Sau chiến thắng lịch sử tại Oscar 2020 cho bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) và liên tục dời lịch chiếu suốt một năm qua, cuối cùng tác phẩm tiếp theo rất được chờ đón của “quái kiệt” Hàn Quốc Bong Joon-ho đã ra mắt khán giả. Không còn khai thác tính chất Hàn Quốc như phần lớn sự nghiệp, lần này vị đạo diễn tài năng đã đưa khán giả đến một không gian có phần khác biệt với bộ phim Mickey 17.

Đạo diễn Bong Joon-ho và Robert Pattinson trong quá trình quảng bá Mickey 17.
Trong giới điện ảnh, luôn tồn tại những đạo diễn tên tuổi đi song song giữa hai đường biên thưởng thức. Chẳng hạn Steven Spielberg có thể đậm nghệ thuật trong Danh sách của Schindler hay The Fablemans, nhưng cũng không ai chê trách được ông trong những sản phẩm nghiêng về thương mại như Hàm cá mập hay E.T. Sinh vật ngoài hành tinh... Lựa chọn này còn có thể kể đến Christopher Nolan, Martin Scorsese, George Lucas... Và Bong Joon-ho cũng là một trong số đó. Người ta có thể thấy ông rất “nghệ” trong Okja, Người mẹ hay Ký sinh trùng... nhưng cũng đồng thời rất Hollywood trong Chuyến tàu băng giá. Mickey 17 cũng thuộc về nhóm thứ 2, khi nó khá gần thị hiếu người xem hơn là chiều lòng được giới hàn lâm.
Bộ phim theo đó được lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng – phản địa đàng Mickey7 của Edward Ashton, xoay quanh anh chàng Mickey Barnes nhận lãnh nhiệm vụ là “expendable” – người có khả năng nhân bản vô số lần với các kí ức được lưu trữ lại, nghĩa là vòng lặp sống chết nối đuôi cho đến vô cùng. Điều này dựa trên một công nghệ hư cấu được phát minh vào năm 2054, khi tương tự như máy in 3D, nhưng thứ cho ra lại là con người với các bản sao khác nhau. Với những mối nguy về mặt đạo đức, nó bị cấm ngặt trên Trái Đất nhưng được cho phép sử dụng trong chuyến thám hiểm hành tinh Niflheim – chương trình được khởi động bởi hai vợ chồng chính trị gia thất cử Kenneth Marshall và Ylfa.
Vì được tạo lập lại vô số lần, nên Mickey thường lãnh những nhiệm vụ mang tính khảo sát ở môi trường mới. Anh là “chuột bạch” để phát minh ra vaccine chống lại virus. Anh cũng là người sẽ phải đối đầu với một sinh vật bản địa kì dị, từ đó tìm ra đặc điểm cũng như đánh giá phản ứng của chúng trước người mới đến... Chính những việc đó đã khiến có 17 phiên bản Mickey được tạo ra, và trong một lần những tưởng đã chết ở ngoài xa đó, Mickey thứ 18 đã vô tình được tạo ra, từ đây hình thành nên sự xung khắc. Liệu Mickey nào nên tồn tại, và khi có 2 con người cùng ở một nơi, thì ta sẽ phải đối mặt với hiện thực ấy theo cách nào đây?

Robert Pattinson có cú chuyển mình khi đảm nhận cả 2 vai diễn song song.
Có thể nói tuy mượn lớp vỏ khoa học viễn tưởng có phần quen thuộc, nhưng bằng ngôn ngữ điện ảnh, Bong Joon-ho cũng đã truyền đạt được nhiều thông điệp. Một trong số đó là về bản dạng. Ngay từ đầu, việc có nhiều Mickey đặt trong thế giới nơi công nghệ có thể tạo ra một con người mới đặt ra câu hỏi về tính chính danh. Cả cuốn tiểu thuyết và bộ phim này còn dấn một bước sâu hơn vào chính điều đó, khi 2 bản sao đều có tính cách và cách phản ứng hoàn toàn khác biệt. Vì cũng như con người, những mô phỏng này cũng có những mặt trội hơn, khiến cho trong khi Mickey 18 là người nóng nảy và khó kiểm soát, thì Mickey 17 lại là anh chàng có phần tếu táo, coi nhẹ mọi thứ...
Việc lặp đi lặp lại cái chết cũng đặt ra câu hỏi mang tính hư vô, rằng chết sẽ như thế nào, và sự sống ấy liệu có đáng không khi biết mình không thể chết? Bong Joon-ho nhấn rất nhiều lần vào thông điệp này, khi không chỉ những tên bắt nạt, đầu óc bã đậu tò mò về sự sống và cái chết, mà những người sâu sắc, những người đứng trước nỗi tuyệt vọng lớn khi mất đi người thân cũng nhìn thấy điều này... Có thể nói Mickey 17 tuy đặt trong một thế giới với công nghệ phát triển, nhưng cũng từ đó những suy tư rất con người, những tò mò rất bản năng vẫn luôn trỗi dậy, từ đó đặt ra câu hỏi nên sống một lần hoàng huy hay sống mãi hoài nhưng là hời hợt? Hiển nhiên với người thưởng thức câu trả lời chỉ một, và thông qua đó ta sẽ biết sống sao cho trọn vẹn và ý nghĩa hơn.
