Anh bộ đội Cụ Hồ, biểu trưng của bản lĩnh và nhân cách văn hóa Việt Nam

Thứ Bảy, 02/07/2022 00:54

. BÙI VIỆT THẮNG

Nhân cách, vì sao là vấn đề cần quan tâm?

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989) trong sáng tác của mình đã nỗ lực tìm tòi nghệ thuật và thể hiện thành công vấn đề nhân cách con người nói chung, người chiến sĩ nói riêng (anh bộ đội Cụ Hồ). Ông coi Nam Cao là bậc thầy văn chương của mình trên con đường thiên lí nghệ thuật: “Thật thế, cuối cùng, ta có thể nói rằng cả một đời cầm bút của Nam Cao cứ đau đáu nhìn vào cái nhân cách. Cái sự săn đuổi chính mình đầy ráo riết cũng chính là sự săn đuổi cái nhân cách con người ta nói chung. (...) Văn chương Nam Cao làm người ta “mệt” vì thế, vì những dòng văn xuôi của ông như một sợi dây thừng cứ bện lấy chúng ta, không cho phép một ai trong chúng ta rời khỏi chính mình, quay lưng lại với phần lương tâm nhân cách của chính mình, hoặc tự nhìn mình bằng con mắt bông phèng hoặc nửa vời, để có thể sống vô trách nhiệm, buông thả.”(1) Lộ trình sáng tác của nhà văn Nguyễn Minh Châu (đặc biệt giai đoạn sau 1975) đã chứng minh thực tế cuộc tìm kiếm khó khăn để tiệm cận chân lí nghệ thuật. Những đóng góp không nhỏ của nhà văn Nguyễn Minh Châu vào phong trào đổi mới văn học nước nhà đã tôn vinh ông vào vị trí xứng đáng - “người mở đường tài năng và tinh anh”, “dấu chân mở đường”.

Năm 2015, Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Văn học nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam”. Có thể thấy, vấn đề “nhân cách” đang là điểm nóng, cốt lõi của văn hóa, vì tột cùng văn hóa là con người. Khi nói văn hóa đang có dấu hiệu xuống cấp, cũng có nghĩa là vấn đề nhân cách đang đặt ra cho toàn xã hội những yêu cầu, giải pháp kịp thời, triệt để trong công cuộc chấn hưng các giá trị tinh thần - đạo đức.

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (11/2021), văn hóa được đề cao là “hồn cốt dân tộc”, là một trong bốn trụ cột kiến tạo đất nước (chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội), là sức mạnh nội sinh phát triển và đổi mới cộng đồng quốc gia, dân tộc. Nói đến phát triển văn hóa là nói đến nhiệm vụ xây dựng con người có nhân cách văn hóa, hoạt động trong môi trường văn hóa lành mạnh.

