Từ chất đời sống đến chất thơ

Thứ Tư, 14/09/2016 00:21
Cuộc thi thơ trên Văn nghệ Quân đội đang vào chặng cuối. Hơn lúc nào hết, cả Ban Biên tập và các tác giả, độc giả trên cả nước đều khao khát thơ hay. Thơ in trên các số khá đồng đều, phong phú, biên độ rộng nhưng thơ hay, thơ chất vẫn rất khan hiếm. Điều đó là tại sao? Đời sống vốn vô cùng sôi động, chất đời sống ngồn ngộn, lớp lớp dâng trào trực diện quanh ta lẽ nào không tạo ra được chất thơ để từ đó có được những tác phẩm hay, chất lượng như chúng ta đang mong mỏi? Câu trả lời khó lắm thay vì thơ là tác phẩm mà người làm ra nó là riêng một, đơn nhất. Không một tập thể nào, dù thông minh sáng suốt đến mấy hợp lại cùng nhau làm ra một bài thơ hay được cả. Cái khó là ở chỗ đó. Những bài thơ gửi đến cuộc thi thơ chưa đạt chất lượng in cũng bởi lẽ đó.

Bạn Bùi Văn Bình trong chùm thơ Cuộc rượu chia tay; Mẹ người; Đồng đội; Kéo co cũng ở cái ngưỡng đó. Chất đời sống đằm đẵm mà vào thơ vẫn bị khiên cưỡng. Bạn viết: Người xem chen vai sát cánh/ Đông nhất là các cụ bà/ Lính trẻ toàn thắng hớn hở/ Sư thầy hoan hỉ tặng hoa - Bỗng có một vãi cất lời:/ Chúng tôi thách đấu ba keo/ Bên già mười người một đội/ Năm chú bộ đội một bên - Reo hò tưởng chừng vỡ hội/ Lính ta thua đội vãi già/ Tượng Phật như cũng muốn hỏi/ Bao giờ lại hội kéo co (Kéo co). Thấy rõ một điều không nên đặt ra tình huống năm chú bộ đội kéo co với mười vãi già để sư thầy tặng hoa hoan hỉ như thế cho dù có thể đó là sự thực. Chất đời sống là thế nhưng khi vào thơ nhất định phải khác đi mới đạt được hiệu quả thẩm mĩ. Ở bài Đồng đội bạn viết: Đầy lên dòng sông nhớ/ Cháy lên dòng sông thương là khá gợi nhưng đến câu Lại vui chuyện chiến trường/ Bao đêm người không ngủ thì dễ dãi và cũ kĩ nên bài thơ lập tức tuột đi không để lại điều gì.
 
15 10nhung buc anh thien nhien goi cam giac binh yen den ki la2


Là quân nhân, Đại úy Mai Thị Lý - Khoa Cơ bản - Trường Sĩ quan Lục quân 2 viết: Đêm nay anh gác một mình/ Ngủ quên anh thấy bóng hình của em/ Giật mình mở mắt ra xem/ Ngờ đâu thủ trưởng đứng kèm một bên/ Súng đâu thủ trưởng hỏi liền/ Giọng hơi lạc giọng, run người, súng đây (Gác đêm). Vẫn là câu chuyện lính tráng gác đêm rồi ngủ quên từng được thể hiện trong thơ nhưng ở đây cái thật thà quá đỗi đã đẩy hết thơ đi chỉ trơ lại sự việc khiến bài thơ rơi vào ngõ cụt vừa rời rạc vừa ngô nghê, đặc biệt là câu cuối: Một vài đồng chí xuýt xoa/ Gác đêm mà ngủ chắc là đang yêu. Ở các bài Bầu cử; Thơ tình cho em; Lí tưởng thanh niên cũng vậy. Chất đời sống tươi ròng mà vào thơ cứ rời rạc, ngọng nghịu thế nào. Như chính bạn tự thú trong bài Làm thơ lục bát: Bài thơ lục bát có vần/ Làm anh lại nhớ những lần mẹ ru/ Mẹ ru anh những mùa thu/ Ầu ơ cửa phủ cánh cò bay ra/ Bài thơ lục bát thiết tha/ Làm anh lại nhớ cây đa bến đò. Thơ hay khó vậy. Khó lắm thay.

Bạn Ngọc Ngọc - phường Bình Hưng Hòa B - quận Tân Bình - thành phố Hồ Chí Minh trong chùm bài Ngôi trường giữa đảo Sinh Tồn; Tiễn dì; Ước gì; Trăng liềm vắt phía bờ sông dù cách tạo dựng hình ảnh và lập tứ thơ khá vững, chất đời sống dồi dào song những câu thơ tạo hiệu ứng thẩm mĩ vẫn chập chờn đâu đó mà chưa định hình được. Bạn viết: Thiếu thời mồ côi mẹ/ Dắt đàn em qua bao nỗi truân chuyên/ Lấy chồng khuyết bóng trăng nghiêng/ Vác thánh giá đau nỗi chồng tàn phế (Tiễn dì) thoạt đọc thấy ổn nhưng đọc lại vẫn thấy sự dễ dãi, trùng lặp, chưa có sự khác biệt để cất cánh thành một tác phẩm. Ở bài Ngôi trường giữa đảo Sinh Tồn, bạn viết: Biển ngời xanh, mắt trẻ trong veo/ Thầy say giảng, học trò say học/ Giữa đảo lửa chồi non vẫn mọc/ Quyết sinh tồn trên đỉnh sóng quê hương đã cho thấy sự dụng công nhất định về ý tứ, câu chữ, song nó vẫn có một cảm giác bạn đang kể - tả cuộc sống ở đảo Sinh Tồn mà chưa chưng cất được thành men thơ khiến người đọc rung động.

