Đã hơn 45 năm kể từ ngày Võ Sỹ Lực hi sinh, nhưng với những người lính Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 29, Sư đoàn 307 đã từng chiến đấu ở chiến trường K, cái tên Võ Sỹ Lực vẫn như còn đâu đây, sừng sững như một tượng đài trong lòng mọi người. Ông không chỉ là một chỉ huy quân sự bản lĩnh, người “đi đầu kéo cả đội hình đi theo” mà còn là chỗ dựa tinh thần vững chãi giữa những năm tháng đầy hi sinh và gian khổ, nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết dường như chỉ cách nhau một sợi tóc. Từ vùng quê nghèo bước vào quân ngũ, đi qua hai cuộc chiến, ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng đội và những người lính dưới quyền bằng sự cương trực, trí tuệ, lòng nhân hậu và cả những hi sinh thầm lặng.
Trên dải đất miền Trung gió Lào cát trắng, làng Tây Thiện, xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (nay là xã Tân Mỹ, tỉnh Quảng Trị), nơi những người dân chân đất, một nắng hai sương nuôi con bằng củ khoai củ sắn, đã cống hiến không ít người con ưu tú cho đất nước trong thời chiến. Võ Sỹ Lực là một trong những người con tiêu biểu của làng quê ấy.

Liệt sĩ Võ Sỹ Lực.
Ông sinh năm 1945, năm Ất Dậu đói kém, giữa lúc đất nước chìm trong cảnh loạn lạc, nhân dân chết đói hàng triệu người. Ba mẹ ông sinh tám người con, có ba người là bộ đội Cụ Hồ. Tháng 9 năm 1964, giữa cao trào kháng chiến, chàng thanh niên Võ Sỹ Lực tình nguyện nhập ngũ, từ lòng yêu nước, từ khí chất của người Quảng Bình gan góc.
Là lính của Tỉnh đội Quảng Bình, rồi nhanh chóng trưởng thành, đến năm 1966 ông đã là quản lí đại đội. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông còn được đồng đội nể trọng bởi sự nghiêm túc, ý chí thép và sự quyết đoán. Những ngày ngắn ngủi về phép, ông kết duyên cùng người con gái ở quê nhà, bà Phạm Thị Diềm, rồi lại quay về đơn vị với lời dặn: "Em ở nhà thay anh chăm lo cho gia đình. Anh sẵn sàng hi sinh hạnh phúc riêng để hoàn thành nhiệm vụ được giao."
Năm 1971, người con trai đầu lòng của ông ra đời. Năm 1973, ông ra Hà Nội học tại Học viện Quân sự. Đó là thời gian ngắn ngủi nhưng ý nghĩa khi vợ con ông ra thăm, kết quả là cặp song sinh Hồng - Hà chào đời vào cuối năm 1974. Cái tên Hồng - Hà ông chọn đặt cho con là dấu ấn yêu thương, là kỉ niệm những tháng ngày sống giữa lòng miền Bắc.
Sau khóa học, ông tiếp tục sang Lào chiến đấu, rồi đến năm 1978, ông về Sư đoàn 307 tham gia chiến trường bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Lúc này, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8.

