Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra

Thứ Bảy, 16/09/2023 00:41

. NGUYỄN VIỆT CHIẾN
 

Trong chuyến đi thực tế sáng tác ở quần đảo Trường Sa, tháng 4 năm 2016, theo lời mời của Quân chủng Hải quân, tôi đã được đến thăm nhiều đảo nhỏ, nơi các chiến sĩ hải quân của chúng ta phải thường xuyên “đầu đội bão, chân đạp sóng” trên đại dương, đối mặt với nhiều hiểm họa khôn lường để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi còn nhớ một kỉ niệm không thể nào quên trong chuyến đi nói trên. Khi tôi lên thăm đảo, một chiến sĩ hải quân đã hỏi tôi: “Chú ơi, các em học sinh ở các trường phổ thông trong đất liền đã được học về trận hải chiến Gạc Ma, Trường Sa năm 1988 chưa?” Tôi trả lời, trước khi tôi lên đường đi Trường Sa, con trai tôi học lớp 7 ở trường THCS Archime Academi có về khoe với tôi trong giờ học giáo dục công dân, đã được nghe thầy giáo giảng về trận chiến Gạc Ma và sự hi sinh oanh liệt của 64 chiến sĩ. Thời điểm ấy, có hai trường dân lập trên địa bàn Hà Nội là Trường Archime Academi và Trường Marie Curie có bài giảng về trận chiến Gạc Ma. Sau khi nói chuyện với các chiến sĩ hải quân còn rất trẻ ở Trường Sa, tôi đã đọc cho họ nghe bài thơ Máu Việt Nam chảy trên da thịt mình sáng tác trong chuyến đi này, với những dòng thơ như: Nghẹn ngào hai tiếng Trường Sa/ Máu Việt Nam chảy trên da thịt mình/ Sáu tư người lính hi sinh/ Vòng tròn bất tử mang hình Gạc Ma…

Khoảnh khắc tan trường của trẻ em trên đảo Sinh Tồn

Có thể nói, được đặt chân lên quần đảo Trường Sa và đọc thơ về biển đảo cho các chiến sĩ hải quân của chúng ta nghe dưới bầu trời lộng gió đại dương là một trải nghiệm thật đặc biệt thú vị và rất xúc động. Tôi đã lặng lẽ xếp vào tủ sách chiến sĩ ở các đảo tập thơ có in bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của tôi. Trong chuyến đi tới thăm các đảo, các chiến sĩ đã nhiều lần cùng tôi đồng ca bài hát phổ bài thơ này.

Tổ quốc nhìn từ biển là bài thơ tôi viết trong dịp đi dự trại sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Quân chủng Hải quân tổ chức vào tháng 4/2009. Đến nay, đã hơn chục năm trôi qua, bài thơ và ca khúc phổ thơ Tổ quốc nhìn từ biển vẫn đang đồng hành cùng với trái tim những người Việt Nam yêu nước hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Đấy thật sự là một hạnh phúc lớn đối với người làm thơ như tôi. Tôi nghĩ, trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, các nhà thơ thường nói lên tiếng nói của nỗi đau và khát vọng dân tộc mình, các nhà thơ đã thở hơi thở đời sống cần lao của nhân dân mình. Và tôi cũng cho rằng, nhà thơ chỉ có thể gắn bó với đời sống tinh thần của dân tộc mình khi những bài thơ của họ nhận được sự cộng hưởng, sự tri âm từ những con người yêu nước chân chính vào những thời điểm đất nước gian lao.

Đảo Trường Sa Lớn

Cách đây nhiều năm, bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của tôi in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Thanh niên, báo Văn nghệ đúng vào dịp xảy ra những vụ gây hấn xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam trên Biển Đông. Ngay lập tức bài thơ được hàng vạn địa chỉ các trang mạng điện tử, các blog trong, ngoài nước đưa lại và được hàng triệu độc giả hưởng ứng. Chỉ sau một thời gian ngắn, bài thơ đã được năm nhạc sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội phổ nhạc. Tôi cũng không ngờ bài thơ của mình lại có được sức cộng hưởng với người đọc mạnh mẽ như vậy. Sau khi phổ nhạc khá thành công bài thơ của tôi, nhạc sĩ Quỳnh Hợp cho biết: “Khi đọc bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển từ một link trên internet, trong tôi đã dâng trào một cảm xúc rất mạnh mẽ. Đó là tình yêu thiết tha với dải đất hình chữ S của mình với bao hiểm họa rình rập, lòng tự hào về truyền thống đánh giặc ngoại xâm từ ngàn đời nay của cha anh. Sau hai ngày nghiền ngẫm bài thơ và trong khoảng ba giờ tôi đã hoàn thành bài hát với câu mở như một lời hiệu triệu - Tổ quốc đang bão giông từ biển.” Bài hát Tổ quốc nhìn từ biển ra mắt đúng lúc diễn biến ở Biển Đông căng thẳng đã khơi gợi, cổ vũ lòng yêu nước, kêu gọi mọi người Việt Nam hướng về Biển Đông. Trong bài thơ có những câu: Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không? Bốn câu thơ bi hùng ấy có thể xem là hay nhất trong bài thơ khiến người đọc rưng rưng xúc động. Những dòng thơ là câu hỏi lớn, khi đất nước lâm nguy làm sao những người yêu nước lại có thể bình lặng được. Câu thơ đã khơi gợi tình yêu Tổ quốc trong mỗi trái tim Việt Nam.

Khi chuyến tàu của chúng tôi làm lễ dâng hương, thả hoa tưởng niệm các chiến sĩ hải quân Việt Nam trên vùng biển Trường Sa, trong tâm khảm tôi lại xúc động văng vẳng những câu thơ tôi viết để tưởng niệm các chiến sĩ của chúng ta đã hi sinh anh dũng ngày 14/3/1988 ở đảo đá Gạc Ma - Trường Sa: Có nơi nào như Đất nước chúng ta/ Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ/ Khi giặc đến vạn người con quyết tử/ Cho một lần Tổ quốc được sinh ra (Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra).

N.V.C

VNQD
Thống kê