VNQĐ kết nối  VNQĐ số mới

Văn nghệ Quân đội số 840 (đầu tháng 3/2016)

Thứ Hai, 07/03/2016 12:42
logochuan - Nhắc đến Bộ đội Công binh Việt Nam, hẳn mỗi bạn đọc luôn nghĩ tới bom mìn và những hi sinh thầm lặng đối mặt với hiểm nguy. Đất nước đã thống nhất hơn bốn mươi năm nhưng với những người lính công binh, chiến tranh vẫn còn quanh quất đâu đây, những kẻ thù giấu mặt trong lòng đất, dưới thung sâu hay trong lòng sông suối… như những hiểm nguy đòi hỏi cần giải quyết. Nhưng không chỉ có thế, cuộc đối thoại giữa các nhà văn của VNQĐ với hai vị tướng giữ trọng trách cao nhất của Binh chủng Công binh do nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng ghi lại sẽ như một cuộc “lướt nhanh” để bạn đọc có một cái nhìn tổng quan nhất về những người “đi trước về sau, mở đường thắng lợi”. 
Cũng vẫn là câu chuyện chiến tranh nhưng không phải là những vũ khí hữu hình mà là những phương tiện sát thương vô hình. Bạn đọc sẽ hiểu hơn về cuộc sống của người dân trong vùng địch ta lẫn lộn khó mà minh định mọi khái niệm, mọi mối quan hệ cũng như phẩm chất và bản lĩnh mỗi con người. Câu chuyện về cuộc đời một người phụ nữ Nam Bộ qua bút kí “Chị Cưởng ơi!” của nhà văn Phan Trung Nghĩa – tác giả vừa nhận tặng thưởng năm 2015 của VNQĐ - giản dị mà lay động khiến người đọc rơi nước mắt. Nếu như truyện ngắn đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng có phần lúng túng trong tìm tòi và thể hiện thì những câu chuyện thời chiến được tái hiện qua các bút kí vẫn tạo được sức nặng trong cảm thụ của người đọc, vẫn có “kênh” kết nối tốt với bạn đọc đương đại.
Phần truyện ngắn số này giới thiệu tác phẩm của 3 tác giả: Tô Hải Vân, Dương Đức Khánh, Trần Thanh Cảnh. Hai tác giả Tô Hải Vân, Trần Thanh Cảnh đều là những người vừa được vinh danh tại Giải thưởng Hội Nhà văn 2015 và Cuộc thi tiểu thuyết của Hội năm qua. Tô Hải Vân lần này tiến sâu thêm một bước trong việc dựng nên bức chân dung của con người hiện đại, khi mọi công chức được “chuẩn hóa” theo những mô hình “lí tưởng” khiến cái tôi bản thể chỉ còn là những mờ nhòe, mong manh đứt gẫy. Hụt hơi trong việc ép mình vào những công thức, Huân đã vô thức neo đậu ở trạng thái chơi vơi, bức bối và bất an. Huân - nhân vật chính trong “Mèo trong thành phố lạ” bất lực trước cuộc sống hiện đại còn người đọc thì được “hưởng thụ” câu chuyện một cách nhẹ nhàng, hỏm hỉnh. Ngòi bút Tô Hải Vân như tia nước nhỏ luồn lách trong những ngõ ngách sâu thẳm để đến với những thương tổn tâm hồn trong cuộc sống nhiều áp lực hôm nay. Trước những biến động đa chiều của xã hội hiện đại, người trí thức cũng có những góc khuất, điểm lõm, những biến hình; những thật giả trà trộn chéo ngoe dẫn đến những bi kịch cá nhân. Trong “Giáo sư Kê”, Trần Thanh Cảnh bằng giọng văn hoạt kê giễu nhại đã vật đắp nên một nhân vật “trí thức giấy” với bước đường thăng tiến bi hài trong những đảo điên lộn sòng của những giá trị cùng những biến tướng của đời sống tâm linh, tín ngưỡng.
Tác giả Dương Đức Khánh dường như có một vốn liếng không giới hạn về những câu chuyện dân dã, tàng ẩn chất lạc quan tếu của lớp người bình dân có thể sống vui vẻ trong mọi hoàn cảnh. Anh cũng có biệt tài trong việc kể lại những câu chuyện ấy một cách duyên dáng. Dù chiến tranh đang xảy ra, dù bom rơi đạn nổ thì những cậu bé ở ven con sông Bạch Đằng trong vùng địch tạm chiếm vẫn là những đứa trẻ nghịch ngợm quậy phá, nhưng trong chính những quậy phá trẻ thơ đó đã tiềm ẩn những phẩm chất của một sĩ quan quân đội cao cấp sau này. Viết về chiến tranh không phải bằng bom rơi, đạn nổ, máu chảy đầu rơi có lẽ đang là xu thế của các tác giả vẫn nặng lòng với quá khứ đất nước và Dương Đức Khánh vẫn đầy sức mạnh cùng nội lực đi khai phá con đường theo xu thế ấy. 
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” tháng này giới thiệu tác giả Lê Thanh Kỳ - người từng đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ - với truyện “Mồng chín tháng tám”. Những trang viết về thân phận người công nhân vẫn thưa vắng và phiến diện như chính tác giả nhận thấy và anh đã quyết “ra tay” để cuối cùng “Mồng chín tháng tám” cùng với hai truyện ngắn khác đã đưa tác giả xuất thân từ một thợ hàn lên ngôi cao nhất của một cuộc thi văn chương chuyên nghiệp. 
bia 840 convert
Bìa VNQĐ số 840

