Dưới cây hoa đại Nhà số 4

Thứ Bảy, 11/03/2017 00:36
12968046 762814823856033 2447474417798049441 o

. HOÀNG VIỆT HẰNG
 
6 nha2748 450
Nhà văn Triệu Bôn
Hơn mười năm trước, vào một ngày vừa mới có gió bấc, dù chưa có mưa bụi và sương muối lãng đãng nhạt nhòa, nhà văn Triệu Bôn hỏi tôi: “Bao giờ thì đến ngày chủ nhật? Ngày chủ nhật thì tòa soạn không có người, em đèo anh lên đó chơi với cây đại già. Các anh Nhà số 4 đã đi vãn cả”.

Chiều chủ nhật mùa đông, anh Triệu Bôn ngồi dưới gốc cây đại già, chỗ bậc thềm chỉ cách mấy bước chân là lên căn phòng trị sự của tạp chí thân thuộc. Anh nhớ vào năm 1969, khi vừa từ chiến trưởng B2 ra Hà Nội, lúc 10 giờ đêm, phải ngủ ở Bến Nứa chờ sáng trong gió rét cong queo cả người vì đói, để hôm sau, vào ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế họp cộng tác viên. Nhà văn Từ Bích Hoàng đã hỏi: “Triệu Bôn là cậu đấy à, thế còn cậu Lê Văn Sửu là ai?”. “Dạ, cũng là em đấy ạ”. Nhờ cái truyện ngắn Đường chân trời mà anh không phải ngủ ở Bến Nứa nữa, nhờ văn chương mà anh được đón tiếp nồng hậu… Để rồi sau đó anh không dạy toán ở Đại học Sư phạm Vinh nữa, rẽ sang làm báo, làm biên tập văn xuôi ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. 

Có lần anh Triệu Bôn ra đảo Sủ Vàng ở Cồn Vành tỉnh Thái Bình. Khi nghe trong đoàn công tác có nhà văn Triệu Bôn, mấy cậu trồng phi lao ở đảo đã tranh nhau đi xem mặt nhà văn, vì họ đã mê tác phẩm của nhà văn qua chương trình Đọc truyện đêm khuya trên đài Tiếng nói Việt Nam. Họ cõng anh từ bờ ra thuyền lớn để “nhà văn khỏi lội biển ướt quần”. Thời đó được làm nhà văn nổi tiếng oách thế đấy. Tôi nhớ lại chuyện này rồi nhớ lại cảnh cõng chồng đi bệnh viện với bao cám cảnh tủi buồn trong ba năm. Lủi thủi cô độc, không san sẻ được với ai. Ngày cuối cùng bên anh, sau dài dặc những ngày đưa anh vào viện như cơm bữa, sẽ mãi nằm lại trong tôi như một niềm ám ảnh. 

Cầu thang Nhà số 4 gỗ lim, sạch bong, đen bạc, nơi in bao dấu chân nhà văn mặc áo lính. Có bận nhà thơ Thanh Tịnh chun mũi, cho tay lên miệng thổi một điệu khèn diệu vợi dọc hành lang, ông gọi đó là điệu khèn châu Phi. Khi đó nào ai đã đến châu Phi, nào ai đã nhìn thấy dàn nhạc chơi ở châu Phi ra sao, nhưng anh em Nhà số 4 ai cũng tin bác Thanh Tịnh thổi điệu khèn… của châu Phi rất tuyệt! “Lão Khúng”, nhà văn Nguyễn Minh Châu, thì hút thuốc lào lọc xọc ở chỗ gần cây đại già, ngồi chán lại lên phòng đóng cửa viết tiếp. Anh Nguyễn Trọng Oánh thì dù bận mấy cũng phải làm cho được nồi thịt lợn kho tàu thật nhừ thật ngon, để ăn lấy sức mà viết. Phòng của ông nhà văn đồ Nghệ còn rất hay có lạc đỏ từ quê gửi ra. Anh Triệu Bôn và anh Nguyễn Trọng Oánh có chung một chìa khóa mở được vào phòng của nhau. Hôm anh Oánh vắng nhà, Triệu Bôn bảo tôi sang “xin” anh Oánh một bò lạc về rang đãi rượu khách. Chuyện đó ngỡ chẳng có gì, ai ngờ khi anh Oánh ốm, nằm ở Bệnh viện 108, Triệu Bôn đã đưa tôi vào thăm để được xin lỗi anh Oánh chuyện hôm xưa mình xui vợ sang xúc bò lạc mà không xin phép anh. Anh Oánh nghe chuyện phì cười: “Đến chơi cờ tôi còn chấp ông một con xe kia mà”. 

