Chuyện một người tù Phú Quốc

Thứ Sáu, 10/03/2023 00:56

.VŨ NGỌC THƯ
 

Có một ngày, hai vợ chồng người cựu tù binh Phú Quốc đứng trước ngôi mộ có dòng tên: Liệt sĩ Đinh Văn Chung, quê xã Cẩm Thượng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Hưng, hi sinh ngày 12/4/1968. Ngôi mộ ấy ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Hai vợ chồng người tù binh Phú Quốc ấy chính là ông Đinh Văn Chung và bà Phạm Thị Phùng.

Ông Đinh Văn Chung và bà Phạm Thị Phùng

Ngày 7/1/1967, chàng trai mười tám tuổi Đinh Văn Chung quê xã Cẩm Thượng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Hưng (nay là phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) nhập ngũ. Anh được biên chế vào C3 D25 E3 F338 đóng quân tại xã Thành Thọ, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Sau bốn tháng huấn luyện, hết lăn lê bò toài, đến những ngày hành quân trên núi rừng huyện Bá Thước, với quân trang quân dụng và đeo thêm cả gạch để cho đủ 40 - 45kg - trọng lượng trang bị của người lính leo trên Trường Sơn, anh được đi học trường hạ sĩ quan. Lại huấn luyện, lại mang vác trên lưng, lại hành quân bằng đôi chân lội rừng, leo núi. Ra trường, anh cùng đơn vị đi tuyển quân tại tỉnh Hà Nam Ninh (nay là ba tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam). Vẫn đóng quân trên đất Thạch Thành, vẫn phiên hiệu tên đơn vị cũ, anh cùng đơn vị huấn luyện thêm ba tháng nữa với cương vị là Tiểu đội trưởng.

Ngày 8/11/1967 đơn vị anh Chung đi B và được bổ sung tăng cường cho quân khu Bình Trị Thiên. Trận đánh đầu tiên của người lính Đinh Văn Chung là trận đánh trên thành phố Huế năm Mậu Thân 1968. Tiểu đội trưởng Chung đã cùng đồng đội đánh chiếm nhiều căn cứ của địch trên đất Huế. Chỉ có trận đánh vào cứ điểm Mang Cá Lớn là chật vật. Mấy ngày đêm ta và địch giằng co. Địch cố thủ trong hầm hào của cứ điểm chống trả quyết liệt, lực lượng ta cũng quyết tâm tấn công. Khi đã chiếm được hai phần cứ điểm của địch, cuộc chiến đang tiến triển thì đơn vị được lệnh rút quân ra ngoài thành phố.

Về phía địch, sau khi bộ đội ta rút, địch cũng củng cố lại và bắt đầu phản kích. Hàng ngày chúng dùng trực thăng chở lính thủy quân lục chiến Mĩ từ Đà Nẵng ra càn quét. Đơn vị anh Chung ngày nào cũng đụng độ với đội quân lính Mĩ thiện chiến ấy. Cho đến một ngày địch đổ quân số lượng đông gấp nhiều lần những ngày trước. Chúng quyết tâm đánh vào vùng hậu cứ của bộ đội ta, để ngăn chặn ta tiến công như đợt Tết Mậu Thân. Địch ồ ạt tiến vào làng. Bên ta cũng đã sẵn sàng đánh địch. Hôm ấy là ngày 12/4/1968, cả một ngày ta và địch quần nhau, chúng nhích từng mét một để tiến, ta cũng đánh chặn giữ từng mét đất một. Trận đánh ngày càng quyết liệt, địch bắn xối xả, đạn AR15, đạn M16 cùng với đó là phóng lựu M19. Trước những đợt cuồng phong lửa đạn của địch, anh Chung vẫn cùng đồng đội bám chiến hào đánh trả ngoan cường. Nhưng rồi một loạt đạn liên thanh bắn vào anh, một viên xuyên qua cánh tay làm gãy xương, một viên xuyên từ đùi trước qua bắp đùi sau làm gãy xương đùi, nhiều viên vào bắp thịt hai chân. Máu từ các vết thương chảy thấm đẫm ống quần thủng. Người đồng đội bên cạnh xé ống quần băng vội cho anh. Cuộc chiến đấu vẫn căng thẳng. Máu từ các vết thương trên người anh vẫn chảy. Người anh nhợt nhạt và rồi lịm đi. Địch vẫn tiến công. Lệnh của trung đoàn quyết mở đường máu để ra ngoài vòng vây của địch. Khi ấy mọi người kiểm tra thì thấy tim anh đã ngừng đập. Đơn vị bàn giao anh cho dân quân địa phương để làm công tác mai táng.

