Cho những “bông pơ lang” nở thắm trên biên giới Kon Tum

Thứ Tư, 31/08/2022 16:03

Cuộc sống của nhiều em nhỏ mồ côi người đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực biên giới tỉnh Kon Tum đã bước sang trang mới khi được những người lính Biên phòng đỡ đầu, nuôi dưỡng. Tình người ấm áp cùng với sự giúp đỡ đúng lúc của các cha nuôi, mẹ đỡ đầu đã tạo động lực giúp nhiều em nhỏ vượt qua khó khăn để bước tiếp trong cuộc sống, viết tiếp ước mơ của chính mình.

Y Cam bé nhỏ

Nhà của cô gái nhỏ người Xơ Đăng tên Y Cam (lớp 7, Trường Trung học cơ sở xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) ở thôn Khúc Long, xã Rờ Kơi - nơi rất gần đường biên giới tiếp giáp với nước Campuchia. Đất sản xuất ít ỏi, không đủ sống nên bố mẹ gửi Y Cam cho ông bà ngoại rồi vào miền Nam để làm công nhân. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 bùng phát, không những mất việc, bố Y Cam còn bị nhiễm Covid-19 và không thể qua khỏi. Dù mẹ đã trở về nhưng ngôi nhà nhỏ của Y Cam từ ấy vắng luôn tiếng cười.

Ngày 8/3/2022 là một ngày đặc biệt đối với cô bé mồ côi Y Cam khi được cán bộ Đồn Biên phòng Rờ Kơi đưa về Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tại thành phố Kon Tum. Lần đầu tiên Y Cam được rời bản làng nên sự nhộn nhịp của phố phường khiến cô gái nhỏ vốn nhút nhát lại càng trở nên thu mình. Điều ấy càng khiến các chị em trong Hội Phụ nữ BĐBP Kon Tum thêm thương cảm. Các chị tranh thủ trò chuyện, mua quà cho cô gái nhỏ. Sợi dây tình cảm đã bắt đầu từ những việc làm chân thành ấy. Khi buổi lễ nhận con nuôi kết thúc, cô bé Y Cam lần đầu gọi các nữ quân nhân Biên phòng hai chữ “mẹ ơi” đó cũng là lúc mọi người biết rằng, trách nhiệm của mình không chỉ là gửi tiền nuôi dưỡng mỗi tháng.

Từ ngày trở thành con nuôi của các mẹ Biên phòng, cô gái nhỏ Y Cam vui hơn rất nhiều. Các chú Đồn Biên phòng Rờ Kơi cũng thường xuyên ghé nhà để xem có việc gì cần giúp đỡ. Mới hôm qua, Đại úy Blong Buông, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng và Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Đội phó Đội Vận động quần chúng đến thăm hai mẹ con. Thấy mẹ của Y Cam là chị Y Khum đang làm đất trồng cây, mọi người cũng xắn tay vào phụ giúp. Trước khi ra về, Đại úy Blong Buông còn nói Y Cam rằng: “Chúng ta như những cây Pơ lang sống kiên cường trên vùng đất Tây Nguyên nắng gió. Chú cũng như cháu, lớn lên giữa đại ngàn. Cuộc sống vất vả cũng từng trải qua nhưng chú đã cố gắng học để trở thành cán bộ như ngày hôm nay, có thể giúp người khác như mẹ con cháu. Chú mong rằng, cháu cũng sẽ cố gắng vươn lên trong học tập để có thể vượt qua được nghịch cảnh”. Y Cam tuy nhỏ tuổi nhưng đã sớm hiểu chuyện. Nghe Đại úy Blong Buông nói, em tự hứa sẽ phải cố gắng hơn nữa.

Đại úy Blong Buông thường xuyên thăm hỏi, động viên Y Cam cố gắng học giỏi.