Khơi nguồn truyền thống

Cách gọi (như một thuật ngữ, khái niệm) “văn nghệ bộ đội” xuất phát từ sự kiện văn học trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) - Hội nghị văn nghệ bộ đội (được tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc, từ 9/4 đến 14/4/1949, dưới sự chủ trì của đồng chí Văn Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng). Một đại biểu Nam Bộ - ông Lương Văn Trọng - đã phát biểu: “Quân đội không có văn nghệ, như hoa đẹp mà không thơm, quả ngon nhưng không bổ. Chúng tôi tin tương lai quân đội Việt Nam, rồi đây sẽ hùng và đẹp, không ai dám chê là lính tráng thô thiển, và thiết tha mong văn nghệ lan tới miền Nam, đất đàn em, để toàn dân phối hiệp gươm súng và văn nghệ đánh bật địch ra khỏi đất nước.”(2) Văn nghệ bộ đội với lực lượng viết trẻ khỏe như Trần Đăng, Quang Dũng, Hồ Phương, Siêu Hải, Vũ Tú Nam, Nguyễn Khải, Từ Bích Hoàng, Minh Huệ, Hoàng Lộc, Minh Tiệp, Thôi Hữu, Chính Hữu, Hồng Nguyên, Hữu Loan, Yên Thao, Minh Lộc, Nguyễn Khắc Thứ... đã thực sự làm cho văn học khởi sắc với lối viết “áp sát đời sống”, tác phẩm mang hơi thở “ròng ròng sự sống”. Không phải đến bây giờ, khi chúng ta nói trực tiếp về vấn đề vai trò của văn học nghệ thuật góp phần xây dựng bản lĩnh và nhân cách người chiến sĩ, mà ngay những ngày đầu khi hình thành “văn nghệ bộ đội”, mỗi nhà văn đều đã có ý thức sâu sắc viết tác phẩm là một cách góp vào nhiệm vụ xây dựng đời sống tinh thần của người chiến sĩ. Trường hợp nhà văn Hồ Phương viết truyện ngắn Thư nhà (1949) là một ví dụ. Nhân vật chiến sĩ Lượng trong truyện đã nén nỗi đau riêng (khi Chi, người yêu ở quê nhà, bị quân Pháp hãm hại) để hoàn thành nhiệm vụ của người lính và động viên, nâng đỡ người thân bước qua hoạn nạn. Đó chính là tính cách Việt - rộng lượng và cao thượng, bản lĩnh và nhân cách. Ở đây bản lĩnh dựa trên nhân cách, hay nói cách khác nhân cách tạo nên bản lĩnh sống của người lính khi anh nhận thức thấu triệt về “nỗi khổ này không của riêng ai”. Theo hồi ức của nhà văn Hồ Phương thì: “Anh Tưởng cho biết Hội đang chuẩn bị ra số đặc biệt để tung vào Hà Nội. Truyện ngắn của tôi in vào số này rất hợp. Vì thế các anh quyết định rút bớt bài để đưa Thư nhà vào.”(3) Số tạp chí Văn nghệ có đăng truyện Thư nhà của Hồ Phương khi “lọt” vào nội thành (Hà Nội) đã củng cố cái nhìn cởi mở, thấu cảm của nhân dân vùng tạm chiếm với đời sống và con người kháng chiến, không còn “chê lính tráng là thô thiển”.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1955 - 1975), văn nghệ bộ đội đã thực sự trưởng thành vượt bậc. Lực lượng hùng hậu, kinh nghiệm nghệ thuật được bồi đắp dồi dào. Người viết văn đến từ chiến tranh. Họ là những nhà văn thuộc nhiều thế hệ từ Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Phan Tứ, Xuân Thiều, Nguyễn Thi, Hữu Mai... đến Thu Bồn, Phạm Ngọc Cảnh, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Triệu Bôn, Đỗ Chu, Cao Tiến Lê, Chu Cẩm Phong, Vương Trọng, Thái Bá Lợi, Trần Huy Quang, Anh Ngọc, Thanh Thảo, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Trọng Tạo, Dương Hướng, Nguyễn Duy, Văn Lê, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy, Bảo Ninh... Thế hệ nhà văn chống Mĩ được hiện thực cuộc sống ưu đãi khi “ra ngõ gặp anh hùng”. Nhà văn Nguyễn Minh Châu viết tiểu thuyết Dấu chân người lính (1972) là để lí giải bằng hình tượng nghệ thuật một chủ đề tư tưởng quan trọng mang ý nghĩa thế hệ thanh niên thời đại chống Mĩ cứu nước - qua suy tư của nhân vật người chiến sĩ trẻ Lữ trong tác phẩm: “Phải từ giã hết, phải ném vào lửa hết, phải ném vào lửa bằng hết, tất cả mọi thứ sách vở và bản thân những thằng học trò như mình cũng cần phải ném vào lửa. Đấy, thằng thiếu niên mười sáu tuổi của mình đã nghĩ như vậy, không trù trừ và do dự gì hết.”(4)

 

