Tôi chỉ viết khi thực sự có cái gì đó được thốt nên lời

Thứ Năm, 05/05/2016 00:37
 logo  
HamAnhjpg 1407294188
              HÀM ANH
 
- Tên khai sinh: Phan Thanh Thủy. Sinh năm 1970 tại Hà Nội.
- Hiện đang công tác tại Học viện Ngoại giao Việt Nam.
- Từng là sinh viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 33.
- Tốt nghiệp Trường Viết văn M.Gorki, Moskva, Liên bang Nga, khóa 1990-1996.
- Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga từ năm 1994.
 
 
      
- Xin chào nhà thơ Hàm Anh. Gọi tháng Ba là tập thơ mới nhất mà chị vừa cho ra mắt bạn đọc. Với tập thơ, tôi thấy chị đã có những chăm chút khá kĩ lưỡng cho đứa con tinh thần này như việc tự viết tay cho từng bài thơ, rồi nhờ một dịch giả uy tín chuyển ngữ. Hẳn Gọi tháng Ba với chị có một ý nghĩa đặc biệt?
+ Gọi tháng ba là tập thơ gồm những bài tôi viết trong khoảng từ 2008 đến nay, gần 8 năm sau tập Màu tự nhiên. Nếu như Màu tự nhiên có cái không khí của thiên đường, những xúc cảm trong vắt và bay bổng của một sự sống vừa được hồi sinh thì Gọi tháng Ba là một sinh linh đã hoà lại dần dần vào đời sống với những cung bậc thăng trầm đa dạng của phận người. Gọi tháng Ba có những giây phút giác ngộ, có những buồn đau, nuối tiếc, đắng cay, có cả những trầm ngâm thế sự, những hài hước nhẹ nhàng. Nó là những xúc cảm rất thật, không cao giọng, không vờ vịt điều gì. Tôi hi vọng bằng vào sự chân thật của mình những rung cảm của tôi có thể là một chiếc lá non khẽ chạm vào trái tim của một bạn đọc nào đó trong cơn đau buồn, chán nản hay trong tĩnh lặng, riêng tư. Đối với tôi thơ ca và nghệ thuật rồi sẽ trở về với mùa Xuân của mình, với cái đẹp, thật, trong sáng và tự nhiên.
Bạn biết đấy, tháng Ba mưa ẩm dài ngày, người Bắc mình rất sợ. Trời nồm, mưa dây dất, đồ đạc ẩm mốc, bầu trời ảm đạm. Chẳng mấy ai thích thú thời tiết tháng Ba. Nhưng, bất kể sự ghét bỏ của chúng ta, mưa tháng Ba mơ hồ như không như có mà nhẫn nại và bao dung, thấm nhuần tất cả. Bằng tình yêu thương dung dị và vô kỉ của mình thiên nhiên lặng thầm mang lại cho vạn vật một mùa sinh sôi, một vòng quay mới. Đấy là mầu nhiệm. Đó là tháng Ba của tôi. Và với ý nghĩa ấy thì tôi tin rằng ai cũng có một tháng Ba của riêng mình.

- Được biết chị từng tham gia học Trường Viết văn M. Gorki (Nga) khóa 1990 - 1996 nhưng không phải ở diện đã học Trường Viết văn Nguyễn Du (nơi liên kết đào tạo với trường viết văn M. Gorki trước đây) rồi được gửi sang học như một số nhà văn, nhà thơ, nhà lí luận phê bình của ta ngày ấy mà chị sang học với lí lịch là cử nhân trường Đại học Tự nhiên. Vậy con đường nào đã đưa chị đến với ngôi trường viết văn này?
+ Năm 1988, lúc đó tôi đang học Văn khoa của trường Đại học Tổng hợp năm thứ nhất, trường Viết văn Nguyễn Du tổ chức một kì thi có một không hai nhằm tuyển chọn một nhóm gồm 6 người gửi sang trường Viết văn M. Gorki đào tạo ngành dịch thuật văn học. Chúng tôi phải nộp các bài viết cùng sáng tác của mình, đồng thời thi tiếng Nga và trả lời phỏng vấn của hội đồng. Tôi tham gia kì thi cốt nộp những bài thơ của mình để được các bậc cao nhân trong làng văn đánh giá nhưng thật bất ngờ là tôi đã được tuyển chọn. Trong nhóm được tuyển chọn hồi đó có ba anh chị đang là sinh viên của trường Viết văn Nguyễn Du, và hai bạn trẻ học chuyên văn của Amsterdam.

