Tháng Bảy Nha Trang…

Thứ Ba, 26/07/2022 15:30

Tháng Bảy. Tôi trở lại Nha Trang cùng gia đình. Vui và buồn. Vui vì đi cùng những người thân yêu. Buồn vì không gặp lại, cũng là những người thương yêu khác.

Đi qua sân bóng trên bãi biển, tôi nhớ về hai cậu em Khải và Đạt. Hai em đều 18 tuổi, đều chơi bóng hay. Khải và Đạt đều về Tiểu đoàn 8 cùng một ngày. Và ít lâu sau, đều hi sinh ở chiến trường Campuchia. Trên đất Anlung.

Hai em đều đẹp trai. Gương mặt trắng trẻo. Hiền lành. Lần đầu tiên gặp Khải và Đạt là trên sân bóng Trung đoàn. Lính Khánh Hoà mới được bổ sung về E29 hôm trước. Thấy tân binh chơi bóng, tôi đi nhận quân nhảy vào luôn. Một anh lính cựu bị nhóm lính trẻ lừa bóng qua háng dễ như bỡn. Vừa chơi tôi vừa hỏi: “Các em chơi bóng ở đâu mà giỏi thế?''. ''Ở Nha Trang''. ''Nha Trang cũng có sân à?''. ''Tụi em chơi trên cát. Ngay bãi biển''. Hai đứa vừa chạy vừa trả lời. Tôi thầm cảm phục sự nhanh nhẹn, khéo léo của hai tân binh.

Hôm sau, hai em được phân về D8. Tôi làm thủ tục nhận quân, khoảng hơn hai chục, trong đó có hai cầu thủ đá bóng cùng hôm qua. Lúc này mới biết tên hai em là Khải và Đạt. Khi ghi lí lịch trích ngang tôi mới biết nhà hai em ở trong thành phố, đều gần chợ Đầm. Tôi chỉ nhớ mẹ của Khải tên là Phan Thị Tốt vì cái tên này ít trùng với tên người khác.

Chỉ hơn tháng sau, Đạt đi tuần. Vấp mìn. Rồi chết.

Mấy tháng sau, Khải đi gùi gạo trên Cam Tuất. Cũng vấp mìn. Và chết.

Tôi chôn hai em ở nghĩa trang Tiểu đoàn. Ngay Anlung.

Năm sau, Trung đoàn tổ chức bốc mộ. Đồng đội đưa hai em về. Từ đó tôi không biết hai em được đưa về nằm ở đâu.

Tháng 4 năm 1982, tôi được về Nha Trang tập huấn. Đoàn 26. Lang thang trên bãi biển nơi có đài liệt sĩ cố nhớ lại địa chỉ nhà Khải và Đạt mà không nhớ nổi. Hoặc dù có nhớ cũng không dám vào. Sợ phải báo tin buồn.

Từ đó, nhiều lần trở lại Nha Trang, tôi đều nhớ hai em. Mười tám tuổi xuân. Trong sáng vô cùng...

Bởi thế, với tôi, Nha Trang càng đẹp, càng thương nhớ... Nha Trang càng đông vui, càng buồn...

Nhất là những ngày tháng Bảy này!

*

Ở Nha Trang, tôi còn những người đồng đội khác của sư 307. Bác sĩ Xáng, Trầm Lợi Mến, Nguyễn Văn Khả... Vừa đến Nha Trang, Trần Đào Hiền Nhân ở Sài Gòn gọi bảo nhớ gặp Khả nhé. Khả là lính D6, E94, thổ dân Nha Trang.

Tôi đã gặp Khả nhiều lần nhưng trong đám đông, lính tráng ồn ào khó nói chuyện riêng tư. Nhưng tôi biết Khả đã làm rất tốt những công việc hậu chiến. Nói theo cách của bác sĩ quân y Lê Cao Đài, một đồng đội khác, là ''như một chiếc khăn mùi soa, lau những giọt lệ trên mắt những người thiệt thòi''.

Chuyện về Khả thì rất nhiều.