Anh bộ đội Cụ Hồ - biểu trưng của nhân cách văn hóa Việt Nam thời đại mới

Bản lĩnh và nhân cách người chiến sĩ vẫn là chủ đề trung tâm của sáng tác văn học gần đây. Khúc bi tráng thứ tư là nhan đề bài phê bình của tôi (đăng trên báo Văn nghệ Công an) về tiểu thuyết Nậm Ngặt mây trắng (2019) của nhà văn Nguyễn Hùng Sơn. Tác phẩm đã nhận Giải thưởng (hạng B) văn học nghệ thuật 5 năm (2014 - 2019) của Bộ Quốc phòng. Vì sao một tác phẩm viết về đề tài “cũ” lại chiếm được cảm tình của ban giám khảo cũng như độc giả rộng rãi? Về hình thức, đây là một cuốn tiểu thuyết đề tài chiến tranh. Tất nhiên có chuyện đạn bom khói lửa, hi sinh mất mát. Trên mặt trận biên giới phía Bắc chống quân xâm lược suốt mười năm (1979 - 1989), đặc biệt mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang), năm 1984, người chiến sĩ đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng và ngã xuống vì chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc với khẩu hiệu “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” (câu khẩu hiệu được khắc trên báng súng của đồng chí Nguyễn Viết Ninh, Trung đội trưởng bộ binh đã hi sinh anh dũng). Ai đó ngây thơ (một cách cố tình) khi nghĩ và nói rằng, hòa bình có thể “xin - cho” thì hãy đọc lại những tác phẩm hay viết về chiến tranh cách mạng trong nhiều thập kỉ qua không hề hiếm hoi trên văn đàn như Đỉnh cao hoang vắng của Khuất Quang Thụy, Rừng đói của Nguyễn Trọng Luân, Chuyện lính Tây Nam của Trung Sỹ, Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn, Gió Thượng Phùng của Võ Bá Cường, Lửa sáng phía chân trời của Châu La Việt... sẽ thấm thía sự thật “máu người không phải là nước lã”.

Nhưng bản lĩnh và nhân cách của người chiến sĩ còn được thử thách và bộc lộ qua phần đời “phía sau người lính”. Ngay trong khói lửa chiến tranh, người chiến sĩ vẫn phải đương đầu với những éo le chuyện đời. Để tập trung cao độ sức mạnh chiến đấu, người lính phải vận hành bản lĩnh, trí thông minh và tinh thần thực tiễn để giải quyết những vấn đề đời sống thường nhật đặt ra nhiều áp lực. Nhân vật sĩ quan Vũ Ngọc Ngạn trong tiểu thuyết Nậm Ngặt mây trắng của nhà văn Nguyễn Hùng Sơn đã không may mắn khi hậu phương của mình không yên ổn. Người vợ vốn tình nghĩa tao khang đã có lúc chấp chới khi vắng chồng. Người lính ở chiến trường ruột như lửa đốt, lúc nào tâm tư cũng chia hai nửa bằng nhau - tiền tuyến và hậu phương. Nhưng vấn đề là phải giải quyết thấu tình đạt lí, không nghiêng ngả bên nào. Vì cuối cùng tổ ấm gia đình mới là cái níu giữ con người bền lâu nhất, hạnh phúc nhất. Không hề giản đơn khi Ngạn giải quyết êm thấm chuyện tình cảm vợ chồng để yên tâm công tác. Đây là cuộc chiến đấu với chính bản thân mình, khó khăn nhất với người chiến sĩ.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết: “Con người ta phải biết sống như một người anh hùng và biết sống như một con người bình thường.”(5) Đó cũng chính là hai mặt của một tờ giấy - bản lĩnh và nhân cách của con người chân chính nói chung, người chiến sĩ nói riêng. Anh có thể là một người anh hùng trong chiến trận, chiến thắng kẻ thù nơi chiến trường, nhưng rất có thể không chiến thắng được bản thân trong đời thường vì những cám dỗ và những cạm bẫy vô hình. Bởi vì, kẻ thù lớn nhất với mỗi người chính là bản thân mình. Đó chính là cấu tứ sâu sắc của thiên truyện Hai người trở lại trung đoàn (1977) của nhà văn Thái Bá Lợi, một tác phẩm từng chia đôi dư luận, có dư ba dài lâu. Thanh và Trí, hai nhân vật chính của tác phẩm, là một “cặp” nhân vật có tính phản đề, triết lí về nhân sinh. Thiên truyện cũng thể hiện sự thay đổi trong cái nhìn nghệ thuật của nhà văn về tính chất ngày càng phức tạp hơn của đời sống và con người.

