Giải pháp hòa bình của Bác Hồ và bài học cho hôm nay

Thứ Tư, 22/03/2023 08:25

. HOÀNG XUÂN TUYÊN
 

Năm 1946 đi thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra giải pháp hòa bình là nước Pháp phải tôn trọng quyền độc lập của Việt Nam: “Trong khi chưa được gặp Chính phủ Pháp, tôi có dịp đi thăm một vùng nước Pháp, trông thấy phong cảnh tốt tươi, xét rõ nhân tình phong tục. Tôi đã ở qua xứ Basque. Dân ở đó tuy giữ trọn tiếng nói, văn chương và phong tục của họ, nhưng họ vẫn tự hào là dân Pháp. Các tỉnh Pháp khác nhau nhiều, nhiều đến nỗi làm cho thế giới lạ lùng, nhưng sự khác nhau đó không ngăn trở nước Pháp là một nước thống nhất. Mai sau, Liên bang Pháp quốc tụ họp những dân tộc tự do và khác nhau, sẽ làm cho thế giới ngạc nhiên về sự đoàn kết và thống nhất của nó”[1].

Phải đặt đoạn văn này (trong Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch trong bốn tháng sang Pháp do Đ.H viết, ngày đầu tiên được ghi trong Nhật ký là ngày 31/5/1946, ngày cuối cùng được ghi là ngày 11/8/1946) vào hoàn cảnh lịch sử: Tháng 5/1946 Hồ Chủ tịch dẫn đầu đoàn đại biểu nước ta sang Pháp ký Tạm ước 14/9. Mục đích của ta là “quyết đòi độc lập, quyết đòi thống nhất, nhưng quyết định ở trong khối Liên hiệp Pháp”[2]. Đối chiếu với nội dung ví dụ trên chúng ta dễ thấy đó là lời nhắc khéo, ngầm một ý phê bình chính phủ Pháp: “xứ Basque. Dân ở đó tuy giữ trọn tiếng nói, văn chương và phong tục của họ, nhưng họ vẫn tự hào là dân Pháp”, thế thì Việt Nam cũng như dân xứ Basque, Việt Nam sẽ được là một nước trong khối Liên hiệp Pháp, và “Liên bang Pháp quốc tụ họp những dân tộc tự do và khác nhau, sẽ làm cho thế giới ngạc nhiên về sự đoàn kết và thống nhất của nó”. Xin giới thiệu lời Bác trả lời phỏng vấn về cuộc đấu tranh chống Mỹ của dân tộc ta để làm rõ giải pháp này.

Hỏi: Chúng ta phải hiểu những luận điệu của Mỹ và những nước đế quốc khác về việc lập lại hoà bình ở Việt Nam và về những cuộc thương lượng với Việt Nam như thế nào? Muốn cho các cuộc thương lượng đó có hy vọng thắng lợi thì cần phải có những điều kiện tiên quyết gì?

Trả lời: Đế quốc Mỹ rất dã man và quỷ quyệt. Một mặt chúng rêu rao “hoà bình”, một mặt chúng gấp rút xây dựng thêm nhiều căn cứ quân sự, phái thêm nhiều quân đội vào miền Nam, tăng cường ném bom, bắn phá ở miền Bắc. Giọng lưỡi “đàm phán hoà bình” của chúng quyết không lừa bịp được nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới…

Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hoà bình, nhưng hoà bình không thể tách rời độc lập dân tộc. Nhân dân Việt Nam biết rằng muốn có hoà bình thật sự thì phải có độc lập thật sự; và đấu tranh cho độc lập dân tộc tức là đấu tranh bảo vệ hoà bình. Nhân dân Việt Nam quyết không dung thứ cho bọn xâm lược Mỹ phá hoại hoà bình, giày xéo lên độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình…”[3].

Xin được rút ra bài học sau: nếu người trả lời phỏng vấn là một chính khách thì trước hết phải có một lập trường hết sức vững vàng, phải hiểu biết sâu sắc lĩnh vực mình quan tâm. Phải rất chú ý đến cách hỏi “chơi khăm”, “gài bẫy” của người hỏi. Ví dụ này là câu hỏi của phóng viên nước ngoài, (báo Nước Đức mới ngày 2/9/1965), phần đầu câu hỏi được Người trả lời rõ ràng đanh thép nêu bật quan điểm về giải quyết hoà bình ở Việt Nam là Chính phủ Mỹ phải thi hành đúng Hiệp định Giơnevơ năm 1954… nhưng trên thực tế thì trái lại, Mỹ nói hoà bình nhưng tăng cường ném bom, bắn phá… Phần hai của câu hỏi là một sự “gài bẫy”, người hỏi làm như vô tình thừa nhận một sự thật đã rồi: “Muốn cho các cuộc thương lượng đó có hy vọng thắng lợi thì cần phải có những điều kiện tiên quyết gì?”, cứ như là sẽ có “các cuộc thương lượng đó”. Nếu người trả lời lại nói thẳng vào vấn đề “có” hoặc “không” thì hoặc sẽ “mắc bẫy” hoặc sẽ “non tay”, mà phải như Bác, “tương kế tựu kế” lấy đó là một dịp để bày tỏ quan điểm: “Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hoà bình, nhưng hoà bình không thể tách rời độc lập dân tộc… quyết không dung thứ cho bọn xâm lược Mỹ phá hoại hoà bình, giày xéo lên độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình…”