Bên cạnh thông điệp to lớn, tác phẩm cũng nhắc đến sự lạm dụng công nghệ cao và đặt những tiến bộ ấy trước mệnh đề đạo đức. Công nghệ tạo ra bản sao trong tác phẩm đã từng hiện diện ở Trái Đất, từ đó gây ra bao nhiêu tội ác khi quan điểm công lí “một người không thể ở hai nơi” giờ đã không còn chính xác. Câu chuyện này nhắc ta nhớ dẫu công nghệ phát triển đến đâu, thì khía cạnh đạo đức và tính nhân văn vẫn nên được đặt lên hàng đầu. Và với cuộc đổ bộ vào hành tinh mới, việc con người một lần nữa lặp lại tội ác khi kiêu ngạo coi bản thân là sinh vật cao quý, là “loài bản xứ” chứ không phải những giống loài đã sống ở đây cũng được vọng lại... cảnh báo thêm nữa về tham vọng và quyền lực trong tương lai gần. Có thể nói tuy kể một câu chuyện ở khoảng cách tương đối xa, nhưng nhiều chi tiết của Mickey 17 vẫn khá gần gũi trong cuộc sống này, thậm chí còn đang diễn ra, không khỏi khơi nên những câu hỏi lớn...
Trước một cốt truyện chứa đựng nhiều thông điệp như thế, đạo diễn Bong Joon-ho cũng không cần quá dụng công cho bộ phim này. Vì không phải một tác phẩm hàn lâm, nên những góc nhìn độc đáo là tương đối ít. Điều thành công nhất của bộ phim là đạo diễn họ Bong đã tạo ra được những khoảnh khắc hài hước, tạo nét độc đáo cho tác phẩm. Cũng chính điều này tạo ra bầu không khí riêng, bởi nếu không, một bộ phim về thảm họa công nghệ, đổ bộ lên hành tinh khác... sẽ không khác gì hàng hà sa số những dự án được xuất xưởng hàng năm.
Ta thấy điều này trong cách xây dựng rất nhiều nhân vật gần như hoang tưởng. Không thể không bật cười khi thấy Toni Collette từ các vai diễn kinh dị hút hồn giờ trở thành Ylfa – người phụ nữ cuồng các loại sốt và người chồng ngu ngốc do Mark Ruffalo đóng chính. Bộ ba Robert Pattinson, Naomi Ackie và Steven Yeun cũng có những lần tương tác đáng nhớ qua phần diễn xuất thiên về phía “kịch”, nhưng cũng từ đó tạo được bất ngờ với những cú twist ẩn chứa sau cùng. Nhạc nền của tác phẩm cũng là một điểm đáng khen khác, khi bao phủ tác phẩm là những bản piano độc tấu chậm rãi, man mác nỗi buồn, gắn vào những khung hình vị lai, tạo nên một sự tương phản hút khán giả vào. Trong bộ phim Robert Pattinson đã có một cú lột xác ngoạn mục. Với cốt truyện về sự đa dạng danh tính, có lúc anh đã đồng diễn xuất cho 2 Mickey khác nhau, và mỗi nhân vật lại có một điểm rất riêng. Điều này cho thấy khả năng biến hóa, thổi hồn vào nhân vật của nam tài tử từng bị đánh giá thấp từ thời “Chạng vạng” này. Không ngoa khi nói cũng như “Spencer” giúp Kristen Stewart khẳng định vị thế, Mickey 17 chính là cơ hội để Pattison có bước chuyển mình.
Tuy vậy thì đây cũng là những điểm sáng duy nhất của bộ phim này. Do “quái kiệt” Hàn Quốc từng làm nên lịch sử khi sở hữu phim nước ngoài đầu tiên thắng Phim hay nhất ở Oscar, nên khán giả mong chờ nhiều thứ hơn nữa ở Mickey 17. Bong Joon-ho cho thấy mình làm “tròn vai” nên bộ phim không hẳn là dở, nhưng nó thiếu đi dấu ấn độc nhất, điều khiến bất cứ đạo diễn cứng tay nào cũng có thể làm được. Trong khi đó cốt truyện vẫn còn dễ đoán, không quá bất ngờ. Mạch phim làm rất tốt ở 2/3 quãng đầu, nhưng càng về cuối biên kịch và đạo diễn lại mang đến nút thắt được tháo gỡ quá dễ dàng, không thật sự đọng lại ấn tượng với người xem. Đó hẳn cũng là lí do tuy có số tiền đầu tư là 118 triệu USD (và khoản xấp xỉ cho khâu quảng bá), nhưng bộ phim chỉ mới thu về hơn 100 triệu USD doanh thu toàn cầu.
Hẳn nhiên bộ phim vẫn cho thấy nỗ lực của Bong Joon-ho khi không lặp lại chính mình, nhưng bởi cốt truyện chưa thật mới mẻ, các nút thắt kịch tích cũng khá hời hợt, mà Mickey 17 chưa đạt được như kỳ vọng. Về phía thương mại, bộ phim được dự báo sẽ có khoảng lỗ khoảng 70 triệu USD khi xuất hiện trên nền tảng streaming chưa đầy một tháng sau khi ra mắt. Và với chất lượng như đang thấy đây, thì đường đua đến Oscar 2026 của nó sẽ là bất khả, khi trong năm ngoái, “Hành tinh cát: Phần II” tuy hoành tráng và được đánh giá rất cao nhưng vẫn thất bại ở hầu hết các hạng mục quan trọng.
NGÔ THUẬN PHÁT dịch
VNQD