Tỉ như có một lần, Khả lên nghĩa trang huyện Iagrai ở Gia Lai. Dạo đó, nghĩa trang còn sơ sài lắm. Khả thấy một nấm mộ có tấm bia bằng tôn, ghi tên liệt sĩ Nguyễn Đức Toán, quê Thanh Chương, Hà Tĩnh. Huyện Thanh Chương ở Nghệ An kia mà? Đem thắc mắc này, Khả đến gặp Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Gia Lai nhưng họ không mở sổ để kiểm tra. Mà Khả cũng không có giấy tờ gì để họ phải mở sổ. Chỉ là một công dân bình thường thấy chuyện không vừa mắt, thắc mắc vậy thôi. Cán bộ Sở không buồn tiếp.

Ra về, nhưng Khả không buồn. Không giận. Anh liên hệ với Phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện Thanh Chương, hỏi có liệt sĩ nào tên thế, nhập ngũ ngày đó, tháng đó, hi sinh ngày đó tháng đó… an táng tại nghĩa trang Iagrai không ? Huyện Thanh Chương nói, chờ để họ tìm. Và họ trả lời, không có. Khả đề nghị họ trả lời bằng văn bản hẳn hoi. Huyện Thanh Chương làm ngay. Quê hương cách mạng mà! Rồi Khả lại liên hệ với tỉnh Hà Tĩnh. Cũng hỏi như vậy về liệt sĩ Toán. Tỉnh Hà Tĩnh cũng điều tra, trả lời không có. Bằng văn bản đàng hoàng. Khả cảm ơn họ nhiều.

Cầm hai ''bửu bối '' nhỏ, Khả lại tìm đến Cục Chính sách Quân khu 5 hỏi về liệt sĩ Toán. Họ nói, có liệt sĩ này, nhưng quê ở xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Khi hi sinh, liệt sĩ Toán là lính F307. Quyết tìm đến cùng, Khả lại đến Ban Chính sách F307. Anh em cho biết, có liệt sĩ này. Quê Quảng Nam, không phải Hà Tĩnh. Khả lại có giấy xác nhận của hai nơi sau.

Cầm 4 giấy xác nhận, Khả lại lên Gia Lai. Vào Sở Lao động Thương binh Xã hội trình bày. Bấy giờ cán bộ sở này mới chịu mở hồ sơ gốc. Thì ra, liệt sĩ Nguyễn Đức Toán, quê Quảng Nam, thông tin trên bia mộ bị sai.

Khả lại tìm về quê liệt sĩ. Gia đình nửa mừng, nửa buồn. Buồn vì nghi ngờ, không biết có thật không? Người nhà họ, anh Toán hi sinh đã lâu, giấy báo tử ghi ''Hi sinh tại mặt trận Tây Nam''. Thế thôi. Chôn chỗ nào thì không biết. Khả kêu người thân đi cùng, lên Iagrai xem mộ. Gia đình đồng ý bốc với điều kiện cần xét nghiệm ADN.

''Đã thương thì thương cho chót, đã vót thì vót cho tròn'', Khả lại liên hệ với cơ quan xét nghiệm ADN. Thời gian trôi đi chậm chạp. Nhưng Khả có niềm tin. Nhất định mộ kia là của Nguyễn Đức Toán, F307. Bởi Khả nghĩ, hình như có cái duyên gì đó, khi nhìn thấy dòng chữ ghi sai, trong người Khả bừng lên nhưng băn khoăn. Không thể để đồng đội mình bị xúc phạm như thế được. Người chết rồi có nói được gì đâu. Mình cần nói giúp.

Ngày xét nghiệm ADN đã đến. Mọi người tập trung đông đủ. Ai cũng hồi hộp. Và khi khai quật hài cốt, những cán bộ xét nghiệm ADN thấy mình bị thừa ra bởi trong mộ còn nguyên cái túi nilon, trong đó ghi tên liệt sĩ Toán quê Điện An. Lại còn cả cái răng vàng của liệt sĩ Toán khi còn sống. Gia đình vui mừng đón liệt sĩ về quê hương. Hôm đó, cả làng cả xã đông lắm, có cả những ông cụ râu tóc bạc phơ. Hỏi thăm, mới biết, liệt sĩ Toán là vai trưởng tộc, các cụ kia là vai em. Khả thấy vui vì mình đã làm được một việc rất hữu ích. Và hình như liệt sĩ Toán cũng âm thầm ủng hộ, chỉ lối dẫn đường.

Từ đó, hàng năm, cứ đến ngày giỗ liệt sĩ Toán, gia đình ngoài Quảng Nam lại mời Khả về dự.

