Dòng chảy

Quỳnh Dao với công chúng Việt Nam

Thứ Năm, 05/12/2024 10:37

Ở thời đương đại, nhà văn Quỳnh Dao thường được biết đến ở Việt Nam với danh xưng tác giả kịch bản bộ phim truyền hình nổi tiếng “Hoàn Châu cách cách”. Tuy nhiên, tên tuổi của bà đã được biết đến rộng rãi ở Việt Nam từ sau năm 1975.

Quỳnh Dao chính thức gác bút từ năm 2019 với số lượng tác phẩm được thống kê và thừa nhận là 67, gồm các tập truyện ngắn, tập truyện vừa, tiểu thuyết, hồi ký. Ngay sau khi bà qua đời, NXB Nhà văn ở Trung Quốc thông báo sẽ in “Toàn tập Quỳnh Dao”, gồm 67 tác phẩm thành 71 quyển. Trong khi đó, riêng ở miền Nam Việt Nam thì con số tác phẩm Quỳnh Dao được xuất bản lên đến 63, tính đến thời điểm 1975. (Theo Trần Trọng Đăng Đàn, “Văn hóa, văn nghệ… Nam Việt Nam 1954-1975”, NXB. Văn hóa Thông tin, 1993, trang 528). Trong khi đó tác phẩm của bà được xuất bản tại Đài Loan tính đến 1975 mới chỉ là 22 tác phẩm, gồm 5 tập truyện ngắn và 17 truyện dài.

Nhà văn Quỳnh Dao.

Có thể chia thành ba giai đoạn độc giả Việt Nam tiếp nhận những tác phẩm của Quỳnh Dao theo sự thay đổi của hoàn cảnh lịch sử, xã hội: Trước năm 1975 tại miền Nam; Giai đoạn từ 1975 đến 1990; Từ 1990 đến nay.

Ở miền Nam từ trước năm 1975, Quỳnh Dao chính thức được biết đến qua bản dịch bốn truyện ngắn đăng trên tạp chí “Văn học”, số 68, xuất bản ngày 15/10/1966, dịch giả cũng là một tác giả tên tuổi từ trước năm 1945 là nhà viết kịch Vi Huyền Đắc. Sau đó Nxb Hàn Thuyên cho in cuốn tiểu thuyết “Song ngoại”, NXB Khai Hóa cho in tác phẩm “Cơn gió thoảng”. Nhưng phải đến khi tác phẩm “Cánh hoa chùm gởi” đăng dài kì trên tuần báo “Đời”, thì độc giả miền Nam mới lên cơn sốt với hiện tượng Quỳnh Dao. Một loạt các tác phẩm của bà được dịch và ấn hành và chinh phục lớp công chúng trẻ, đặc biệt là phụ nữ. Năm 1972, tạp chí “Văn học” xuất bản ở Sài Gòn đã dành riêng một số chuyên đề đặc biệt để nói về Quỳnh Dao và lí giải vì sao tác phẩm của bà ăn khách. Năm 1973, khi cơn sốt Quỳnh Dao lên đến đỉnh diểm, nhà văn, nhà báo Đào Trường Phúc đã xuất bản một tập tiểu luận lấy tên là “Hiện tượng Quỳnh Dao” (Nxb Khai Hóa).

Có ba nguyên nhân làm “bùng nổ” con số tác phẩm Quỳnh Dao ở miền Nam trước 1975. Đó là sau khi tác phẩm của Quỳnh Dao ăn khách, đã có một số người viết giả sách của bà, mang tên bà. Tác phẩm của Quỳnh Dao được nhiều người dịch, với những tên gọi khác nhau. Tác phẩm “Thuyền” do Phương Quế dịch, Trí Đăng xuất bản thì giữ nguyên tên, nhưng khi Bành Dũng Tôn và Hồng Phong dịch, Khai Hóa xuất bản, có tựa là “Trôi theo dòng đời”. Tác phẩm “Hải âu phi xứ” khi Liêu Quốc Nhĩ dịch, Khai Hóa xuất bản thì giữ nguyên tên, Đặng Bỉnh Chương và Từ Bội Ngọc dịch thành “Đừng đùa với ái tình”, Văn Học xuất bản, và Thôi Tiêu Nhiêu thì dịch thành “Đường về chim biển”, Hồng Loan xuất bản. Nhiều tập truyện ngắn của bà được xáo trộn, thay đổi để in lại thành những tập mới. Điều này cho thấy sức hút của văn chương Quỳnh Dao đối với độc giả Việt Nam ngay từ trước năm 1975.

