Cửa sổ văn nghệ

Triển lãm ảnh tôn vinh những người Mẹ Việt Nam

Thứ Sáu, 25/04/2025 18:27

 Triển lãm ảnh Ký ức và huyền thoại của Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng trưng bày 50 bức ảnh chân dung đầy xúc động về các Mẹ Việt Nam - những biểu tượng sống động của tình mẫu tử, của lòng yêu nước thầm lặng, nhưng mãnh liệt. Triển lãm cũng mở ra một không gian kết nối giữa nghệ thuật và công chúng, giữa những giá trị đã qua và hiện tại, giữa người trẻ hôm nay và những thế hệ đã sống, đã chiến đấu và đã hi sinh.

Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng tại buổi khai mạc triển lãm. 

Nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng kỉ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), triển lãm được khai mạc vào chiều 25/4/2025 tại Hà Nội.

Các tác phẩm do Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng - nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 2, Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn - thực hiện trong gần nửa thế kỉ, từ năm 1976 đến năm 2020. Ông cũng nguyên là Trưởng ban Ảnh, Báo Quân đội nhân dân, với sự nghiệp ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật đồ sộ, ghi nhiều dấu ấn.

Chia sẻ về những kí ức và cảm xúc khi thực hiện các tác phẩm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng nói: “Tôi may mắn được ghi lại những hình ảnh về các mẹ, bởi với tôi họ là những người vĩ đại nhất và cũng là những người phải chịu nhiều đau đớn nhất. Có hai nỗi đau đè lên những người mẹ: một là nỗi đau của cá nhân họ khi mất con, mất người thân và hai là nỗi đau của đất nước. Những nỗi đau đó có thể làm rất nhiều người gục ngã, nhưng người mẹ vẫn hiên ngang, vẫn vững vàng, đó là điều khiến các mẹ vĩ đại.

Trong quá trình thực hiện bộ ảnh này, tôi đã đi khắp đất nước Việt Nam và đã gặp nhiều người nước ngoài. Khi thấy những bức ảnh, họ nói với tôi, đây chính là sức mạnh của Việt Nam, là động lực để Việt Nam chiến thắng. Vì có được sức mạnh như vậy, nên chúng ta thống nhất được non sông là điều chắc chắn, không gì có thể ngăn cản”.

Tại triển lãm Ký ức và huyền thoại, mỗi bức ảnh là một lát cắt thời gian, một câu chuyện đời, nơi những người mẹ, người phụ nữ Việt Nam hiện lên vừa mộc mạc, vừa phi thường. Có người đã tiễn biệt chồng con ra trận không trở về, có người trực tiếp cầm súng chiến đấu, có người lặng lẽ nuôi giấu cán bộ, giữ vững hậu phương. Dẫu mỗi người một số phận, họ đều có chung một khát vọng: hòa bình cho quê hương, độc lập cho dân tộc, và một tương lai sáng hơn cho thế hệ mai sau.

Ký ức và huyền thoại không chỉ là một hành trình ngược dòng lịch sử bằng hình ảnh, mà còn là lời tri ân sâu sắc gửi tới những người mẹ đã góp phần làm nên bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc.

Triển lãm mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 25/5/2025 tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

NGUYỄN HỮU SƠN

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)