Vào cuối năm 1979, khi viết xong cái truyện ngắn về cuộc chiến ở biên giới phía bắc tỉnh Lạng Sơn, tôi đến tòa soạn Văn nghệ Quân đội gửi. Anh Triệu Bôn nhận bản thảo đọc xong chỉ cười. Anh cười lâu, mặt đỏ tái. Lúc đó, một người viết văn ngơ ngác như tôi không hiểu vì sao người biên tập lại cười lâu như vậy. Nhìn Triệu Bôn cười, tôi rất xấu hổ, chỉ muốn có cái lỗ chui xuống đất cho xong. Về sau anh Bôn bảo: “Em không viết về chiến đấu, về bom đạn được đâu”. Lại cười ngất. Nhìn anh cười tôi chỉ biết cúi gằm mặt.

Rồi số phận đã để phần cho tôi. Một chiều heo may, sau buổi đi học về, tôi lên Nhà số 4 gửi bản thảo viết tay. Gõ cửa phòng biên tập, không thấy có tiếng người. Một phản xạ rất quen của con người ta là dùng tay vặn thử nắm đấm xem cửa có khóa không. Cửa bật mở. Tôi giật mình nghe thấy tiếng cạch, khô khốc vang lên trên sàn gỗ. Thì ra viên đạn trên tay Triệu Bôn đang định lắp vào súng ngắn thì rơi xuống sàn. Hồn nhiên nghĩ là anh đang lau súng nên tôi cúi xuống nhặt hộ viên đạn. Lúc ngẩng lên, thì thấy mặt Triệu Bôn thất thần, thờ thẫn. Như cái cây chờ đổ, anh vòng tay ôm sau lưng tôi, hơi thở dồn dập: “Em vừa kéo anh thoát khỏi địa ngục, thật đấy!”. Tôi ngơ ngác không hiểu, hỏi lại “Địa ngục gì?”, nghĩ chắc lau súng khiến anh nhớ lại cảnh máu đổ của đồng đội ở chiến trường... Không nói gì rất lâu. Người anh vã mồ hôi. Rồi anh đi đun nước để pha trà. Chi tiết viên đạn rơi trên sàn gỗ phải rất nhiều năm sau, khi anh đã thành người thiên cổ, đọc những trang nhật kí của anh tôi mới vỡ lẽ phút giây đó anh rất muốn tự sát. Và tôi đã đến sớm hơn một tích tắc… Ngày ấy, mới ngoài hai mươi tuổi, nông nổi, ngây ngô, tôi chưa hiểu hết tính chất nghiêm trọng của giây phút tuyệt vọng của một người lính như anh… 

Một lần khác lên gửi bài cho tạp chí, tôi chạm trán một mâm cơm toàn rau muống luộc. Lõng bõng mấy quả cà, và đĩa dưa muối còn xanh. Cơm độn sắn và khoai khô. Nghe nói nhà thơ Phan Quế, nhà văn Phạm Ngọc Chiểu hay mua giúp hàng bao tải khoai, sắn khô chuyển từ Hoà Bình về Hà Nội cho anh.

Mỗi khi đến Nhà số 4, tôi luôn phải nín thở, phải nhón chân, không để cho chiếc guốc nhựa vang ra tiếng động trên cầu thang gỗ. Vì giữ cho anh, vì tôn trọng giờ nghỉ ngơi cũng như giờ làm việc của đồng nghiệp của anh. Có lần tôi còn kẹp nách đôi guốc nhựa và nhón chân đi đất. Được ngồi bên nhau, có khi chỉ ăn một mảnh cơm cháy ở bếp tập thể và nói vu vơ dăm ba câu chuyện văn chương, thích lắm.

Tôi nhận ra, khi nói chuyện với nhau, các nhà văn mặc áo lính rất kiệm lời. Họ hay để những khoảng im lặng kéo dài, giữa những khoảng đó là chuyện văn, chuyện đời, chuyện trận mạc những năm từ Mậu Thân 1968 đến 1971, hồi các anh làm báo Văn nghệ Quân giải phóng. Chuyện cái ngày đi câu cá gặp con suối đầy màu trắng sữa đùng đục, mấy ngày, mấy tháng sau những trận rải thảm chất độc da cam vẫn còn nghi ngút trong rừng. May thay cái chất màu trắng nhờ nhờ ấy chưa quật ngã các anh. May thay cái chất kinh hãi ấy cũng không chạm đến số phận con cái của họ. Nhưng không thể không nói đến cuộc chiến rất khốc liệt ở Trường Sơn mà họ đi qua. Một cuộc chiến mà ba chiếc võng dù mắc thành một hình tam giác. Một viên bom bi từng phạt ngang chiếc biđông đổ hết nước ngọt trên cánh võng của anh Oánh, mảnh bom lớn sau nữa cắt phăng hai đầu võng, hất tung anh Nam Hà và anh Triệu Bôn xuống giao thông hào. Lúc hai người lồm cồm bò lên, thì ôi thôi cái võng đã tan ra trăm mảnh, vương trên cái cây cũng xám trụi màu chì. Sau này không ai tả dữ dội về chiến trường, với không gian sống động, đầy bi tráng như nhà văn Nguyễn Trọng Oánh. Anh Triệu Bôn nhận xét, anh Oánh chậm chạp, mắc võng cũng chậm chạp, quan sát cũng chậm chạp như viết. Trên trang bản thảo, anh Oánh viết chữ rất đẹp, rất chân phương. Ít khi gạch xóa. Một khi người viết nghĩ rất kĩ mới viết thì máu và nước mắt đã như chan vào chữ nghĩa của họ rồi…

