Dòng chảy

Triển lãm mỹ thuật tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam giới thiệu 200 tác phẩm tới công chúng

Thứ Sáu, 15/11/2024 14:05

Triển lãm mỹ thuật toàn quốc đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng (2019 - 2024) vừa khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Km6+500 Đại lộ Thăng Long, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Triển lãm hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024); 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức.

Các đại biểu nghe thuyết minh về tác phẩm Bình minh trên Nhà giàn DDK1 của tác giả Tuấn Long

Ban tổ chức đã lựa chọn 200 tác phẩm của 193 tác giả để trưng bày tại Triển lãm. Các tác phẩm đa dạng về hình thức, từ điêu khắc, đồ họa đến hội họa tạo nên bức tranh đa sắc màu giúp công chúng hiểu rõ hơn về hình ảnh người chiến sỹ trong chiến đấu, sinh hoạt, học tập và công tác qua các thời kỳ lịch sử, đồng thời phản ánh tình đoàn kết gắn bó quân dân, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” được thể hiện sinh động dưới góc nhìn của người nghệ sĩ tạo hình.

Thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, trong những năm qua, Bảo tàng LSQS Việt Nam - Cơ quan thường trực vận động sáng tác mỹ thuật về đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng đã tích cực đổi mới, tổ chức nhiều hoạt động sáng tác, tạo lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của đông đảo các tác giả trong và ngoài Quân đội. Kết quả, Cuộc vận động đã thu được 644 tác phẩm của 407 tác giả trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước gửi tác phẩm về tham dự (tăng 150 tác phẩm so với giai đoạn 2014-2019).

Về hội họa, triển lãm giới thiệu 150 tác phẩm đa dạng về chất liệu, phong phú về hình thức và nội dung. Các tác phẩm tập trung phản ánh cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, ý chí quyết tâm giành độc lập và tình đoàn kết quân dân gắn bó. Tiêu biểu là: Tranh sơn dầu Đất và nước của họa sĩ Ngân Chài; tranh lụa Bác Hồ với Hải quân của họa sĩ Đặng Đình Nguyễn; tranh sơn dầu Đường vào chiến dịch của họa sĩ Đỗ Kích. Đi sâu phản ánh hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong giai đoạn cách mạng mới, có các tác phẩm tiêu biểu như: Siêu Thanh của họa sĩ Nguyễn Tuấn Long; Cứu dân vùng lũ của Trịnh Hoàng Tâm; Bình Minh nhà giàn ĐK1 của họa sĩ Trần Tuấn Long.

Về điêu khắc, triển lãm giới thiệu 30 bức tượng với các chất liệu đa dạng như: Tác phẩm Ký ức đường Trường Sơn của hoạ sĩ Hoàng Văn Tùng đã tái hiện tuyến vận tải quân sự chiến lược chi viện sức người, sức của cho các chiến trường miền Nam; Tác phẩm Trọng điểm của Đại tá, AHLLVT nhân dân Lê Duy Ứng đã tái hiện hình thành nữ Thanh niên xung phong tại bến phà Long Đại (Quảng Bình) trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước; Tác phẩm Người mẹ quê hương Đồng khởi của nhà điêu khắc Châu Trâm Anh với chất liệu đá trắng tổng hợp đồng lá.

Về đồ họa, triển lãm giới thiệu 20 tác phẩm tiêu biểu như: Huyền thoại ngã ba Đồng Lộc của tác giả Trịnh Bá Quát; Trên thao trường của tác giả Nguyễn Ngần.

Họa sĩ Lê Duy Ứng (đeo kính đen) giới thiệu tác phẩm 

Ban tổ chức cho biết, các tác phẩm đều tập trung phản ánh về truyền thống đánh giặc giữ nước; qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ của dân tộc Việt Nam; ca ngợi tinh thần yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; nêu bật hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hình ảnh người chiến sĩ hôm nay trong xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”; “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Theo Đại tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Triển lãm nhằm biểu dương hoạt động sáng tác của các hoạ sĩ, nhà điêu khắc trong và ngoài Quân đội, động viên các tác giả không ngừng say mê sáng tạo các tác phẩm mỹ thuật về đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng có giá trị, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.

Hoạ sĩ Bùi Thị Ngoan bên tác phẩm khắc gỗ "Hẹn ước", tác phẩm đã được chọn dựng bìa Tạp chí Văn nghệ Quân đội. 

Các tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm sẽ tiếp tục được Hội đồng xét giải thưởng mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng 5 năm (2021-2025) của Bộ Quốc phòng chấm, chọn, đề xuất xét giải thưởng văn học, nghệ thuật, báo chí về đề tài Lực lượng vũ trang – Chiến tranh cách mạng 5 năm (2014-2019) của Bộ Quốc phòng; tổ chức sưu tầm một số tác phẩm tiêu biểu; trưng bày, giới thiệu tới công chúng cả nước.

Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 15/11/2024. Thông tin về triển lãm sẽ được cập nhật thường xuyên trên Trang tin điện tử Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Một số hình ảnh tại triển lãm:

PV

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)