Người chiến sĩ trước sau vẫn là người dám đương đầu với những khó khăn thử thách gay cấn nhất trong cuộc sống thời hậu chiến. Truyện ngắn Mùi thuốc súng của nhà văn Nguyễn Văn Thọ gần đây tạo tranh luận trong độc giả và giới phê bình. Motif truyện không có gì thật mới, nếu không nói là quen thuộc: người con trai khoác áo lính ra chiến trường, trước khi đi anh có một con gái với vợ. Nhưng chiến tranh là điều bất bình thường trong đời sống con người. Có đến cả chục năm, cha mẹ và vợ con người lính bặt tin người thân ruột thịt. Rồi cả hung tin bủa vây các thành viên gia đình. Người Việt Nam vẫn có xác tín về dòng giống. Vì thế nên cha đẻ anh đã có quan hệ với con dâu, sinh ra một đứa con trai. Anh đột ngột trở về không phải trong không khí vỡ òa niềm vui đoàn tụ mà là bi hài kịch khi anh nằm giữa một bên là con (gái) và một bên là em (trai), cả hai đều do vợ mình sinh hạ. Cha đẻ anh đã tự vẫn vì xấu hổ, vì lương tâm cắn rứt trước khi anh trở về. Vợ anh thì chỉ còn câm nín chịu đựng. Lối thoát tinh thần của người lính là chia tay với người vợ đã khiến anh mất đi một phần đời ý nghĩa, mang theo đứa con gái ruột trở lại miền đất xa nơi ngày trước anh chiến đấu, bị thương và được che chở cưu mang, gây dựng cuộc sống mới. Sau này anh còn tận tình giúp đỡ vợ cũ và đứa con trai riêng của cô ta. Nhan đề truyện có ý nghĩa tượng trưng: khi trở về từ chiến tranh, anh có mang theo một gói thuốc súng (như là một kỉ niệm thời đạn bom, đôi khi như “nghiện” cái mùi đặc biệt ấy). Nhưng trước lúc ra đi làm lại cuộc đời, anh đã ném gói thuốc súng ấy xuống sông. Một thái độ dứt khoát - từ bỏ, buông bỏ hận thù, sống hòa hiếu khoan dung với đời với người. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ là một người lính trận thực thụ (có dư chục năm chiến đấu ở chiến trường) trước khi cầm bút viết văn. Những gì được viết ra đều gan ruột, thành thật đến cháy bỏng.

Motif trên cũng được tái hiện trong tiểu thuyết Cánh đồng lưu lạc của nhà văn Hoàng Đình Quang (đã có dư 5 năm trận mạc), truyện ngắn Giọt nước mắt người lính của nhà văn Nguyễn Đăng An (là một sĩ quan công an). Tuy cách kết thúc tác phẩm có khác biệt nhưng tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm thì chung đúc: phải hóa giải hận thù, phải cố gắng san lấp những hố ngăn cách lòng do chiến tranh gây nên. Tất cả đều chung một “nỗi khổ không của riêng ai”, phải tìm mọi cách ngăn chặn chiến tranh.

