Những người lính vùng biên mùa dịch

Thứ Sáu, 24/12/2021 12:00

. NGUYỄN NGUYÊN KHÁNH
 

Hà Nội những ngày cuối năm 2021, dồn dập bản tin về các vùng dịch Covid-19. Những số liệu, khuyến cáo toàn dân phòng chống dịch toàn cầu được phát liên tục. Đường phố Hà Nội đã vắng bóng những cô cậu học trò rộn ràng đến trường. Nhà trường tổ chức học online cho các em. Cô con gái lớn tròn mắt khi thấy tôi xếp quần áo, đồ dùng cá nhân, cầm máy ảnh... Bố đi đâu? Đối với bọn trẻ không cần phải nói kĩ nhưng riêng với cô bé bước vào tuổi dậy thì đã mang dáng dấp của thiếu nữ Hà Nội, cái dáng đi giống mẹ, đã biết lo toan việc gia đình giúp bố mẹ như trông em, cơm nước, lau dọn nhà cửa… thì tôi chợt ái ngại. Hay là không đi nữa nhỉ? Đang dịch dã thế này mình đi nhỡ lây dịch mang về thì khổ vợ, khổ con, khổ cả cộng đồng... Ngay nơi tôi ở, khu đô thị gần cầu Vĩnh Tuy này tháng tám năm ngoái cũng đã phong toả một đơn nguyên vì những ca F2 của con vi rút quái ác kia với biết bao hoang mang, xáo trộn. Nhớ lời anh Quế - Phó Cục trưởng Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) trăn trở: Anh cũng biết hiện nay tình hình dịch dã khó lường, cả nước đều tập trung chống dịch. Biên phòng các tỉnh như Lạng Sơn, Lào Cai... thì cũng nhiều anh em báo chí lên tìm hiểu, viết bài, động viên tinh thần anh em đang căng mình chống dịch. Em đi Hà Giang nhé! Anh em trên đó còn rất khó khăn, thiếu thốn.

Tôi có mặt tại thành phố Hà Giang lúc 4 giờ sáng. Chưa đến giờ làm việc, chưa thể trình những giấy tờ cần thiết. Tôi ngồi với Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp tên Bình người Lập Thạch ở phòng trực ban Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang. Anh Bình tuổi 52 với 33 năm công tác ở Biên phòng tỉnh này. Lúc là trinh sát, lúc thông tin, lái xe... đủ việc. Trên này các anh không có khái niệm chuyên môn. Anh em hầu hết làm được các việc. Bản thân Bình đã đi hết các đồn, chỗ lâu nhất ở 12 năm, chỗ ở nhanh cũng 2-3 năm. Hết năm 2021 này về hưu, anh cho biết sẽ ở lại Hà Giang này. Vợ anh là cô giáo miền Thái Bình lên đây công tác; anh chị đã làm được nhà, cô con gái lớn đang lớp 12.

Tiếp tôi là Thiếu tá Phó Chủ nhiệm Chính trị Minh. Sau các thủ tục cần thiết anh Minh nói với tôi về nhiệm vụ của Biên phòng tỉnh gắn với đặc điểm về khí hậu, địa hình và an ninh biên giới trong thời gian gần đây. Hà Giang nói chung và Biên phòng tỉnh nói riêng đều lấy nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 đặt lên hàng đầu. Biên phòng Hà Giang quản lí 272km đường biên giới giáp với Trung Quốc với địa hình hiểm trở, đường ngang lối mở rất nhiều, đặc điểm dân cư sống giáp biên với nhiều tập tục, mối quan hệ với dân bên kia biên giới nên rất khó khăn trong việc quản lí việc đi lại, trao đổi thương mại... Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh phải liên tục tăng cường cán bộ xuống các đồn, các trạm, các chốt để cùng anh em căng sức chống dịch. Minh hỏi tôi: Anh trước đây lên Hà Giang bao giờ chưa? Tôi thú thực là đã lên nhiều. Hà Giang tôi có anh bạn học cùng lớp thời đại học giờ đang công tác ở Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, cô bạn dạy cấp 3 trường Lê Hồng Phong... Anh Minh cười. Anh lên thành phố thôi nhỉ? Dịp này chúng tôi mời anh đi 3 đồn phía tây của tỉnh nhé.

Tầm 12 giờ trưa, tôi lên xe khách từ thành phố đi Hoàng Su Phì. Tình cờ trên chuyến xe tôi gặp đồng hương, Trung tá Tâm - Đồn phó Đồn Bản Máy. Anh ra Biên phòng tỉnh họp. Tâm là cán bộ Học viện Biên phòng đi dự nhiệm Đồn Bản Máy. Kí ức năm xưa, thuở học trò trốn học trèo tường vào sân Học viện Biên phòng đá bóng ùa về trong tôi… Đường lên Hoàng Su Phì vắt vẻo, uốn éo như dải lụa, một bên là vách núi đá một bên là vực thẳm hun hút... Đang giữa trưa mà sương mờ vẫn bám chặt sườn và đỉnh núi. Đi rất lâu mới gặp một vài nhà dân thưa thớt ven đường. Đi một đoạn nhìn lại đằng sau đã thấy sương mờ hối hả bám đuôi. Những Nậm Rốn, Nậm Dịch, Nậm Mu, Cổng Trời... qua ô cửa kính ô tô chỉ là những hình ảnh mờ mờ.