*

Khả đã nhiều năm làm các công việc gọi là hậu chiến. Kiên nhẫn. Lặng lẽ. Nhiều lúc Khả thầm nói với liệt sĩ ''đồng hương hãy kiên tâm, sắp đến đích rồi''. Nha Trang đấy. Khả vẫn miệt mài góp sức nhỏ để ''băng bó những vết thương chiến tranh''. Hàng ngày, anh vẫn rong ruổi trên đường, hoà lẫn vào dòng người xuôi ngược trên những con phố Nha Trang đẹp đẽ hiền hòa.

Chúng tôi, những cựu chiến binh F307 đều biết Nguyễn Văn Khả là người rất khiêm nhường. Anh không thích được khen. Song tôi nghĩ, trong tháng Bảy tri ân này nên nhắc đến những việc làm của Khả. Đó là chuyện bình thường. Người dũng cảm là người dám đi trên con đường nhiều gai. Trong công tác hậu phương quân đội, có nhiều người làm tốt. Họ có thể làm theo những cách khác nhau. Song đích cuối cùng, là để cho người sống yên lòng và người chết được mát dạ.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khả (người mặc quân phục) và đồng đội. Ảnh: TL

Một lần tôi ngồi cà phê với Trần Đào Hiền Nhân. Nhân đã kể cho tôi một câu chuyện nữa về Khả. Bởi Nhân gắn bó với Nha Trang nhiều hơn tôi.

Ở Cam Lâm, một huyện ven biển của Khánh Hoà, gần Nha Trang, có một người lính tên là Nguyễn Ngọc Hải. Quê Hải ở xã Cam Thành Bắc. Anh nhập ngũ và chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 712, Sư 309. Trước khi nhập ngũ, Hải đã có mối tình với cô thôn nữ gần nhà. Cô ấy tên là Thuận. Và đặc biệt, Thuận đã mang trong mình giọt máu của Hải.

Ở chiến trường, không biết Hải đã biết chuyện này chưa, chỉ biết rằng, sau khi anh hi sinh, chị Thuận sinh được một đứa con. Con trai. Ông bà nội, tức bố mẹ Hải, rất quý cháu. Họ đặt tên cho cháu là Rụng. Nguyễn Rụng. Theo quan niệm dân gian, đặt tên xấu cho dễ nuôi.

Phải đến năm lên mười, Rụng mới được đi học ở trường làng. Các cán bộ xã góp ý, khi đi học, Rụng nên lấy tên khác. Cùng gia đình bạn bạc, họ quyết định đặt cho cháu cái tên mới là Nguyễn Ngọc Anh.

Theo thời gian, Ngọc Anh lớn dần. Và chị Thuận quyết định đi bước nữa. Khi đó cha mẹ anh Hải cũng đã mất. Số tiền tuất của anh Hải không được trao cho chị Thuận nữa vì chị đã có chồng khác. Theo lẽ đương nhiên, nó sẽ được trao cho cháu Nguyễn Ngọc Anh.

Nhưng sự đời trớ trêu, các cơ quan hành chính huyện và tỉnh không có căn cứ nào để chứng minh Nguyễn Ngọc Anh là con liệt sĩ Nguyễn Ngọc Hải. Khi làm giấy cho cháu đi học, chỉ có bốn cán bộ xã xác nhận tên mới của cháu là Nguyễn Ngọc Anh. Giấy khai sinh của cháu vẫn là Nguyễn Rụng. Chính việc không đổi tên trong giấy khai sinh đã dẫn đến những khó khăn sau này.

Biết chuyện, Khả lại tìm cách giúp. Anh lên huyện. Cán bộ huyện bảo: ''Anh phải chứng minh được Nguyễn Ngọc Anh là Nguyễn Rụng''. Biết hỏi ai bây giờ? Khả dắt theo cả cháu Anh. Người thực đây. Nhưng ''việc thực'' thì chưa chứng minh được.

Khả lại lên tỉnh. Tỉnh cũng trả lời như vậy. Chả nhẽ cam chịu? Khả nghĩ ra cách, đi gặp từng cán bộ xã trước đây đã làm giấy xác nhận cho Nguyễn Ngọc Anh đi học. Khả đi tìm. Một người đã mất, may sao, ba người còn sống. Họ cùng xác nhận Nguyễn Ngọc Anh chính là Nguyễn Rụng. Có chữ kí của ba cán bộ xã, Khả xin dấu xác nhận đàng hoàng. Khi đó, Khả lên huyện và tỉnh họ mới chấp nhận và chuyển số tiền tuất của liệt sĩ Nguyễn Ngọc Hải cho con trai là Nguyễn Ngọc Anh.

