Khuy áo đỏ

Chủ Nhật, 05/02/2023 00:17

. TỐNG NGỌC HÂN
 

Giờ này ôm con mà ngủ thì không tốt hơn à? Thằng Khấu vừa giúp Mắn căng tấm bạt rách thủng lỗ chỗ che lên đống củi, vừa liếc qua vùng cổ áo kín bưng của Mắn. Mưa mỗi lúc một lớn. Những cơn mưa hiếm hoi vào mùa đông. Khi đã ngồi thu lu trong góc lán, xổ tóc ra mải miết lau, Mắn mới trả lời. Ôm con ngủ thì không có tiền.

Minh họa: Thành Chương

Mắn bình thản dựa lưng vào cột lán, nhìn ra màn mưa rừng dày đặc. Tiếng nước suối trượt trên những ghềnh đá rồi duỗi ra buông xuôi không thể lẫn vào tiếng mưa. Con suối Bun này dài lắm, loằn ngoằn chảy từ đâu đó về đem theo màu nước lúc trong xanh, lúc đỏ quạch, khi ngà ngà vàng. Mắn được anh Chá đem về đây làm từ đầu năm, khi những đứa con gái chưa chồng ở Nà Lốc vẫn còn mải chơi xuân, mải yêu đương hò hẹn. Nhiều lần nhớ con, Mắn leo lên cây trám rừng nhìn khắp bốn hướng. Vì Mắn cũng không biết bản Nà Lốc ở hướng nào. Những lần leo cây như thế, Mắn chỉ thấy suối Bun giống như con trăn có hằng trăm vết loét trên thân mình đang quằn quại ngóc đầu cố lết vào rừng sâu. Anh Chá bảo rừng ở đây độc lắm, lại nhiều muỗi vắt. Phải ăn chín uống sôi, ngủ màn. Căn lán dài đến hai chục mét lợp lá cọ, giường là những cái sạp gỗ thợ tự chặt tre nứa làm lấy. Ai cũng gắng thu vén chỗ nằm của mình sao cho êm nhất có thể, chắc chắn nhất có thể. Cứ mỗi thợ một cái màn con để chống muỗi. Đêm nào nghe tiếng thợ chửi muỗi thì ban ngày, tranh thủ lúc cơm chín mà thợ chưa về thì Mắn sẽ vá màn cho thợ. Hằng ngày, việc của Mắn là gánh nước dưới suối lên, đánh phèn, nấu ba bữa cơm cho mười tám thợ. Ngoài ra, Mắn đi lấy củi, lấy thêm rau, măng rừng, nấm hương, mộc nhĩ về làm thức ăn. Rảnh nữa thì may vá quần áo. Cứ mỗi tuần bưởng sẽ gọi thợ từ lán xuống nhà chỉ huy vác lên lán nào là gạo, muối, cá khô, mỡ, thịt lợn, xà phòng, xăng dầu, thuốc nổ và bổ sung công cụ khoan đào vàng nếu cái nào hỏng hóc... Còn những thứ ấy họ chở từ đâu tới nhà chỉ huy và chở bằng cách nào thì Mắn không biết. Cả lán là người Dao Nà Lốc, lọt vào thằng Khấu là người Tày tít tận một bản nào đó xa lắc tên là Cam Cọn. Anh Chá là anh trai chồng của Mắn, là tổ trưởng ở đây. Thằng Luân, thằng Xạ là em trai vợ anh Chá. Khấu và Mắn dường như không nói chuyện với nhau bao giờ nhưng luôn ở trong tầm mắt của nhau, đến mức Mắn có thể phân biệt mùi cơ thể của Khấu với những người khác trong lán. Thi thoảng Khấu bóng gió những câu rất văn hoa: “đời kì thị mình”, “lòng tham mà cũng có đáy”, “hoa chưa tàn ong bướm đã bay đi”... Mắn cũng không biết thằng Khấu nói bâng quơ những chuyện như thế để làm gì. Nhưng Mắn tin là Khấu nói với cô dù Mắn không hiểu gì cả, thấy hay hay thì nhớ thôi.

