Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 942 (đầu tháng 6/2020)

Thứ Bảy, 30/05/2020 12:32

Lịch sử chiến tranh cách mạng của chúng ta đã có một Đoàn 559 gắn liền với tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Đó là từ quyết định đúng đắn của Đảng, của Bác Hồ trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ; từ 500 con người đầu tiên soi tuyến mở đường để sau đó mở ra chiến trường Trường Sơn nối hậu phương lớn miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, góp phần đặc biệt quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, được các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể địa phương quan tâm giúp đỡ về mọi mặt, được nhân dân hết lòng yêu thương, đùm bọc, chở che, hơn 60 năm qua, người chiến sĩ Trường Sơn - Binh đoàn 12 trong đội hình Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, cống hiến trí tuệ, xương máu, viết nên những trang sử vẻ vang, hào hùng trong thời chiến, tạo những thành tựu, dấu mốc quan trọng trong thời bình, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Trên tinh thần ấy, Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Giám đốc Tổng công ti Xây dựng Trường Sơn. Bài trò chuyện mang tên Bộ đội Trường Sơn: Từ cội nguồn huyền thoại sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 942.

Phần Văn xuôi có các truyện ngắn: Cảnh báo nguy hiểm của Trần Thái Hưng, Kẻ vận đen của Đỗ Phấn, Cho anh thêm thời gian của Trần Xuân Hà; bút kí Kí sự một làng quê của Trương Hồng Mẫn; tản văn Những cư dân bé nhỏ của thành phố của Trung Sỹ.

Cuộc sống ngày nay có làm cho bạn cảm thấy mình đang bị phân rã, trống vắng, tẻ nhạt…? Kiên, nhân vật chính trong truyện ngắn Cảnh báo nguy hiểm luôn mang trong mình tâm trạng như thế. Có những điều vốn tưởng như giản đơn nhưng lại chứa đựng, tiềm ẩn sự bất trắc, nguy hiểm. Phải chăng ngọn nguồn xuất phát chính từ sự vô cảm của con người? Sự biến mất của Milu cùng cái chết của Mít có đủ để làm thay đổi mọi thứ?

Kẻ vận đen lại nhìn đời sống qua một lăng kính khác. Bá được xem như là kẻ vận đen khi mà dường như may mắn rất ít khi mỉm cười với anh trong hơn nửa thế kỉ qua. Kể về sự xui xẻo, mất mát, thua thiệt của Bá nhưng Đỗ Phấn lại gây ấn tượng bởi suy nghĩ: Thản nhiên chấp nhận đã thành một lối sống ăn sâu trong thị dân từ rất lâu rồi. Nó đã gần như làm thành một cốt cách. Chẳng có trường lớp nào trong thành phố dạy chúng ta cách sống này… Và vì thế nên nhân vật Bá trở nên gần gũi và đáng mến biết bao qua giọng văn Đỗ Phấn.

Cho anh thêm thời gian gây xúc động cho người đọc bởi câu chuyện về hai bố con đơn lẻ sống trong một căn hộ chung cư ở thành phố. Vợ bỏ đi, Tuấn một mình chăm lo cho con gái, nhưng mọi chuyện trở nên khó khăn, bất hạnh hơn khi cô bé bị mắc bệnh máu hiếm. Những sự thật dần được hé lộ, những nỗi niềm dần được giãi bày. Nhưng trên tất cả, Tuấn cần thời gian để cứu sống con gái. Cho dù sự thật mà anh biết có tréo ngoe, cay đắng đến nhường nào thì với anh sự sống của con gái vẫn vượt lên tất cả.

“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu truyện ngắn Chuông chùa Bạch Vân của nhà văn Trần Đức Tiến.

Phần Thơ mang đậm hơi thở của đời sống đương đại cũng như không thể thiếu vắng bóng dáng của lịch sử truyền thống. Đương đại luôn mang trong mình sợi dây neo giữ với truyền thống, ngược lại, trong truyền thống đã có phần dự báo về đương đại. Chúng ta gặp ở trang thơ những tác giả quen thuộc của VNQĐ như: Thanh Thảo, Trần Anh Thái, Nguyễn Linh Khiếu, Tuyết Nga, Nguyễn Đức Sơn, Du An, Trần Văn Lợi, Trần Võ Thành Văn… Các tác giả đến từ những vùng miền khác nhau, ở những lứa tuổi khác nhau đem đến sự sinh động, phong phú cho trang thơ số này.

“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Ngô Đức Hành cùng chùm thơ ấn tượng của anh.

Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Thị Phương Thúy, Nguyễn Thanh Tâm, Đỗ Hải Ninh, Văn Thành Lê, Lệ Trinh, Đoàn Minh Tâm.

