VNQĐ kết nối  Tư liệu VNQĐ

Với các cây đa nhà số 4 (Phùng Văn Khai)

Thứ Sáu, 28/09/2012 15:31
. PHÙNG VĂN KHAI
 
Đối với tôi, sau vài năm công tác ở Nhà số 4, tôi vẫn luôn cảm thấy mình nhỏ bé. Cái khoảng cách với các cây đa cây đề về văn chương sao mà thăm thẳm, khôn cùng, càng ngày càng như khó đuổi bắt. Không hẳn là tự ti nhưng tôi tự biết mình khi soi vào những người khổng lồ đi trước. Ấy vậy mà, tôi luôn tự tin, thậm chí có thể bỗ bã hàng ngày với các cổ thụ trong đời sống. Có lẽ do bản tính tếu táo của mình. Cũng phải kể đến, trong mười năm làm truyền hình, hầu như tôi đã tiếp xúc, phỏng vấn, đạo diễn các bậc đa đề đưa vào phim, giao lưu truyền hình. Khi là tham bác văn chương, lúc lại viết chung kịch bản, xin ý kiến việc này việc khác thành ra cái sự bỗ bã cũng được thể tất. Có lẽ trong lớp trẻ, duy nhất mình tôi có thể bố bố con con với hầu hết các đa đề một cách tự nhiên thoải mái. Năm tháng trôi đi, kỷ niệm với các nhà văn, nhiều người đã khuất thi thoảng ứa lên, không đầu không cuối sao mà châng lâng, cồn cào đến vậy.

Những buổi làm phim về Nguyễn Minh Châu.

Tôi nhớ hôm ấy trời rất lạnh. Đã hàng tuần tôi và quay phim Phạm Viết Đức lang thang ở quê ông. Bình minh nơi cửa sông làng Thơi, Quỳnh Lưu, Nghệ An cuối đông mặt nước thẫm bạc. Nơi đây tám mươi năm về trước một người con nhỏ bé của làng Thơi chào đời. Lớn lên, cầm súng và cầm bút, dấu chân người con của làng Thơi đã in nhiều nơi lắm. Người con ấy là nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Căn nhà ông từng ở mọi thứ như còn nguyên vẹn. Này là kèo cột, rui mè. Này bộ ấm chén cũ kỹ. Và khung cửa sổ có tán cây xanh, nơi cậu bé Châu dút dát thường nhìn ra, nhìn rất lâu, rất lâu như chờ đợi một cái gì xảy đến. Bây giờ tất cả như vẫn còn nguyên.

Con người thật nhỏ bé trước thiên thiên và một đời người so với toàn bộ thời gian thật vô cùng ngắn ngủi. Ngôi nhà nơi xóm nhỏ làng Thơi lưu giữ tuổi thơ im lặng của cậu bé Châu đã hơn 200 năm tuổi. Ngôi nhà cao tuổi trầm mặc nhớ cậu bé Châu nghịch ngợm thuở nào. Ông đã ra đi. Ngôi nhà vẫn còn đó như một đợi chờ, một chứng minh về tổ tiên ông, về ông và các thế hệ con cháu. Ngôi nhà của ông sao quá giống một ngôi chùa đến thế. Lại khi về Nhà số 4 vẫn hơi hướng của đình chùa. Dạo đã lâm trọng bệnh, Nguyễn Minh Châu từng ở chùa mấy năm để chữa cũng là một sự kỳ lạ.

Bạn văn của ông người mất người còn, thế hệ sau tiếp vào thế hệ trước. Văn chương và cuộc đời Nguyễn Minh Châu có một sức hút kỳ lạ. Nó thầm thì, lặng lẽ, ngấm sâu vào bè bạn, vào cuộc đời.

Nguyễn Minh Châu có một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ. Sách của ông giản dị, trần trụi, mộc mạc đến đôi lúc xuề xòa. Có loại văn chương hào nhoáng từ bề ngoài, bắng hoắng lấp liếm người đọc. Tác phẩm của Nguyễn Minh Châu khác, nó khiêm nhường nhưng dẫn dụ, mê hoặc người đọc các thế hệ nhờ một tấm lòng trắc ẩn kiêu hãnh của nhà văn, một nhà văn trung thực.