Như vậy vị thế người nói là rất quan trọng, phải là phát ngôn của một nhân vật có ảnh hưởng tới dư luận, có tác dụng định hướng bạn đọc theo chiều hướng có lợi cho chủ thể phát ngôn. Đoạn trích dưới đây, đúng là không thể ai khác, mà chỉ có người ấy nói mới có giá trị trước công luận thế giới: “Xin bà con lắng nghe câu nói này: “22 năm công tác ở Viễn Đông, tôi thấy rất rõ rằng: chế độ thực dân là xây dựng trên chiến tranh. Nó nhờ chiến tranh mà sống. Nó còn thì cứ còn chiến tranh. Cách tốt nhất để chấm dứt chiến tranh là:

- Nhận Trung Quốc vào Liên hợp quốc;

- Quân ngoại quốc phải rút khỏi Triều Tiên;

- Quân Anh phải rút khỏi Mã Lai;

- Quân đội Pháp phải rút khỏi Việt Nam”.

Người cộng sản nào nói như vậy? Thưa không. Đó không phải là người cộng sản nào nói, mà chính là lời một vị lãnh tụ công giáo, Giám mục Enđicốt (Endicot) người Gia Nã Đại, nói trước Đại hội hoà bình thế giới hôm 24-2-51”[4]. Tôn giáo luôn là một vấn đề nhạy cảm, thường bị bọn thực dân đế quốc lợi dụng để mỵ dân, lừa bịp dư luận… Tác giả đã chọn một phát ngôn đích đáng của một nhân vật đích đáng, đó là “lãnh tụ công giáo, Giám mục Enđicốt (Endicot) người Gia Nã Đại”, nói ở một nơi đích đáng là “trước Đại hội hoà bình thế giới hôm 24-2-51”. Công giáo với thực dân vốn trước đó “tuy hai mà là một” nay thực dân bị vạch trần bộ mặt chiến tranh bởi chính “người bạn đường” thì chỉ có cách xấu hổ mà… chui xuống đất!

Nói đến khoa học là muốn nói tới sự chính xác, chọn một nhà khoa học, lại là khoa học chính trị thì sự chính xác về chính trị càng được củng cố, tác giả để cho người kể chuyện là “một vị giáo sư triết học”: “Bà Phintơn (Filton) là một vị giáo sư triết học người Anh. Hồi tháng 6, bà cùng đoàn đại biểu Phụ nữ Dân chủ Quốc tế sang thăm Triều Tiên.

Khi trở về nước, bà đã trình bày trước dân Anh những tội ác của quân đội Mỹ và Anh ở Triều Tiên, với những chứng cớ rõ ràng. Dân chúng Anh rất căm tức Chính phủ Anh và gây nên phong trào đòi quân đội Anh rút khỏi Triều Tiên.

Chính phủ phản động Anh thấy vậy, bèn cách chức giáo sư của bà, vu cho bà phạm tội phản quốc và toan đưa bà ra trước toà án. Nghe tin ấy, dân chúng Anh càng căm tức Chính phủ, và quyết ủng hộ bà Phintơn.

Bà Phintơn nói: “Chính phủ Anh cách chức giáo sư của tôi, song không thể cách chức làm người của tôi. Họ có thể cúp tiền lương của tôi, song không thể ngăn trở tôi nói thật”. Cả một đế quốc xưng hùng xưng bá, mà sợ một người đàn bà nói thật. Uy quyền của phản động là như thế”[5]. Đối tượng cười ở đây là “Chính phủ phản động Anh”: hèn hạ cách chức một giáo sư; tráo trở, gian dối vu tội cho một công dân không có tội. Người kể đã rất có ý thức đối lập hai hình tượng: một người đàn bà và cả một chính phủ, trên cơ sở đó, lời bình luận mỉa đưa ra thật đắc địa: “Cả một đế quốc xưng hùng xưng bá, mà sợ một người đàn bà nói thật. Uy quyền của phản động là như thế”. Những tư tưởng hòa bình vì hạnh phúc nhân loại luôn gặp gỡ nhau. Soi tư tưởng ấy của bà Phintơn vào giải pháp hòa bình mà Hồ Chí Minh tuyên bố với thế giới sẽ thấy đó là chân lý: “Nhân dân Việt Nam rất muốn có hòa bình để xây dựng đất nước. Nhưng muốn có hòa bình thật sự thì phải có độc lập thật sự. Vấn đề rất rõ ràng: đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược. Đế quốc Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc; phải đình chỉ xâm lược miền Nam; phải để cho nhân dân Việt Nam giải quyết lấy công việc của mình như Hiệp định Giơnevơ quy định. Như vậy thì hòa bình sẽ trở lại ngay”[6]. Đây là một định nghĩa về “Hòa bình” với ba yếu tố cấu thành: độc lập thật sự; không có quân đội nước ngoài chiếm đóng; tự giải quyết công việc của mình.

Bài học về giải pháp văn hóa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là gì? Đó là bất luận trong bất cứ hoàn cảnh nào thì kẻ xâm lược phải rút khỏi đất nước có chủ quyền bị xâm lược, phải tôn trọng quyền độc lập của dân tộc đó, quyền tự do, mưu cầu hạnh phúc của nhân dân nước đó. Vấn đề này mang tầm phổ quát chung cho cả thế giới, cả nhân loại, hôm qua và hôm nay.

H.X.T


[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Nxb Chính trị Quốc gia 2022, tr 401.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 465.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 615.

[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 118.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7. Sđd, tr 111.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14. Sđd, tr 665.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)