Mưa nhỏ dần, gió ít đi, nhưng cảm giác vắng vẻ mà mỗi trận mưa đêm ở rừng đem đến thì mười lần như một. Cánh thợ sau một ngày đào bới khuân vác thì ngủ như chết. Mỗi đứa giấu tiền của mình trong một cái ví thổ cẩm có khóa. Cái ví có quai là hai sợi dây dài buộc ngang bụng rất chắc chắn. Cái ví ấy không bao giờ rời khỏi họ. Khi tắm họ thắt nó ngang đầu như một cái khăn. Tắm xong thì lại buộc xuống bụng và gội đầu sau cùng. Thường thì cứ ba tháng bưởng trả lương một lần. Lương chấm theo công. Khi lĩnh lương, thợ sẽ thay nhau nghỉ, đem tiền về nhà. Có người thì kì lương nào cũng về, có người thì gửi chút tiền về cho gia đình còn mình ở lại làm, cuối năm mới về. Từ ngày Mắn làm ở đây, Mắn thấy thằng Khấu kì lương nào cũng về và nó không có ví tiền buộc bụng như những người khác. Quanh năm suốt tháng nó ở trần mặc cái quần bò ngố đến đầu gối có cái thắt lưng da sờn bạc, dù nó cũng có một hai cái áo che lưng. Đôi mắt màu nâu và nhìn ai cũng như nhìn tận tim gan người ta của Khấu làm Mắn thấy mình luôn bị động. Cái miệng hay nói những lời bóng gió của Khấu làm Mắn sợ. Nhưng nếu có thứ gì đó khiến Mắn mất ngủ thì đó là tiếng mưa đêm và tảng ngực trần của Khấu. Khuôn ngực ấy ám ảnh Mắn đến nỗi Mắn tự tay cắt may cho nó một cái áo chàm, bảo nó mặc vào, nhưng nó không mặc, cuộn lại thả vào ba lô. Mắn nghĩ, hay tại nó không thích những cái khuy áo tết bằng len đỏ? Tại hôm ấy hết len tối màu. Áo may ở lán giữa rừng sâu chứ có phải ở nhà đâu mà. Có thể nó nghĩ Mắn thương nó rét mướt. Nhưng thật ra, Mắn không muốn để bất cứ đứa đàn bà con gái nào nhìn thấy tảng ngực trần của nó. Anh Chá là người đàn ông đã gần bốn mươi. Anh khôn lắm, không bao giờ nói thừa ra một tiếng. Anh dặn Mắn ngay từ khi tới lán, là tránh xa thằng trai Tày ấy ra, nó không tốt đẹp gì đâu, ba chục tuổi vẫn không ai lấy. Ở rừng, không điện đóm, không đài hay tivi, đêm dài như nối hai lần đêm, vì thế mà gà rừng gáy rất sớm. Mắn không ngủ được vì câu nói của thằng Khấu lúc trước. Câu nói giống như người ta ném lửa vào đám cỏ khô, khiến nỗi nhớ con cứ cồn cào gan ruột và bùng lên không thể dập được. Mắn nhớ mùi tóc của thằng Khóa, nhớ hai bàn tay bé xíu của nó cứ sục sạo trong người Mắn khi bị cai sữa. Mắn nhớ cả tiếng quát của bố hôm Mắn bịn rịn rứt nó ra để đi làm. Đã cai được năm ngày, vậy mà không hiểu sao, trước lúc đi, Mắn lại cho thằng Khóa bú. Thằng bé hai tuổi rơm rớm nước mắt vì tủi thân, nó nhìn bầu vú mẹ như đoán xem mẹ có bôi thuốc đắng vào như những lần trước không. Nhưng rồi vì quá thèm, không cưỡng được, nó vồ lấy bầu ngực của Mắn mà rít lấy rít để, nuốt vội nuốt vàng ừng ực. Tất nhiên là mẹ Mắn thấy cảnh ấy, bà quay mặt đi mà lau nước mắt. Nhà nghèo, mẹ không khỏe như người ta, các em còn nhỏ, mình bố cáng đáng mọi việc đã vất vả lắm rồi. Chồng Mắn là người bị khuyết tật bẩm sinh, khi thằng Khóa còn chưa chào đời thì chồng Mắn bị ốm nặng rồi không qua khỏi. Mắn về nhà cha mẹ để sinh con và ở từ đó đến giờ. Bố mẹ chồng cô đánh tiếng là nếu có ai thương thì Mắn cứ lấy, con không nuôi được thì đem về bên nội. Nhưng Mắn không muốn xa con. Được anh Chá cho đi làm theo đã là may mắn lắm rồi. Từ bản Nà Lốc tới suối Bun là chặng đường dài nhất Mắn từng đi. Cả một ngày đường trên hai chiếc xe ô tô và hơn bốn giờ đi bộ. Anh Chá dặn Mắn nếu ai có hỏi thì cứ nói là em gái anh.