Ngòi bút Nguyễn Minh Châu là ngòi bút hiện thực. Ông chưa bao giờ khoan nhượng trước cái xấu, cái ác và ngòi bút ông, ở một phía nào đó đã tuyên chiến, xung phong đương đầu trực diện với nó, phơi nó ra một cách đầy ý thức. Ông bảo vệ cái thiện vốn đôi khi ngu ngơ, yếu ớt và đầy sơ hở trước cái ác, cái xấu mưu mô quỷ quyệt. Sáng tác đặc sắc của ông phải là ở những năm tám mươi với Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát, Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành - những trang viết biểu hiện rõ ràng nhất tài năng văn chương ông. Phiên chợ Giát hôm nay đâu đó vẫn còn lão Khúng, vẫn những ông bà nông dân khu 4 với bản tính lương thiện của mình, bè bạn với con trâu, con bò, bè bạn với cái cày, lưỡi cuốc trên đồng đất của mình, vật lộn, mưu sinh với đói nghèo truyền kiếp. Chao ôi, nhân vật nông dân của Nguyễn Minh Châu lương thiện lắm, sự lương thiện nguyên sinh không bao giờ cái xấu, các ác vùi dập được. Chợ Giát hôm nay vẫn họp phiên, vẫn vá víu những rách lành, vẫn lam lũ những trâu bò, những thân phận mà ông đã nhìn thấy từ trước đó, chỉ ông là đã đi xa...

Với Lê Lựu

Một hôm, cách đây mười năm gì đó, Lê Lựu đưa cho tôi một tờ giấy A4 hớn ha hớn hở: “Này, đơn xin về hưu của tao, cho mày đấy!”. Tôi, chàng trai hăm sáu hăm bảy, phấn đấu mờ mắt chưa được vào biên chế nghe chuyện về hưu như sét đánh ngang tai, tò mò đọc lá đơn nọ. Đơn rất ngắn, đại ý: “Tôi, Lê Lựu, đại tá, nhà văn, nhập ngũ ngày... đã 40 tuổi quân, nay đến tuổi 58, xin các cấp có thẩm quyền cho về hưu để lo việc gia đình”. Cha mẹ ơi! Lo việc gia đình mà chọn cái thời điểm này phi Lê Lựu không ai chọn cả. Bảo là đủ tuổi, ừ. Bảo là đủ năm công tác, ừ. Hoặc là năng lực hoặc là gì gì chứ viện dẫn lý do thu xếp việc gia đình, lại là gia đình nhà văn nghe nó thế nào ấy, cứ hài hài, cứ chương chướng như là móc máy giễu cợt gì ai.

Tôi được gặp Lê Lựu cách đây 16 năm. Mùa hè năm 1995 tôi đi dự trại viết của Văn nghệ Quân đội, Lê Lựu là trại trưởng, đọc tác phẩm văn xuôi cho anh chị em. Lúc ấy, chị Như Bình và chị Thanh Hà rất xinh đẹp coi như đã chiếm thời gian và tình cảm của Lê Lựu nên tôi dựa vào thế mạnh đồng hương, thế mạnh binh nhì mà tiến công. Ông đọc sáng tác của tôi rất kỹ và phán ngay: “Cơ bản là hỏng. Hỏng nhưng còn cứu được chứ không hỏng hẳn. Cậu viết thì có văn mà đọc thì không có chuyện”. Rồi ông an ủi: “Binh nhì cơ à. Lại đồng hương với tớ thì lo gì. Thôi, ra biển mà chơi. Tớ còn làm việc”. Tôi nhìn các bản thảo chữ tím của các chị kia, ấm ức. Cơ mà không nản lòng. Cái sự văn chương là một sự dài, phải cày sâu cuốc bẫm, phải lăn lóc, phải biết giết đi chính mình mới mong có một cái gì. Ấy là sau này khi tôi đã có một số truyện in trên Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn… ông mới bảo tôi thế.

Lê Lựu rất chăm viết. Viết công văn giấy tờ với Lê Lựu cũng là viết văn, ông gọi vui là văn chính luận nên cẩn tắc lắm, chữa đi chữa lại be bét đến nỗi cuối cùng chính ông cũng không đọc được. Ông lại hay vớ cái gì viết vào cái đó. Một cái giấy mời, có khi là vỏ bao thuốc lá hay giấy bọc thuốc lào bố ai luận ra được. Lại còn hút thuốc lào không có diêm thì xé dần cái vỏ bao thuốc lá ra làm đóm. Làm nhân viên của Lê Lựu thậm khổ là thậm khổ ở những chi tiết như trên.

Tôi nhớ một lần, cũng là chưa xa ngày hôm nay. Khi ấy, Lê Lựu còn đang công tác tại Văn nghệ Quân đội, còn nhận trọng trách thực hiện những cuộc đối thoại hàng tháng của Tạp chí. Cuộc đối thoại ấy lại nhằm vào một vấn đề nhạy cảm, vấn đề đất ở nông thôn. Tham gia làm đối thoại, có nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà văn Sương Nguyệt Minh và tôi. Trời hôm ấy mưa dầm, bong bóng mưa giương mắt nhìn giời từ những hôm trước, báo hiệu sẽ mưa liên miên, nếu là anh phóng viên truyền hình, hoàn toàn có thể dựa vào lý do thời tiết mà bỏ cuộc.

