VNQĐ kết nối  Nhân vật tuần này
ĐẠO DIỄN - NSƯT BÙI TUẤN DŨNG:

Cái khó của phim chân dung là thể hiện một góc nhìn

Chủ Nhật, 10/07/2022 16:23

Có thể nói, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã dành phần lớn sự nghiệp của mình cho dòng phim lịch sử, chiến tranh cách mạng. Đây là mảng đề tài nếu không có một nền tảng kiến thức tốt về chính trị xã hội cùng những hiểu biết sâu sắc về bối cảnh lịch sử đương thời thì khó có thể giải quyết hết những đòi hỏi đặt ra. Nhân dịp bộ phim truyện truyền hình Bình minh phía trước, bộ phim về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ do anh là biên kịch và đạo diễn đang được phát sóng trên VTV1, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng về mảng đề tài mà anh dành nhiều tâm huyết này.

Bài liên quan:

Phim về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chuẩn bị lên sóng

GIỮ ĐƯỢC CÁI TÔI VÀ TẠO ĐƯỢC CÁI TẦM CỦA TÁC PHẨM

- Chào anh Bùi Tuấn Dũng! Chúc mừng anh với bộ phim truyền hình Bình minh phía trước đang phát sóng trên VTV. Anh có thể chia sẻ một chút về bộ phim này?

+ Đây là bộ phim về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là phim chân dung lịch sử thứ ba của tôi sau phim truyện về tướng Đinh Đức Thiện – Những người viết huyền thoại và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Thầu Chín ở Xiêm. Tôi đã mất tròn hai năm để làm kịch bản và đưa Bình minh phía trước lên màn ảnh. Quả thực đây là một công trình đồ sộ và công phu với khối lượng công việc khổng lồ, nhất là trong thời điểm mà cả nước bị dịch Covid hoành hành, là thành quả của cả một team lớn gồm nhiều nghệ sĩ và kĩ thuật viên giàu kinh nghiệm.

- Phim về lãnh tụ, anh đã có Thầu Chín ở Xiêm về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Anh có thể chia sẻ những gì là khó nhất khi tiếp cận dòng phim này? Và anh đã vượt qua những khó khăn đó thế nào khi thực hiện dự án?

+ Ngoài việc phải nghiên cứu rất kĩ các tài liệu lịch sử, chính trị, văn hoá, tư tưởng thời đại… về các nhân vật lịch sử, việc mà hầu như tôi đã làm từ nhiều năm trước thì vấn đề còn lại là xây dựng mạch truyện và hệ thống nhân vật rồi đưa họ vào kịch bản. Với tôi, xong kịch bản đạo diễn là bộ phim xong tới 90%, việc dàn dựng về sau có ít sự sáng tạo hơn và là một công việc không có nhiều phức tạp. Có nhiều trợ lí, thư kí… nhưng đại đa số công việc chuyên môn chuyên sâu thì không ai giúp được, phải tự làm thôi. Là người làm việc bài bản và khoa học, cái cần nhất khi sáng tạo với tôi lại là thời gian. Thời gian gấp rút quá thì sẽ phải làm ngày làm đêm. Có những thời điểm vài tháng liền tôi không được ngủ đủ giấc. Thức là làm việc, mệt là ngủ, không còn khái niệm về giờ giấc ngủ nghỉ nữa.

Cảnh trong phim Bình minh phía trước. Ảnh: NVCC

- Thầu Chín ở Xiêm là phim điện ảnh. Với Bình minh phía trước, một bộ phim truyền hình nhiều tập làm vể lãnh tụ thậm chí còn khó hơn trong những tiêu chí đòi hỏi của dòng phim này. Anh nghĩ đâu sẽ là yếu tố để giữ chân khán giả truyền hình với mỗi tập phim ở thời mà họ có rất nhiều lựa chọn xem hôm nay?

