VNQĐ kết nối  Tư liệu VNQĐ

Tôi là cộng tác viên rồi biên tập viên của tạp chí VNQĐ

Thứ Hai, 25/06/2012 01:00
Các nhà thơ làm công tác biên tập ở các tờ báo, hầu hết trước khi trở thành biên tập viên đều đã từng là cộng tác viên của báo đó. Tôi cũng không ngoại lệ, nhưng tôi là cộng tác viên khá muộn của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Sau cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ tổ chức năm 1969 kết thúc, trong buổi trao giải, vì nhà thơ Phạm Tiến Duật (giải nhất) ở chiến trường không về được, nhà thơ Ngô Văn Phú là biên tập viên của báo quân đội lên nhận thay. Cuối buổi trao giải, anh Phú bảo tôi rằng, nhà thơ Vũ Cao nhắc tôi gửi bài cho Văn nghệ Quân đội. Tôi đã gửi và các anh đăng ngay. Sau đó tôi đã từ giã cục 2 bộ tổng tham mưu và về dạy học trường Văn Hóa Quân Đội ở Lạng Sơn và thường xuyên gửi bài về tạp chí. Tôi nhớ rằng, mỗi khi tôi gửi bài đi, sau đó không lâu bao giờ cũng nhận được hồi âm của các nhà thơ làm cộng tác biên tập như Phạm Ngọc Cảnh, Văn Thảo Nguyên, Ngô Văn Phú và cả anh Xuân Sách nữa. Các anh vừa đóng góp, vừa động viên, nếu bài không đăng được thì tôi cũng biết rõ nhược điểm của mình, rút kinh nghiệm cho bài sau. Các anh viết thư góp ý nhiều đến nỗi tôi đã quen mặt chữ của từng người, và đã từng có nhận xét: các nhà thơ biên tập ở Văn nghệ Quân đội thời đó, chữ ai cũng đẹp và viết thật cẩn thận. Năm 1972 tôi được về học lớp bồi dưỡng sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá, học xong, đi thực tế chiến trường nửa năm, sau đó được về công tác ở tạp chí. Thời đó về tạp chí không ai được làm công tác biên tập ngay, mà phải làm một số việc khác, như tôi thì làm phóng viên đi miền Nam, làm nhân viên thư viện, đến năm 1978 mới được ngồi vào ghế biên tập.

Khi được giao chồng bản thảo để biên tập, lúc đầu tôi muốn viết thư trả lời trao đổi với mọi cộng tác viên, nhưng sau đó mới thấy rằng đó là việc không thể làm được vì số người gửi bài đến quá đông, mình chỉ có thể chọn lọc mà gửi cho một số người nào đó mà thôi. Thì ra trước đây các anh gửi thư cho tôi là vì tôi nằm trong một số người các anh đã để ý chứ không phải ai cũng được “diễm phúc” đó .

Hạnh phúc lớn nhất của cộng tác viên là thấy bài mình đăng trên mặt báo. Mặc dù bài thơ đó mình đã thuộc từ lâu, nhưng đọc lại bằng chữ in trên báo vẫn thấy mới mẻ và hay hơn! Có người đã đọc đi đọc lại bao nhiêu lần thơ mình trên báo và khi ngủ trưa còn úp tờ báo đó lên bụng, tin chắc giấc ngủ đó có nhiều giấc mơ đẹp. Hạnh phúc lớn nhất của biên tập viên là phát hiện ra trong chồng bản thảo có bài thơ hay của tác giả mình chưa từng nghe tên, ở một nơi xa xôi nào đó. Ở tòa soạn Văn nghệ Quân đội trong nhiều năm, trường hợp như vậy chúng tôi thường chuyền tay nhau đọc trước khi cho in báo. Tôi nhớ vào năm 1981 khi con trai đầu tiên của tôi mới hơn 5 tuổi, chưa đến tuổi đi học nên từ Hải Phòng lên ở với tôi trong một căn phòng chín mét vuông ở dãy nhà phía sau. Đêm đó đợi khi cháu đã ngủ, tôi mới đem chồng bản thảo dày đến vài gang tay ra đọc. Sau vài tiếng đòng hồ, tôi phát hiện ra chùm thơ 5 bài của tác giả mà trước đó tôi chưa từng nghe tên ở tận tỉnh Long An. Chùm thơ 5 bài mà có 3 bài không những đăng được mà khá hay, chẳng mấy chốc tôi thuộc, vài hôm sau tôi đem các bài thơ đó ra khoe với nhiều người. Đó là bài thơ Con tem quân đội, Bài thơ lục bát của anhÁo người anh yêu của tác giả Đinh Thị Thu Vân.Tôi viết thư cho tác giả mới biết được chị tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, vừa về công tác ở hội Văn nghệ Long An. Sau đó ba bài thơ đó được đăng thành chùm trên tạp chí. Báo phát hành, lính ta nhiều vùng viết thư gửi chị Đinh Thị Thu Vân nhờ tòa soạn chuyển hộ vì họ không biết địa chỉ, và kèm theo thư có thơ tặng lại nữ tác giả để tỏ lòng biết ơn của người lính. Có điều vui là trong thư thì gọi chị, nhưng trong bài thơ thì gọi bằng…em! Ví như có bài mở đầu bằng câu: “Thơ em đến với chiến hào”…