Chủ tịch thị trấn mà chúng tôi sẽ đối thoại là một người lính chiến. Từng đánh nhau, từng bị đấu đá và thị phi, từng qua thời kỳ bao cấp và bị oan, bị ức hiếp. Đội mưa đội gió đến uỷ ban từ rất sớm, bảo: “Lê Lựu bảo đến là đến đấy, các đồng chí có liên quan cứ chuẩn bị, sau đó thì đi ăn thịt chó ở ngoài quán. Tôi biết anh Lựu từ thuở Trường Sơn”.

Mấy anh em, thầy trò bàn việc. Ai chả con nhà nông, từng là nông dân, nên cùng lo lắng, ngẫm ngợi. Lê Lựu ngồi lặng lẽ, trầm mặc nhìn ra ngoài trời mưa gió. Nhà văn Trung Trung Đỉnh chừng như cũng tỏ ra quan hoài, im lặng, vân vi khi chưa thấy ông anh nói gì. Tôi và nhà văn Sương Nguyệt Minh cứ thao thao với đồng chí chủ tịch, với các đồng chí phụ trách các mảng kinh tế - xã hội khác. Mãi gần trưa, Lê Lựu mới lên tiếng, vẻ mặt rất là nghiêm chỉnh: “Tôi xin hỏi thực các anh thế này, bây giờ miếng ăn của nhân dân, của con em mình từ các doanh nghiệp nó có lấm láp lắm không?”. Tất cả lắng đi. Lê Lựu hỏi thế tức là ông đã có nhiều thông tin từ những bất cập nảy sinh thời gian ấy của thị trấn, nào là chuyện hùa nhau đình công đốt phá công ty, nào là chuyện các doanh nghiệp bắt phạt vô cớ, xúc phạm công nhân, đánh đập thành thương tật, rồi tai nạn lao động gây chết người mà ỉm đi. Kể cả chuyện một số doanh nghiệp ma về với dự án ma chiếm đất để bỏ cỏ, rồi kiện cáo, vu cáo, rồi nghiện hút, mại dâm và rất nhiều vấn đề khác... Mấy đồng chí trong thị trấn nhìn Lê Lựu, một nhà văn tưởng như đi mây về gió, nếu quan tâm là quan tâm chuyện bên Mỹ bên Pháp hoặc là ở Trung ương kia chứ biết đến sự vụ tạp nhạp ở cái thị trấn này làm gì. Nhưng ai nấy tỏ vẻ thán phục khi chủ tịch điềm tĩnh bảo: “Anh Lê Lựu ạ. Chúng em biết rất rõ điều đó, thực ra là đang chiến đấu vật lộn với nó cũng căng thẳng lắm, cũng khi thắng khi bại cả đấy nhưng không buông trôi đâu anh. Có phải chết trên đồng đất nhà mình chúng em cũng sẵn sàng. Chứ không chiến đấu, chứ đóng cửa bưng bít với nhau không cho doanh nghiệp vào, không cho con em của mình đi đâu mới là cái chết mòn mỏi, tức tưởi trong sự tự làm ngu dốt mình. Chẳng nhẽ chiến đấu hy sinh bao nhiêu xương máu rồi cứ ôm lấy hào quang chiến thắng với mái nhà dột, manh áo rách, cái bát mẻ, cổ cày vai bừa nó nhục lắm ông anh ạ. Cho nên bọn em đây chấp nhận tay bo một cuộc nữa, cuộc này cũng sinh tử lắm. Có tiền cầm tiền không có bản lĩnh, kể cả lương tâm và tài năng là chết như chơi. Nhưng không làm gì thì lấy đâu bộ mặt bây giờ hả anh, khu công nghiệp của chúng em đây năm vừa qua các doanh nghiệp nộp ngân sách tỉnh trên 100 tỉ đồng để lần đầu tiên tỉnh nhà không phải ngửa tay xin Trung ương cân đối thu chi. Một tỉnh kề ngay Hà Nội mà phải ngửa tay xin Trung ương cân đối thu chi trong đầu thế kỷ 21 này mới là một nỗi nhục nhã...”

Trong bữa thịt chó buổi trưa hôm ấy tại một quán lá ở bìa sông Lăng, sáu bảy ông cán bộ và ba bốn ông nhà văn cứ tiếp tục bàn đủ thứ chuyện trên trời, dưới bể. Bong bóng mưa nổ lép bép nhẫn nại. Các nhà văn nâng chén rượu quê nút lá chút sủi tăm nồng đậm. Nhà văn Trung Trung Đỉnh mơ màng phán ngay một câu: “Ơ, cái bác Lựu nhà mình, hóa ra là hiểu đất đai doanh nghiệp ra phết. Cơ mà giao đất cho bố thì rất nguy bởi bố thì làm gì biết tổ chức sản xuất mà lại hứng lên cho béng ai đó hoặc bán bừa đi thì tình hình sẽ ra làm sao nhỉ?”. Tất cả phá lên cười. Lê Lựu vừa nhai củ sả như nhai trầu, cười tít mắt: “Bố láo nào”. Mưa gió vần vũ như đột nhiên lùi xa cả.

