Dòng chảy
NHỮNG NGƯỜI THÂN CỦA THIẾU TƯỚNG, ANH HÙNG LLVTND ĐẶNG TRẦN ĐỨC

Phía sau một huyền thoại tình báo - 2

Thứ Năm, 01/05/2025 08:04

Tôi cùng bà Giang dạo bước trên con phố Đặng Trần Đức như tìm về lịch sử. Những bước chân bình thản lội ngược dòng kí ức cùng những câu chuyện về gia đình bà. Điều khiến tôi khâm phục đó là bà Giang không một chút vân vi, không một trách hờn, tiếc nuối, mọi biến động như dòng sông trôi mãi và cuộc sống luôn tiến về phía trước.

Kì 2: Những hữu hạn của vô cùng

Kì 1: Hai mươi năm trong "vùng mờ" lí lịch

Cuộc đời bà Giang đã chứng kiến và thấm thía sự nghiêm cẩn đến khắc kỉ của cha. Thanh Trì là quê hương cũng là nơi Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức là Chủ tịch lâm thời những ngày cướp chính quyền năm 1945, nước nhà tuyên bố độc lập. Những tưởng căn nhà gia đình bà Giang đang ở là đất hương hỏa tổ tiên hay chí ít cũng là đất được chính quyền địa phương cấp, nhưng không phải thế. Việc về định cư tại quê nhà với bà Giang hoàn toàn là một sự ngẫu nhiên.

Trước khi vào Nam hoạt động năm 1954, ông Đặng Trần Đức làm công an trong chính quyền Pháp tại Hà Nội. Ảnh chụp lại tại Nhà lưu niệm.

Người cha khắc kỉ khiêm nhường

Khi căn nhà tập thể ở Thành Công trở nên chật chội, sức khỏe bà Giang yếu không thể leo cầu thang được, gia đình tính chuyện “hạ sơn”. Đi tìm xem hàng chục căn nhà nhưng không căn nào ưng ý, căn rộng rãi, tiện lợi thì nhiều tiền, căn nhỏ thì méo mó xẹo xọ, nằm ở địa thế hóc hiểm, cuối cùng bạn của con gái bà giới thiệu một mảnh đất ở Thanh Trì. Bà Giang vẫn nhớ buổi được con gái và bạn dẫn đi xem đất. Năm ấy lũ lớn, nước ngập kín phải đi đường vòng nên bà không nhận ra đó chính là đường dẫn về quê gốc. Khi xem đất xong quyết định mua, trên đường về, đi ra phía đê sông Hồng bà mới nhận ra đó chính là quê của bố mình.

Khi bố bà thoát li, đất đai nhà cửa ruộng vườn cả mấy nghìn mét vuông được một người bà con trông nom hộ, nhưng ông đi lâu quá, người em lại có thói xấu cờ bạc nên bán dần bán mòn hết. Khi thấy bà Giang về quê, họ hàng nói người bà con này phải có trách nhiệm với con ông Đức nhưng khi đó họ còn không lo được cho bản thân mình nên việc đó là không tưởng. Thế nhưng việc bà chuyển về quê sinh sống lại làm cho ông Ba Quốc - Đặng Trần Đức không vui. Suốt mấy năm, mỗi khi bố ra Bắc bà mời về nhà chơi nhưng ông không ghé, mãi về sau bà mới biết, thì ra ông nghĩ bà cậy uy cha về xin đất địa phương nên dù làm được nhà ông cũng không đến. Khi được giải thích và chứng minh rằng đó là đất mình bán nhà cũ và thêm thắt để mua làm nhà ông mới về thăm nhà con gái. Đó là bài học ông dạy các con, không bao giờ được nhận những gì không phải của mình.

Đại gia đình Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức trong dịp ông đón tuổi 80. Ảnh: Chụp lại tại Nhà lưu niệm