Minh họa: Thành Chương

Miên man mọi chuyện rồi Mắn chìm vào giấc ngủ nhọc nhằn. Không biết Mắn ngủ bao lâu, tỉnh dậy vì tiếng chim rừng réo rắt. Việc đầu tiên Mắn làm sau mỗi lần thức dậy là nhìn sang chỗ nằm của thằng Khấu. Hôm nay thì không thấy ai ở đó. Cả lán không còn ai. Trời chưa sáng rõ mặt người. Mắn đi đến chỗ nằm của Khấu và sờ lên dát giường, thấy lạnh ngắt. Mắn vội quờ tay xuống gầm giường, không thấy cái búa của Khấu. Mắn véo thật mạnh vào tai mình. Đau nhói. Là thật chứ không phải mơ ngủ. Mọi người đi đâu cả rồi? Đang định gọi anh Chá thì một bàn tay khét lẹt mùi thuốc nổ bịt ngang miệng Mắn, gắt gỏng. Đi thôi. Ngủ lấy nấm à. Mắn nhận ra tiếng thằng Khấu. Vội vàng gỡ tay nó ra. Đi theo tôi, nhanh lên. Mắn vội vàng đi theo thằng Khấu trên lối mòn sau lưng lán đi lên núi. Lên hang à? Mắn hỏi. Khấu quay đầu ra dấu im lặng. Hai người đi chừng chục phút thì tới ngã ba đường. Nhưng không rẽ về phía hang vàng mà rẽ trái. Lối này đi lên hang Mài. Mắn lúc cúc đi theo Khấu. Vùng này rừng thiêng nước độc, muỗi vắt rắn rết, thuốc phiện bao vây lán thợ tứ bề. Nhưng những thứ ấy nhiều nơi có, vùng này có một thứ khác mà nhiều nơi khác không có. Đó là vàng. Rất nhiều vàng. Anh bảo có ngày trúng mánh, những bao tải đá quặng chứa vàng đem xuống nhà chỉ huy cho đội phân kim, tính ra cả mấy trăm triệu đồng. Mắn rùng mình. Trời đã sáng hẳn. Những con vắt ngo ngoe trên mặt lá rất ghê, nhiều con thả dù xuống tay áo Mắn bị Khấu búng ra. Đây là vùng rừng ẩm thấp, nơi mặt trời ít khi chiếu đến. Cây cối lên rêu đỏ chót. Cả vách núi đá cũng thế. Thi thoảng Khấu dừng lại đợi Mắn. Khi hai người lên tới cửa hang thì nắng đã lên loe lóe ở góc trời như cái mỏ vàng lộ thiên ai có sức thì lấy không cần đào bới. Trận mưa đêm qua cho cây cối xanh ngằn ngặt. Cạnh cửa hang là một vạt thành ngạnh tốt ngụt đang tự bóc bỏ cái vỏ áo chật chội và từng đàn kiến leo lên đó như tìm kiếm thứ gì. Khấu bảo kiến chạy mưa, ngày nắng đêm mưa. Mắn hỏi, thế chúng ta chạy ai? Mọi người đâu hết? Khấu chỉ tay xuống phía dưới chân núi. Chạy công an. Họ lùng sục chúng ta. Đem theo cả chó săn. Sao công an lại đuổi chúng ta? Khấu tủm tỉm cười. Tí nữa gặp anh Chá mà hỏi. Đào vàng ở đây là đào trộm, chúng ta là những kẻ trộm vàng. Thế họ có hay đuổi trộm không? Có. Mỗi năm đuổi vài lần. Năm nay giờ mới đuổi nên cô không biết là phải. Họ có bắt được ai bao giờ không? Có chứ, bắt nhiều. Nhưng mất gần hết vàng rồi thì mới bắt được trộm. Trước đây, vùng này, lúc đông có đến dăm chục bưởng vàng và hàng nghìn thợ. Nhưng giờ chỉ còn bưởng Khim thôi. Chỉ khi nào họ càn quét thì trốn. Xong lại làm bình thường.