 

Nhà văn cần được tiếp lửa

Trong tiểu luận Văn học, nghệ thuật ngày nay với sứ mệnh “cứu chuộc con người”, nhà văn Mai Nam Thắng đã lập luận thuyết phục: “Tình thế của cuộc chiến lúc này đòi hỏi người nghệ sĩ cũng phải dấn thân như thế hệ văn nghệ sĩ đi trước đã từng dấn thân trong kháng chiến giải phóng dân tộc; chấp nhận hi sinh và thiệt thòi, đôi khi cả xương máu và tính mạng. Trước hết, để văn học nghệ thuật làm được cái công việc thức tỉnh, giáo dục, bồi đắp, định hướng đạo đức xã hội và nhân cách con người... thì đòi hỏi mỗi văn nghệ sĩ phải là những tấm gương về nhân cách, mẫu mực về đạo đức và lối sống.”(6)

Dấn thân, theo cách diễn đạt của nhà văn Mai Nam Thắng, được hiểu là “sống đã rồi hãy viết” như một phương châm thực hành viết của nhà văn chân chính bất kì thời đại nào. Nhưng câu hỏi tiếp theo được đặt ra là “Sống như thế nào?” Trong kháng chiến chống Pháp có phong trào “văn nghệ sĩ đầu quân” - trực tiếp tham gia quân đội để có chất liệu sống và viết. Trong kháng chiến chống Mĩ có khẩu hiệu “Chiến trường sống và viết” của các nhà văn thế hệ đi trước như Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Thi, Nguyễn Văn Bổng, Phan Tứ, Xuân Thiều, Nguyên Ngọc, Nguyễn Trọng Oánh... Sống và viết ở chiến trường đã tôn tạo “vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy” (Chế Lan Viên). Nhà thơ Xuân Diệu đã viết về sự gắn bó với đời sống trong chiến tranh của người nghệ sĩ ngôn từ: Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao/.../ Đã mấy khi tôi thức với non sông/ Trọn những đêm ròng, mắt chong chân bước/ Đêm hành quân thả tâm hồn đi trước/ Yêu với căm hai đợt sóng ào ào/ Vỗ bên lòng, dội mãi tới trăng sao (Những đêm hành quân).

Trong thế giới phẳng và không gian mạng, trên nền tảng tri thức và kinh tế số, con người đã có những thay đổi đáng kể trong lối sống, trong đó “sống ảo” là một phương diện của hoạt động tinh thần. Các nhà văn thế hệ 7x, 8x... có thể nói đều thuộc về “cư dân mạng”. Quan niệm “văn chương là một trò chơi vô tăm tích”, như một thứ mode, cũng không phải đã một sớm một chiều phai nhạt trong tâm thế người viết văn hiện nay. Cuộc cạnh tranh giữa văn hóa đọc văn hóa nghe nhìn đang đẩy văn học vào thế bị động, mất dần thị phần sinh hoạt tinh thần trong thời đại công nghệ 4.0. Thực tế này đặt ra trước những người làm công tác quản lí văn hóa, nghệ thuật một đáp trả nhạy bén để chuyển hóa thách thức thành thời cơ trong hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật.

Đang có những tranh luận học thuật sôi nổi và thú vị về “nhân vật trung tâm thời đại” trong văn học nghệ thuật. Thiết nghĩ, nhân vật nào biểu trưng được các giá trị nhân cách, văn hóa Việt thì đó là điểm độc sáng, phát sáng của tấm gương nghệ thuật có khả năng phản chiếu xã hội đang đổi mới và phát triển dưới ánh sáng của văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Hình tượng người chiến sĩ với bản lĩnh và nhân cách mới chắc chắn là biểu trưng của con người văn hóa Việt Nam cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Hà Nội, tháng 3/2022

B.V.T

Nguyễn Minh Châu toàn tập, tập 5, Nxb Văn học, 2001, tr. 215-216.

Bài tường thuật của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng về Hội nghị văn nghệ bộ đội, in trên tạp chí Văn nghệ, Hội Văn nghệ Việt Nam, số 11&12/1949.

Nhiều tác giả, Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học, 1945 - 1954, Nxb Khoa học xã hội, 1995, tr. 326.

Nguyễn Minh Châu tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009, tr. 315.

Di cảo Nguyễn Minh Châu, Nxb Hà Nội, 2009, tr. 348.

Mai Nam Thắng, Theo dòng sáng tạo, Nxb Quân đội nhân dân, 2020, tr. 117.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)