Những buổi chiều liên tưởng

Chủ Nhật, 29/10/2023 08:00

(Đọc Gọi nhau gió sông đầy của Thảo Nguyên, Nxb Hội Nhà văn, 2023)


Thơ là sự tinh tế của khoảnh khắc, người viết đích thực trong mọi bối cảnh sẽ chân tình mà đối diện với chính mình để bắt chụp, ghi lại những khoảnh khắc đó. Gọi nhau gió sông đầy của tác giả Thảo Nguyên không đi tìm những gì lớn lao, xa vời mà ở đây bạn đọc sẽ gặp những điều nhỏ bé, bình dị nhưng là những khoảnh khắc khó quên. Gió và sương con đường trong thơ/ Lang thang một câu buồn xa vắng/ Chiếc bóng nào rơi khan…
Thoạt tiên, cứ ngỡ tác giả đang đi lang thang, vô định trên đường thơ của mình bởi những câu chữ tưởng như không dẫn về đâu cả. Tháng ngày mơ hồ gió/ Hun hút một rối bời/ Ai gọi tôi xưa. Đôi khi thơ được khởi lên trong một trạng thái mơ hồ nào đó, và tác giả đã men theo sự mơ hồ ấy để đi, cái mà anh tìm thấy chỉ là một tiếng gọi thầm vang lên trong tâm tưởng. Nhưng chính tiếng gọi ấy đã giúp tác giả tìm ra được không gian sáng tạo của mình. Không phải ngẫu nhiên mà ở phần I của tập thơ tác giả lấy nhan đề là Gọi nhau. Ai đang gọi ai không phải là mục đích mà người viết cố gắng biện giải, cũng không phải là điều mà người đọc nên đi tìm. Người viết là người kiên nhẫn lắng nghe mọi thanh âm vang lên trong tâm hồn mình, ở đó họ tự phân mảnh và tự hợp nhất, tự dập tắt và tự thắp lên: Cù lao đầy sóng gió/ Tiếng lòng tôi bập bùng/ Ngô đồng cháy lan ngọn núi/ Ngày lên cầu cảng rộn ràng.
Với mỗi tập thơ, bạn đọc cần tìm ra cho mình một cách tiếp cận, nếu tìm ra được lối đi thỏa đáng thì như thể ta đang đồng điệu trong hành trình của người viết vậy. Đối với Gọi nhau gió sông đầy, đi theo tiếng gọi thầm trong thơ Thảo Nguyên, chúng ta sẽ gặp được những chân trời khác: Vòm trời trù mật/ Gió đồng ngai ngái cỏ hoang/ Hạnh phúc mềm tay/ Bóng chim ngả rẽ; Em đã lặm vào mưa/ Mưa bao mùa lãng đãng/ Bao mùa ngây ngất xanh... Mỗi người viết sẽ có những cách riêng để diễn tả thi giới của mình. Tác giả Thảo Nguyên đã tìm được cho mình cách biểu đạt đó bằng sự kết hợp giữa cảm xúc chân thực và khả năng ngôn ngữ. Thơ Thảo Nguyên không có những hình ảnh bất ngờ, mới lạ mà ngược lại, ta sẽ bắt gặp rất nhiều chi tiết nhỏ bé, vốn đã quen thuộc. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa những điều nhỏ bé, quen thuộc ấy một cách hài hoà, có chiều sâu nội cảm là cách tác giả khiến người đọc thấy rung cảm trong những hình dung mới.
Thơ ca tiếp cận đời sống ở cách mà các hình thức khác khó diễn tả. Thơ nói được những điều gần gũi, giản dị nhưng vẫn đạt được tính hình tượng cao. Ở phần II của tập thơ mang tên Gió sông đầy, tác giả Thảo Nguyên đi sâu hơn vào những buổi chiều liên tưởng, ở đó mọi hình ảnh như được đẩy đi xa hơn, khó nắm bắt hơn nhưng cũng đạt đến sự thâm trầm nhất định. Chiều của chiều năm cũ/ Sóng sông xưa nghìn trùng/ Mưa của mưa tháng ngày qua phố/ Mà hồn neo lại một vai cầu. Tác giả không chọn sự tối giản đến cô đặc nhưng cũng không sa vào bày biện những tính từ của cảm xúc. Có thể thấy, sự kiệm lời là một lựa chọn nghệ thuật của tác giả. Trong sự kiệm lời ấy anh đã để cho mọi cảm xúc của mình được chín muồi, được tinh lọc. Theo cách nhìn nào đó, thì thơ lúc này như một giải pháp để tác giả thổ lộ nội tâm mình: Nắng hửng cánh buồm xa/ Ngọn sóng điệu đàng dậy lửa/ Chiều hụt hơi tan trong mắt biếc.
Trên dòng sông thơ, cảm xúc của người viết chính là cơn gió, một tiếng gọi vang lên trong tâm thức cũng đủ để thức dậy cơn gió để tạo nên những gợn sóng trên dòng sông ấy. Sóng ấy lớn hay nhỏ là tuỳ vào sức vóc của cơn gió. Tập thơ Gọi nhau cho gió sông đầy đã gợi nên sự liên tưởng ấy. Như muôn hoa/ Như sứ giả/ Ngọn giông dạt phương ngày hạ/ Cuối trời thổn thức/ Gọi nhau gió sông đầy.

                                                                       NGUYỄN THỊ KIM NHUNG chọn và giới thiệu
 

Phố nhớ

Về giữa con phố nhớ
Phập phồng nỗi đợi
Giấc mơ tươi nguyên ngũ sắc

Mưu sinh râm ran ngõ hẹp
Nhịp điệu vỉa hè
Nhịp điệu tuổi lơ ngơ

Gió và sương con đường trong thơ
Lang thang một câu buồn xa vắng
Chiếc bóng nào rơi khan

Ngày con phố yêu
Chuyến tàu đêm và tháng mười rời bến
Ánh đèn vàng chứng nhân

Em đã lặm vào mưa
Mưa bao mùa lãng đãng
Bao mùa ngây ngất xanh.


Bình minh đêm

Lòng khuya yên tịnh
Ánh mắt khuya êm đềm

Ngày đã thuộc về nhau
Em đôi bờ thổn thức
Ta ngọn triều dâng cao

Bình minh đêm
Tình yêu và giấc mơ phát sáng

Sông chảy
Mưa trôi
Bài thơ và con đò
Dùng dằng và dang dở

Đêm không bờ
Đêm không sóng
Và lửa chân trời mọc lên.


Bóng chim ngả rẽ

Những tàng cây mê dụ
Những ngôi nhà rệu rã diễu hành
Ngày trở lại

Ngậm ngùi bồng bế qua sông
Cò quê rộm nắng
Bờ lau trắng hư không
Con đường chân mây bướm lượn

Mùa lá dựng âm giai
Hồn nghiêng rêu
Kỉ niệm bật mầm

Vòm trời trù mật
Gió đồng ngai ngái cỏ hoang
Hạnh phúc mềm tay
Bóng chim ngả rẽ

Tháng ngày mơ hồ gió
Hun hút một rối bời
Ai gọi tôi xưa.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)