+ Sự cuốn hút bởi tình tiết câu chuyện, của số phận nhân vật và tầm của bộ phim. Khán giả khi xem phim là họ theo dõi câu chuyện, trong đó kịch tính được xây dựng trên nền tảng là nhịp phim. Khi tạo ra một phong cách và lối kể chuyện phim đồng nhất thì những giá trị nghề nghiệp sẽ được tạo dựng có chủ ý với tính hàn lâm cao.

- Những dòng phim lịch sử có nền từ thực tế rất dễ gây tranh cãi khác nhau xung quanh câu chuyện giữa hư cấu và sự thật. Đây lại là phim về lãnh tụ, càng phải cẩn trọng. Chắc hẳn anh đã đặt ra những điều này khi thực hiện Bình minh phía trước?

+ Tôi nghĩ, cái khó của một phim chân dung là thể hiện ở một góc nhìn, vậy thì việc đầu tiên phải hiểu về nhân vật, hiểu tư tưởng thời đại để tạo một góc nhìn rồi xây dựng nhân vật từ góc nhìn đó. Đối với chân dung một lãnh tụ, điều này quả là khó khăn hơn nhiều. Ngoài ra phải tìm hiểu tư tưởng của tối thiểu ba thế hệ trong thời đại nhân vật sống với nhiều giai tầng khác nhau để xây dựng những nhân vật ánh xạ chịu tác động hoặc tác động qua lại với nhân vật chính, xác định ảnh hưởng lẫn nhau một cách tự nhiên khiến tính cách các nhân vật phải thay đổi. Phim mà một chiều, tính cách và số phận nhân vật không thay đổi thì đó là một phim tuyên truyền kiểu cũ và sẽ sa vào lối mòn kiểu những phim làm cách nay vài chục năm. Ngoài ra về thể loại thì tôi không làm phim tiểu sử mà làm phim chân dung. Phim tiểu sử là kiểu phim thống kê với phương pháp kể trần thuật theo thời gian, cái này làm tài liệu phù hợp hơn là phim truyện. Phim chân dung là xác định thời điểm, tạo những lát cắt mạnh mẽ theo dòng sự kiện và những biến chuyển lớn trong cuộc đời nhân vật. Nếu buộc phải kể về những giai đoạn trước hoặc sau thời điểm chính thì tôi có những thủ pháp khác sử dụng chứ không rơi vào việc kể lể dài dòng. Trong kĩ thuật kể chuyện, tôi là người tuân thủ bài bản, mọi sự sáng tạo cũng trên tư duy khoa học và bài bản chứ không phải là một nghệ sĩ tự do phiêu lãng vô chừng. Bộ phim là một khoản đầu tư lớn từ nhà sản xuất, tôi luôn nhận thức rõ mình đang làm cái gì và đang ở đâu. Mấy chục năm làm nghề rồi, tôi sống và làm làm việc đủ lâu để biết tầm của một tác phẩm và những giới hạn của bản thân để đi con đường đúng, giữ được cái tôi mà tạo được cái tầm của tác phẩm.

Tôi nghĩ, cái khó của một phim chân dung là thể hiện ở một góc nhìn, vậy thì việc đầu tiên phải hiểu về nhân vật, hiểu tư tưởng thời đại để tạo một góc nhìn rồi xây dựng nhân vật từ góc nhìn đó. Đối với chân dung một lãnh tụ, điều này quả là khó khăn hơn nhiều.

- Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng -

LÀM VỀ CON NGƯỜI THÌ CHẲNG BAO GIỜ CŨ

- Anh có nghĩ thế mạnh của mình là làm phim lịch sử?

+ Tôi cũng không rõ, tuỳ vào cách đánh giá của mọi người, nhưng tôi cũng thích những đề tài đương đại. Đề tài hiện đại làm cũng dễ hay và dễ hấp dẫn hơn. Muốn thể hiện những điều sâu sắc và tinh tế. Khán giả cũng dễ tiếp nhận hơn.

