Hình tượng Bác Hồ trong tranh Lê Huy Tiếp

Thứ Tư, 28/08/2019 10:20

Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày về với “thế giới người hiền” nhưng Bác vẫn luôn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam nói chung, các thế hệ họa sĩ Việt Nam nói riêng. Các họa sĩ thuộc thế hệ gạo cội, những cây đa, cây đề trong làng mĩ thuật Việt Nam, thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ hay những họa sĩ trẻ sinh ra trong hòa bình đều tìm thấy ở Bác nguồn cảm hứng sáng tác bất tận. Những người yêu hội họa nước nhà hẳn còn nhớ những tác phẩm của các danh họa vẽ Bác như Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ phủ 1946 - sơn dầu của Tô Ngọc Vân, Hồ Chủ tịch 1946 - mực nho trên giấy của Nguyễn Đỗ Cung, Bác Hồ với ba cháu thiếu nhi Trung Nam Bắc - tranh bằng máu của Diệp Minh Châu… Và họa sĩ Lê Huy Tiếp là một trong số những họa sĩ say mê với đề tài Bác Hồ, có những sáng tác ấn tượng về Bác.
Bức tranh đầu tiên Lê Huy Tiếp vẽ Bác là bức Chủ tịch Hồ Chí Minh trước bản đồ chiến dịch (sáng tác năm 1979). Chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, Lê Huy Tiếp trầm ngâm nói về những “hiểu nhầm”, những “xôn xao này nọ” của nhiều người khi lần đầu tiên thấy một bức tranh thể hiện hình ảnh Bác Hồ… đang cầm điếu thuốc lá trên tay. Ông bộc bạch ý đồ vẽ bức tranh chỉ nhằm diễn tả, tái hiện sự lo âu, suy nghĩ của Người khi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang trong giai đoạn căng thẳng, quyết liệt nhất. Hình ảnh tay phải cầm điếu thuốc, khói thuốc tỏa trên gương mặt làm rõ nét đăm chiêu, tư lự của Người trước những biến động to lớn của đất nước. Vì là tranh in (in đá) nên độ đậm nhạt cũng được thay đổi dựa theo chất liệu sử dụng. Chỗ mực được in đen đặc, chỗ lại lốm đốm lưa thưa khoảng sáng càng làm rõ, sáng chân dung và thần thái của Bác.
Trong loạt tranh về Hồ Chủ tịch, cũng với chất liệu in đá, cùng năm 1979, Lê Huy Tiếp cho ra đời tác phẩm in bằng bốn bản đá tách màu có tên Ngày lễ. Bức tranh mang lại cho người xem cảm giác dịu dàng, nhẹ nhàng với gam màu dịu mát. Trên bàn là những đồ vật được chuẩn bị cho một ngày lễ: bức chân dung Bác Hồ thời trẻ, một lẵng hoa hồng đẹp, một tờ báo Văn nghệ quen thuộc của mỗi gia đình khi ấy, những quả cam đang dần chín và một lá thư còn chưa kịp bóc tem. Tất cả đều thật gần gũi, quen thuộc, là những đồ vật rất dễ gặp trong mỗi gia đình. Phía nền sau, tác giả giải quyết bố cục rất rõ ràng chia nửa, một bên là đôi nam nữ đang nắm tay nhau chạy trên bờ biển và bên cạnh là chú hạc trắng hiện trên nền đen. Hai hình ảnh đó đặt cạnh nhau, hỗ trợ cho nhau với thông điệp mang ý nghĩa về hoà bình. Tác giả lựa chọn hình ảnh Hồ Chí Minh thời trẻ chứ không phải quãng thời gian về già trong tác phẩm như muốn ngầm nói đến những hi vọng mới mẻ, trẻ trung sẽ đến, sẽ được dựng xây khi hòa bình lập lại.