Với Xuân Sách

Trong đợt công tác tại thành phố Vũng Tàu làm phim tài liệu năm 2003, nhà văn Hoàng Quốc Hải giới thiệu tôi với giám đốc Nhà sáng tác Vũng Tàu - nghệ sĩ Đỗ Mão. Rằng là cứ vào đấy, khó khăn gì thì gặp Đỗ Mão, cứ như thế, như thế. Với tính ham chơi, đương nhiên tôi đến chào Đỗ Mão. Khi biết công việc của tôi là làm phim chân dung các văn nghệ sĩ lão thành, đặc biệt các văn nghệ sĩ từng tham gia các cuộc chiến tranh, viết về chiến tranh, Đỗ Mão bảo: “Hay là chúng ta làm phim chân dung về nhà thơ Xuân Sách?”. Với trực giác của mình, tôi đồng ý ngay, còn hăng hái gọi điện ra báo cáo Tổng biên tập, một nhà báo dày dặn kinh nghiệm và luôn tạo điều kiện cho anh chị em biên tập viên trẻ làm việc, sáng tạo. Anh rất tin tôi ở sự thẩm định những đóng góp của các văn nghệ sĩ trong kháng chiến. Tôi trò truyện với anh, trình bày cách làm phim qua điện thoại. Như mọi bận, anh ủng hộ tôi và nhắc nhở một số điều. Anh cũng hào hứng như tôi, như Đỗ Mão. Ai chứ nhà thơ Xuân Sách, tác giả của những bài thơ nổi tiếng đã được phổ nhạc như Việt Nam trên đường chúng ta đi, Cùng anh tiến quân trên đường dài..., tác giả của nhiều tác phẩm văn xuôi và là người rất cá tính trong biên tập ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, từng thẳng thừng không cho đăng những bài thơ yếu kém của các cây đa, cây đề trong làng văn nghệ, thì tốt quá.

Được Tổng biên tập đồng ý, lại được Đỗ Mão khích lệ, chúng tôi đến gặp nhà thơ Xuân Sách, vừa là xin phép, vừa là bàn bạc cách làm luôn. Khi ấy, máy móc quay phim tôi đã chuẩn bị, chỉ đợi nhà thơ ừ là tiến hành.

Đúng hẹn, chúng tôi đến căn nhà nhỏ nơi ông sống. Những cành phong lan được trồng từ lâu và chăm sóc cẩn thận đua nhau thả ra những chùm hoa rất đẹp. Tôi nắm bàn tay gầy nhỏ nhưng rất ấm của nhà thơ. Bên ấm trà, có cả rượu, tôi, người lần đầu tiên gặp mặt sao mà cảm thấy thoải mái quá. Tôi thấy ông có một trí nhớ và sự thông minh tuyệt vời. Bằng một trực cảm riêng, tôi biết ông đang suy nghĩ nhiều đến những vấn đề văn nghệ. Văn chương ăm ắp trong con người ông luôn sôi réo, cựa quậy trong mặt biển chiều mênh mông im lặng. Tôi như thấy biết bao nhiêu sóng ngầm ở dưới cái đại dương im lìm ấy.

Và thật bất ngờ, ông từ chối tôi thực hiện bộ phim chân dung về ông.

Ông là người thứ hai từ chối làm phim chân dung khi tôi đề nghị.

Người trước đó là nhà văn Nguyên Ngọc.

Tôi nghĩ, Xuân Sách có lý do riêng của mình. Đối với những người làm văn chương, lý do ấy đôi khi chẳng cần phải nói ra. Những ngày ấy, từ trường của tập thơ chép tay Chân dung nhà văn vẫn đang âm ỉ trong giới văn nghệ toàn quốc. Bản thân ông, dường như bao chiêm nghiệm, tuổi tác, cả những thị phi, cá tính, vui buồn… đã cho ông luôn biết tự quyết định làm điều gì và không nên làm điều gì. Tôi lờ mờ hiểu rằng, đằng sau tảng trán gồ vát đang bóng loáng lên kia là bao nhiêu suy tư chưa nói được, thậm chí có những suy nghĩ ông quyết định giữ lại chẳng bao giờ nói - thì ý nghĩa gì cái sự xuất hiện bằng phim ảnh. Tôi lặng lẽ nhấm nháp từng ly rượu và trả lời nhà thơ với cái vốn hiểu biết của mình về các văn nghệ sĩ lớn tuổi, các đàn anh và bè bạn của ông ở Hà Nội mà tôi may mắn được biết, và tuyệt nhiên không nhắc gì đến phim ảnh nữa
 
P.V.K




 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)