Hoa hướng dương

Thứ Hai, 03/07/2023 04:55

Tô Đồng, vốn tên Đồng Trung Quý, sinh năm 1963 tại thành phố Tô Châu tỉnh Giang Tô, là nhà văn đương đại Trung Quốc, đại biểu của phái Tiên phong. Năm 1980 Tô Đồng thi đậu vào Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, năm 1983 bắt đầu có tác phẩm ra mắt. Năm 1988 ông xuất bản tiểu thuyết Thê thiếp thành quần - tác phẩm sau đó đã được đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng thành bộ phim Đèn lồng đỏ treo cao nổi tiếng. Năm 2009 tiểu thuyết Hà ngạn của ông giành được Giải thưởng Văn học châu Á MAN (Man Asian Literary Prize). Năm 2013, Tô Đồng xuất bản trường thiên tiểu thuyết Hoàng tước kí - bộ tiểu thuyết đã giúp ông giành Giải thưởng Văn học Mao Thuẫn lần thứ 9, năm 2015. Hiện Tô Đồng là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn tỉnh Giang Tô, Ủy viên Đoàn chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc. Nhiều tác phẩm của Tô Đồng đã được dịch ra các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Ý… Ở Việt Nam, đã xuất bản tác phẩm Thê thiếp thành quần (tên Việt: Đèn lồng đỏ treo cao cao - Hoài Vũ dịch; Đèn lồng đỏ treo cao - Nguyễn Vạn Lí dịch), Hà Ngạn (tên Việt: Con thuyền không bến đỗ - Lê Thanh Dũng dịch).

****************

Tôi nghĩ Hạng Vi Vi là một học sinh ngoan, nhưng cô giáo Thịnh nói nó chả phải tốt đẹp gì đâu. Cô Thịnh bảo: “Hạng Vi Vi là thế nào, thì một thời gian nữa cậu sẽ biết.” Lúc đó chúng tôi đang đứng trong phòng triển lãm của học viện, cô Thịnh đưa tôi đi xem các mẫu thiết kế của sinh viên chuyên ngành nhuộm và dệt khi họ đến nhà máy thực tập, cô nhìn tôi với ánh mắt thương hại, bảo: “Chẳng biết giáo viên trẻ các cậu nhìn người thế nào, mà ai cũng bảo nó ngoan, các cậu bị vẻ bề ngoài nhút nhát của nó đánh lừa rồi.” Tôi không có lời nào để giải thích. Tôi nhìn thấy trong tủ kính có một mảnh vải cotton trắng, trên đó có in những bông hoa hướng dương vàng thật lớn, góc dưới miếng vải có dán một cái nhãn, trên nhãn viết tên của Hạng Vi Vi. Nghĩ ngợi xem làm thế nào để biện minh cho mình, tôi nói: “Thiết kế của cô ấy không tệ, nhìn rất sôi nổi, khác hẳn với mọi người.” Nhưng tôi thấy trên khóe miệng cô Thịnh nhếch một nụ cười nhạt đầy khinh bỉ, cô ấy bảo: “Nó chẳng chịu động não gì đâu, đồ án hoa hướng dương này là sao chép lại đấy.” Tôi hơi bất ngờ, thì lại nghe thấy cô Thịnh nói nhỏ: “Tôi chưa từng thấy đứa con gái nào không biết liêm sỉ như thế!”

Tôi mới tiếp quản công việc hướng dẫn của cô Thịnh, tôi có thể nhận thấy cô ấy rất đau đầu với Hạng Vi Vi, thậm chí còn có chút thù địch. Không biết giữa cô trò hai người ấy có vấn đề gì, tôi chỉ thắc mắc rằng cô bé cao gầy với dáng vẻ nhút nhát ấy, làm sao lại bị đánh giá tàn tệ đến thế.