Nở thắm trên bầu trời Tây Nguyên

Đối với cô giáo Y Son (Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Đắc Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) thì Đồn Biên phòng Dục Nông, BĐBP Kon Tum là ngôi nhà thứ 2, mỗi cán bộ, chiến sĩ là cha chú, anh em ruột thịt. Bởi, nếu không có những người lính Biên phòng ấy, cô bé mồ côi Y Son đã không có ngày hôm nay. Nhà Y Son ở thôn Tà Pók, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi. Bố mất sớm, mẹ đi bước nữa, 5 anh, em đùm bọc nuôi nhau nên đã có lúc việc đi học của Y Son tưởng chừng phải gián đoạn. Biết được hoàn cảnh của cô gái nhỏ, Đồn Biên phòng Dục Nông đã nhận đỡ đầu theo chương trình Nâng bước em đến trường, mỗi tháng hỗ trợ cho Y Son 500 nghìn đồng. Với nhiều người, đây là số tiền ít ỏi, nhưng đối với những đứa trẻ mồ côi thì nhiều lúc đủ no cả tháng. Không những vậy, các chú Biên phòng còn dành sự quan tâm tận tình giúp cho Y Son vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, và đó cũng là động lực để em đến trường hoàn thành chương trình THPT. Năm 2017, Y Son thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm Huế. sốt sắng và cả lẫn mừng vui như thể chính con em mình đỗ đại học Thế nhưng, Tưởng như mọi việc đơn giản nhưng lại không dễ dàng. Ở buôn làng, con gái lớn như Y Son, nhất là điều kiện gia đình khó khăn, sẽ là lao động chính nên không ai muốn em tiếp tục đi học. Một lần nữa các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dục Nông đến nhà động viên và “cam kết” hỗ trợ tiền để em có kinh phí nhập học thì gia đình đã đồng ý cho Y Son nhập học.

Biết ơn tấm lòng của các chú BĐBP, suốt 4 năm đại học, Y Son luôn nỗ lực không ngừng để có thành tích học tập tốt nhất. Và rồi, những nỗ lực được đền đáp bằng tấm bằng Cử nhân ngành Giáo dục Tiểu học loại giỏi mà em được nhận vào tháng 5/2021. Cầm tấm bằng, người Y Son báo đầu tiên là cho các chú Biên phòng. Niềm vui nhân lên gấp bội khi Y Son đã thi đậu viên chức ngành Giáo dục huyện Ngọc Hồi và được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồ i- cũng là nơi Y Son sinh ra và lớn lên. Được đứng trên bục giảng, dạy học cho các em học sinh là con em người dân tộc thiểu số trên chính quê hương mình là niềm hạnh phúc lớn nhất của Y Son lúc này. Có lẽ bởi vậy mà dù là một giáo viên trẻ vừa mới ra trường, nhưng Y Son rất nhiệt huyết, rất chủ động trong công việc, đặc biệt rất tận tụy yêu thương như ruột thịt của mình. Điều ấy cũng không khó hiểu bởi được về nhận công tác dạy các em ngay trong xóm làng mình, đó là một mơ ước của Y Son từ khi đặt bút lựa chọn ngành Sư phạm.

Cô giáo Y Son - Bông hoa Pơ lang của Đồn Biên phòng Dục Nông, BĐBP Kon Tum.

Nghị lực vượt khó của Y Son là tấm gương sáng cho các em học sinh không chỉ ở làng Tà Pók, xã Đăk Nông mà còn sang nhiều thôn khác. Các học sinh của Trường Tiểu học Lê Văn Tám ai cũng biết được câu chuyện của cô giáo Y Son. Các em sẽ nỗ lực học tập thật tốt để sau này có thể trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Em Y Lệ Uyên (Thôn Tà Pók, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi) chia sẻ: “Trong làng có chị Son là một tấm gương rất tốt, học giỏi, nghị lực để đậu Đại học và làm cô giáo. Em thấy chị Son là một tấm gương rất tốt để noi theo, để sau này được làm cô giáo như chị Son”.

THANH TRÚC

 

 

VNQD
Thống kê