Dòng chảy

Cuốn sách về nạn ngược đãi thanh thiếu niên giành giải Miles Franklin

Thứ Hai, 25/07/2022 07:58

Ban giám khảo đã ca ngợi tác phẩm này có “sự chính xác về mặt đạo đức”, rằng đây là một tác phẩm giải phóng được nỗi kinh hoàng của sự thất bại trong thể chế hiện đại ngày nay. Theo đó, Bodies of Light là cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn đến từ Melbourne, Jennifer Down.

Jennifer Down đã bỏ lỡ cuộc gọi thông báo với cô rằng mình đã giành được giải Miles Franklin 2022. Lúc đó cô đang ở trong một phòng khách sạn với một cuộc gọi Zoom ở nơi công sở, và cô đã gọi lại ngay sau đó mà không biết mình đang chờ một cơn sốc. Cô nói với The Guardian Australia: “Tôi không nói nên lời. Tôi đã rất sốc."

Bodies of Light là cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn đến từ Melbourne này. Tiểu thuyết đầu tay và tuyển tập truyện ngắn trong những năm qua đã cho thấy lí do vì sao mà ​​cô được mệnh danh là tiểu thuyết gia trẻ tuổi người Úc nổi bật nhất của thời báo Sydney Morning Herald trong hai năm 2017 và 2018. Tác giả 31 tuổi đến nay vẫn đang "chịu đựng tác động khôn lường" của giải thưởng trị giá 60.000 USD - một trong những giải thưởng văn học “giàu có” nhất nước Úc - đối với đời viết của cô. Không chỉ tiền thưởng, chắc hẳn nó còn đi sâu hơn cả vào doanh số bán sách và cũng như đem đến số lượng độc giả đa dạng hơn ở nước ngoài tiếp cận với các tác phẩm này.

Tác phẩm vừa mới chiến thắng được đánh giá là một tác phẩm vô cùng mạnh mẽ, được nhiều người lựa chọn là một trong những cuốn sách hay nhất của năm ngoái. Riêng giới phê bình đánh giá đây là tác phẩm đã tạo nên dấu ấn của riêng cô.

Cây viết trẻ Jennifer Down và tác phẩm Bodies of Light chiến thắng giải Miles Franklin.

Bodies of light kể về cuộc đời đầy đau khổ của nhân vật Maggie, người được đưa vào khu chăm sóc thanh thiếu niên ở tuổi lên 5 và phải chịu một chuỗi hành hạ gần như tuyệt vọng. Không thể chịu đựng nổi, Maggie đã tự chuyển đổi bản thân nhiều lần trong các siêu hình tâm trí cũng như tưởng tượng. Nhà phê bình Declan Fry đã viết trong bài đánh giá cho tờ Guardian rằng: “Đây là cuốn sách gợi được sự đồng cảm đáng kể” với “vô số chi tiết khuyết thiếu”. Ở đây, Down đã mang lại cho Maggie cả phẩm giá lẫn khả năng phục hồi. Điều này, Fry lưu ý, “gợi ra một kiểu thiếu sót tình cảm mà các tiểu thuyết như A Little Life của Hanya Yanagihara hay Shuggie Bain của Douglas Stuart đã từng làm được.”

Cả hai cuốn sách đó cũng đề cập đến những dằn vặt và sự “nở rộ” của chấn thương; và chúng đều nổi tiếng là khó mà chịu đựng nổi. Tất cả - kể cả Bodies of Light, bất chấp nhận xét của Down rằng “cuốn tiểu thuyết hoàn hảo không nên dài hơn 200 trang” - đều dài hơi. Down đôi khi cũng viết ra được những điều nhẹ nhàng hơn. “Tôi không thoải mái với việc lợi dụng sự đau khổ của người khác để tạo nên quan điểm cá nhân về thẩm mĩ cho riêng mình. Nhưng tôi cũng chấp nhận rằng đó là một đường hướng tốt để viết." Đối với cô, mục tiêu là “viết như một kiểu chứng kiến, không phải viết để khai thác chiều sâu nỗi kinh hoàng của người khác.”

Theo đó, trong đời thực thì cha mẹ của Down đều là nhân viên phúc lợi; do đó chủ đề xuất hiện trong cuốn sách này là những “cuộc trò chuyện trên bàn ăn theo nghĩa đúng nhất”. Thảo luận về những vấn đề đó dường như vẫn còn vô hình - nhưng có tồn tại - ở những nơi khác trong xã hội khiến cô cảm thấy thất vọng. “Tôi nhớ vụ Four Corners vạch trần bê bối ở trung tâm giam giữ Don Dale(1). Điều tồi tệ nhất là gần như mọi người đã ngạc nhiên như thế nào khi sự thật bị phanh phui, nhưng ngay sau đó chúng ta nói chung là quên phắt nó đi. Nhưng thật sự là nó vẫn đang diễn ra”.

Nói về tác phẩm này, Down chia sẻ: “Nếu tôi được phép có một tham vọng nào cao hơn, thì mọi người sẽ nhận ra rằng đó là một đại diện có phần tương đối trung thực cho một số sự việc vẫn còn đang diễn ra hiện nay. Mặc dù những vấn đề trong cuốn sách này được đặt vào trong bối cảnh những năm 70 và 80, thế nhưng rất nhiều vấn đề của hệ thống phúc lợi, tội phạm lạm dụng… không phụ thuộc vào yếu tố thời gian. Những hiện trạng này vẫn đang tiếp diễn. Và chúng ta nói nhiều về nó bao nhiêu thì sẽ càng tốt bấy nhiêu. Chúng ta phải không ngừng đánh động nó. Nếu không thì quá dễ dàng để nhìn đi chỗ khác”.

Nói về danh sách đề cử năm nay, Jennifer Down cho rằng việc bao gồm cả các tác giả tự xuất bản lần đầu tiên trong lịch sử của giải Miles Franklin, đã “nói lên bề rộng và chiều sâu của nghệ thuật kể chuyện đang nổi lên ở Úc vào thời điểm này… Thật tuyệt vời khi được góp mặt vào nhóm những cây viết đa dạng đó.”

Miles Franklin là giải thưởng văn chương danh giá nhất của nước Úc. Nó tìm kiếm tác phẩm “có giá trị văn học cao và trình bày được cuộc sống của nước Úc trong bất kì giai đoạn nào”. Trước khi công bố chính thức, sự vụ John Hughes đạo văn trong cuốn The Dogs được đề cử đã làm chấn động văn đàn. Những tác phẩm chiến thắng giải này đã được xuất bản tại Việt Nam như: Trọn vẹn con người tôi (Anna Funder), Lằn ranh sinh tử (Tim Winton)…

THUẬN NGÔ dịch từ The Guardian

--------

1. Vào năm 2014, trong một phóng sự, Đài ABC đã hé lộ tình trạng ngược đãi tù nhân ở trại giam thanh thiếu niên Don Dale tại Darwin, nước Úc.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)