Phòng ở của các giáo viên trẻ ở ngay trong khu kí túc xá sinh viên. Từ cửa sổ phòng ở, tôi có thể nhìn thấy các sinh viên đi qua đi lại. Họ đều là những chàng trai và cô gái học nghệ thuật, bẩm sinh đã không giống ai, rất nhiều người trong số họ cả nam lẫn nữ đều mặc những chiếc quần bò bị cắt tua rua, hay đầy những lỗ thủng, khắp người bôi đặc những vết sơn dầu và mực, vừa đi vừa gõ cặp lồng cơm, từ nhà ăn về đến kí túc. Tôi không thường xuyên trông thấy Hạng Vi Vi, nhưng có lần tôi đã trông thấy cô ấy đứng nói chuyện với một bạn trai cùng lớp trong lán để xe đạp. Lúc cô ấy nói, biểu cảm trở nên vô cùng hoạt bát, thân hình khi nghiêng sang trái, lúc đưa sang phải. Tôi không biết họ nói chuyện gì ở đó, nhưng đột nhiên trông thấy Hạng Vi Vi làm một hành động khiến người ta phải ngạc nhiên: cô ấy bất ngờ đá một cái vào đầu gối của bạn trai kia, sau đó tôi thấy cô ấy chạy về phía tòa nhà kí túc xá, vừa chạy vừa ngoái đầu nhìn lại phía lán để xe. Mặc dù Hạng Vi Vi bưng miệng cười, tôi vẫn nghe thấy tiếng cười hào sảng, khàn khan như đàn ông của cô ấy. Tôi trông thấy Hạng Vi Vi xách váy chạy vào kí túc, nhờ hành động này mà tôi chú ý đến cái váy cô ấy mặc: cái váy rất dài, rất rộng, họa tiết hoa trên cái váy giống y hệt như tác phẩm cô ấy làm thực tập, là hoa hướng dương vàng trên nền trắng.

Tôi rất hững hờ với công việc của mình, thực tế là độ tuổi của tôi khi ấy phù hợp với việc cùng học hành hay đùa nghịch với sinh viên hơn là làm giáo viên hướng dẫn của họ. Nhưng một ngày nọ, Hạng Vi Vi đã đến phòng tìm tôi, nói là muốn hỏi về chuyện học bổng của mình. Cô ấy gõ cửa bước vào gian buồng tôi ở, nhưng ánh mắt không hề nhìn vào tôi, mà vừa dùng lược chải mái tóc mới gội từ trên xuống dưới, vừa nhìn tờ lịch phong cảnh trên tường. “Học kì trước em có học bổng - cô ấy nói - nhưng học kì này bị bà cô già gạch đi mất. Bà cô già ấy không có quyền làm thế, nhà em thu nhập kinh tế eo hẹp, mà thành tích học tập của em cũng không tồi, bà cô già ấy dựa vào cái gì mà cắt không cho em học bổng?” Tôi vừa định hỏi bà cô già là ai, nhưng rất nhanh nhận ra là Hạng Vi Vi đang nói về cô Thịnh. Điều tôi không hiểu là cô Thịnh rõ ràng đã có gia đình, chồng cô ấy là giáo viên thanh nhạc trong khoa âm nhạc, làm sao lại gọi cô ấy là “bà cô già”? Tôi rất muốn hỏi rõ ràng, nhưng ngại rằng ở địa vị của mình thì không tiện để hỏi chuyện này, bèn bảo đợi tôi lên khoa hỏi cụ thể rồi sẽ trả lời cô ấy. Còn nhớ rõ, lúc đó Hạng Vi Vi đứng bên cạnh bàn viết của tôi, lặng lẽ dùng cái lược lật mở một cuốn sách tôi để trên bàn, và đưa ánh mắt liếc nhìn vào các trang sách bên trong, biểu cảm của cô ấy nói với tôi rằng tôi đang đọc một cuốn sách nhàm chán. Sau đó, tôi chợt thấy Hạng Vi Vi bỗng nhiên trở nên vui vẻ, nhoẻn cười, nói: “Thôi ạ thôi ạ! Coi như em đã đòi hỏi vô lí, thầy đừng lên khoa hỏi nữa, dù sao, em cũng không quan tâm đến chút tiền ấy đâu.”

Minh họa: Nguyễn Bá Kiên

Tôi có chút bối rối nhìn theo Hạng Vi Vi đi về phía cửa, hình như cô ấy chợt nhớ ra điều gì, quay đầu lại hỏi: “Thầy có thích chơi tú lơ khơ không?” Tôi thuận miệng liền nói: “Còn xem có gì hấp dẫn không chứ.” Đôi mắt Hạng Vi Vi ngay lập tức sáng lên, và tôi nghe thấy cô ấy nói với giọng vui vẻ: “Hấp dẫn chứ, chúng ta sẽ đánh cược bằng phiếu ăn!”