 
12688024 975033135883849 881248336747034409 n  “Người làm thơ này có vẻ đã may mắn cảm nhận được cái cốt lõi của việc làm thơ: đặt tên cho muôn mặt của hiện hữu và khiến hiện hữu phải hiển lộ trong những cái tên ấy như chúng vốn thế, như con chữ rơi trong lòng rồi nảy nở tự nhiên trong đó, chứ không phải chỉ là việc bắt chữ phải chuyển tải nỗi lòng ấy”.
 (Dịch giả Trịnh Lữ)
 “Thơ Hàm Anh, có thể gọi là thơ duy tình. Cảm xúc rất mạnh và ngập tràn nhưng cái cách biểu lộ bằng ngôn từ thì lại cực kì tiết chế, kiệm lời khiến cảm xúc ấy cứ lắng sâu mãi dù bài thơ đã dừng lại. Đọc xong bài thứ nhất mà chưa nỡ đọc sang bài thứ hai ngay bởi dư âm của bài trước còn vướng vít, quyến luyến. Sức gợi trong thơ Hàm Anh vì thế luôn là một điều có thật”.
 (Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ)

- Học Viết văn M. Gorki ở chuyên ngành dịch thuật và khi ra trường chị đã để lại những ấn tượng không nhỏ về dịch văn học Nga sang Việt Nam, đặc biệt là nhiều bản dịch thơ Anna Akhomatova từng in và đoạt giải trên báo Văn nghệ những năm 90 của thế kỉ trước. Nhưng với liền khoảng thời gian đó bạn đọc không còn thấy bóng dáng dịch giả Phan Thanh Thủy đâu nữa. Gần đây khi trở lại với lĩnh vực văn chương, thấy chị xuất hiện với tư cách là một người sáng tạo thi ca chứ không còn là dịch giả như nhiều người từng biết. Sự chuyển dịch ấy đã bắt đầu ở chị như thế nào?
+ Tôi chỉ là người được học dịch tiếng Nga chứ không phải là dịch giả vì tôi chưa có đóng góp gì cho công việc dịch văn học nước nhà. Luận văn của tôi là các bản dịch thơ Anna Akhmatova và một vài truyện ngắn của Bunhin (những truyện chưa được dịch sang tiếng Việt). Dịch giả Thuý Toàn trong một dịp sang công tác ghé thăm trường M. Gorki và mang giúp những bản dịch đầu tay của chúng tôi về nộp cho hội đồng chấm giải dịch thuật năm đó và tôi may mắn được nhận giải cho các bản dịch thơ Anna Akhmatova. Luận văn của tôi cũng được các thầy Marian Tkachev và Nikolai Nikulin chấm cho điểm xuất sắc. Nhưng rất tiếc là những thay đổi thời thế và công việc kiếm sống không liên quan gì đến văn chương đã khiến tôi không theo đuổi được việc dịch. Còn với thơ ca thì tôi yêu từ nhỏ. Khi còn là học trò cũng có một vài bài thơ đăng báo kí tên thật. Có bài thơ đăng từ hồi học sinh, sinh viên được lưu truyền thành thơ khuyết danh trong các bạn trẻ. Tôi rất vui vì điều đó. Nhưng sau khi tốt nghiệp trường Viết văn M. Gorki thì tôi biết sợ. Tôi đã gần như không viết gì trong nhiều năm. Mãi tới năm 2008 tôi mới quay trở lại với thơ dưới bút danh mới. Có lẽ cái tên Hàm Anh có duyên với bạn đọc của tôi hơn chăng (cười).

- Học viết văn ở Nga rồi tham gia dịch văn học Nga sang tiếng Việt, trường Viết văn M. Gorki đã ảnh hưởng thế nào tới quá trình sáng tác của chị?
+ Tôi nghĩ là trường Viết văn M. Gorki ảnh hưởng đến tôi nhiều đến mức tôi hầu như không viết gì nữa sau khi tốt nghiệp. Nhiều năm trước đây tôi say mê đọc sách tới mức mỗi ngày không đọc được cái gì là tôi cảm thấy vô cùng trống rỗng. Nhưng tới một lúc nào đó tôi có nhu cầu thúc bách muốn quên tất cả những gì đã biết. Suốt nhiều năm liền tôi không đọc, ở trong trạng thái “trắng xoá”, không nhớ gì cũng không tiếp nạp thêm gì. Bây giờ thì lại bắt đầu có hứng thú đọc trở lại. Nhìn chung tôi thấy những gì diễn ra với tôi suy cho cùng đều có nguyên do và đều có thể được nhìn nhận là may mắn cả. Không học thì không có gì để quên, mà không quên thì không viết được.