Thơ số này vẫn dành dung lượng lớn gần như tuyệt đối để giới thiệu các tác phẩm tham dự cuộc thi thơ đang chuẩn bị tiến về chặng cuối với biên độ rộng mở hơn. Bên cạnh cảm hứng lớn về đề tài chiến tranh và người lính và những tâm trạng cá nhân, các tác giả còn cảm hứng về lịch sử, về đất nước và vận mệnh dân tộc. Nguyễn Trọng Văn với “Bài thơ đi đón mặt trời” lồng lộng, vâm váp với cảm hứng sử thi hào hùng khiến bạn đọc không khỏi nhớ đến những trường ca của Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm trong những năm rực lửa chiến chinh và rực lửa lòng người. Bạn đọc sẽ bắt gặp những câu thơ đẹp như “Những người đàn bà giấu tuổi mình vào đêm tối/Nguyện thân với đất với trời” hay “Biển như thể tấm gương trong suốt/Soi đủ đầy đất nước mấy ngàn năm” để cùng rung cảm với Nguyễn Trọng Văn. “Tâm thế biển” luôn hiện diện ở mỗi số tạp chí và trong bản thảo các tác giả gửi đến tòa soạn. Nhất là khi biển của ta đang dậy sóng cả khơi xa và trong những bến bờ thì những cảm tác trong thơ càng chan hòa. Người ta “vọng biển” bởi nhiều lí do, có thể là tâm thế cao xa của những người dời non lấp bể nhưng cũng có thể chỉ gần gũi giản đơn như bà mẹ trong bài thơ cùng tên “Vọng biển” của tác giả Cao Hạnh, khi “Những bà mẹ vọng con Cồn Cỏ/Có đứa con đi không về”, vọng biển vì nơi ấy còn là máu thịt của một phận người và của một non sông chẳng thể tách rời. Tác giả Trần Văn Lợi với chùm thơ trong đó có bài “Trong ánh mắt trâu già” lại tỏ sự cảm thương cho một phận trâu lạc loài khi làng “bê tông hóa”. Chẳng còn là chuyện trâu nữa khi “Ngỡ mình chẳng mình nữa/trâu già hơn kí ức của làng” như một trái chín rụng xuống ở hai câu kết. 
Mục “VNQĐ giới thiệu” kì này giới thiệu tác giả Nguyễn Ngọc Hạnh đến từ Đà Nẵng với 3 bài thơ “Qua đò nhớ mẹ”, “Khất nợ dòng sông giấc mơ trôi”, “Đâu rồi giấc mơ cỏ xanh”. Đó là những vần thơ viết về mẹ, những chiêm nghiệm về kí ức, về tuổi thơ, những tiếc nuối yêu đương trinh khiết của tuổi trẻ.
Thơ ca chính là nơi lưu giữ tâm hồn Việt vững bền nhất là điều mà nhà thơ Nguyễn Hữu Quý muốn nói trong bài viết cho mục “Diễn đàn văn nghệ” kì này. Nhưng trước hết, theo anh, thơ phải có sức lan tỏa trong công chúng. Và để như thế, theo tác giả: “Thơ, dù ở thời nào, nếu gắn bó với dân tộc, quan tâm đến vận mệnh của đất nước, đời sống của nhân dân thì sẽ có cơ hội tồn tại, thâm nhập vào công chúng một cách rộng rãi.”. Như một tản mạn về đời sống thi ca, tác giả đưa ra những vấn đề, những ý kiến từ việc quảng bá thơ, từ Ngày thơ Việt Nam đã ở tuổi 14, từ thực trạng tâm thế tiếp nhận thi ca hiện nay… rất đáng để suy ngẫm. Mong rằng sau bài viết này sẽ có những ý kiến, những bài viết phản hồi của các tác giả khác trong làng văn Việt.
Một nhà thơ khác cũng hiện diện trong phần “Bình luận văn nghệ” kì này là Mai Văn Phấn với bài viết “Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt Nam sau 1975”. Những Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Giáng Vân, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Bình Phương, Trần Tiến Dũng, Inrasara, Nguyễn Quang Thiều… được cho là có khuynh hướng cách tân liệu có cách tân thực sự? Liệu có thoát khỏi “bóng râm” của hiện thực và lãng mạn vẫn đang tiếp tục che phủ nền thơ đương đại Việt? Tác giả cho rằng cần nhìn vào kết cấu không gian trong mạch thơ, bài thơ cụ thể để xem bài thơ đó có nằm trong hệ hình thơ cách tân hay không, và tác giả kiến tạo không gian đó trước hết phải có tính đa chiều, đa tuyến để làm nền cho những cách tân ngôn ngữ, hình ảnh, nhịp điệu. Mai Văn Phấn cũng cho rằng, đổi mới, cách tân thi pháp là cách các nhà thơ lấy lại lòng tin, vị thế trong lòng bạn đọc. 
Nghiên cứu văn học từ văn hóa đang là xu hướng phổ biến, như một tiếng gọi mới mẻ, hấp dẫn nhưng còn có phần thiếu hệ thống. Một nhà phê bình họ Mai khác sẽ xuất hiện mang đến một vấn đề không mới với thế giới nhưng lại có vẻ vẫn còn mới mẻ trong lí thuyết nghiên cứu văn học tại Việt Nam: Nhân học và văn học. Tác giả "thiển nghĩ", ở Việt Nam, dạng thức sơ khai của nhân học, văn hóa học trong nghiên cứu văn học đã ra đời từ trước năm 1945. Nhưng điều đáng nói là phạm vi các công trình có yếu tố nhân học, văn hóa trong nghiên cứu văn học đều tập trung vào mảng văn học Việt Nam cận, trung đại và văn học dân gian, tác giả mong muốn văn học hiện đại, đương đại cũng rất cần một động thái tương tự. 
VNQĐ số 840, đầu tháng 3 phát hành vào 5/3. 
Mời quý vị tìm đọc!