Hôm đó tôi cùng mấy sinh viên chơi vài ván bài tá lả, quả đúng là đánh bằng phiếu ăn thật, ngoài Hạng Vi Vi còn có hai nam sinh khoa âm nhạc. Không hiểu sao chuyện này đến tai trưởng khoa, tất nhiên tôi bị phê bình. Tôi tự nhận thức được về vấn đề này, tôi biết rằng đánh bài đánh bạc với sinh viên bất luận thế nào cũng là không phù hợp, nhưng điều khiến tôi cảm thấy bất an là vẻ mặt khó đoán của trưởng khoa khi nhắc đến tên của Hạng Vi Vi, tôi cảm thấy mình giống như anh chàng Đồng A Nam ý chí bạc nhược, còn Hạng Vi Vi thì giống như con rắn độc xinh đẹp Khúc Man Lệ trong bộ phim Người lính gác dưới bóng đèn neon(1) vậy. Chính vào ngày hôm đó, tôi đã ý thức được rằng Hạng Vi Vi nguy hiểm như thế nào trong mắt giáo viên, rõ ràng, không phải chỉ cô Thịnh là có thiên kiến thế này thế nọ với cô ta.

Sự việc xảy ra vào tháng sáu, học sinh ngành dệt nhuộm đều xuống địa bàn vẽ thiết kế cả, tôi không có việc gì làm, được khoa tạm thời điều đến bộ phận tuyên truyền hỗ trợ công việc. Một hôm tôi đang in tài liệu trong văn phòng thì bỗng nghe ngoài hành lang có tiếng ồn ào, tôi chạy ra xem thì thấy một nhóm nam sinh đang túm lấy một thanh niên ở ngoài trường, họ lấy hết sức đẩy cậu thanh niên lên cầu thang, còn cậu thanh niên kia thì liên tục vùng vẫy để thoát ra, miệng chửi những câu hết sức tục tĩu. Tôi nghe thấy cậu ta hét lớn bằng tiếng địa phương: “Tôi đến đây để tìm người, chứ không đến đây để đánh nhau, muốn đánh nhau, thì cứ hẹn ngày giờ trước đi!”

Nhóm nam sinh dùng vũ lực lôi cậu thanh niên kia vào phòng bảo vệ. Một sinh viên nhanh chóng đến gọi tôi, bảo, phòng bảo vệ yêu cầu gọi thầy xuống. Cu cậu nhe răng cười toe toét, ghé tai nói thầm với tôi. Hạng Vi Vi ấy ạ! Hắn bảo hắn là bạn trai của Hạng Vi Vi đấy.

Khi tôi xuống đến phòng bảo vệ, thì cậu thanh niên kia đã bình tĩnh lại, cậu ta đang ngồi trên ghế, một tay sờ tai và một tay không ngơi xoa đầu gối. Lúc tôi bước vào, cậu ta liếc mắt nhìn tôi, rồi lại nhìn những người khác trong phòng. Tôi nghĩ cậu ta bị choáng ngợp bởi những người trong phòng và vẻ mặt nghiêm nghị của họ, xem ra đã không còn hung hăng như vừa nãy nữa.

“Anh quen cô ấy khi nào?”

“Năm ngoái. Mùa hè năm ngoái.”

“Quen biết như thế nào?”

Lúc này, cậu thanh niên kia tỏ ra hơi ngập ngừng, hồi lâu cậu ta mới hơi cười, nói: “Ở cửa rạp chiếu bóng. Chính là ở cửa rạp chiếu bóng, lại còn thế nào nữa?”

“Ở cửa rạp chiếu bóng quen biết như thế nào?”

“Quen biết thế nào ư? Thì là quen nhau ở đó thôi. - Cậu thanh niên kia cứ sờ lên tai mình mãi không thôi, nói - Cô ấy hỏi tôi có thừa vé không, tôi bảo có, rồi chúng tôi cùng vào rạp xem phim.”