Hai người đi vào một cái hang có đầy rễ cây buông xuống như một cái rèm. Cái hang ăn xuống lòng núi như củ mài nên được gọi là hang Mài. Khấu bật đèn treo đầu lên và nhường Mắn đi trước. Qua khúc hang hẹp chừng hai chục mét, hai người xuống đến một nền hang rộng bằng cái lán thợ. Mọi người đã ở đó, đang nhai mì tôm sống sồn sột. Trong hang có đủ máy móc và mọi thứ mọi người đem theo. Anh Chá bảo Mắn, lần sau, nếu ngủ dậy, không thấy ai cả, thì cứ bình tĩnh xách theo dao xuống suối, gặp ai hỏi thì bảo đi lấy thuốc cho người ốm. Hỏi người ở đâu thì cứ nói là người bản Nà Lốc. Cùng lắm một hai hôm mọi người sẽ xuống. Ra là vậy. Mọi người trốn chạy đã quen rồi. Thảo nào đêm qua cả lán đều ngủ rất sớm, không thắp đèn chơi tú bôi nhọ hay tẹt mũi búng tai như mọi khi. Trong lúc Mắn còn đang ngơ ngác tiếp nhận những điều lạ lẫm thì cô bất chợt thấy tất cả đều quay mặt lên phía cửa hang. Tiếng chó sủa rất to, vọng đến rõ ràng. Anh Chá bảo thằng Xạ là em vợ anh, tắt đèn đi. Cái hang chìm vào bóng tối. Tiếng chó dưới chân núi sủa nhỏ dần và im hẳn. Khấu bảo họ rút rồi. Một thằng văng tục, sáng không ăn cơm, đói đéo chịu được. Con Mắn đi nấu cơm đi. Anh Chá lên tiếng, nước chỉ đủ nấu mì thôi. Chúng mày đi tìm ít củi khô, nấu mì ăn. Khi nào về lán thì nấu cơm. Tiếng thằng Luân càu nhàu, ăn mì chán lắm. Anh Chá khịt khịt trong mũi. Tiếng khịt giống như cái quả rừng chín con chim rỉa rơi xuống đám lá mục. Thằng Khấu gọi Mắn ra ngoài hang tìm củi. Hang này vốn là một hang vàng bỏ hoang từ rất lâu rồi. Chắc chắn mọi người náu núp ở nơi này nhiều lần nên ai cũng tường tận. Nhưng chỉ ra đến khúc hang hẹp là thằng Khấu quay lại, giơ tay bịt miệng Mắn, ra hiệu im lặng. Mắn run run nép đầu mình vào tấm ngực trần của Khấu, nghe rõ tiếng tim đập thình thịch mà không biết là tim Khấu hay tim mình. Hai người quay lại lòng hang, Khấu nói nhỏ, bưởng đang ở gần cửa hang. Anh Chá ngạc nhiên, sao mày biết? Thì ngửi thấy mùi cỏ nó thường hút. Anh Chá vội vàng dọn dẹp mấy thứ đồ quanh chỗ anh ngồi. Vừa xong thì năm người đàn ông lom khom bước vào. Ba cái đèn pin được bật lên. Trông mặt mũi ai nấy gớm ghiếc. Bưởng Khim là người chạc tuổi anh Chá, đầu cạo trọc khoe ra cái sẹo dài từ đuôi mắt vắt qua thái dương, đan vào chân tóc. Cái cổ được phủ kín bởi một hình xăm chó sói. Bưởng Khim vừa phả khói vừa ra lệnh, anh em thu dọn đồ về lán. Bọn nó cút rồi. Tất cả lục đục thu dọn. Lần lượt từng người một mang đồ ra cửa hang, anh Chá là người ra sau cùng. Anh mang theo một chiếc máy khoan cầm tay và búa, đục. Bưởng Khim khoát tay cho bốn thằng xăm trổ vằn vện đi cùng. Chúng nó hiểu ý, tràn xuống hang, rọi đèn vào các ngóc ngách lục soát. Bốn thằng này thường được Khấu ví như là cai ngục bởi vì hằng ngày mọi người làm, chúng nó vác súng và dùi cui điện đứng canh. Nghỉ giải lao uống nước nó bấm giờ. Nó canh để không ai có thể đem theo quặng rời hang. Từng phút trôi qua nặng nề như người cõng đá mà leo núi. Một thằng xách ra cái ba lô, ném phịch xuống trước mặt anh Chá và quát, mở ra. Anh Chá bình tĩnh mở cái ba lô. Những thỏi thuốc mìn màu nâu xỉn tròn như tấm mía, dài hơn gang tay được cột từng bó một. Có hai bó, mỗi bó mười cây. Thằng cai ngục dằn giọng, của đứa nào. Tất cả im lặng. Anh Chá liếc Khấu. Cái liếc mắt đầy ẩn ý, nửa giống như một sự phân công thầm kín, nửa giống như sự cầu cứu. Nhưng Mắn lại thấy ánh mắt ấy giống như kiểu chỉ điểm, rằng cái ba lô thuốc nổ là của Khấu. Thằng cai ngục thấy thế, nó day qua khuôn mặt lì lợm của Khấu và hỏi đóng sống, tao nhớ không nhầm, cái ba lô này là của mày. Khấu gật đầu thản nhiên, phải, ba lô của tôi. Mắn thấy tim mình đập mạnh như thể ai đó vừa bóp nghẹt phải vùng vẫy để thoát ra. Nhưng trong đầu cô vẫn le lói niềm tin rằng Khấu không phải là người như thế. Ba lô thuốc nổ không phải là của Khấu. Thằng cai ngục kia cao to ngang với Khấu nhưng nó không có vóc dáng đẹp đẽ săn chắc như Khấu. Nét mặt nó dữ tợn như một con thú nhưng lại không có cái vẻ dũng mãnh kiêu ngạo của Khấu. Nhưng chúng nó bốn thằng, có dùi cui điện và bưởng Khim có súng. Thấy Khấu không có vẻ gì là sợ sệt, thằng cai ngục sôi máu gầm lên, thằng chó này, tại lần trước tao đã nhẹ tay với mày quá nên mày nhờn hả! Mắn vội vàng tiến lên phía trước mặt thằng đệ, cứng cỏi, ba lô của nó nhưng thuốc là của tôi. Thằng đó đưa ánh mắt sắc lẹm liếc qua Mắn, mai mỉa, a con gù xinh đẹp! Mày có muốn tao đập cho mày một phát hết gù không? Mày lấy chỗ thuốc này từ bao giờ? Tôi làm ở đây mười tháng, mỗi tháng tôi lấy hai cây. Mày lấy làm gì? Tôi lấy cho bố phá hòn đá rất to mọc giữa nương ngô. Tại sao mày không hỏi xin mà lại ăn cắp? Vì tôi biết thứ này không xin được. Thằng này dường như xử lí những vụ trộm cắp vặt ở lán thợ rất thuần thục. Nó khoát tay. Tất cả về lán. Hai thằng kia đem con này vào hang xử lí.

