Nhân kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và hướng tới kỉ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam lần thứ 2 trong năm tổ chức Hội thảo khoa học "Văn học nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam - 80 năm đồng hành sáng tạo".
Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá và khẳng định những thành tựu đã đạt được; nhận rõ hạn chế, vướng mắc còn tồn tại, tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng sáng tác. Cùng với đó sẽ huy động lực lượng văn nghệ sĩ trau dồi tích lũy vốn sống, đi sâu vào đề tài này để có các tác phẩm giá trị về tư tưởng, nghệ thuật cao hơn nữa, xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam chủ trì buổi hội thảo.
30 tham luận được in trong kỉ yếu và 11 tham luận trực tiếp tại hội thảo đã tập trung làm rõ việc văn học nghệ thuật gắn bó, đồng hành với các lực lượng vũ trang và dân tộc. Trong 80 năm qua, các thế hệ văn nghệ sĩ đủ các chuyên ngành đã có những sáng tác giá trị, lan toả sâu rộng trong công chúng. Nhiều tham luận đã chỉ ra rằng, các nhà quản lí và đội ngũ sáng tác của các chuyên ngành đã bước đầu rút ra được những thu hoạch, bài học quý báu về tư duy lí luận, sáng tạo, quảng bá, tổ chức sáng tác xung quanh việc triển khai đề tài sáng tác về lực lực lượng vũ trang nhân dân.
Có tham luận đã chỉ ra: Trong bối cảnh quốc gia và quốc tế hiện nay, đề tài lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam cần phải bao quát đầy đủ các vấn đề xung quanh bảo vệ an ninh Tổ quốc (an ninh truyền thống) và anh ninh phi truyền thống (an ninh con người, văn hoá, môi trường…) trên tầm nhìn của chủ nghĩa nhân văn, huy động sự chung sức của cộng đồng nhân loại.
Có tham luận lại đặt ra vấn đề: Để văn học nghệ thuật phát triển sâu rộng hơn nữa trong đời sống nhân dân, cần phải tháo gỡ những điểm nghẽn luật pháp, quy chế, nâng cao hơn nữa công tác quản lí và tính chuyên nghiệp trong sáng tác.
Thành viên Ban Tổ chức và khách mời tham quan các công trình tham gia cuộc thi tìm hiểu 80 năm Quân đội nhân dân.
Phát biểu khai mạc buổi Hội thảo PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Hội VHNT Việt Nam cho biết: Hội Văn nghệ sĩ Việt Nam (tiền thân là Hội Văn hóa cứu quốc) do Bác Hồ sáng lập. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế hệ văn nghệ sĩ đã được tôi luyện qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc và thời kì Đổi mới đã trưởng thành, lớn mạnh luôn gắn bó với Đảng, với nhân dân và đồng hành cùng dân tộc. Trong hàng ngàn tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị suốt 80 năm qua, một mảng rất quan trọng, chiếm vị trí nổi bật, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật to lớn, đó chính là những tác phẩm thuộc nhiều loại hình từ văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, mĩ thuật... về đề tài lực lượng vũ trang nhân dân, về Bộ đội Cụ Hồ.
Hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là kết tinh phẩm chất cao quý của người lính; dũng cảm, hi sinh, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, chủ nghĩa nhân văn cao cả; tình đoàn kết, gắn bó keo sơn quân dân, khát vọng độc lập tự do. Hình mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ là nền tảng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, bách chiến bách thắng.
Đây chính là cánh đồng đề tài rộng lớn, nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ văn nghệ sĩ sáng tạo, và cho ra đời nhiều tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật gắn liền với truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần làm giàu thêm dòng chủ lưu của văn nghệ cách mạng Việt Nam, ghi dấu ấn sâu đậm vào nền văn hoá Việt nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phát biểu khai mạc.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tại buổi hội thảo cho rằng: Các thế hệ văn nghệ sĩ đã đóng góp rất lớn cho nền văn học nước nhà đặc biệt là trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, các văn nghệ sĩ vừa trực tiếp là người cầm súng vừa là người cầm bút đã đem lại những thành tựu đầu tiên cho thơ ca thời kháng chiến. Năm tháng trôi qua, tác phẩm của các văn nghệ sĩ - chiến sĩ càng chứng tỏ sức sống vượt thời gian, trở thành hành trang tinh thần cho các thế hệ tiếp theo. Nguyên Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cũng tin rằng những thành tựu thơ ca kháng chiến nói riêng và văn học viết về người lính nói chung sẽ trở thành hành trang tinh thần không thể thiếu khi chúng ta bước vào giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, cựu Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tham luận tại buổi hội thảo.
Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trong tham luận của mình đã khẳng định: Nói đến sự nghiệp văn học nghệ thuật cách mạng thì không thể không nói tới sự nghiệp âm nhạc “vị nhân sinh" đồ sộ của cách mạng Việt Nam; nói đến các nhạc sĩ, tác giả tâm huyết sáng tạo, có lòng yêu nước, sự mẫn cảm với thời cuộc, có tinh thần trách nhiệm với quốc gia, dân tộc, với nhân dân. Trong đó có sự đóng góp hiệu quả của lớp lớp các thế hệ nhạc sĩ Quân đội nhân dân và các nhạc sĩ trưởng thành từ Quân đội nhân dân, với rất nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng, chứa đựng ý chí quật cường của cả dân tộc, đã truyền lại cho hậu thế những cảm hứng sâu sắc về trách nhiệm tiếp nối sự nghiệp sáng tác phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Có thể nói Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là cái nôi sản sinh ra các bậc tướng lĩnh kì tài mà còn là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn và tài năng của rất nhiều nghệ sĩ - chiến sĩ.
Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị phát biểu tham luận tại hội thảo.
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam trong tham luận trực tiếp của mình đã nêu ra những điểm nghẽn trong lĩnh vực điện ảnh, ông cho rằng có nhiều bộ phim về người lính và chiến tranh đã được nhà nước đầu tư tiền cho việc sản xuất phim mà không đầu tư tiền cho việc phát hành quảng bá phim. Các rạp chiếu phim ngày nay đa phần là rạp tư nhân. Đầu tư công nhà nước không cho phép hợp tác với tư nhân nên nhiều bộ phim hay về chiến tranh cách mạng và người lính chỉ được chiếu vài ba ngày trong các dịp lễ lạt rồi lại cất vào kho tạo ra sự lãng phí, không tạo ra giá trị lan tỏa. PGS.TS mong muốn được gỡ bỏ những điểm nghẽn để ngành điện ảnh có cơ hội phát triển lành mạnh trong hệ sinh thái lành mạnh...
Trong phần kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên khẳng định: Văn học nghệ thuật có đóng góp to lớn cho đất nước và quân đội trong suốt hành trình 80 năm qua. Các thể loại văn thơ nhạc hoạ thời kì kháng chiến mang thần thái của toàn dân đối với đất nước, đối với vận mệnh dân tộc. Có lẽ trong kho tàng văn học nghệ thuật Việt Nam, bản sắc văn hoá, văn học nghệ thuật gắn liền với chiến tranh, gắn liền với công cuộc giữ nước. Chiến tranh tuy đã lùi xa, nhưng bản hùng ca giữ nước vẫn là ngọn đuốc luôn rực sáng, và những người đảm nhiệm trọng trách trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật luôn phải có trách nhiệm truyền tải cho các thế hệ mai sau.
THÀNH DUY
VNQD