- Làm phim về lịch sử cũng là đưa người xem về thăm lại những miền kí ức. Kí ức của một thế hệ, của một vùng miền, lớn hơn là kí ức của một đất nước, một dân tộc. Tính kết nối hôm qua và hôm nay rất lớn. Đâu là chìa khóa để kết nối thành công của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng?

+ Nhân học. Làm về con người thì chẳng bao giờ cũ, nó gắn liền với chủng tộc, tinh thần, kinh tế chính trị xã hội, văn hoá… trong đó bao trùm lên tất cả là triết học. Tác phẩm mà giàu tính triết học in hằn trong dấu ấn của các nhân vật thì giá trị kết nối giữa quá khứ, khi câu chuyện được kể với hiện tại, là thời điểm sáng tác càng sâu sắc. Tôi nghĩ là khi đặt mình vào nhân vật ở thời điểm của những năm hai mươi, ba mươi thế kỉ trước, khi chúng ta là dân thuộc địa, chúng ta sẽ biết ý nghĩa và giá trị của độc lập tự do lớn lao thế nào. Hoặc bài học nhận thức của việc “Tự chỉ trích”, nó vẫn còn giá trị rất lớn tới ngày hôm nay và ngay cả tương lai, mỗi khi chúng ta nhìn mình trong gương… Những giá trị đó nói một cách đơn giản là chức năng nhận thức với những giá trị thẩm mĩ và tính nhân văn của một tác phẩm.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng trong quá trình thực hiện bộ phim Bình minh phía trước, bộ phim về thời tuổi trẻ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: NVCC

- Tôi vẫn cứ nghĩ rằng, những âm vọng của lịch sử với hôm nay qua một tác phẩm nghệ thuật, một bộ phim điện ảnh hay truyền hình được coi là thành công phải chạm được tới thế hệ công chúng trẻ. Anh nghĩ thế nào về điều này?

- Tôi không biết có làm được điều ấy không, đó dường như cũng là một cuộc cách mạng lớn và cần nhiều tâm cơ đấy. Nhưng tôi chắc nếu nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật cùng chủ trương sẽ tạo được cảm hứng sống, hành động và truyền lửa cho nhiều thế hệ. Sau cùng thì con người ta đến một lúc nào đó luôn phải tự hỏi mình là nên sống thế nào, sống bao lâu và để lại cái gì cho cuộc đời này. Chẳng lẽ con người ngày nay cứ phải liên tục chạy theo tài phú cuộc đời và bỏ lại sau lưng toàn rác rưởi.

ĐẶT MÌNH VÀO VỊ TRÍ TỪNG NHÂN VẬT

- Về lịch sử chiến tranh cách mạng và người lính, anh cũng đã có những bộ phim như Đường thư, Những người viết huyền thoại, Đường lên Điện Biên và mới đây là Khúc mưa theo đặt hàng của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Những bộ phim ấy chắc hẳn đã để lại trong anh nhiều dấu ấn?

+ Mỗi một bộ phim là một hệ thống nhân vật mà chúng tôi phải tạo ra thế giới của họ trên nền tảng hình mẫu thời đại. Điều chắc chắn là tôi phải đặt mình vào vị trí của từng nhân vật để tư duy hành động. Thứ mà nhân vật để lại là dấu ấn trong lòng khán giả. Họ còn nhớ đến phim, nghĩa là nhớ tới nhân vật và vậy là còn nhớ đến tôi.

- Có thể nói Khúc mưa đã mạnh dạn đưa lên màn ảnh một câu chuyện nhiều lay động về đề tài hậu chiến với góc nhìn nhân văn. Tôi còn nhớ những lời ngợi khen của bạn nghề và những người đi trước trong buổi chiếu ra mắt tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia dành cho bộ phim. Anh có nghĩ với Khúc mưa Bùi Tuấn Dũng đã đưa mình sang một “phân khúc” khác của phim đề tài chiến tranh cách mạng?

