Chúng tôi đến Nam Du vào một ngày biển lặng, bầu trời trong xanh trải dài đến tận chân trời. Gió biển nhè nhẹ thổi qua những rặng dừa xanh mướt, sóng vỗ nhịp nhàng vào bờ đá. Nhìn bức tranh yên bình ấy, thật khó tin rằng gần ba thập kỉ trước, nơi đây từng oằn mình trước một trận cuồng phong dữ dội. Nam Du không chỉ là một quần đảo đẹp bậc nhất vùng biển Tây Nam, mà còn là nơi khắc ghi nỗi đau của những người con biển cả, những kí ức không thể nguôi quên về cơn bão số 5 năm 1997, một cơn bão đã để lại vết thương sâu trong lòng biển và lòng người nơi đây.

Đoàn công tác do Đại tá Lục Đức Tiên, Phó Tư lệnh Vùng 5 Hải quân dẫn đầu đến dâng hương tại biê tưởng niệm các nạn nhân trong cơn bão số 5 năm 1997.
Hòn đảo Nam Du hồi sinh từ đau thương
Cùng với Phú Quốc, Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đốc, Nam Du là một trong những đảo tiền tiêu quan trọng của vùng biển Tây Nam Tổ quốc. Đảo cách đất liền hơn 80km, là nơi hàng nghìn ngư dân sinh sống, bám biển và phát triển kinh tế. Biển nuôi lớn họ, cho họ cuộc sống, nhưng cũng có lúc trở mặt, cuốn đi tất cả.
Năm 1997, bão số 5 quét qua, biến Nam Du thành vùng đất đau thương. Gió giật trên cấp 12, sóng cao như những bức tường nước khổng lồ nhấn chìm hàng trăm con tàu, cuốn trôi mấy trăm ngư dân vào lòng biển cả. Trong một đêm giông tố, bao gia đình mất đi người thân, những con thuyền vững chãi ngày nào chỉ còn lại những mảnh gỗ trôi dạt trên biển. Những người mẹ, người vợ đứng bên bờ biển, mắt đỏ hoe nhìn về phía chân trời, nơi chồng con họ đã đi mà không bao giờ trở lại.
Hơn 20 năm trôi qua, Nam Du đã thay đổi. Đảo không còn là vùng đất hoang sơ mà đã vươn lên mạnh mẽ. Những con tàu mới lại dong buồm ra khơi, những khu nuôi trồng thủy sản phát triển, du lịch bắt đầu nhộn nhịp. Nhưng với những ngư dân lớn tuổi, biển vẫn không còn như xưa. Nỗi đau ấy, dù thời gian có trôi qua bao lâu, vẫn không thể xóa nhòa.

Góc bình yên trên đảo Nam Du.
Lá chắn vững vàng bảo vệ bình yên
Trong hành trình về với đảo trong đoàn công tác do Đại tá Lục Đức Tiên, Phó Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, dẫn tôi đã đến dâng hương tại bia tưởng niệm các nạn nhân cơn bão năm ấy. Trước tấm bia khắc tên những ngư dân mãi mãi nằm lại với biển, chúng tôi lặng lẽ thắp lên những nén hương. Khói hương bay lên, quẩn quanh trong không gian mênh mông, như những linh hồn chưa yên giấc đang trở về.
Bảo vệ chủ quyền biển đảo và đảm bảo sự an toàn cho ngư dân trên ngư trường là nhiệm vụ không thể tách rời của cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 600, Trung đoàn 551, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân. Thiếu tá Hoàng Văn Thuận, Chính trị viên Trạm Ra đa 600, khẳng định: "Biển Tây Nam không chỉ là tuyến phòng thủ quan trọng mà còn là không gian sinh tồn của hàng nghìn ngư dân bám biển. Mỗi ngày, chúng tôi quan sát, theo dõi từng hoạt động trên vùng biển, phát hiện và xử lí kịp thời các tình huống bất thường để bảo vệ an toàn cho bà con. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, tình quân dân luôn gắn kết. Những chuyến cứu hộ trong bão, những đêm thức trắng trên chốt trực hay những lần hỗ trợ ngư dân khi tàu gặp sự cố... tất cả đều là trách nhiệm và cũng là tình cảm mà chúng tôi dành cho bà con".
Trung tá Đặng Hữu Phụng, nhân viên trạm nguồn điện, người đã có gần 30 năm công tác trên các đảo Tây Nam, trong đó 10 năm ở đảo Thổ Chu, 3 năm ở Phú Quốc, 10 năm ở Hòn Khoai trước khi chuyển về Nam Du, chia sẻ: "Tôi đã chứng kiến Nam Du đổi thay từng ngày. Từ những ngày đảo còn hoang sơ, điện chỉ có vài tiếng mỗi ngày, đến nay hệ thống điện, nước, hạ tầng đã được cải thiện đáng kể. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là giữ vững chủ quyền. Mỗi cán bộ, chiến sĩ ở đây đều hiểu rằng, chỉ cần một phút lơ là, chủ quyền có thể bị xâm phạm. Chúng tôi không chỉ là người lính, mà còn là người con của biển, sẵn sàng bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng này bằng tất cả trách nhiệm và trái tim".
Trung sĩ Mai Chí Nguyên, chiến sĩ trẻ mới ra đảo công tác năm 2024, chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên tôi được trực tiếp tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo Tây Nam. Khi còn ở đất liền, tôi chỉ biết về chủ quyền biển đảo qua sách báo, truyền hình, nhưng khi ra đảo, tôi mới thực sự cảm nhận được sự thiêng liêng của nhiệm vụ này. Mỗi ngày, khi thực hiện nhiệm vụ quan sát trên trạm, tôi nhận ra rằng từng con tàu ngư dân, từng cánh chim hải âu bay qua đều mang theo một câu chuyện về biển, về sự sống và những con người kiên cường. Tôi hiểu rằng, trách nhiệm của mình không chỉ là canh giữ biển trời, mà còn là bảo vệ bình yên cho những người đang bám biển mưu sinh".

Nam Du hồi sinh với các chuyến tàu kết nối giữa đất liền và đảo mang lại tiềm năng du lịch phát triển hòn đảo trù phú.
Hướng đến tương lai
Từ một vùng đảo xa xôi, Nam Du giờ đây đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch biển đảo Việt Nam. Với cảnh sắc hoang sơ, những bãi biển trong xanh như Bãi Chướng, Bãi Ngự, Hòn Mấu..., nơi đây đang thu hút ngày càng nhiều du khách. Hệ thống giao thông, điện lưới, dịch vụ lưu trú đã được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng hơn cả, Nam Du vẫn giữ được nhịp sống bình dị của làng chài ven biển. Những con tàu rẽ sóng ra khơi, những người ngư dân cần mẫn với nghề câu mực, đánh cá, những tiếng cười giòn tan trong những buổi họp chợ sớm. Biển đã lấy đi của họ nhiều thứ, nhưng cũng cho họ niềm tin, sự kiên cường và hi vọng.
Tạm biệt Nam Du, tôi mang theo trong lòng những kí ức vừa đau thương vừa hi vọng. Biển không chỉ có sóng, biển còn có nỗi đau. Nhưng hơn hết, vẫn có những con người kiên gan bám biển, có những người lính Hải quân canh giữ từng tấc nước, từng con tàu ra khơi. Và trên vùng biển Tây Nam này, Nam Du vẫn đang từng ngày hồi sinh, từng ngày vươn mình ra biển lớn, với một niềm tin vững vàng vào tương lai…
VŨ THÀNH DUY
VNQD