Lực lượng địa phương chưa kịp mai táng anh Chung thì địch bắn pháo vào, họ tạm quay về phía sau xuống hầm trú ẩn. Không biết có phải vì nghị lực của người lính hay bản năng của một con người quyết không chịu đầu hàng số phận, hay vì điều gì kì diệu nào đó mà anh đã hồi tỉnh trở lại. Cũng lúc ấy những tên lính Mĩ tiến vào. Thấy anh còn thoi thóp thở nên đã cầm chân, cầm tay khênh anh lên mảnh bạt rồi kéo anh về phía chỗ chiếc trực thăng đang đỗ gần đấy và chở về căn cứ Non Nước, Đà Nẵng nơi bản doanh của chúng.

Đơn vị sau khi trở về cứ đã làm công tác hậu phương quân đội. Họ làm thủ tục báo tử cho anh Chung và gửi về địa phương. Ngôi mộ liệt sĩ Đinh Văn Chung được xây lên từ đấy. Ở quê anh, sau khi nhận được giấy báo tử, ngày 14/2/1969 địa phương đã tổ chức lễ truy điệu cho anh trang trọng theo đúng nghi thức liệt sĩ. Mẹ anh sau bao năm tháng mong chờ, khi nhận giấy báo tử của anh đã khóc hết nước mắt. Gia đình được hưởng chế độ gia đình liệt sĩ từ ngày ấy.

Với anh Chung, sau khi được địch đưa về cứ điểm Non Nước chữa lành vết thương, địch bắt đầu hỏi cung lấy lời khai. Đã xác định từ trước nên anh chỉ một câu trả lời: “Tôi là lính mới vào, tới nơi là đi đánh trận đầu nên không biết gì cả…” Mấy tháng hỏi cung, dọa dẫm, đe nẹt, đập bàn đập ghế rồi dụ dỗ, rồi tra tấn anh cũng chỉ nói một câu như thế. Biết không lấy được lời khai gì ở anh, chúng đưa anh ra Phú Quốc giam tại biệt khu Đ9. Ở biệt khu Đ9, anh đã tham gia vào lực lượng chống địch đàn áp đánh đập tra tấn tù binh.

Anh Chung bị cầm tù ở Phú Quốc cho đến ngày hiệp định Paris được kí kết. Ngày 17/3/1973 anh trở về bằng đường trao trả tù binh trên bờ sông Thạch Hãn, Quảng Trị, nơi anh và đồng đội chiến đấu ngày nào. Những người tù binh ốm yếu gầy còm được đưa ngay ra Bắc và anh được chuyển về Trung đoàn 8, Quân khu Tả Ngạn (Quân khu 3 ngày nay). Về trại an dưỡng, những người tù binh như được trở về nhà, họ vui vẻ và nhanh chóng hồi phục. Khi đã hồi phục sức khoẻ, anh Chung xin phép đơn vị về thăm nhà. Anh vừa bước tập tễnh vào nhà gọi được câu “Mẹ ơi!” thì mẹ đã lao ra ôm chầm lấy anh, rồi bà bắc ghế hạ tấm bằng Tổ quốc ghi công xuống. Bà mang ra giữa sân, tay châm lửa, miệng khấn chồng: “Ông ơi! Thằng Chung nó về rồi, nó chỉ bị thương chứ nó chưa chết. Hồng phúc nhà mình vẫn còn, vẫn có người nối dõi ông ạ…” Sau đó bà ù té chạy đến ủy ban gặp ông Chủ tịch xã, xin được phá bỏ ngôi mộ liệt sĩ Đinh Văn Chung ở nghĩa trang quê làng.

Mong muốn có người nối dõi của mẹ anh Chung đã không được toại nguyện. Khi về trại an dưỡng, anh được đơn vị khám và xét nghiệm máu với kết quả bị nhiễm chất độc da cam nặng. Ở trại an dưỡng có nữ quân nhân Phạm Thị Phùng, người trực tiếp chăm sóc cho anh. Những ngày bên anh, chị thấy thương người thương binh, người tù Phú Quốc ấy. Rồi khi biết anh bị nhiễm dioxin nặng thì chị càng không thể xa anh được. Biết được điều ấy, anh đã nói với chị: “Em lấy anh, sẽ không có hạnh phúc làm mẹ của những đứa con…” Chị đã thẳng thắn đáp lại anh: “Em biết điều ấy, chỉ cần anh hạnh phúc thì em cũng hạnh phúc…” Như trời sắp đặt họ phải đến với nhau. Đám cưới của anh Chung và chị Phùng được tổ chức ngày 18/6/1975.

Bốn mươi bảy năm quân nhân Phạm Thị Phùng ngày nào vẫn chăm sóc người thương binh, người tù binh Đinh Văn Chung, như ngày bà chăm sóc ông khi mới ở nhà tù Phú Quốc trở về đoàn an dưỡng. Mặc dù hai ông bà giờ đã ở tuổi thất thập cổ lai hi, họ vẫn sống bên nhau vô cùng hạnh phúc.

V.N.T

VNQD
Thống kê