Dòng chảy
Triển lãm kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những dấu tích đơn sơ của trận đánh hào hùng

Thứ Tư, 24/04/2024 07:21

Nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn Thư và Lưu trữ Nhà nước, tổ chức triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”.

Triển lãm mở cửa miễn phí đón khách tham quan từ ngày 23/4 và kéo dài đến hết tháng 5/2024 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, Hà Nội.

Hai nhân chứng lịch sử từng tham gia trực tiếp chiến dịch: Đại tá Nguyễn Hữu Tài (phải) và Đại tá Nguyễn Văn Thụ (trái)

Đến tham dự triển lãm, ngoài các đại biểu, quan khách còn có những người lính từng trực tiếp chiến đấu tại mặt trận cùng đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tá Nguyễn Văn Thụ, nguyên Trung đội trưởng Bộ binh đánh trên Đồi A1, Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308, chia sẻ sau 70 năm, ông mới quay lại Điện Biên một lần duy nhất vào dịp kỉ niệm 50 năm. Ông cũng xúc động khi nhắc lại cảm xúc ngày chiến thắng: Trung đội tôi lên khai quân, có 16 người, đến phút gần chót trung đội tôi còn 5 người chưa bị thương, đến đợt phản kích gần cuối thì đồng chí phụ trách thông tin hi sinh, trung đội tôi mất liên lạc với pháo binh và bên trung đoàn. Rất may mắn tôi động viên anh em đạn dược gần hết thì phải giáp lá cà và sẵn sàng hi sinh. Hơn một tiếng sau thì đồng chí trung đội trưởng mang quân và đạn dược lên tiếp tế để tiếp tục chiến đấu. Lúc chiến thắng chúng tôi vô cùng phấn khởi, ai còn ít đạn nào thì bắn lên trời vì chúng tôi biết lúc đó chiến tranh kết thúc rồi.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 209 Sông Lô Anh hùng, đại đoàn 312, đơn vị đã mở đầu và kết thúc chiến dịch bồi hồi khi nhìn lại những vũ khí, dụng cụ thô sơ của trận đánh ngày nào: “Lúc kéo vào mất 9 ngày, kéo ra mất 10 ngày bởi địch bắn phá, ném bom, đơn vị tôi kéo pháo ra hi sinh và thương vong hơn 100 người, coi như một trận đánh, để thấy kéo pháo ra nguy hiểm, khó khăn như nào. Nhưng chúng tôi có “bửu bối” tung ra cho bộ đội; một là quyết tâm tiêu diệt sinh lực địch, hai là tuyệt đối tin tưởng cấp trên, ba là triệt để chấp hành mệnh lệnh. Ba cái đó khiến anh em vui vẻ kéo pháo ra. Và chúng tôi lúc bấy giờ chỉ tin vào ba điều đó để tham gia chiến đấu”.

Ông Võ Hồng Nam, con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ: Tôi đã từng quay lại Điện Biên hơn một trăm lần để tìm hiểu, nghiên cứu về trận đánh theo lời dặn của ba tôi. Nên cảm giác đầu tiên khi bước vào triển lãm này, tôi thấy rất thân quen vì đó là những hiện vật, hình ảnh nêu bật được sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những quyết định chính xác của Tổng Tư lệnh. Những hiện vật vô cùng đơn sơ như xe đạp thồ, dây thừng, áo trấn thủ, miếng gỗ chèn pháo... thấm đẫm mồ hôi, xương máu của những ngày tháng khó khăn, vất vả. Đại tướng luôn luôn ghi nhớ lời dặn của Bác Hồ “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”, bởi đấy là trách nhiệm trước toàn quân và cả dân tộc để giành được chiến thắng, xứng đáng với xương máu của bộ đội, đồng bào. Để cho ta thấy sự chỉ đạo sáng suốt, kế hoạch tác chiến tài tình, những con người sẵn sàng hi sinh gắn liền với một dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Đại diện gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp (con dâu và con trai, đứng bên phải) chụp ảnh lưu niệm tại triển lãm

Triển lãm giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu; bao gồm các nội dung:

Phần mở đầu: Thể hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh; khí thế hào hùng của toàn dân tộc trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ; hoạt động tri ân của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đối với cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã hi sinh xương máu, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

Phần 1 - Đường tới Điện Biên: Trưng bày phản ánh những thắng lợi quân sự sau 8 năm tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; chủ trương của Đảng trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954; vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ; âm mưu, kế hoạch và bố trí binh lực của thực dân Pháp ở “pháo đài bất khả xâm phạm” Điện Biên Phủ.

Phần 2 - Quyết chiến, quyết thắng: Trưng bày thể hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; sự chuẩn bị mọi mặt, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong chiến dịch; quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Tổng Chỉ huy, Bí thư Đảng ủy chiến dịch; quá trình chiến đấu quả cảm, ngoan cường, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta trên các mặt trận làm nên chiến thắng vẻ vang “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Phần 3 - Sáng mãi Điện Biên: Giới thiệu Điện Biên ngày nay vươn mình, phát triển mạnh mẽ; nơi có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng - an ninh, điểm đến hấp dẫn về văn hóa và du lịch. Hệ thống các di tích lịch sử gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ được gìn giữ, bảo tồn và phát huy, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Triển lãm có nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật lần đầu giới thiệu tới công chúng. Tiêu biểu là: Bản kết luận của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Hội nghị cán bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7/2/1954; Súng trung liên do tổ chiến đấu của anh hùng Bế Văn Đàn sử dụng trong trận đánh tại Mường Pồn (Lai Châu), tháng 12/1953; Bản đồ Điện Biên Phủ thu được của quân Pháp, Đại tá Đào Văn Trường - Quyền Tư lệnh Đại đoàn Công pháo 351 đã sử dụng chỉ huy pháo binh trong chiến dịch; Sơ đồ tác chiến do Cục tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu vẽ, phục vụ cho Sở Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ; Mũ nan của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Can sử dụng trong trận đánh đồi Him Lam; Công lệnh số 100/AD/GONO ngày 24/1/1954 của Pháo binh Đội tác chiến Tây Bắc thuộc quân Pháp về việc máy bay “Dakota” xác định các mục tiêu; Gậy ba-toong của tướng Đờ Cát sử dụng ở hầm chỉ huy; Thư của tướng Nava viết ngày 11/5/1954 đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho phép sơ tán tù binh là thương binh ở Điện Biên Phủ bằng máy bay.

Triển lãm là sự tri ân, tôn vinh những chiến công, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ra sức học tập công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thông tin về triển lãm sẽ được cập nhật thường xuyên trên Trang tin điện tử Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân không có điều kiện tham quan có thể tìm hiểu.

Một số hình ảnh trưng bày tại triển lãm:

Sơ đồ Điện Biên Phủ, Bộ Tham mưu, Bộ Chỉ huy chiến dịch in và phát cho các đơn vị tham gia chiến đấu
Những tài liệu ghi lại chiến thắng Điện Biên Phủ
Công lệnh của Pháo binh Đội tác chiến Tây Bắc về việc máy bay Dakote "Luciole" xác định các mục tiêu
Đoạn gỗ và dây thừng dùng để chèn pháo và kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ

THU OANH

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)