Tôi nghe thấy tiếng ông trưởng khoa cắt ngang lời cậu thanh niên: “Đợi chút - ông ấy nói - Cậu phải nói cho thật rõ ràng, cô ấy có trả tiền vé xem phim cho cậu không?”

“Không có.” - Cậu thanh niên nghiêng đầu nhìn trưởng khoa, tựa hồ đang cười nhạo quan niệm buồn cười của ông ta, rồi nói - “Tôi cũng không đòi cô ấy. Ai lại đi đòi tiền vé xem phim với con gái?”

“Nói tiếp đi, sau đó thì sao?” Những người trong phòng gần như đồng thời đưa mắt nhìn nhau, họ nhìn vào khuôn mặt của cậu thanh niên, đợi cậu ta nói tiếp, nhưng cậu ta bắt đầu làm ra vẻ như không có gì để nói nữa. Điều này khiến những người trong bộ phận bảo vệ rất tức giận, một nhân viên bảo vệ đột nhiên đập bàn nói: “Cậu hãy thành thật vào, hôm nay cậu vừa đánh nhau, vừa phá cửa ở trường chúng tôi, chúng tôi mà đưa cậu đến đồn cảnh sát thì đó là tội côn đồ. Có muốn giải thích việc này rõ ràng hay không, tự cậu cứ cân nhắc mà làm.”

Có thể nhìn ngay được ra cậu thanh niên kia là kiểu người chỉ mạnh mẽ bề ngoài. Cậu ta điều chỉnh tư thế ngồi trên ghế mấy lần, sau đó thành khẩn nhìn khắp mọi người trong phòng rồi nói: “Các anh rốt cuộc muốn làm rõ cái gì? Tôi không nói dối các anh, tôi và Hạng Vi Vi chỉ là bạn của nhau, việc làm bạn thì có gì để nói? Các anh không tin, thì đi xem cái tivi trong phòng túc xá của cô ấy đi, đó là của tôi tặng cho cô ấy đấy. Còn cả sợi dây chuyền trên cổ cô ấy nữa, vàng bốn số chín đấy, cũng là quà của tôi tặng, tôi đã tốn không ít tiền cho cô ấy!”

Mọi người trong phòng lại bắt đầu quay sang nhìn nhau, không còn nghi ngờ gì nữa, họ đã phát hiện ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề từ lời than vãn của cậu thanh niên. Tôi chợt nhớ ra, trong buồng kí túc của Hạng Vi Vi đúng thật là có một chiếc tivi màu 18 inch, các nữ sinh trong phòng cô ấy ngày nào cũng túm tụm nhau vừa ngồi xem chương trình văn nghệ tạp kĩ trên tivi, vừa mồm năm miệng mười chê bai sự giả tạo hay ngu ngốc của những người dẫn chương trình. Lúc này tôi mới ý thức rằng Hạng Vi Vi đã gặp rắc rối lớn rồi.

“Cái tivi ấy, và cả sợi dây chuyền nữa, là anh tặng cho cô ta, hay là cô ta đã đòi anh?” Trưởng khoa hỏi với vẻ mặt sắt lạnh.

“Nói thế nào nhỉ?” - Cậu thanh niên vẫn vặn vẹo cái tai mình, nói - “Con gái ai chẳng khéo nói, kì thực bỏ ra chút tiền cũng không có gì đáng nói, nhưng cô ta không nên lừa dối tôi.”

“Cô ấy lừa dối anh thế nào?”

“Cô ta lừa dối, anh cũng không nghe ra đâu. Tôi đã để cô ta lừa dối mình suốt một thời gian dài. Cô ta nói với tôi rằng cô ta là công nhân đứng máy trong nhà máy dệt, tôi không biết tại sao cô ấy lại nói dối như vậy, nó trái ngược với lời nói dối của những kẻ khác. Cô ta còn bảo tôi, cô ta bị bệnh máu trắng, ngày nào cũng phải vào bệnh viện điều trị gì gì đó. Tôi không quan tâm chuyện ấy, nhưng không hiểu sao cô ta lại tránh mặt tôi. Cô ta muốn tìm tôi thì đến, còn tôi muốn tìm cô ta thì vĩnh viễn không tìm được. Chẳng phải là cô ta đang đùa giỡn với tình cảm của tôi ư?