Năm 1983,tôi nhận được bài thơ Nhớ Thuận Châu của tác giả Trần Quang Đạo đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Thời ấy ít khi có chuyện thư gửi thẳng cho biên tập viên, mà tất cả qua ban trị sự để đăng ký vào sổ, nên biên tập viên chỉ nhận được bản thảo từ ban trị sự. Vì bài thơ chân thật, xúc động và khá chặt chẽ, trước khi cho đăng báo tôi đạp xe đi đến trường theo địa chỉ để tìm tác giả. Đến nơi hỏi mãi mới tìm thấy tác gỉa là một thanh niên, tuổi ngoài hai lăm, hơi gầy tóc dài buông tận hai vai! Trước khi gặp, tôi cứ tưởng tác giả là người Sơn La, hỏi ra mới biết Đạo là người Quảng Bình, từng là lính mở đường ở Thuận Châu, hiện quân đội đang gửi về học ở đây. Thì ra những năm làm lính, theo điều lệnh luôn luôn phải cắt tóc ngắn, về học ở trường, không bị ai nhắc nhở về việc tóc tai nên Đạo đã để tóc như vậy. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Trần Quang Đạo và có lẽ Nhớ Thuận Châu cũng là bài thơ đầu tiên của Đạo được đăng trên báo trung ương. Hiện nay thì anh là Phó tổng biên tập báo Nhi Đồng, mặc dù không có ai nhắc chuyện tóc tai, nhưng tóc anh cũng chỉ để vừa phải chứ không buông đến tận vai như ngày ấy !

Năm 1995, tôi phát hiện ra trong chồng bản thảo bài thơ Bông Huệ Trắng của tác giả Nguyễn Hữu Quý. Bài thơ dài đến vài ba trang, viết về liệt sĩ có hơi trường ca, thật phóng túng và cảm động. Thú thật đối với tôi, đó là lần đàu tiên tôi gặp tên anh, dù Bông Huệ Trắng không phải là bài thơ đầu tiên của anh. Khi xem địa chỉ tác giả lại thấy đề hòm thư, nghĩa là anh ta cũng là lính …Tôi viết thư gửi cho anh, khen bài thơ đó và kết thúc bằng một câu đã thành công thức mà người biên tập quen dùng: “nếu không có gì thay đổi, bài thơ Bông Huệ Trắng của đồng chí sẽ được đăng vào số 12 năm 1995”. Và đúng hẹn, bài thơ này là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời vì sau khi bài thơ được trao tặng phẩm bài thơ hay nhất trong năm, tác giả được mời dự trại viết và được giải cao nhất trong cuộc thi thơ tiếp theo …Rồi anh được chọn làm biên tập viên và trở thành trưởng ban thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Tuy nhiên, biên tập viên không chỉ có niềm vui, mà có cả nỗi lo và đôi khi con bực mình, sẽ được đề cập trong một bài viết khác.

VƯƠNG TRỌNG
 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)