Đón chúng tôi ở thị trấn Hoàng Su Phì là Trung tá Hải - Đồn trưởng Đồn Thàng Tín. Hải sinh năm 1982, người Hải Dương. Tốt nghiệp Học viện Biên phòng anh nhận nhiệm vụ lên Hà Giang công tác. Nếu không mặc quân phục sẽ nhiều người nhầm anh là một thầy giáo. Trắng trẻo, cao ráo, nói năng khiêm tốn, nhẹ nhàng. Trên đường đi anh nói cho tôi về những thuận lợi, khó khăn của đồn, của bà con đồng bào nơi đồn anh quản lí. Hải bảo: Lát nữa sẽ qua Đồn Thàng Tín chúng em, nhưng hôm nay mời anh qua Đồn Bản Máy trước nhé. Đến Đồn Bản Máy đã 19 giờ, trời tối đen như mực, mấy cán bộ đồn ra cổng đón chúng tôi. Thật bất ngờ ở đây tôi gặp Đại tá Vàng Đình Chiến - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang. Anh đến đây kiểm tra, đôn đốc tình hình an ninh trật tự, chống xâm nhập đường biên, thăm các trạm, các chốt nơi đường ngang lối mở. Đêm xuống, chén rượu ngô nồng gắt trao nhau. Anh em Đồn Bản Máy thực hiện mệnh lệnh của chỉ huy về công tác phòng chống dịch, chống xâm nhập đường biên, phân loại cách li các trường hợp về từ bên kia biên giới, giám sát đẩy đuổi các đối tượng bên kia biên giới xâm nhập trái phép. Đồn trưởng, Trung tá Dũng tâm sự: Ở đơn vị em có nhiều đồng chí 2 năm nay chưa được về nhà. Đến em cũng hơn 2 năm chưa về nhà ở Phú Thọ thăm bố mẹ, vợ con.

Tôi đến Đồn Thàng Tín lúc 11 giờ trưa hôm sau, khi những hàng sa mộc vẫn còn ẩn hiện trong sương trắng. Trung tá Hải bảo: Chúng em cũng đang tập trung xuống bản tuyên truyền chống dịch, cử cán bộ đi nắm tình hình an ninh để đảm bảo cho đại hội Đảng các cấp sắp tới. Chính trị viên đồn đang cùng anh em trong đội tuyên truyền xuống bản. Đồn vắng ngắt, im lìm dưới những tán săng lẻ cổ thụ, dưới thung là bạt ngàn sa mộc. Những cây sa mộc trong thơ cố thi si Trần Hoà Bình như đang khắc khoải trong tôi. Đầu giờ chiều Hải chủ trì cuộc họp với nhiều thành phần như các trưởng bản, giáo viên các cấp trên địa bàn... phổ biến công tác của đồn về chống dịch, kế hoạch tuyên truyền cho đại hội Đảng các cấp, tặng quà cho các hộ nghèo... Đồn trưởng Hải với cặp kính trắng nói năng nhẹ nhàng ấm áp. Anh được các trưởng bản, cán bộ chiến sĩ rất nể phục. Năm 2018, trên đường ra thành phố họp, anh dùng tay không hạ gục hai tên cướp hung hãn với hung khí nóng là súng bắn đạn ghém và kiếm. Hải cũng là tay viết rất khá. Anh viết cho nhiều báo, ấn phẩm văn nghệ... nhưng rất khiêm tốn, nói năng chừng mực có phần kiệm lời.

Tôi từ giã Hải và cán bộ chiến sĩ Đồn Thàng Tín đi Xín Mần khi trời còn đẫm ướt sương đêm. Đồn Xín Mần nằm ở cực Tây tỉnh Hà Giang, là điểm nhô cao nhất về phía Trung Quốc trong địa giới tỉnh Hà Giang. Đồn quản lí 4 xã giáp biên và có cửa khẩu quốc tế nên rất phức tạp về an ninh, trật tự. Đặc biệt là đường ngang lối mở chằng chịt, các hoạt động bên kia biên giới tiềm ẩn nhiều nguy hại cho an ninh quốc gia. Ở đây, tôi gặp lại “cố nhân”. Em Lù Phương Thảo, cử nhân Đại học Luật Hà Nội hiện công tác ở Viện Kiểm sát nhân dân huyện Xín Mần. Thảo là Bí thư Đoàn cơ quan Viện Kiểm sát đi cùng cán bộ, đoàn viên lên tham gia văn nghệ với cán bộ chiến sĩ đồn. Khi còn học ở Hà Nội, Thảo là sinh viên xuất sắc về thành tích học tập, là hoa khôi của trường. Tốt nghiệp, có doanh nghiệp bề thế tuyển dụng nhưng em chọn về quê. Chúng tôi có nhiều kỉ niệm đẹp với nhau ở hồ Tây sóng vỗ, những chuyến dã ngoại ở vườn quốc gia Ba Vì, suối Tiên, đảo Ngọc, Ao Vua... Chúng tôi đã đi cùng nhau một khoảng thanh xuân tươi đẹp của tuổi trẻ nhiều khát vọng. Cuộc sống cuốn chúng tôi về hai ngả khác biệt, chút hoài niệm mong manh cũng rất ít khi nhớ lại. Đêm đó, tôi với Thảo ngồi với nhau đến sáng, vai áo ướt đẫm sương đêm.

Tôi tạm biệt Hà Giang, tạm biệt anh em cán bộ chiến sĩ Biên phòng Hà Giang để về Hà Nội dưới màn sương giăng bên cửa kính xe. Thấp thoáng vườn mơ nhà ai ven đường rung rinh cành lá.

N.N.K

VNQD
Thống kê