Anh Chá sụp xuống chân bưởng Khim. Xin sếp tha cho nó, nó là em gái tôi. Bưởng Khim nhìn đi nơi khác, hắn nói bằng cái giọng khinh thường và không ngừng rít cần sa. Bao nhiêu lần mày quỳ xuống để xin cho bọn trộm cắp này rồi. Chúng mày rất ngu khi trộm thuốc nổ của tao để đem về bản phá đá. Lỡ làm què một đứa thôi thì cũng đi tù mọt gông, rồi liên lụy đến tao. Hiểu không? Tên đệ tử nhếch mép, đá vào đùi anh Chá, phụ họa theo bưởng. Mày nghe chưa? Muốn tao tha cho con ăn cắp, mày bảo nó quỳ xuống, liếm sạch mũi giày của ông chủ đi.

Mắn hất cái cái bao tải lỉnh kỉnh đồ đạc xuống, nhìn thẳng vào cái mặt đầy sẹo của thằng đệ và nói, các anh thì hơn gì chúng tôi? Các anh cũng là những kẻ đi đào trộm vàng và bị công an đuổi. Thằng đệ bị phản đòn bất ngờ nên sững lại. Rồi nó chỉ cái dùi cui vào mặt Mắn mà nói, phải, bọn tao trộm vàng đấy, nhưng vàng không do ai làm ra, còn thuốc nổ là của sếp. Bưởng Khim dừng rít thuốc, khoát tay, tha cho nó! Mẹ ông! Ông còn thừa hơi cãi nhau với đàn bà.