Trưởng khoa không hứng thú lắm với chuyện nói dối của Hạng Vi Vi, còn tôi thì từ giọng điệu và nội dung của câu hỏi, đã nghe ra mục đích của ông ấy, ông ấy đã không ngăn được cơn tức giận nữa rồi. Tôi nghe thấy trưởng khoa hỏi: “Bây giờ cậu hãy nói cho chúng tôi biết, tổng cộng cô ta đã đòi hỏi cậu bao nhiêu tiền rồi?”

Cậu thanh niên ấy trầm ngâm một lúc, máy nhắn tin trong túi cậu ta đột nhiên kêu lên. Cậu ta lấy cái máy nhắn tin từ sau thắt lưng ra, xem nội dung hiển thị trên màn hình. Những người trong phòng đều chú ý đến biểu cảm thay đổi đa dạng trên mặt cậu ta, từ hi vọng đến thất vọng, rồi một cơn giận dữ bất chợt bùng lên: “Tôi đã mua cái này cho nó, nhưng nó lại không nhắn cho tôi được một lần, con phò non!” Anh chàng thanh niên từ trên ghế đứng bật dậy lao ra khỏi cửa. Đến trước cửa, anh ta quay đầu lại nói với những người trong phòng chúng tôi vẻ hằn học: “Bao nhiêu tiền ư? Nó đã lừa tôi tám ngàn tệ! Nó nghĩ mình là cái gì, tôi không xứng với nó ư? Nó là cái thá gì? Nó chỉ là một con điếm!”

Những người trong phòng không một ai chặn anh ta lại, tay bảo vệ trẻ phá lên một tiếng cười, nhưng những người khác thì không ai cười, cũng không ai nói gì. Bây giờ đến lượt họ bị cậu thanh niên kia làm cho sửng sốt, khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy tất cả mọi người trong phòng đều đồng ý với câu nhận xét cuối cùng của cậu ta về Hạng Vi Vi. Người của phòng bảo vệ hỏi tôi: “Hiện giờ Hạng Vi Vi đang ở đâu?” Tôi nói: “Tất cả sinh viên ngành dệt nhuộm hiện đều đến Dương Châu để vẽ thiết kế rồi.” Lúc này, trưởng khoa kéo tôi ra một bên, tôi cảm thấy ông già như sắp khóc đến nơi, ông hạ giọng nói với tôi: “Sinh viên này không xử lí là không được đâu.” Tôi gật đầu, nhưng tôi không biết ông ấy định xử lí thế nào. Sau đó, tôi nghe thấy ông ấy nói với giọng còn phẫn uất hơn: “Cô Thịnh hôm qua có gọi điện về, cô ấy chắc chắn rằng Hạng Vi Vi đã có bầu rồi.” Tôi sửng sốt không biết nên nói thế nào cho phải, chỉ nghe thấy trưởng khoa bắt đầu sắp xếp cho tôi một chuyến công tác, ông bảo: “Ngày mai cậu đi Dương Châu lôi con bé ấy về đây!”

Ai nói Tháng Ba hoa khói xuống Dương Châu(2), cho đó là một chuyến hành trình tuyệt đẹp, chứ tôi thì chỉ là vì cái nhiệm vụ xúi quẩy đó mà phải ngồi xe khách đường dài đến Dương Châu. Thời tiết hôm ấy cũng không hề có chút liên quan gì với tháng Ba hoa khói cả, nóng nực đến mức khiến người ta không thở nổi. Khi tôi nhìn thấy ánh sóng của Sấu Tây Hồ, và những cột kèo chạm khắc của Bình Sơn Đường từ cửa sổ ô tô, thì toàn thân đã thoang thoảng bốc lên toàn mùi mồ hôi. Nghĩ đến việc ngày mai lại phải cùng với một cô nàng nữ sinh vác cái bụng bầu leo lên cái xe này một lần nữa, trong lòng tôi chợt nảy ra một ý nghĩ kì quái, cứ như thể mình đã kết nối một mối quan hệ nào đó với một việc tội lỗi và dâm đãng, khiến tâm trạng của tôi ở Dương Châu luôn thấp thỏm không yên.