Văn
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ đội Công binh đi trước về sau, mở đường thắng lợi      
Tô Hải Vân
Mèo trong thành phố lạ 
Phan Trung Nghĩa
Chị Cưởng ơi! 
Dương Đức Khánh
Cu Đen 
Lê Thanh Kỳ
Mồng chín tháng tám 
Hạnh Trần
Chạm tay vào sợi giêng hai 
Trần Thanh Cảnh
Giáo sư Kê 


Thơ
Lê Anh Phong
Mùa trong gốm; Từ bảo tàng…; Viết ở nơi tô tượng 
Trương Nam Chi
Nhớ về Thạch Hãn; Đàn bà; Rũ khói trầm hương 
Nguyên Chương
Đêm trôi về phía em; Viết cho ngày xô lệch 
Khúc Hồng Thiện
Chiều qua phố cổ; Quê ngoại 
Nguyễn Xuân Hải
Sấm Trạng Trình; Những ngôi biệt thự bỏ hoang 
Nguyễn Hiếu
Hững hờ, bất chợt; Chiều nay, giọt xuân 
Trần Văn Lợi
Trong ánh mắt trâu già; Cói 
Nguyễn Ngọc Hạnh
Khất nợ dòng sông giấc mơ trôi; Qua đò nhớ mẹ;
Đâu rồi giấc mơ cỏ xanh 
Nguyễn Chí Ngoan
Một buổi sáng; Gọi buồn trong veo 
Hoàng Đăng Khoa
Nhận diện; Sinh nhật 
Nguyễn Trọng Văn
Bài thơ đi đón mặt trời 
Trần Nhương
Tầm xuân; Rét nàng Bân 
Vũ Thị Minh Thu 
Chị tôi ra biển 


Bình luận văn nghệ
Nguyễn Hữu Quý
Để tâm hồn Việt được lưu giữ vững bền 
Mai Anh Tuấn
Nhân học trong nghiên cứu văn chương 
Mai Văn Phấn
Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt Nam sau 1975   
Tuệ Mỹ
Hình ảnh người lính biển qua trường ca Biển mặn
của Nguyễn Trọng Tạo 
Như Bình
Những viên kim cương của nghệ thuật múa  
Nguyễn Thanh Tâm
Nhớ Tuổi thơ im lặng 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)