Những nẻo thơ xuân

Thứ Năm, 15/02/2024 10:25

Những nẻo thơ xuân

Mỗi khi ngồi trò chuyện với bạn đọc về thơ xuân, trong lòng Người Biên Tập rộn lên rất nhiều cảm xúc. Thời gian trôi đi, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân thì luôn tuần tự. Thơ là một dòng chảy khác, đứng ngoài dòng chảy chung của thời gian và bất biến trong tâm thức mỗi người.
Những ngày xuân đang cận kề, xui lòng người bâng khuâng, chộn rộn. Những trang thơ gửi về Văn nghệ Quân đội vì vậy mà cũng mang đậm không khí của những ngày tết đến xuân về.
Tác giả Đặng Lợi ở Từ Sơn, Bắc Ninh hoài niệm về một chợ tết xa xưa: Chợ tết ngày xưa rộn rã nhiều/ Nhớ mà cứ thấy lòng phiêu diêu/ Lá dong xanh biếc về muôn ngả/ Thúng đội đầu ai đỏ giấy điều… Những câu thơ ấm lên một vùng kí ức của người Kinh Bắc. Chợ tết bây giờ vẫn rộn rã nhưng có lẽ những hình ảnh vốn rất quen thuộc như lá dong xanh, giấy điều đỏ thì đã thưa đi nhiều. Trong bài thơ, tác giả Đặng Lợi còn nhắc nhiều đến những hình ảnh khác nay đã mai một như pháo đỏ pháo xanh, câu đối, tranh, thơ, lợn, gà. Những hình ảnh ấy đủ gợi lên một không khí tết xưa, mộc mạc mà vẫn vui tươi, không xa hoa mà vẫn thấy rõ những ấm nồng, rạo rực của ngày tết. Bài thơ sẽ ấn tượng hơn nếu như tác giả tinh chọn hơn trong hình ảnh và ngôn ngữ thơ.
Người Biên Tập cũng ấn tượng với tết vùng cao trong bài thơ Tết quê em của tác giả Hồng Quang ở Bắc Quang, Hà Giang. Bài thơ có những câu thơ làm say lòng người: Giao thừa thơm khói nhang bay/ Dập dình tính tẩu ngân đầy hương xuân hay Tôi yêu hương vị tết quê/ Xa xôi muôn nẻo vẫn về trong nhau/ Rượu xuân phảng phất hương cau/ Rộn ràng xóm ngõ, say câu chúc mừng! Một không gian mang đầy bản sắc vùng cao với tiếng tính tẩu, với rượu xuân. Trong những ngày giáp tết như thế này, những câu thơ càng khiến lòng ta thêm nao nức. Khi thơ gợi lên được cảm giác đó là khi thơ thực sự chạm được vào tâm hồn người đọc. Tuy nhiên, bên cạnh những câu thơ Người Biên Tập vừa nhắc thì những câu thơ còn lại trong bài thơ còn đơn giản, nôm na nên tác giả Hồng Quang chưa có được một thi phẩm trọn vẹn.
Mùa xuân và tết luôn đem lại nhiều cảm xúc thi vị cho người cầm bút, mỗi người sẽ cảm nhận không gian, thời gian ấy theo một góc nhìn riêng. Với cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Tuyền ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc thì mùa xuân bắt đầu từ tia nắng trên chiếc áo tảo tần của mẹ: Xuân về con nắng thẩn thơ/ Đậu trên áo mẹ mong chờ lúa chiêm. Một tác giả khác, cũng là giáo viên ở thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai là Trần Thanh Cẩm lại có câu thơ đầy nội tâm: Cuối năm trong lòng đốt lửa/ Đâu đây mùi khói cay nồng. Mùi khói bếp cũng là cảm hứng cho nhiều người cầm bút khi viết về đề tài mùa xuân và tết. Bởi tết là sum vầy, đó là khoảnh khắc mà ai cũng nhớ đến gia đình, quê hương, muốn về đoàn tụ bên căn bếp ấm nồng tình thân. Tác giả Đoàn Trung Phong ở Yên Thành, Nghệ An viết: Lạt mềm buộc lá dong xanh/ Chiều ba mươi lửa reo quanh nếp nhà/ Gạn mùa chắt lại bóng ta/ Khói nhang lặng vía ngày qua tảo tần. Tác giả Tịnh Bình ở Tây Ninh viết: Cuối năm lòng chạp như say/ Dập dờn khói biếc thơ ngây nụ chồi/ Vài ba cánh én xa xôi/ Chưa xuân lòng đã bồi hồi tháng giêng. Mỗi tác giả đều đem đến cho bạn đọc một cảm nhận rất chân thực, sống động về mùa xuân và tết. Qua mỗi câu thơ ta như gặp được mình đâu đó, bởi dẫu là ở những vùng miền khác nhau, không khí tết cổ truyền vẫn luôn tạo ra cảm giác về sự ấm áp, sum vầy, và mùa xuân thì luôn khiến lòng ta bồi hồi hơn, tươi mới hơn.