Các sinh viên đều ở trong các lớp học tại một trường đại học dạy nghề. Lúc tôi đến, các sinh viên đều đã đi vẽ thiết kế trở về, bọn con trai thì đang đá bóng trên sân thể thao, còn bọn con gái thì đứng ở ba dãy hành lang của tòa nhà ba tầng, y như các quý bà trong các buồng đặt riêng ở rạp hát, nhàn nhã thưởng thức bọn con trai thi đấu. Tôi không nhìn thấy Hạng Vi Vi, chỉ trông thấy chiếc váy thụng in hoa hướng dương của cô ấy phơi trên dây thép ở tầng ba, tỏa ra những ánh vàng chói mắt.

Cô Thịnh phụ trách đoàn, đã biết mục đích chuyến thăm của tôi, cô ấy nói cho tôi biết là Hạng Vi Vi đang ra ngoài dạo phố rồi. “Tôi chưa bao giờ thấy một đứa con gái vô tâm như thế bao giờ - cô Thịnh nói - vẫn cứ điên điên rồ rồ như vậy, lúc này rồi mà nó còn đi dạo phố!” Tôi hỏi cô Thịnh, liệu Hạng Vi Vi có biết lí do tôi đến đây không. Cô Thịnh bảo: “Không cần phải giấu nó, việc này là tốt cho nó, nó không thể cứ phưỡn bụng mà đi lại trong trường được.”

Có tiếng người bên ngoài đang gọi tên Hạng Vi Vi. Tôi chạy ra hành lang và thấy Hạng Vi Vi đang đứng trên sân thể thao, tay cầm một nải chuối tiêu. Cô bẻ một quả chuối, ném cho một nam sinh, lại bẻ một quả khác giơ tay định ném. Mấy cậu sinh viên cùng đưa tay ra đón bắt, nhưng Hạng Vi Vi lập tức đổi ý, động tác như sắp ném quả chuối của cô ấy đột ngột dừng lại giữa chừng. Tôi nghe thấy Hạng Vi Vi bật cười đắc ý. Cô ấy vừa cười vừa chạy ra khỏi sân thể thao, quay lên nói với các bạn gái trên lầu: “Cho chúng nó ăn á? Có mà ăn cái rắm ấy!”

Hôm sau trời vẫn rất nóng, tôi đến cửa kí túc xá nữ từ rất sớm. Còn chưa cất lời thì Hạng Vi Vi đã đi ra, nét mặt lộ rõ vẻ ung dung sẵn sàng, cô ấy bảo: “Đi thì đi thôi.” Vài nữ sinh đi theo chúng tôi đến bến xe khách, họ đi tiễn Hạng Vi Vi. Tôi có thể nhận ra quan hệ của Hạng Vi Vi với mọi người cũng không tệ. Bọn con gái không phải là săn sóc cho cô ấy, một đứa mè nheo Hạng Vi Vi, bảo rằng nó đã ngâm quần áo trong chậu nước và quên không giặt, nhất định đòi Hạng Vi Vi phải giặt cho nó. Một đứa khác thì nói như giọng lãnh đạo, yêu cầu tôi trên đường đi phải chăm sóc tốt cho Hạng Vi Vi. Tôi cảm thấy đứng giữa đám con gái thế này thật không thoải mái, bèn lên xe trước. Hạng Vi Vi không chịu lên xe sớm, tôi nghe thấy cô ấy bắt một bạn nữ đi mua dưa hấu. Mấy đứa con gái tranh thủ mấy phút trước lúc xe nổ máy đi đã ăn hết một quả dưa hấu to, điệu bộ ăn uống rất khó coi, hơn nữa cũng chẳng thèm khách sáo với tôi chút nào. Sau khi tài xế bấm còi liên tục, Hạng Vi Vi cuối cùng cũng lên xe, cô ấy lấy mu bàn tay lau mồ hôi trên trán, nhưng tôi đã nhìn thấy rõ ràng có ngấn lệ lóng lánh trong đôi mắt cô.