+ Tôi nghĩ là chiến tranh hay hậu chiến, nếu với một góc nhìn xây dựng thì sẽ thể hiện rõ quan điểm xã hội của một cá nhân, một tập thể hay cả một quốc gia. Với mỗi một thời đại, luôn có cách nhìn nhận quá khứ với góc mở và màu sắc khác nhau. Khúc mưa là một phim như vậy và nó đã làm tròn sứ mệnh nhỏ bé mà nó vốn dĩ mang theo.

Cảnh trong phim Khúc mưa. Ảnh: TL

- Được biết bộ phim có kinh phí khá hạn hẹp trong mặt bằng làm phim hôm nay. Dám nhận làm Khúc mưa có phải vì anh là đạo diễn biết “liệu cơm gắp mắm” hay còn điều gì khác để anh quyết tâm theo đuổi?

+ Khúc mưa là một bộ phim kinh phí sản xuất Video vỏn vẹn chỉ vài trăm triệu VND. Tuy nhiên với sự hỗ trợ của anh chị em nghệ sĩ, kĩ thuật viên và đặc biệt là hai đơn vị hậu kì đã làm âm thanh, chỉnh màu và xuất DCP miễn phí, chúng tôi đã có bản phim chiếu rạp. Tôi rất trân trọng và mang ơn những đơn vị sản xuất này, họ là những đơn vị hậu kì tư nhân trong TP. Hồ Chí Minh.

- Đề tài người lính hôm nay luôn là một thử thách với các những người làm văn học nghệ thuật trong và ngoài Quân đội. Với đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thì sao, anh có nghĩ đến một bộ phim về người lính của thì hiện tại?

+ Tôi nghĩ có quá nhiều thứ mà người lính hiện tại phải đối mặt, dù cuộc sống đời thường hay nơi biên cương hải đảo. Đó luôn là những thử thách cân não mà họ phải đối diện từng ngày từng giờ và cũng muôn vàn cam go như thời chiến. Người lính ngày nay phải đối diện với nhiều hơn những viên đạn bọc đường mà không có vị sĩ quan chiến lược chiến thuật nào dạy được. Vẫn có mất mát hi sinh đau đớn, là bài học nhận thức nhiều giá trị nên được truyền cảm hứng bằng những tác phẩm văn học nghệ thuật. Đó có thể là truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch nói và phim. Làm phim về đề tài người lính đương đại thì tốt chứ.

- Cám ơn anh đã chia sẻ với VNQĐ!

Đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng sinh năm 1972 tại Thái Bình. Tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Anh đã thực hiện 6 bộ phim truyện nhựa: Đường thư (năm 2004), Hà Nội Hà Nội (năm 2005, phối hợp cùng đạo diễn người Trung Quốc Lưu Chí Vĩ);Vũ điệu tử thần (năm 2006), Những người viết huyền thoại (năm 2013), Thầu Chín ở Xiêm (năm 2015) và phim Khúc mưa (năm 2020). Ngoài ra anh đạo diễn nhiều phim truyền hình như Đám cưới ở thiên đường (2006); Linh lan trắng (năm 2007), Nhiệm vụ đặc biệt (năm 2009), Đi qua ngày biển động (năm 2010), Vòng tròn cạm bẫy (năm 2010), Đường lên Điện Biên (năm 2015), ...

Các bộ phim do anh đạo diễn đã đoạt nhiều giải thưởng tại các kì liên hoan phim cũng như Giải thưởng VHNT Bộ Quốc phòng. Thành công nhất ở dòng phim chiến tranh cách mạng, bộ phim Những người viết huyền thoại của anh đã nhận được 6 giải thưởng quan trọng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XVIII- 2013.

Hiện anh công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam.

NGUYỄN XUÂN THỦY thực hiện

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)