Tôi nghĩ, cán bộ huyện và tỉnh làm thế cũng đúng theo cương vị và trách nhiệm của họ. Bởi trong xã hội, có rất nhiều người làm hồ sơ giả để hưởng chính sách của Nhà nước đối với người có công. Nhưng điều tốt đẹp ở đây chính là việc làm của Khả. Anh không ngại, không chùn bước trước những vật cản. Và làm theo những điều anh cho là đúng.

Chuyện về Khả còn nhiều chuyện nghĩa tình khác nữa. Khả ít nói về mình. Dù tôi biết, sau khi giải ngũ anh cũng trải qua nhiều chuyện vui buồn, song với ý chí vươn lên của một người lính, anh đã xác định một lẽ sống lương thiện, tử tế giữa thời nhiều biến động.

Các đồng đội TP. Hồ Chí Minh vào dịp cuối năm thường có chuyến hành hương ra miền Trung mang chút quà nhỏ về trao cho những đồng đội gặp nhiều khó khăn. Đến Nha Trang, gặp Khả, Khả thường đề xuất để các đồng đội khác được nhận, dù anh em F307 muốn Khả nhận chút ít nhưng anh đều từ chối nhường cho những đồng đội ở sư khác khó khăn hơn. Chẳng hạn ở Sư 2, có một đồng đội là công nhân nhà máy in bị tai nạn lao động bỏng toàn thân được Khả đề xuất. Một chút quà nhỏ từ đồng đội phương xa cũng làm ấm lòng người. Có niềm vui, vết thương như nhanh lành hơn. Hoặc có đồng đội bị tai biến nằm nhà đã 7 năm. Người vợ vừa bán rau cỏ trước nhà vừa chăm chồng. Ngôi nhà nhỏ, cái giường nhỏ, anh nằm ngay cửa để chị tiện bề chăm sóc. Khi đồng đội mang quà đến thì mới biết tin người cựu chiến binh đó đã mất. Hỏi chuyện, Khả và đồng đội còn biết trước khi mất anh vẫn không được nhận cái thẻ Bảo hiểm y tế. (Theo Nghị định số 62 của Chính phủ, những cựu chiến binh có thời gian chiến đấu tại chiến trường Campuchia từ 3 năm trở lên đều được cấp thẻ Bảo hiểm y tế 100% và khoảng 4 triệu đồng). Khả quyết làm cho ra nhẽ. Anh lên xã, huyện, rồi tỉnh, đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho đồng đội, dù người ấy đã về với đất. Vì anh nghĩ, danh dự của người lính cần được tôn trọng. Ở nước mình, không có luật xét xử tội xúc phạm Cựu Chiến Binh như nhiều nước khác. Ở đó, cựu chiến binh là Danh dự và Tài sản của Quốc gia. họ rất trân trọng những người đã đổ công sức và xương máu cho bảo vệ Tổ quốc. Chỉ đến khi trao được món quà nhỏ cho người vợ mà lẽ ra, khi còn sống chồng chị phải được nhận, Khả mới yên lòng. Khả là như thế!

Bởi thế nên Nha Trang của tôi không phải là những bãi biển, mặt trời và cát. Nha Trang của tôi không phải những khách sạn cao tầng và những sơn hào hải vị. Nha Trang của tôi là những hẻm nhỏ, những xóm vắng, nơi những con người cần lao vất vả nhưng tâm hồn trong lành. Nha Trang của tôi là những người như Nguyễn Văn Khả, như Trầm Lợi Mến, như bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, là hai em lính trẻ tuổi đá bóng giỏi nhưng đã hi sinh ở bên kia biên giới. Nha Trang của tôi là bao đồng đội vẫn cưu mang nhau trong cuộc sống đời thường…

Tháng Bảy này, tôi trở lại Nha Trang. Bên những người thân yêu lại nhớ về những người thương yêu khác.

Nhà văn, cựu chiến binh ĐOÀN TUẤN

VNQD
Thống kê