Chiếc xe lao đi trên mặt đường cái, dưới bầu không khí nóng hầm hập, đất Dương Châu nổi tiếng nhanh chóng khuất dạng trong màn khói xe và bụi đất đầy trời. Trong xe bốc lên một mùi chua chua. Một người đàn bà bộ dạng dường như là phụ nữ nông thôn mang theo hai con gà mái ngồi trước mặt chúng tôi, hai con gà mái có lẽ không chịu được nhiệt độ cao cứ kêu cục ta cục tác mãi. Tôi và Hạng Vi Vi ngồi sát cạnh nhau, cả hai đều ngồi rất nghiêm túc. Hạng Vi Vi lấy bàn tay quạt gió, cô ấy nói: “Hôi chết đi được! Khó ngửi thật đấy.” Tôi bảo: “Mùi trên xe khách thì khó ngửi hẳn rồi.” Tôi lén chú ý xem chỗ cổ của Hạng Vi Vi, hi vọng có thể phát hiện ra sợi dây chuyền bằng vàng bốn số chín ấy, nhưng không nhìn thấy sợi dây chuyền nào, mà chỉ thấy có cái dây đeo cổ làm bằng một sợi tơ đen cùng một miếng ngọc thạch, tuy là loại rẻ tiền nhưng lại rất duyên dáng nhã nhặn trên cái cổ cao thon nhỏ của cô.

Đó là một chuyến đi khó xử với cả hai chúng tôi, giữa chúng tôi dường như có một thỏa thuận ngầm, không ai muốn là người lên tiếng trước về việc cần phải nói. Sau khoảng năm phút im lặng, tôi thấy Hạng Vi Vi lấy từ trong ba lô sau lưng ra một bộ tú lơ khơ, cô ấy bảo: “Để em bói cho thầy một quẻ nhé! Chúng nó đứa nào cũng bảo em bói rất chuẩn đấy.” Tôi không có chút hứng thú nào, nói: “Thôi thôi. Thà ngủ một giấc thì còn hơn, tôi hơi buồn ngủ rồi.” Tôi nhìn thấy ánh mắt thất vọng của Hạng Vi Vi, cô cầm bộ bài trong tay tráo mãi, rồi đột nhiên hỏi: “Khoa định xử lí em thế nào?” Tôi nhất thời không biết nên trả lời như thế nào, chỉ nói: “Cứ về trường đã rồi hãy nói, còn phải thảo luận trong khoa, trong trường chứ.” Hạng Vi Vi nghiêng mặt quay sang, nhìn chằm chằm vào tôi một cách kiên định, nói: “Thầy đâu phải là quan chức, cần gì phải nói kiểu quan cách như thế, rốt cuộc sắp tới em sẽ bị xử lí thế nào? Em sẽ bị đuổi học ư?” Tôi lắc đầu, tôi nói rằng việc này thực sự vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Nhìn ánh mắt của Hạng Vi Vi vẫn không tin mình, trong lúc hấp tấp tôi đã nói một câu không đáng: “Làm sao tôi phải nói dối em? Tôi mà nói dối em thì tôi là con chó con.” Hạng Vi Vi cuối cùng cũng quay mặt đi, cô ấy cúi đầu xuống, tôi nhìn thấy bộ bài trong tay cô ấy từng quân từng quân một rơi xuống đất. Một bàn tay cô ấy đang vuốt ve chiếc kẹp tóc bằng gỗ trên đầu, cả năm ngón tay đều hơi run rẩy, rồi tôi nghe thấy tiếng cô ấy khóc tấm tức, cô cúi đầu vừa khóc vừa nói nhỏ: “Chó đi bắt chuột, lo chuyện bao đồng - Hạng Vi Vi vừa khóc vừa nói - Các người đều là chó đi bắt chuột, lo chuyện bao đồng!”

Khi ấy tôi còn rất trẻ, bất luận là dạy dỗ hay an ủi người khác đều thiếu kinh nghiệm cả, nhất là khi đối mặt với một cô gái như Hạng Vi Vi, tôi không biết phải nói gì cho đúng. Tôi đã quên mất khi ấy mình nói gì với Hạng Vi Vi, nhưng sau đó thì Hạng Vi Vi đã đứng dậy - cô ấy liếc nhìn ra ngoài cửa sổ xe, và đột nhiên đứng ngay dậy. Cô đi ra cửa lên xuống xe, với giọng điệu gần như ngang tàng nói với người tài xế: “Mở cửa! Cho tôi xuống xe!”