Bà Phạm Thị Diềm, vợ liệt sĩ Võ Sỹ Lực cùng hai con gái Hồng - Hà trước mộ ông. Ảnh: GĐCC
Những năm tháng ở chiến trường K, dấu ấn người chỉ huy Võ Sỹ Lực được đồng đội ghi nhớ bằng cả lòng kính trọng. Trong các hồi kí, những trang viết của đồng đội, tên ông luôn được nhắc đến như một biểu tượng.
Nhà văn Đoàn Tuấn, một người lính thông tin của tiểu đoàn viết: “Ông Lực đúng là tướng chỉ huy. Cao 1m80, đôi mắt sáng như đồng thau xuyên thấu tâm can. Ông có dáng người chắc khỏe, như dây chão bền chặt không đứt, giọng nói âm vang như núi rừng Quảng Bình vọng về. Ở bên ông, lính thấy mình an toàn, như được chở che. Trên đường hành quân giữa mùa khô cháy rát hay mùa mưa lũ cuốn, ông vẫn đi đầu, như kéo cả đơn vị đi theo…”.
Một người lính khác, anh Nguyễn Tuấn - biệt danh “Tuấn chim cu”, từng kể: “Dáng vóc thủ trưởng lừng lững in bóng xuống đoàn quân. Ông như người khổng lồ che lấp cả vùng tác chiến ở cực Bắc Campuchia. Ông ít nói nhưng rất quyết đoán, thương anh em như người cha, đặc biệt yêu thương cả những chiến sĩ yếu thế. Ông chọn người liên lạc không theo vẻ ngoài mà bằng cái tâm - lấy cả một người lính nói lắp, vụng về như Hồ Văn Đào làm cần vụ. Đó là phẩm chất nhân ái mà hiếm người chỉ huy nào có được.”
Trong một lần hành quân thọc sâu vào hậu cứ địch, anh Lê Quỳnh Lang, trung đội trưởng, nhớ lại: “Ông Lực dẫn đầu đoàn quân âm thầm đi qua các vọng gác địch. Giữa lòng địch, ông cho anh em nghỉ chân. Ông tự đi dọc hàng quân trong đêm mưa, lặng lẽ rờ đầu từng người để kiểm quân số. Ông truyền cho lính sự vững chãi như cây cổ thụ giữa rừng. Mỗi bước chân ông là một lần thắp thêm ngọn lửa niềm tin.”
Ông Võ Sỹ Lực còn đặc biệt am hiểu bản đồ, địa hình. Trong rừng rậm, ông có thể chỉ đường chính xác hơn cả trinh sát. Trong chiến đấu, ông bình tĩnh, mưu trí, ra quyết định nhanh và đúng, từ cách tổ chức hành quân đến bố trí phục kích, từ việc điều chỉnh hỏa lực đến quản lí hậu cần, ông đều tỉ mỉ, sát sao.
Sau thời gian ở D8, ông được bổ nhiệm là Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 29 - khi đó chưa có Trung đoàn trưởng, ông là người chỉ huy cao nhất. Sự thăng tiến bỏ qua hai chức danh Tham mưu phó và Tham mưu trưởng không làm ai ngạc nhiên, bởi phẩm chất chỉ huy và uy tín của ông đã khiến cả Ban Tham mưu phải kính nể. Người ta nói, đứng cạnh ông, ai cũng có cảm giác “thiếu đi một cái đầu” - không phải vì dáng ông cao, mà vì khí chất chỉ huy toát ra từ nội tâm ông.

Giấy báo tử đơn vị gửi về gia đình liệt sĩ Võ Sỹ Lực.
Tháng 3 năm 1981, khi dẫn đoàn công tác về thăm đơn vị cũ D8, ông hi sinh do vấp phải mìn, giữa con đường rừng gần tới đơn vị từng gắn bó máu thịt. Đồng đội ông kể, chính ông đã bước lên dẫn đoàn, khi trinh sát không dám đi tiếp. Một tiếng nổ vang lên, ông ngã xuống nhưng mãi đến hôm sau mới đưa được thi thể về D8. Trong ba lô ông mang theo, chỉ có vài món đồ cũ kĩ: một chiếc khăn mặt, một chiếc bàn chải đánh răng, một quyển sổ tay, một chiếc địa bàn, vài lá thư nhà và khẩu súng K59.
Không có quan tài, đồng đội ông đục thùng phuy đựng dầu, gò lại, lót chè khô, rồi đặt thi hài ông vào. Cả tiểu đoàn tiễn ông, những người lính đi khắp rừng hái hoa dại đặt quanh thi thể thủ trưởng như một vòng tay ôm tiễn biệt. Một chiếc trực thăng HU-1A đưa ông rời chiến trường về Việt Nam...
Gần hai mươi năm sau, gia đình mới có điều kiện đưa hài cốt ông về nghĩa trang quê nhà Lệ Thủy. Nơi ông yên nghỉ nay có một cây phượng lớn, tỏa bóng mát quanh năm.

Đồng đội liệt sĩ Võ Sỹ Lực về quê viếng mộ ông. Ảnh: GĐCC
Võ Sỹ Lực đã ra đi khi mới 36 tuổi. Gia sản ông để lại là tấm gương sống mãi với đồng đội, là lòng yêu nước, khí chất người lính, sự đôn hậu với cấp dưới và sự nghiêm minh trên chiến trường. Đồng đội ông từ Nam chí Bắc mỗi dịp họp mặt vẫn nhắc về ông bằng hai từ giản dị mà thiêng liêng: “Thủ trưởng Lực.”; “Bọ Lực”. Người chỉ huy ấy không chỉ là một Tiểu đoàn trưởng, một Phó Trung đoàn trưởng, mà còn là linh hồn của những đoàn quân năm ấy, là hình bóng người cha trong mắt lính trận, là người đàn ông dám hi sinh hạnh phúc riêng vì lí tưởng lớn. Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng ông vẫn sống trong kí ức, trong lòng người thân và đồng đội như một tượng đài không lời.
Những năm tháng sau chiến tranh, mỗi dịp gặp mặt, đồng đội vẫn nhắc tên ông bằng sự kính trọng xen lẫn tiếc thương. Người chỉ huy ấy từ lâu đã trở thành biểu tượng của một thế hệ lính tình nguyện Việt Nam trên đất bạn Campuchia: kiên cường, tận tụy và không bao giờ khuất phục.
NGUYỄN VŨ ĐIỀN
VNQD