*

*          *

Đúng hai tám tết thì thợ mới được trả lương để về nhà. Trong lúc di chuyển ra cửa rừng, anh Chá nhờ Mắn mang giúp một túi xách khá nặng. Bởi vì Mắn chỉ có một ba lô quần áo và đồ dùng cá nhân nhỏ gọn còn những người khác quá nhiều đồ. Có thằng còn đem theo mấy giò lan rừng. Thấy Mắn vẹo người xách, cái mỏm gù lệch hẳn sang một bên, Khấu gây sự với anh Chá, sao anh cứ lợi dụng người khác thế hả? Bưởng đón đường kiểm tra thì sao? Anh Chá nhìn Khấu gườm gườm. Khấu gườm lại. Trông bọn họ chả khác gì con trâu và con hổ vằn ở chung một vạt rừng. Anh Chá gằn giọng, mày câm họng đi, không phải việc của mày, cái túi chưa đến chục cân, mày xót nó thì mày xách đi. Giờ thì Mắn hiểu vì sao nhiều lúc anh Chá sai Mắn làm những công việc nặng nhọc quá sức của cô. Nhưng nặng mấy thì cũng xong vì đã có Khấu giúp đỡ. Khấu thở phì phì như con hổ mang, nọc độc đã dồn về lưỡi. Anh hãy nói cho cô ấy biết là cả chục thằng ở lán này, kể cả tôi và hai thằng em vợ anh, thằng nào cũng từng xơi những trận đòn thừa sống thiếu chết của bưởng, vì nhận tội ăn cắp thay anh. Mỗi năm anh ăn cắp cả tạ thuốc nổ để đánh đá cho người Nà Lốc, trót lọt thì anh hưởng, bị phát hiện thì anh bắt chúng tôi nhận tội thay anh bằng đủ mọi thủ đoạn từ cầu xin đến dọa nạt tăng giờ làm, cắt xẻo lương. Vừa nói, Khấu vừa giật túi thuốc nổ trên tay Mắn ném xuống đất và nổi cáu. Muốn về với con thì đừng xách, mặc kệ nó. Mắn sợ sệt nhìn anh Chá. Anh Chá đưa mắt nhìn cả đoàn người rồng rắn, ai cũng lấm lét như thể trong người họ chất đầy những thứ đồ trộm cắp. Mắn biết, sẽ không ai xách túi thuốc nổ này nữa. Cuối năm rồi, ai cũng muốn về với gia đình. Không ai muốn bị bưởng bắt giữ đánh đập và nộp phạt hết ba tháng lương. Nhưng anh Chá với Mắn thì khác. Mắn ơn anh Chá. Nhờ anh Chá đưa cô về đây làm mà thời gian qua Mắn có tiền gửi về cho mẹ chữa bệnh và cho bố sửa sang nhà cửa. Có thể anh Chá nghĩ nếu bưởng Khim bắt được Mắn thì sẽ tha cho, giống như lần trước. Mà lần trước thì cô liều vì Khấu thôi. Mắn xách cái túi lên. Khom lưng bước đi. Cô thầm nghĩ đến đứa con trai bé bỏng của mình đang mong mẹ từng ngày. Lúc Mắn đi làm, nó mới hai tuổi, giờ đã gần ba tuổi rồi.

Thằng Khấu kể từ lúc can ngăn Mắn không được, nó không nói gì nữa. Cũng không xách giúp Mắn. Một mình Mắn ì ạch sau cùng. Đến bờ suối thì cả đoàn dừng lại đợi Mắn. Trong lúc qua suối, Khấu xốc lại cái bao tải lên vai, trượt chân, Khấu ngã vào thằng Xạ. Thằng Xạ đè lên vai Mắn. Mắn ngã dúi dụi. Túi thuốc mìn rơi xuống suối chìm nghỉm. Cả đám đứng ngây người. Mắn vớt túi thuốc mìn lên đem vào bờ. Anh Chá đi tới, văng tục rồi thẳng tay tát Mắn một cái. Nhưng thằng Khấu nhanh chóng đỡ được, nó bẻ tay anh xuống. Anh mà đánh nó, tôi giết anh. Ánh mắt thằng Khấu đe dọa anh Chá như thế. Anh Chá mặt tím như quả bồ quân vì tiếc của. Anh dứ nắm đấm vào đầu thằng Khấu và nói, mày im miệng lại. Mày cố tình ngã vào chúng nó để làm hỏng thuốc của tao chứ gì. Mày định chơi tao phải không? Mày thích em tao mà mày đối xử với tao thế à? Tao ăn cắp mìn của bọn ăn cắp vàng đấy, có gì sai?