Tài xế lầm bầm gì đó trong miệng, nhưng anh ta vẫn ngoan ngoãn mở cửa xe, nói: “Nhanh lên, nhiều nhất đợi cô hai phút thôi đấy.”

Xe ô tô dừng lại bên một cánh đồng trồng đầy những cây hoa hướng dương cao lớn um tùm. Tôi nhìn theo Hạng Vi Vi bước vào cánh đồng hoa hướng dương, với sự hiểu biết và kiến thức về phụ nữ mang thai của mình, tôi đoán rằng cô ấy đi xuống để nôn. Nhưng tôi thấy cô ấy rẽ những cây hướng dương ra và đi sâu vào cánh đồng hoa. Tôi nghĩ có thể là cô ấy đi vệ sinh. Toàn bộ sự việc ấy không có dấu hiệu báo trước gì cả, tất cả hành khách trên xe đều đang đợi cô ấy từ ruộng hướng dương đi ra, nào có ai ngờ rằng Hạng Vi Vi lại một đi không trở lại nữa. Không biết bao lâu sau, người tài xế sốt ruột nhảy xuống xe trước tiên, hướng ra phía cánh đồng hoa hướng dương chửi mắng những câu tục tĩu, gọi cô ấy mau chóng đi ra. Cho đến lúc này tôi mới ý thức được rằng có gì đó không ổn, tôi cũng xuống xe, hướng ra phía cánh đồng hướng dương lớn tiếng hét gọi tên của Hạng Vi Vi, nhưng tôi không nghe thấy cô ấy đáp lời. Sự việc bất ngờ xảy ra ngoài ý muốn khiến tôi rất bối rối. Tôi đuổi theo vài bước vào sâu trong cánh đồng hướng dương, và nghe thấy một thứ âm thanh vụn vỡ từ một nơi rất xa đang chạy đi đến một nơi xa hơn nữa, giống như tiếng những chiếc lá hướng dương bị cọ sát, giống như tiếng những cành hoa hướng dương nối nhau bị gãy. Cuối cùng tôi nhận ra rằng Hạng Vi Vi đã bỏ trốn, giống như một tên tội phạm thực sự, cô ấy vì sợ tội mà chạy trốn rồi! Tôi bật người nhảy lên cao giữa cánh đồng hoa hướng dương, hi vọng có thể phát hiện ra bóng dáng của cô ấy, nhưng không thấy cô ấy đâu ngoài vài con chim sẻ giật mình bay vụt lên. Tôi biết cô ấy đang chạy ở nơi những con chim sẻ bay lên, và đã chạy đi xa lắm rồi. Tôi biết, nếu như tôi liều mạng đuổi theo, có thể tôi cũng sẽ đuổi kịp được Hạng Vi Vi, nhưng tôi nghĩ rằng không nhất thiết phải làm như vậy. Với thời tiết nóng nực thế này, với tâm trạng cáu kỉnh thế này, mà bắt tôi phải đuổi theo một cô gái như Hạng Vi Vi, thì tôi không làm.

Người tài xế đứng ở bên đường tức giận giục tôi: “Rốt cuộc, anh có lên xe hay không? Nếu anh muốn đuổi theo cô ta, tôi sẽ lái xe đi.” Tôi vội vã chui ra khỏi ruộng hướng dương, nói: “Ai thèm đuổi theo cô ta? Con phò non!” - Tôi đã rất giật mình khi nghe thấy câu chửi tục tĩu ác ý ấy bật ra từ chính miệng mình. Tôi đã rất tức giận về việc Hạng Vi Vi chạy trốn vào cánh đồng hướng dương. Hành vi không thể giải thích được của cô ấy sẽ khiến tôi trở thành một kẻ bất tài trong mắt lãnh đạo, tôi rất tức giận, nhưng tôi vẫn không hiểu vì sao mình có thể thốt ra câu chửi bẩn thỉu ấy

Châu Hải Đường dịch từ nguyên bản tiếng Trung

--------

1. Tên một bộ phim của Trung Quốc sản xuất năm 1964, nói về những chiến sĩ cảnh vệ trong công cuộc chống lại tư tưởng tư sản, bảo vệ thành quả của cách mạng Trung Quốc ở Thượng Hải.

2. Câu thơ trong bài Ở lầu Hoàng Hạc, tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng của Lý Bạch.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)