì phấn đấu cho hoà bình...

"Mỹ sẵn sàng cùng bất kỳ chế độ nào trên quả đất thi đua hoà bình...

"Mỹ làm hết trách nhiệm của mình nhằm xây dựng một thế giới hoà bình...

"Muốn giữ gìn hoà bình, thì phải để cho nhân dân các nước tự chọn lấy tiền đồ của họ...

"Vũ khí của Mỹ không có tính chất khiêu hấn..., bộ đội của Mỹ là để ra sức công tác cho hoà bình...

"Nếu tất cả các nước đều không can thiệp đến quyền tự quyết của nước khác, thì hoà bình sẽ được bảo đảm.

"Mỹ không muốn có chiến tranh... nh­ưng Mỹ cũng phải làm hết trách nhiệm của mình để xây dựng một thế giới hoà bình...".

Vân vân và vân vân..., tổng Ken nói thì hay đấy, như­ng "ngôn bất cố hành" (4).

Tác giả triệt để sử dụng phép thống kê và nhại lại ngôn từ hoà bình mỹ miều của tổng Ken. Sự trống rỗng giả dối của ngôn từ mà "tổng Ken" dùng đã bị lời bình luận sắc sảo của tác giả lật tẩy làm trơ ra cái thực chất hiếu chiến phản hoà bình của tổng thống Mỹ: "tổng Ken nói thì hay đấy, nhưng "ngôn bất cố hành".

"Trư­ớc sự kiện đó, thì xuất hiện những người "từ thiện" (như­ Liên Hợp quốc, các chính phủ hoặc các quyền lực tôn giáo, tự xưng là những sứ giả hoà bình). Họ bảo người chủ nhà bị nạn rằng: Này bạn, chúng tôi thương hại anh. Song kẻ địch của anh cũng có lòng tốt. Anh xem, họ muốn hoà bình với anh. Với lòng nhân từ, họ bàn với anh chấm dứt chiến đấu và cùng họ thương lượng cách xử trí các việc trong nhà anh. Tốt nhất là anh đồng ý cùng họ chia của cải trong nhà anh và phân phối một cách công bằng những công việc, những trách nhiệm và những quyền hạn quản lý cái nhà của anh. Anh có thể bàn bạc với họ mà không cần đến vũ lực. Anh hãy thương lượng với họ một cách êm ái đi!

Chúng tôi biết rằng anh đòi các ông ấy trước hết phải ra khỏi nhà anh. Nhưng anh phải hiểu rằng các ông ấy không thể làm theo sự yêu cầu quá đáng của anh nếu không có cái gì bảo đảm, ví dụ anh hứa sẽ không sơn nhà anh với màu đỏ và sẽ không xây dựng gia đình anh quá đoàn kết, vì các ông ấy không thích những điều đó.

Đó là một hình ảnh hầu như­ khó tin, như­ng là hình ảnh thật sự của vấn đề Việt Nam.

Bất kỳ nước nào cũng không có những pháp luật và tập quán cho phép một sự "hoà giải" như­ thế và cho phép lũ ăn cướp "đàm phán" việc chấm dứt xâm lược, phân phối của cải, thậm chí định đoạt số phận của nạn nhân..." (5).

Phần chúng tôi in nghiêng là giọng nhân vật, tức giọng những người "từ thiện" bị nhại trong giọng người kể. Những người "từ thiện" ấy là những ai? Là Liên Hợp quốc, các chính phủ hoặc các quyền lực tôn giáo, tự xưng là những sứ giả hoà bình! Là những sứ giả hoà bình mà giọng lưỡi thì lại đi ngược lại hoà bình với những lập luận hết sức mâu thuẫn: chúng tôi thương hại anh Tốt nhất là anh đồng ý cùng họ chia của cải trong nhà anh và phân phối một cách công bằng những công việc, những trách nhiệm và những quyền hạn quản lý cái nhà của anh anh hứa sẽ không sơn nhà anh với màu đỏ và sẽ không xây dựng gia đình anh quá đoàn kết, vì các ông ấy không thích những điều đó… Những mâu thuẫn này đã bị tác giả vạch trần một cách đanh thép ở phần bình luận: "Bất kỳ nước nào cũng không có những pháp luật và tập quán cho phép một sự "hoà giải" nh­ư thế và cho phép lũ ăn cướp "đàm phán" việc chấm dứt xâm lược, phân phối của cải, thậm chí định đoạt số phận của nạn nhân".

N.H.T

-------

(1). Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tập 1, tr.30.

(2). Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tập 1, tr.137, 138.

(3). Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tập 1, tr.307, 308.

(4). Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tập 11, tr.103.

(5).Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tập 12, tr.43.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)