Cả bọn lén liếc nhau rồi tiếp tục đi. Chắc là có đứa cũng ân hận vì trót không giúp anh Chá để cả yến thuốc nổ thành bùn. Ra gần đến cửa rừng thì thấy cái ô tô của bưởng Khim đỗ chặn ngang đường. Vẫn bốn thằng cai ngục xăm trổ vằn vèo nhảy xuống, chúng kiểm tra hành lí từng người, rất kĩ, nhưng không thấy gì. Hú vía.

Thật ra, chúng nó tìm quặng vàng trong những túi đồ. Vàng dưới suối là vàng sa khoáng, múc lên, dùng nước đãi. Vàng ở suối Bun bị đãi hết từ lâu rồi. Còn vàng trong hang của bưởng Khim là vàng nằm xen kẽ trong các lớp đá rất rắn. Để đến được các vỉa quặng chứa vàng, thợ phải dùng mìn để bóc bỏ những lớp đá. Sau khi lấy quặng phải đem nghiền ra để sàng lọc lấy vàng. Cho nên mỗi ngày, lượng thuốc nổ được sử dụng rất lớn. Anh Chá là người duy nhất ở đây được bưởng Khim cho đi học về kĩ thuật đốt mìn, phá đá. Thằng nào cũng có thể khoan, đục, đào và đập đá, nhưng đốt mìn thì chỉ có anh Chá. Bởi vì, kĩ thuật đốt mìn ở mỏ vàng rất khó, phải làm sao cho mìn nổ không gây ra tiếng động lớn, không làm đất đá, quặng vàng văng xa. Đốt mìn trong quặng vàng là một dạng om mìn, lượng thuốc nổ chỉ vừa đủ để làm vỡ các kết cấu đá, để cho thợ vàng dùng xà beng cậy và dùng búa đập ra. Như thế, vừa an toàn cho thợ, vừa không bị cơ quan chức năng phát hiện, lại không thất thoát quặng vàng. Đấy là thằng Xạ kể thế. Còn anh Chá từng bảo, nếu để anh đốt thoải mái như cái đội nổ mìn lấy đá làm đường thì chỉ trong một ngày, anh đánh sập cả ngọn núi này. Người bản Nà Lốc chỉ ngóng anh Chá về để giúp họ giải quyết những chướng ngại vật đá trong nương, ruộng, vườn nhà họ thôi. Vừa giúp được bà con lại vừa có nhiều tiền nên anh Chá ham. Do đó, bưởng Khim vừa cần, vừa sợ anh Chá nhưng lại rất ghét anh.

Sáng mùng ba tết. Cả nhà sang chú ruột ăn tết, theo phong tục người Dao thì Mắn còn kiêng, chưa tới nhà ai cả. Cô đang nấu cháo cho đàn lợn con mới đẻ thì nghe như có tiếng xe máy đi vào vào sân. Mắn vội vàng bước ra, sững sờ vì thấy Khấu đứng đó. Thảo nào suốt mấy ngày tết bụng Mắn như có than vùi, mặt mũi cứ nóng bừng. Từ nhà Khấu tới Nà Lốc cả trăm cây số, anh Chá từng bảo thế. Trời thì rét như thế này. Mắn chỉ muốn chạy đến chỗ Khấu. Nhưng chân Mắn cứ như bị trói chặt. Cô không thể bước thêm một bước. Đã thế, cu Khóa trong bếp đi ra, bám vào chân mẹ, tròn xoe mắt nhìn người khách lạ.

Khấu cười rất lành rồi bước thật nhanh về phía hai mẹ con. Lần đầu tiên Mắn thấy Khấu mặc chiếc áo chàm ấy. Chiếc áo chàm có khuy đỏ mà Mắn tưởng Khấu chê không mặc. Thấy Mắn nhìn chằm chằm vào ngực mình, Khấu hỏi. Áo đẹp không? Mắn mỉm cười, úp mặt vào ngực Khấu, lấy răng rứt rứt cái khuy áo đỏ rồi vờ hỏi. Ai may áo cho mà vừa vặn thế không biết…

T.N.H

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)