Bạn Nguyễn Hữu Kiên, giáo viên Ngữ văn trường trung học phổ thông Tiên Lãng - Hải Phòng trong bài Mơ sóng viết: Em như mảnh hạ huyền tóc xõa về phía thành phố/ từ từ chìm xuống quảng trường Khải Hoàn Môn/ tiếng chuông định mệnh gãy gập thân phượng đổ tiêu điều/ từng đợt sóng ngầm mở toang những ô cửa xanh ngần ngật vươn cao tuy có chất hậu hiện đại và tinh thần đổi mới nhưng Người Biên tập vẫn thấy sự chập chờn chưa đóng đinh được vào người đọc. Ở bài Nơi bãi biển ngày nào cũng vậy: Người ta đánh khăng trên mặt đất/ hàng cột điện đội mũ nồi trắng/ hay những con mắt cá biển khô cắm trên bờ cát/ những tòa nhà mới cứ thế, cứ thế! Với giọng kể miên man khơi gợi, bạn đã chạm vào miền thơ khá dễ, nhưng như con ngựa bất kham, thơ vẫn tuột khỏi tay người. Người Biên tập đã thử ghép thêm bài Đường núi tiếp vào bài Nơi bãi biển ngày nào vẫn thấy không có gì cập kênh. Nghĩa là thơ bạn có thể ghép nhiều bài vào nhau vẫn chưa thấy kết thúc. Điều đó cho thấy các bài chưa thể là một tác phẩm độc lập. Tuy nhiên, đó chỉ là ý kiến mang tính cá nhân. Chúng tôi vẫn luôn trân trọng sự thể nghiệm của bạn.

Bạn Nguyễn Bá Hòa từ thành phố Tam Kỳ - Quảng Nam trong chùm thơ Uống đêm; Qua cầu lại khiến Người Biên tập tiếc nuối ở một góc độ khác. Bạn viết: Uống hoài không cạn xưa xăm/ khát yêu chẻ bớt nụ rằm cơi đêm/ trăng ngày cũ rớt bên thềm/ nhấp môi khép tiếng chén mềm nhịn thương - Trở tay lật gió lùa sương/ trả trăng đơn chiếc về phương ngọc ngà/ thơ bạt xứ khúc rong ca/ lạc vần lảng phách hay là… mộng du (Uống đêm). Ổn về vần điệu. Ổn về hình ảnh. Kĩ về câu chữ. Nhưng sao vẫn thấy mòn sáo dễ dãi thế nào? Lục bát dễ làm nhưng vô cùng khó hay vì con đường đã có triệu triệu bàn chân qua lại. Dấu chân ta thật nhỏ nhoi và lẫn hút không để lại chút gì. Với thể tự do, trong bài: Qua cầu, bạn viết: Bên kia cầu/ trở giấc mùa trắng tóc/ thông thốc gió quất lời mê sảng/ vốc trầm tích ực vào lòng đắm đuối/ mưa gõ nhịp nến cười nến khóc nhập nhoạng hoa râm/ nắng lọc lời kinh nguyện khêu lửa từ tâm/ đêm rủ rỉ/ ngày đủng đỉnh/ ví dầu… Người Biên tập cứ băn khoăn mãi. Chất thơ rỡ ràng. Nhịp thơ khỏe khoắn. Mà sao thơ vẫn chưa cất cánh được? Mong bạn hãy khác biệt và vạm vỡ hơn nữa trong những tác phẩm tiếp theo.

Bạn Nguyễn Đình Ánh ở Nghi Long - Nghi Lộc - Nghệ An trong Bài thơ cho Euro với lối viết thời sự về một sự kiện đang diễn ra, đang lôi cuốn hàng tỉ con tim yêu môn túc cầu lẽ ra phải mê đắm và khơi gợi như trái bóng đang biến ảo chứ không thể thật thà như đếm thế này, mặc dầu bạn đã huy động cả những hổn hển, rạo rực, luồn kim. Bạn viết: Bầu trời Em mở ra/ anh bồi hồi/ rạo rực/ thoả nỗi nhớ nhung xa cách/ bốn năm ròng/ ngắm từng đường ban/ hoan hô cú “luồn kim” ngoạn mục/ mắt trợn tròn/ miệng hình chữ o/ hổn hển/ với cú sút lệch khung thành bỏ trống/ em như bông hồng/ mê hoặc anh/ mê hoặc hết thảy những chàng trai khắp năm châu bốn bể/ chẳng vì thế/ anh hết đam mê. Mới thấy rằng, dù chất đời sống đang diễn ra tươi mới, rạo rực trước mặt ta mà chuyển hóa thành thơ không phải dễ dàng gì.

Cuộc sống quanh ta đang diễn ra với đủ mọi cung bậc, âm thanh, hình ảnh. Những điều tốt đẹp, cao thượng, nhân văn luôn rất nhiều. Cả những lọc lừa, trí trá cũng luôn vây bủa con người trong cuộc sống. Từ những chất ấy, Người Biên tập, Ban Biên tập Văn nghệ Quân đội luôn ngày đêm mong muốn có được những tác phẩm hay của các tác giả trên cả nước để phục vụ bạn đọc ngày một tốt hơn
NGƯỜI BIÊN TẬP
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)