Triển lãm Chân dung Quốc Thái là triển lãm cá nhân lần thứ 6 của cố hoạ sĩ Quốc Thái. Đây là dịp đặc biệt để người yêu mĩ thuật nhìn lại hành trình nghệ thuật gần như trọn vẹn của ông, thông qua 150 bức tranh phong phú về đề tài và chất liệu. Từ kháng chiến đến hoà bình, bút pháp của ông luôn dịu dàng, trong sáng, như chính tâm hồn của một người nghệ sĩ từng đi qua lửa đạn nhưng chưa từng để mất ánh nhìn yêu thương với cuộc đời.
Sinh năm 1943 tại Hải Phòng, hoạ sĩ Quốc Thái sớm bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê hội hoạ. Ông từng công tác tại Sở Công an Hải Phòng, phụ trách vẽ tranh cổ động, khẩu hiệu, tranh an toàn giao thông, sau đó chuyển về làm việc tại báo An ninh Hải Phòng. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ ác liệt, ông miệt mài sáng tác tranh cổ động, tem và kí hoạ chiến tranh, một mảng đề tài lớn trong sáng tác giai đoạn đầu của ông.
Giống như nhiều hoạ sĩ cùng thế hệ, Quốc Thái trung thành với bút pháp tả thực, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ lối đào tạo của các trường mĩ thuật thời kì đó, vẽ để ghi nhận thực tế như nó có. Nhưng khác với những gì người ta vẫn hình dung về chiến tranh khốc liệt, dữ dội - tranh ông bình thản, điềm đạm, như thể không sinh ra giữa khói lửa.
Từ chân dung, tĩnh vật đến phong cảnh, tranh ông như một bản giao hưởng trầm về sự sống, nơi có đủ các cung bậc của thời gian: phá huỷ và hồi sinh, xáo động và êm đềm, trắng đen và rực rỡ, nghiêm trang và phóng khoáng. Ẩn sau từng nét cọ là sinh lực sống dồi dào của người dân Hải Phòng quê hương ông nói riêng và con người Việt Nam nói chung.
Ở giai đoạn sau này, khi đất nước đã hoà bình, Quốc Thái tập trung vào tranh phong cảnh, thiếu nữ, đời sống làng quê... Trên nhiều chất liệu như lụa, màu nước, bột màu, các tác phẩm vẽ các vùng miền hay những cảnh sinh hoạt thường nhật ở phố xá, làng quê... đều thấm đẫm cảm giác thanh bình, tươi sáng. Những cô thôn nữ gặt lúa, những bà, những chị đi lễ chùa làng, những đôi trai gái đèo nhau qua phố, những con đò lặng lẽ trên bến Tam Bạc… tất cả hiện lên trong tranh ông như một lát cắt rất thật, rất nhẹ nhàng của đời sống Việt Nam hậu chiến.
Chia sẻ về nguồn cảm hứng nghệ thuật của mình, thuở sinh thời ông từng nói: “Tôi sinh ra, lớn lên ở Hải Phòng trong những năm tháng hào hùng của dân tộc, của đất nước và gắn bó với thành phố biết bao kỉ niệm khó quên. Hải Phòng xưa với ống khói xi măng bến Sáu Kho, quán Bà Mau, những Cầu Rào, Cầu Đất, Lạch Tray… những cái tên thật thân thương của một thời để nhớ.”
Một số tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như Kí họa 6 (chì than, 1972), Phong cảnh nông thôn (bột màu, 1980), Em bé (màu nước, 1980), Đảng cho ta mùa xuân (1986), Đồng hành (lụa, 1995), Tĩnh vật 4 (bột màu, 1995), Cầu Thê Húc (1996), Quán nhỏ ven đường (2002)...
Hoạ sĩ Đặng Tiến nhận xét: “Vẫn đề tài quen thuộc của mình như phong cảnh, con người miền biển, những dãy nhà lô xô, những chiếc thuyền trên dòng Tam Bạc, làng quê yên bình, thiếu nữ với hoa, dân chài làng biển... vẫn một Quốc Thái cá tính ào ạt, nhưng người xem nhận thấy sự sâu sắc hơn trong bút pháp, hòa sắc và bố cục. Đằm thắm ở màu, tinh tế hơn ở kĩ thuật xử lí chất liệu…”
Không ồn ào, không cách tân ồn ã, tranh Quốc Thái chạm tới người xem bằng một vẻ đẹp rất riêng, vẻ đẹp của tĩnh lặng, của ân tình và của một cái nhìn tha thiết với cuộc đời. Chân dung Quốc Thái trong triển lãm lần này cũng là chân dung của một tâm hồn đã sống trọn trong nghệ thuật, bằng cả trái tim mềm mại của người yêu đời, yêu người, yêu quê hương tha thiết.
HỮU SƠN
VNQD