Bị chi phối bởi lực kĩ thuật công nghệ, lực thương mại và lực thẩm mĩ, dòng thơ đại chúng Việt trên mạng xã hội cuốn vào trong nó không chỉ người sáng tác mà cả người thưởng thức cùng tham gia sáng tạo những giá trị mang tính nghệ thuật - thương mại. Bài viết Thơ trẻ trên mạng xã hội, nhìn từ văn hóa đại chúng sẽ góp thêm một lời bàn về vấn đề này.

Chế Lan Viên và Điêu tàn - đền đài tỏa bóng là sự ghi nhận và khẳng định Chế Lan Viên nói riêng và Trường thơ loạn nói chung thực sự là những ngọn tháp, những đền đài tỏa bóng trên đồng bằng Thơ mới và thơ trữ tình hiện đại Việt Nam.

Nguyễn Nhật Ánh và tuổi học đường là bài viết nhìn lại vai trò, vị trí của Nguyễn Nhật Ánh trong hành trình của văn học viết cho thiếu nhi, có thể thấy đây là cây bút hội đủ những yếu tố để trở thành tác giả viết cho thiếu nhi tiêu biểu nhất của văn học đương đại Việt Nam.

Chân dung nhà phê bình Ngô Thảo cùng sự nghiệp văn chương của ông sẽ được khắc họa rõ nét với nhiều ấn tượng trong bài viết Nhà phê bình Ngô Thảo: Người hiền gom dĩ vãng.

Sex trong văn học là một khảo sát với văn học đại chúng nơi những biểu thuật rõ rệt nhất, đó là tiểu thuyết ngôn tình, là những tác phẩm văn học thị trường, văn học mạng… đang được công chúng quan tâm. Sự quan tâm đó của công chúng, với vấn đề sex, thân thể, nói lên điều gì về trạng thái sống của con người đương đại?

Màu của nỗi buồn là một cảm nhận, luận bình về tập thơ Thức cùng tưởng tượng của Nguyễn Thị Kim Nhung.

Tạp chí VNQĐ số 942 dày 120 trang với những bài viết thú vị, tranh, ảnh minh họa đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 5/6/2020. Thân mời các bạn đón đọc!

 

Văn

VNQĐ

Bộ đội Trường Sơn: Từ cội nguồn huyền thoại

Trần Thái Hưng

Cảnh báo nguy hiểm

Trương Hồng Mẫn

Kí sự một làng quê

Trần Đức Tiến

Chuông chùa Bạch Vân

Trung Sĩ

Những cư dân bé nhỏ của thành phố

Đỗ Phấn

Kẻ vận đen

Trần Xuân Hà

Cho anh thêm thời gian

 

Thơ

Thanh Thảo

Những gương mặt Việt Nam; Đêm bệnh viện;

Hà Nội không bao giờ sợ hãi

Trần Anh Thái

Lý Sơn; Bản cũ; Khúc hát tháng ba

Nguyễn Đức Sơn

Người mẹ A Roàng; Gọi bầy

Nguyễn Linh Khiếu

Nậm Thi chảy trong mưa; Phúc Khánh

Hoàng Thúy

Mùa đông dậy thì trong im lặng; Bài ca về ngọn đồi đỏ

Tuyết Nga

Di chỉ; Mùa nồng nàn; Ấn tượng Van Gogh

Hương Giang

Người đàn bà mù; Đôi tay

Phạm Xuân Trường

Lòng nhân từ vẫn còn đây

VNQĐ giới thiệu thơ Ngô Đức Hành

Mạch nguồn; Bức tranh; Dế

Lương Định

Với Raxun Gamzatốp

Du An

Tình yêu của bà

Trần Võ Thành Văn

Chuyến tàu bé dại...; Cuộc mai táng vô danh

Trần Văn Lợi

Hạt thóc tha phương

Hà Hương Sơn

Hạt gió

Phạm Tiến Triều

Núi khát

Ngọc Mai

Cây khế của bà

 

Bình luận văn nghệ

Nguyễn Thị Phương Thúy

Thơ trẻ trên mạng xã hội, nhìn từ văn hóa đại chúng

Nguyễn Thanh Tâm

Chế Lan Viên và Điêu tàn - đền đài tỏa bóng

Đỗ Hải Ninh

Nguyễn Nhật Ánh và tuổi học đường

Văn Thành Lê

Nhà phê bình Ngô Thảo: Người hiền gom dĩ vãng

Lệ Trinh

Sex trong văn học đương đại

Đoàn Minh Tâm

Màu của nỗi buồn

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Bàng đêm Ảnh: Ngô Trung Kiên

Minh họa: Lê Anh, Trương Đình Dung, Nguyễn Văn Đức,

Tào Linh, Nguyễn Văn Minh, Lê Anh Vân, PV.

VNQD
Thống kê