Chúng ta cùng đến với không khí mùa xuân của những người lính nơi hải đảo xa xôi của Tổ quốc. Tác giả Khánh Ly ở Đông Triều, Quảng Ninh đã có những câu thơ cho thấy mùa xuân đến với người lính theo một cách rất riêng: Đêm xuân trên đảo nhỏ/ Mây nghiêng xuống khẽ khàng/ Lắng nghe từng mầm cỏ/ Cựa mình đón xuân sang… Cứ thấy mầm cỏ dại/ Lính đảo biết xuân về. Có thể thấy, mùa xuân đến với người lính đảo theo cách dung dị và tinh tế như chính tâm hồn và cuộc sống của những người lính vậy. Tác giả Hạ Trâm ở Phan Thiết lại mang đến một mùa xuân khác cho người lính, mùa xuân ấy bắt đầu từ tiếng nói cười của người trong đất liền ra đảo để thăm và chúc tết, đó là âm thanh mà những người lính quanh năm trên đảo vắng rất mong muốn được nghe: Anh ở trên đảo vắng/ chuyện trò cùng tiếng sóng quanh năm/ chuyến tàu chiều nay cập đảo/ mang theo huyên náo quê nhà/ một tiếng gọi đủ khiến lòng xuân thức/ tết đảo là khi râm ran tiếng em cười. Vậy còn mùa xuân ở vùng biên giới thì có gì đặc biệt? Tác giả Hồng Yên ở Cao Bằng đã miêu tả mùa xuân của người lính nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc rất thi vị: lính biên phòng nhìn về bản nhỏ/ dây phơi nhà ai đỏ áo vừa thêu/ xuân chưa hội mà lòng người đã vội/ mơ tiếng khèn người thương/ …/ những đêm xuân đường tuần tra ngắn lại/ những hẹn thề của trai gái yêu nhau/ đánh thức cả vùng biên hoa nở. Mùa xuân luôn mang đến hơi thở mới, sức sống mới cho những vùng đất, những con người. Với người lính, mùa xuân luôn đến theo những cách đặc biệt nhất, sự đặc biệt ấy cũng chính là động lực để các anh luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình. Dù ở bất cứ vị trí nào, nhiệm vụ nào, hoàn cảnh nào thì các anh vẫn luôn mang đến một niềm tin vững chắc cho nhân dân. Đặc biệt, trong thơ xuân, sự hiện diện của các anh nơi biên cương, hải đảo càng khiến chúng ta yêu hơn hình ảnh người lính hôm nay.
Mùa xuân đang cận kề, cho dù đang ở nơi đâu trên dải đất hình chữ S thân yêu này thì chúng ta cũng cảm nhận rất rõ điều đó. Những câu thơ xuân được gửi đến Văn nghệ Quân đội cũng đã phần nào cho thấy được không khí của tết đến xuân về với rất nhiều nguồn thi cảm. Ngồi trước bản thảo của các cộng tác viên trên mọi miền gửi đến toà soạn trong thời gian qua, Người Biên Tập cảm thấy rất vui bởi mỗi câu thơ, bài thơ của các tác giả đều chứa đựng trong đó những vẻ đẹp dù bé nhỏ, mộc mạc thì cũng góp phần lan toả những giá trị nhân văn của cuộc sống này. Mùa xuân đến, mang theo những mong chờ và hi vọng, thơ luôn chuyển tải điều đó theo một cách tự nhiên và chân thực nhất, cho dẫu đó là điều không thể thì ta vẫn cảm thấy được sẻ chia, được vỗ về, như câu thơ của tác giả Nguyễn Hải Lý ở Đà Nẵng: Tháng giêng, thèm về bé nhỏ/ Nhìn trời bằng đôi mắt trong...
Năm 2023 đang dần khép lại để hướng đến năm 2024 nhiều ước mơ và hi vọng hơn, thân chúc các cộng tác viên, các bạn đọc của Văn nghệ Quân đội vạn sự như ý.
NGƯỜI BIÊN TẬP

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)