Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỉ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), được sự chỉ đạo của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phối hợp với Cục Tuyên huấn tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng sau ngày đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025); thành tựu, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”. Hội thảo diễn ra sáng 20/3 tại Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã dự và chỉ đạo hội thảo. GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận VHNT Trung ương; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cùng nhiều đại biểu là các GS. PGS.TS, các nhà khoa học, các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình đã cùng dự hội thảo.
Cách đây tròn 50 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đưa cuộc đấu tranh trường kì gian khổ, hi sinh của dân tộc Việt Nam đến thắng lợi huy hoàng, trọn vẹn, Tổ quốc thống nhất, non sông thu về một mối, đất nước sạch bóng quân xâm lược. Chiến tranh đã lùi xa, trong hành trình nửa thế kỉ đã qua, văn học nghệ thuật nói chung, văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng nói riêng vẫn luôn kế thừa và phát huy thành tựu rực rỡ ở giai đoạn trước đó, tiếp tục khai thác “vỉa quặng” lớn từ độ lùi thời gian, bằng những góc nhìn mới mẻ, đa chiều và đã đạt được những thành tựu mới hết sức quan trọng.
Ban Tổ chức Hội thảo “50 năm văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025); thành tựu, những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển” đã nhận được hơn 60 tham luận của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, lãnh đạo các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, nhà văn, nhà lí luận phê bình văn học, nghệ thuật trong và ngoài Quân đội.

Trưng bày giới thiệu các tác phẩm văn học đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng tại hội thảo. Ảnh: Vũ Thành Duy
Các tham luận đã góp phần khẳng định 50 năm qua, văn học, nghệ thuật trong Quân đội nói chung, về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng nói riêng đã có những thành tựu to lớn, góp phần xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời chỉ rõ những hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để từ đó gợi mở những chủ trương, giải pháp, hướng đi mới cho văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, công phu, tâm huyết của từng tác giả, được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, có những nhận định, đánh giá tương đồng và cả những sự khác nhau.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói: “Tôi đánh giá rất cao nỗ lực tổ chức chặt chẽ, chu đáo của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Cục Tuyên huấn, đặc biệt trân trọng sự quan tâm, trách nhiệm, nhiệt huyết của các đồng chí tướng lĩnh, các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ trong và ngoài Quân đội. Những tham luận tại Hội thảo này là kết quả của sự dày công nghiên cứu, thể hiện trách nhiệm lớn lao trước lịch sử, trước hiện tại và tương lai”.

Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phát biểu chỉ đạo hội thảo. Ảnh: Vũ Thành Duy
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ những nội dung chủ yếu, nổi bật.
Trước hết là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đối với văn học, nghệ thuật nói chung, về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng nói riêng. Chính nhờ sự quan tâm sâu sắc ấy, từ sau ngày đất nước thống nhất, văn học, nghệ thuật đề tài này tiếp tục được khai thác mạnh mẽ. Các nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, biên kịch và đạo diễn điện ảnh, sân khấu bằng các tác phẩm đầy tâm huyết, mang đậm tính sử thi, với mục tiêu tái hiện những chiến công, ca ngợi tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân ta, mang đậm tính nhân văn khi phản ánh góc khuất của chiến tranh, những hậu quả còn dai dẳng thời hậu chiến…

Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo gồm Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị; Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Đại tá Phạm Văn Trường, Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Ảnh: Vũ Thành Duy
Văn học, nghệ thuật không chỉ phản ánh lịch sử mà còn là phương tiện giáo dục lòng yêu nước hiệu quả, giúp thế hệ sau hiểu rõ những mất mát, hi sinh để có được hòa bình hôm nay; đồng thời, văn học, nghệ thuật cũng góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhìn lại 50 năm qua, các đại biểu đã có những luận giải khẳng định đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng đã được khai thác và tạo nên một di sản văn học, nghệ thuật có giá trị lớn lao. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật không chỉ có ý nghĩa trong nước mà còn giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về cuộc chiến tranh cách mạng và hình ảnh con người Việt Nam. Do đó, các đại biểu cũng đã luận giải để khẳng định, làm rõ hơn đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng là một bộ phận không thể tách rời của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời đại mới.
Bên cạnh những thành tựu đã được khẳng định, đời sống văn học, nghệ thuật nói chung, đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng nói riêng sau năm 1975 theo một số đại biểu cũng vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Điều này cũng đã được các tham luận tập trung phân tích, làm rõ. Như việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đầu tư cho sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng thông qua cơ chế, chính sách như thế nào? Các giải thưởng dành riêng văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng đã tương xứng, để huy động, khích lệ được đông đảo các văn nghệ sĩ tích cực tham gia đóng góp tài trí, sáng tạo hay chưa? Như việc ttại sao số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng tuy nhiều, song còn ít tác phẩm xứng với tầm vóc chiến công, sự hi sinh to lớn của quân và dân ta trong các cuộc chiến tranh giải phóng bảo vệ Tổ quốc. Như việc tại sao văn nghệ sĩ chưa thực sự tâm huyết, gắn bó với mảng đề tài người lính “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới, đặc biệt là hình ảnh người chiến sĩ trong nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo, chống thiên tai, bão lũ, hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc…

Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Vũ Thành Duy
Cùng với đó, các đại biểu tham dự hội thảo cũng nêu vấn đề ảnh hưởng của các trào lưu, phương pháp sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật hiện đại của thế giới, điều này là vô cùng cần thiết, tuy nhiên, làm thế nào để tránh thái độ cực đoan trong áp dụng vào đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Đặc biệt là việc nhân danh chủ nghĩa nghệ thuật hậu hiện đại và “giải thiêng” nhân vật lịch sử, bóp méo, xuyên tạc hình tượng người lính; chỉ tập trung tô đậm mặt đen tối, tiêu cực, tệ nạn nảy sinh từ mặt trái kinh tế thị trường tác động vào ngưởi lính…
Hội thảo cũng đã đề xuất một số giải pháp, hướng đi cho văn học, nghệ thuật đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Trong thời gian tới, để văn học, nghệ thuật đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng tiếp tục là đề tài nhận được sự ủng hộ của văn nghệ sĩ, công chúng, các đại biểu cũng đề ra một số giải pháp cơ bản như: Đảng cần phải tăng cường sự lãnh đạo ra sao để chỉ đạo việc đầu tư của Nhà nước, Quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam bằng các cơ chế, chính sách và nguồn lực vật chất cho mảng đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng; làm thế nào để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cấp uỷ đảng, cán bộ chủ trì, nhất là cán bộ chính trị, cơ quan chính trị các cấp đối với hoạt động văn học, nghệ thuật…
Các đại biểu cũng cho rằng, nhân tố quan trọng nhất, quyết định nhất chính là tài năng, tâm huyết, trách nhiệm lớn lao của văn nghệ sĩ. Cần phải nhìn nhận một thực tế, văn học, nghệ thuật đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng đang đứng ở đâu giữa những làn sóng văn chương mới mẻ, trẻ trung đang được bạn đọc đương đại ưa chuộng. Các văn nghệ sĩ sẽ phải làm gì để khai phóng, mở những lối đi mới cho đề tài chưa bao giờ cũ này. Chiến tranh càng lùi xa, nhưng nguồn tư liệu về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng lại ngày một dày lên theo thời gian, vậy phải khai thác chúng ra sao, đổi mới cách tiếp cận, bút pháp, khơi những mạch nguồn mới mẻ trong dòng chảy chung nhất như thế nào?… Không ai khác, chính văn nghệ sĩ bằng tài năng, tâm huyết, trách nhiệm sẽ là người quyết định trong tương lai.
PV
VNQD