Tác giả Đào Trường Phúc đã xuất bản một cuốn sách về hiện tượng Quỳnh Dao.

Theo tác giả Đào Trường Phúc thì sách Quỳnh Dao bị giả danh ngay từ bản tiếng Hoa ở Đài Loan, Hồng Kông, Singapore… những nơi cũng có phong trào đọc Quỳnh Dao sôi nổi như ở Việt Nam, “ngay từ 1968, Quỳnh Dao đã phải đích thân sang Hồng Kông để điều tra việc người ta in trộm hoặc mạo danh tác phẩm của bà tại Hương Cảng và những nơi khác trong vùng Đông Nam Á.” (Đào Trường Phúc, “Hiện tượng Quỳnh Dao”. NXB. Khai Hóa, 1973, trang 3).

Dành cả cuộc đời để viết về tình yêu, đặc trưng xuyên suốt các tác phẩm của Quỳnh Dao là chỉ kể chuyện tình yêu, ca ngợi tình yêu. Dù tình yêu của các nhân vật có kết thúc hạnh phúc hay phải chia lìa đôi lứa, thì các nhân vật của Quỳnh Dao đều có một điểm chung là họ sống hết mình, trọn vẹn với tình yêu, thậm chí đến mức vượt qua cả những rào cản đạo đức, lễ giáo thông thường, chấp nhận làm “người thứ ba”, hay đi phá hoại hạnh phúc của người khác… Trong tác phẩm “Quận chúa Tân Nguyệt”, nàng quận chúa đã say mê võ tướng Nô Đạt Hải dù chỉ bằng tuổi con gái của ông ta, bất chấp luôn cả việc đang tá túc nhờ ở nhà ông, đang được gia đình vợ con ông bảo bọc, che chở. Khi Nô Đạt Hải vì trốn chạy tình yêu của Tân Nguyệt, ra chiến trường, thì Tân Nguyệt đã tìm đến, quyến rũ ông và trao thân để chứng tỏ tình yêu say đắm của mình. Nô Đạt Hải đã không cưỡng lại được, phản bội vợ con và dẫn đến kết cục chết thảm. Chính những chi tiết éo le, đầy nước mắt, cùng với các sắc thái tình cảm từ tình yêu trong sáng, ngây thơ của thiếu nữ tuổi học trò, cho đến nỗi u uẩn của người thiếu phụ lỡ làng duyên phận, đều được Quỳnh Dao miêu tả từ chính kinh nghiệm tình yêu và cuộc đời của mình, do vậy, các độc giả nữ dễ dàng thấy sự đồng cảm. Sự miêu tả sống động những trạng thái tâm lí yêu ghen hờn giận cũng là điều thu hút các độc giả nữ Việt Nam, nhất là những độc giả trẻ tuổi, đang ở độ tuổi bắt đầu yêu và ở cả những phụ nữ trưởng thành đã trải qua nhiều thăng trầm tình cảm.

Một tác phẩm của Quỳnh Dao được dịch và giới thiệu tại miền Nam trước năm 1975.

Do đặc thù của hoàn cảnh hai miền Nam Bắc, nên trước năm 1975, tác phẩm của Quỳnh Dao không có cơ hội được giới thiệu ở miền Bắc. Sau năm 1975, những tác phẩm của Quỳnh Dao cũng không được nhắc đến và nếu có thì cũng được xếp vào những tác phẩm không nên đọc, thậm chí bị phê phán.

Một số công trình nghiên cứu sau năm 1975 lên tiếng phê phán tác phẩm của Quỳnh Dao. Trần Trọng Đăng Đàn xếp tác phẩm Quỳnh Dao vào loại “văn chương phục vụ xã hội tiêu thụ Nam Việt Nam”, gọi tắt là “văn chương tiêu thụ” và cho rằng đó là “khuynh hướng văn học được nảy sinh do việc người viết chạy theo thị hiếu thẩm mĩ thấp kém của xã hội tiêu thụ để kiếm tiền” (Trần Trọng Đăng Đàn, “Văn hóa văn nghệ Nam Việt Nam… 1954-1975”, NXB. Văn hóa Thông tin, 1993, trang 413).

Cùng với sự thay đổi và bầu không khí mở cửa của đất nước, đầu thập niên 90 của thế kỉ XX, những tác phẩm của bà trở lại với những bản dịch của Liêu Quốc Nhĩ và sau đó tiếp tục được xuất bản khá rầm rộ ở Việt Nam cho mãi đến những năm đầu thế kỉ XXI. Từ đó, tên tuổi của Quỳnh Dao lại hiện diện sống động trong lòng độc giả Việt Nam.

HÀ THANH VÂN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)