Kỉ vật 2 (Sơn dầu trên vải, năm 2015)

Nhắc đến Lê Huy Tiếp không thể bỏ quên thể loại tranh sơn dầu đã làm nên tên tuổi của ông. Ở thể loại này, ông cũng có những sáng tác đáng chú ý về Bác như hai bức Kỉ vật 1, Kỉ vật 2. Bức Kỉ vật 1 sáng tác năm 2010 trong sự hưởng ứng cuộc sáng tác về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Cục Mĩ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức. Kỉ vật 1 có bút pháp thể hiện mới. Không vẽ hình ảnh cụ thể về Bác hay chân dung sát cảnh như những bức tranh quen thuộc trước đó, hoạ sĩ chỉ gợi về Bác qua hình ảnh những đồ vật, vật dụng đơn giản gần gũi theo bút pháp “tả mây nảy trăng”. Ở Kỉ vật 1, đôi dép cao su đã mòn được miêu tả chân thực nhất có thể. Nếu để ý kĩ sẽ thấy dép bên chân trái có một vết mòn, in lõm hình ngón chân áp út cho thấy đôi dép đã bao bọc đôi chân trèo đèo lội suối, chinh chiến trên cả quãng đường thật dài qua nhiều năm. Trong tranh, đôi dép được hoạ sĩ vẽ với chiều dài gần 65 cm, khá to làm chủ đạo, chiếm 1/2 diện tích, được đặt trên nền sỏi đá chông gai, gập ghềnh. Nền sau đỏ rực biểu hiện chiến tranh gian khổ suốt hai thời kì chống Pháp, chống Mĩ. Màu đỏ còn là màu máu, màu của ngọn cờ cách mạng. Con thuyền ở xa tuy nhỏ nhưng người xem vẫn nhận thấy chiếc thuyền đơn sơ không hề được gắn thiết bị máy móc. Nó là thuyền đơn bằng gỗ, con thuyền của sự vất vả cô độc, khi cả đời đi tìm chân lí tự do.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trước bản đồ chiến dịch (sáng tác năm 1979)

Năm năm sau, hoạ sĩ lại vẽ tiếp Kỉ vật 2 là dấu gạch nối, viết tiếp câu chuyện cho Kỉ vật 1 về đề tài Bác Hồ. Để vẽ bức tranh này, Lê Huy Tiếp đã phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi để lấy tư liệu. Hình trong tranh là chiếc giường đơn, gối đơn, mũ cát màu vàng nhạt, chiếc gậy baton, thể hiện nỗi đơn côi, lẻ bóng lúc về già của Người. Trái hẳn gam màu nóng nực ở Kỉ vật 1, Kỉ vật 2 mang lại cho người xem một không gian tươi mát với cánh đồng lúa chín rực rỡ, sông núi hiền hòa, thanh bình trong tiết trời dịu mát. Góc bên phải, lá cờ đỏ bay phấp phới trong gió bình yên với một tiết trời đẹp. Có thể nói, với cái nhìn của chủ nghĩa hiện thực lãng mạn pha lẫn yếu tố siêu thực và bằng kĩ thuật vẽ sơn dầu nhuần nhuyễn, Lê Huy Tiếp đã cho ra đời những tác phẩm sơn dầu độc đáo về Bác.
Những bức tranh của họa sĩ Lê Huy Tiếp về Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhiều nhưng đó là những giá trị quý báu đối với tác giả và công chúng yêu nghệ thuật. Người yêu tranh đã không ngần ngại bỏ ra một số tiền lớn để được sở hữu chúng. Cả bốn bức tranh trên nay đều đã thuộc về các nhà sưu tập. Đặc biệt, bức Kỉ vật 2 nằm trong bộ sưu tập của một nhà sưu tập vô cùng tâm huyết, yêu thích các tác phẩm nghệ thuật về đề tài Bác Hồ. Nhà sưu tập này còn xây dựng một phòng tưởng niệm riêng về Bác với rất nhiều đồ vật có giá trị. Những điều này đã nói lên tình yêu của họa sĩ Lê Huy Tiếp nói riêng và công chúng yêu tranh nói chung đối với đề tài Bác Hồ
Đ.T.T.T

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)