Một ví dụ khác về sự khắc kỉ của vị tướng tình báo, đó là việc ông kiên quyết trả lại căn nhà cũ. Căn hộ cũ bà Phạm Thị Thanh, vợ ông vốn ở mãi tầng 4 khu tập thể Thành Công, trong một dịp kỉ niệm, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa thay mặt Đảng, Nhà nước đến thăm gia đình chính sách, thấy cụ Thanh sức khỏe yếu mà nhà lại mãi trên tầng cao mới chỉ đạo địa phương chuyển cụ xuống tầng trệt để dễ bề đi lại. Sau đó Bộ Quốc phòng đã cấp đất xây nhà cho gia đình cụ ở Lê Trọng Tấn, phía sân bay Bạch Mai. Khi anh Đặng Trần Thành nhận nhà mới và đón mẹ về ở, chú Vịnh (Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sau này) bảo căn hộ cũ để con trai quản lí nhưng ông Ba Quốc nhất định yêu cầu cấp dưới trả lại căn hộ ấy cho nhà nước vì đã có nhà mới. Một việc nữa là khi bà Giang về nghỉ mất sức, theo chế độ còn thiếu một năm mới được hưởng chế độ, nghĩ tiếc những năm tháng cống hiến bà hỏi bố xem liệu có cách nào xin thêm một năm để được hưởng chế độ hay không nhưng ông nhất quyết không làm. Biết tính cha nên từ đó, thay vì hờn trách bà thấu hiểu và tôn trọng lẽ sống của ông. Sự hiện diện của ông với hai chị em bà chủ yếu là ở tinh thần. Đôi ba lần, khi ông chỉ đạo mạng lưới tình báo hoạt động ở Campuchia, có người về nước ông gửi về chút mì chính, cân đường… Đó là những thứ dường như để bà Giang và em trai tin rằng mình còn có bố, thay cho sự hiện của ông bằng xương bằng thịt hơn là giá trị vật chất. Sau này, khi Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh viết cuốn sách “Người thầy”, đọc những câu chuyện trong đó bà Giang càng hiểu hơn về quá trình hoạt động và cách ứng xử của bố trong đơn vị, với anh em, bà chỉ thấy thương bố hơn.

Người đàn bà trước biển

Tại phường Thanh Trì hiện nay có môt căn nhà lưu niệm Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức. Đây là kết quả của Tổng cục Tình báo cùng những người đồng đội thế hệ sau của ông phối hợp với địa phương, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai. Đơn vị đã cùng với địa phương để lập nên địa chỉ ý nghĩa này. Căn nhà như một bảo tàng nhỏ, trưng bày những kỉ vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Ba Quốc - Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức.

Bà Giang nhớ lại những dịp vui nhất của gia đình đó là khi bố bà được về Hà Nội, hoặc đi họp và tranh thủ ghé thăm nhà. Bữa cơm sum họp ngoài gia đình còn có những người đồng đội, cấp dưới thân thiết của ông, trong đó có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Có những cuộc gặp vui vẻ, cũng có những cuộc cấp dưới tìm đến là hai người ngồi vào góc nhỏ to rì rầm cả buổi. Biết đặc thù nghề nghiệp của cha nên không ai tò mò.

Bà Đặng Chính Giang cùng cháu nội.  Ảnh: PV

Bà Đặng Chính Giang và ông Trần Sơn có 3 người con. Người con gái đầu mang tên Trần Thanh Vân, ông bà đặt theo địa danh tại Phú Thọ, nơi họ có thời gian gắn bó và đã gặp nhau. Người con gái thứ hai tên Trần Thu Hà, với ý nghĩa về mùa thu Hà Nội. Người con trai của ông bà hiện nối nghiệp ông, công tác trong Quân đội. Những năm cuối đời, khi con cái của bà Giang ổn định cuộc sống và công việc hơn, gia đình có mấy lần tổ chức đi nghỉ để bà ngoại khuây khoả. Bà Thanh chưa một lần ra biển. Hiểu sự thiệt thòi của vợ con ông Ba Quốc, một lần chú Vịnh đã bố trí để cả đại gia đình ông Ba đi Đồ Sơn trong một dịp ông ra Bắc.

Chân yếu, ngồi trên xe lăn không tắm biển được nhưng người vợ đầu của ông Ba lại vô cùng thích biển. Được các cháu đẩy xe ra, bà ngồi xem các cháu tắm biển, đôi mắt xa xăm nhìn về nơi chẳng có bến bờ, bà cứ ngồi mãi như thế tưởng như quên thời gian. Lần nào ra biển bà cũng ngồi như vậy. Dáng ngồi của bà trước biển đã in vào trí nhớ của con cháu khi bà đã đi xa.

Bà Phạm Thị Thanh cùng ông Đặng Trần Đức trong lần cả nhà đi biển Đồ Sơn. Ảnh: Gia đình cung cấp

Dù đã cho đất nước “mượn chồng”, hoạt động của ông Ba Quốc trong lòng địch đã mang lại những tin tức tình báo quý giá cho ta; dù những cống hiến của ông đã góp một phần vào chiến thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà; dù chồng bà sống ở Sài Gòn nhưng trớ trêu thay, trong niềm vui thống nhất cho đến mãi những năm cuối đời, bà Phạm Thị Thanh chưa một lần vào Nam, chưa một lần được thấy Sài Gòn hoa lệ, mảnh đất chồng bà đã gắn bó suốt hai mươi năm để đi đến những năm cuối của cuộc chiến tranh. Giải thích điều này, bà Đặng Chính Giang bảo, ngày mới giải phóng, đất nước còn khó khăn, sức khỏe không cho phép mẹ bà ngồi tàu xe dài ngày để vào Nam, còn một tấm vé máy bay ngày ấy là chuyện xa xỉ. Khi mọi thứ trở nên dễ dàng hơn thì mẹ bà đã đi xa.

