Dòng chảy
LỄ TRAO GIẢI BÁO CHÍ QUỐC GIA LẦN THỨ XVIII

“Bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung”

Thứ Bảy, 22/06/2024 07:43

Ngày 21/6, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Tô Lâm dự và phát biểu tại Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII, nhân Kỉ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với những chiến sĩ trên mặt trận báo chí, Chủ tịch nước căn dặn những người làm báo trong đội hình Báo chí cách mạng Việt Nam phải kiên định lí tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ nguyên tắc, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai, bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung.

Đến dự có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, thành phố Hà Nội; các tác giả, đại diện nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải,...

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Lễ trao giải Báo chí quốc gia. Ảnh: PLO

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Tô Lâm nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, kết quả của báo chí và đội ngũ những người làm báo đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước trong suốt 99 năm qua; đồng thời chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả được trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh về việc cấp thiết hiện nay là “tập trung xây dựng đội ngũ những người làm báo thực sự là những người lính trên mặt trận văn hóa tư tưởng, có “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, “vừa hồng, vừa chuyên”, phải luôn thường trực lời Bác dạy “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết; khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, cũng chớ nói, chớ viết càn”, “tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”; kiên định lí tưởng, giá trị cao đẹp của nghề báo, tuân thủ nguyên tắc, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai, bảo vệ cái đúng, cái tốt, luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung”.

Bên cạnh đó, đồng chí cũng yêu cầu phát huy cao độ vai trò của báo chí - công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, thực sự là vũ khí sắc bén, công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, có nhiều hơn nữa các tác phẩm báo chí có tính lý luận và chính luận cao. Cũng không thể quên phải tăng cường giá trị văn hoá trong các tác phẩm báo chí. Để mỗi tác phẩm báo chí phải là một sản phẩm văn hoá tinh thần có giá trị và giá trị sử dụng cao, chuẩn mực về nội dung, tươi mới và hấp dẫn về hình thức, hiện đại trong phương pháp thể hiện và phương thức phát hành. Trong bối cảnh phát triển công nghệ thông tin, báo chí và người làm báo cũng cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; thông tin báo chí cách mạng phải thực sự trở thành dòng thông tin chủ lưu trong không gian số.

Đặc biệt, báo chí cần quan tâm nghiên cứu công chúng và các hình thức sản phẩm có sức hấp dẫn, khả năng tương tác cao, lan tỏa sâu rộng trong công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ tin tưởng, tiếp nối truyền thống 99 năm ra đời và phát triển, với kinh nghiệm, bản lĩnh, ý chí, đội ngũ những người làm báo - lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng, sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân đã tin cậy giao phó.

Chủ tịch nước Tô Lâm cùng các tác giả, nhóm tác giả đoạt Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII của Báo Quân đội nhân dân. Ảnh: QĐND

Chủ tịch nước Tô Lâm cũng dẫn lại câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nghề báo là nghề cao quý, nhưng vô cùng gian khổ, khó khăn” và nhấn mạnh: “Để trở thành những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá, là “thư ký của thời đại", trở thành “người gác cổng của nhân dân", người làm báo cách mạng phải đáp ứng được những đòi hỏi cao về trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và sự dấn thân, cần không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập về lý luận, nghiệp vụ báo chí và công nghệ báo chí truyền thông hiện đại”.

Phát biểu khai mạc Lễ trao giải, đồng chí Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII cho biết, năm 2023, trong bối cảnh khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực và đất nước, báo chí vẫn luôn là lực lượng xung kích tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, luôn gắn bó và đồng hành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Đồng chí Lê Quốc Minh, cũng cho biết, năm nay, số lượng tác phẩm dự giải đạt ở mức cao nhất trong những năm gần đây với 1.905 tác phẩm, cho thấy sức hút mạnh mẽ của giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên và các cấp Hội Nhà báo trong cả nước.

Hội đồng Chung khảo đã chấm 165 tác phẩm tiêu biểu được chọn từ vòng sơ khảo và quyết định trao 10 giải A, 26 giải B, 45 giải C, 41 giải khuyến khích, theo 11 loại giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất, có tính phát hiện đề tài, nội dung tư tưởng tốt, mang tính chiến đấu cao, có sáng tạo trong cách thức thể hiện. Đặc biệt, có nhiều tác phẩm ứng dụng công nghệ làm báo đa phương tiện, thu hút và tạo ra trải nghiệm mới, hấp dẫn công chúng báo chí quan tâm và cùng tương tác.

P.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)