Tôi vẫn nhớ chiếc cửa sổ cũ kĩ, cái ánh sáng mờ mờ hắt ra khi chập tối, khi Triệu Bôn có nhà, khi anh cởi trần mặc chiếc quần đùi cỏ úa ngồi viết. Không thể tính hết những bài báo anh Triệu Bôn viết theo đơn đặt hàng để nuôi mấy đứa con ăn học. Nghèo xác xơ, mà khổ cũng xác xơ. Triệu Bôn từng triền miên hấp rau muống và mì đen rồi ăn chay tới hai ba ngày liền chỉ để ngồi viết. Nhìn những bữa ăn đạm bạc này tôi không thể không xót xa, không thể không u uẩn nghĩ về đời sống vật chất của một người cầm bút. Tôi thường giúp anh nấu một bát mì có thêm vài quả cà chua hoặc có thêm ít ngọn rau cải, hay một bát súp rau nêm gói nhỏ mì chính. Lại có bữa xào mì với vài miếng thịt ba chỉ để anh được “cải thiện”. Nhiều năm anh Triệu Bôn từng chịu nhịn miệng buộc bụng, để dành cả suất cơm trắng ở bếp tập thể, đem phơi khô rồi gói lại gửi về cho con nhỏ ở quê nhà rang lên ăn dần…

Tiểu thuyết Đèo mưa bay anh Triệu Bôn viết trong mười lăm ngày. Tập bút kí Nơi xa 21 giờ bay anh viết trong một tuần. Viết từ sớm đến tối khuya. Tôi cũng bắt đầu ý thức được lao động cực kì khổ nhọc của nhà văn từ những năm 1980, khi anh Nguyễn Trọng Oánh viết Đất trắng, anh Triệu Bôn viết Sao chiếu mệnh bay lạc, Một phút và nửa đời người. Gắn bó với anh Triệu Bôn là gắn bó với sự xa cách, sự đam mê đi, và khi anh trở về là thời gian anh dính chặt người trên bộ bàn viết.

Triệu Bôn viết trên tàu chợ, viết dưới ánh sáng lờ nhờ của toa xe. Triệu Bôn viết trên chiếc chuồng gà ở Son Bá Mười, viết ở Pù Luông, viết ở miền Bá Thước… Hiếm có ai yêu quê và nặng lòng với quê như anh. Truyện ngắn Đêm đuốc máu, tiểu thuyết Cơn co giật của đất, các truyện ngắn Họa văn chương, Tung bay dải yếm lụa đào… đều mang hình bóng mẹ anh, hình bóng quê hương anh, một làng cổ Bôn, tường đá cao, ao sâu, của nửa cuối thế kỉ XX.

Những trang tiểu thuyết Gã đau đời Triệu Bôn viết để dành tặng anh Thu Bồn. Sau lần tặng sách, Thu Bồn đọc xong liền gọi Triệu Bôn đi uống rượu. Về đến nhà rất khuya. Anh Bôn nói với vợ: “Anh thương Thu Bồn lắm! Thu Bồn nói thế này, tao đã yêu nhiều đàn bà, đàn bà có tài như cô T, xinh đẹp như cô Đ, tốt nết như bà T cũng không chịu nổi tao, và rồi đến nàng X diễn chèo vừa đi ra khỏi đời tao. Bôn, mày biết không?”. Khi sang bên trời Nga trở về, Thu Bồn vào phòng Triệu Bôn khóc rống lên như đứa trẻ bị đòn roi. Nhà số 4 là chứng nhân cho phút giây hai người lính từng trải qua bao nhiêu trận mạc, khóc như đứa trẻ. Khóc chán thì họ rủ nhau đi tắm, tắm lông nhông ở tầng một Nhà số 4.

Tôi thường kiên nhẫn nghe anh Triệu Bôn kể chuyện. “Này, em nên chịu khó nghe, nghe khó đấy. Nghe nhé, nhà văn là phải biết nhẫn để nghe, phải biết nghe thì may ra sau này em mới viết văn được” - anh nói.
Sau này nhà văn Triệu Bôn sang làm ở Báo Người Hà Nội rồi Tổng biên tập Tạp chí Du lịch Việt Nam. Đời một người lính không gắn sao trên cổ áo lại gập ghềnh ở một nhẽ khác. Nhưng anh luôn mong ước “vợ anh đừng bỏ cuộc, đừng bỏ viết”. 

Gốc đại già vẫn thầm thì ra rễ bám chắc lòng đất và sinh sôi cả trên thân cây. Cây như chứng nhân cho bao nhiêu chuyện văn chuyện đời của những thế hệ người lính cầm bút ở Nhà số 4.
H.V.H

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)