Hình ảnh người đàn bà trước biển trong lời kể của bà Giang khiến tôi ám ảnh mãi. Biển ngoài kia mãi mênh mông khôn cùng, cái sự vô cùng ấy trong cái hữu hạn của đời người, trong những hi sinh thầm lặng như hạt muối trước sông dài bể rộng. Tuy vậy thì những cống hiến, hi sinh ấy, dù khó đo đếm nhưng hoàn toàn có thể cảm nhận được. Nếu nói đó là tượng đài sống về đức hi sinh của người phụ nữ cũng chẳng quá lời.

Bà Đặng Chính Gian bên những kỉ vật của cha.  Ảnh: PV

Tôi cùng bà Giang dạo bước trên con phố Đặng Trần Đức như tìm về lịch sử. Những bước chân bình thản lội ngược dòng kí ức cùng những câu chuyện về gia đình bà. Điều khiến tôi khâm phục đó là bà Giang không một chút vân vi, không một trách hờn, tiếc nuối, mọi biến động như dòng sông trôi mãi và cuộc sống luôn tiến về phía trước.

Như hàng nghìn con phố khác khắp dải đất hình chữ S những ngày này, phố Đặng Trần Đức cờ hoa rộn rã, mặt người hân hoan trước dịp thống nhất non sông. Những trang sử giải phóng dân tộc, những ca từ của bài ca thống nhất nước nhà đã được dệt nên từ những câu chuyện đơn lẻ như câu chuyện về gia đình bà Giang.

Bà Đặng Chính Giang bên con phố mang tên cha tại quê nhà, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: PV

Chiến thắng nào chẳng phải trải qua những mất mát, hi sinh. Dân tộc Việt Nam đứng lên giành độc lập, “rũ bùn đứng dậy sáng loà” bởi chí khí quật cường và truyền thống đánh giặc giữ nước, sức mạnh ấy được hun đúc từ những cá nhân nhỏ bé. Bà Giang và người thân, các con cháu luôn hiểu những hi sinh thầm lặng của gia đình đã góp phần vào sứ mệnh lớn lao, giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.

Bây giờ, dù tuổi cao nhưng sức khoẻ của bà Giang lại tốt hơn trước. Từ khi chuyển về quê cha sống, nhờ không khí trong lành cùng việc luyện tập thái cược quyền thường xuyên mà thể lực của bà đã cải thiện, có đợt bà còn cùng đội thái cược quyền của quận được Thành phố Hà Nội cử vào giao lưu tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay bà Giang cũng là người hương khói, trông nom nhà lưu niệm Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức, một công trình nhiều ý nghĩa không chỉ với gia đình, địa phương mà còn là một địa chỉ nhắc nhớ về những hi sinh thầm lặng phía sau một huyền thoại của ngành tình báo quân sự Việt Nam.

Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức sinh ngày 19 tháng 10 năm 1922 tại Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội. Tháng 3 năm 1945, ông tham gia Việt Minh tại khu Hàng Trống, Hà Nội, sau đó ông được tuyển vào Công an xung phong. Tháng 5 năm 1945, ông là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng xã Thanh Trì (Hà Nội). 

Năm 1954, hiệp định Genève được kí kết, ông được lệnh theo quân Pháp vào Nam tiếp tục hoạt động. Để thuận tiện cho việc thực hiện nhiệm vụ và xóa lí lịch Việt Minh, Đặng Trần Đức được sắp xếp cưới bà Ngô Thị Xuân - có bố làm công chức cho Pháp. Tại miền Nam, bằng năng lực và sự khôn khéo của mình, ông Đặng Trần Đức đã được tin tưởng vào làm việc tại Sở Đặc uỷ, Trung ương tình báo của chính quyền Việt Nam Cộng hoà. 

Khi miền Nam giải phóng thống nhất đất nước, ông tiếp tục công tác trong ngành Tình báo quốc phòng. Tháng 11 năm 1978, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đặng Trần Đức đóng góp rất to lớn vào thành công của lực lượng tình báo trong giai đoạn chiến tranh biên giới Tây nam. 

Ông nghỉ hưu năm 2002 và mất ngày 26 tháng 3 năm 2004 tại TP. Hồ Chí Minh. Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức nguyên là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Cục trưởng Cục 12, Tổng cục II, Bộ Quốc phòng, phụ trách lực lượng tình báo phía Nam và Campuchia. Trước khi nghỉ hưu, ông là cố vấn cho Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo và tham gia Ban chỉ đạo Điệp báo Tổng cục.

 

NGUYỄN XUÂN THUỶ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)