- Nếu như tập thơ Màu tự nhiên (xuất bản năm 2008) luôn có sự nhất quán về thi tính lẫn thể tính thì Gọi tháng Ba lại cho tôi thấy có một Hàm Anh đa dạng hơn trong lối viết cũng như thi tính. Và tôi chợt nhớ đến bài thơ Về những điều hư hỏng đẹp của chị mà trong đó có câu: …Ô, những điều hư hỏng đẹp:/ ví dụ như làm thơ có vần/ hay là yêu không toan tính. Chị có thể nói và diễn giải rõ hơn về những điều hư hỏng đẹp này?
+ Đơn giản là như thế này, phần lớn các bài trong Màu tự nhiên được viết trong khoảng thời gian ngắn khi cảm hứng sáng tác quay lại với tôi sau nhiều năm. Còn Gọi tháng Ba được viết trải dài trong 8 năm nên không khí các bài thơ, tâm thế của người viết cũng có nhiều cung bậc và các chủ đề được mở rộng, gần gũi với cuộc sống thường ngày hơn. Còn về việc làm thơ có vần “hư hỏng” chỉ là một sự tự giễu nhại bản thân thôi. Tôi viết rất tự nhiên, các bài thơ dường như được đặt vào tôi và tôi chỉ việc tìm nó ở trong mình rồi mang nó ra nguyên vẹn. Cảm thấy cần phải viết theo thể thơ nào thì tôi viết như thế mà không nệ mới cũ, trong tập có cả lục bát, thơ bốn chữ, năm chữ, thơ tự do hay thơ gần với văn xuôi… Thậm chí trong một bài, ví dụ như bài Gọi tháng Ba, thì phần đầu viết rất mộc, vần điệu ẩn đi để làm nền cho phần thứ hai réo rắt âm nhạc và rực rỡ hình ảnh. Cái cơ bản đối với tôi không phải là thơ có vần hay không có vần, cách tân hay cổ điển mà là trong tôi có một cái gì đó thật đẹp, thật rung động để nảy sinh cảm hứng và khao khát diễn đạt ra thành lời hay không thôi.

- Đọc thơ chị, tôi dần nhận ra rằng rất nhiều bài thơ có một thứ ngôn ngữ, hình ảnh của mưa mà cụ thể là những cơn mưa mùa xuân. Mưa như là một biến thể của tâm trạng buồn và cô độc. Mưa còn có những ngụ ý về tình yêu, về phận người, về sáng tạo. Cái sự nhận ra của tôi liệu có chút gì đúng và trúng với thơ chị không?
+ Về chuyện này thì nhà nghiên cứu ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ (Viện Ngôn ngữ) đã có một bài viết mà tôi khá ưng ý về yếu tố mưa trong tập Màu tự nhiên. Tôi chỉ nói thêm một chút thế này, có lẽ cái chất của tôi là âm tính, thiên về những gì nhẹ nhàng, yên ắng, nên tôi thích mưa, dù là mùa gì, mưa gì thì đều đưa vào trong thơ cả.

- Khi đối diện với sáng tạo, chị sẽ quan tâm nhất ở điều gì?
+ Tôi sáng tác không có chủ đích. Làm thơ thực sự là một “tai nạn” tuyệt vời mà ông giời giáng xuống cho tôi. Khi diễn đạt được những xúc cảm và suy nghĩ của mình thành LỜI thì tôi cảm thấy hạnh phúc. Khi viết được như vậy có nghĩa là tôi sống và cảm nhận được cuộc sống này một cách mạnh mẽ, rúng động. Bạn biết đấy, đời chả phải bao giờ cũng có được trạng thái ấy, mà vì tôi chỉ viết khi tôi thực sự có cái gì đó để thốt nên LỜI cho nên tôi viết ít. Chắc bởi cái tạng của tôi nó vậy.

- Là một người làm trong lĩnh vực ngoại giao, từng sống và làm việc ở nhiều nước với những nền văn hóa rất khác nhau, điều đó đã tác động ra sao tới sáng tác của chị? Tôi thấy trong thơ chị có nhắc đến những nhà thơ như Exenhin, Puskin, Anna Akhomatova, Matsuo Basho, Tagore…
+ Tôi nghĩ là đời sống với những va đập không ngừng của nó chắc chắn là có ảnh hưởng tới mình theo nhiều cách khác nhau. Những dấu vết trải nghiệm để lại trong chúng ta theo một cách lặng thầm không thể biết, tưởng là như thế này mà hoá ra lại là thế khác. Cũng như vậy, những gì chúng ta đọc, học, tiếp xúc, lắng nghe, nhìn thấy… tất cả lặn vào ta như những “cái dằm” ẩn kín. Tôi hay đùa với các bạn tôi rằng mình làm thơ như “nhổ dằm”. Tôi thấy bài thơ vừa là do tôi làm vừa dường như không phải do tôi làm. Nó là những trầm tích của đời sống ẩn sâu trong tôi, công việc của tôi là tìm thấy nó, khéo léo đưa nó ra nguyên vẹn. “Cái dằm” càng sâu, càng lớn thì khoái cảm mang lại khi lấy được nó ra càng lớn. Nếu có thể nói về ảnh hưởng của ai đó, một cái gì đó thì tôi chỉ có thể nói như vậy, nó đến tự nhiên và trở thành máu thịt của tôi lúc nào không hay. Nếu tôi có nhắc đến tên một nhà văn, nhà thơ, một thiền sư hay một hiền triết không phải bởi vì tôi muốn nói rằng tôi có biết ông ấy mà bởi vì tôi muốn để lại một “vết lông ngỗng” để bạn đọc tìm thấy được bài thơ của tôi.

- Cảm ơn nhà thơ Hàm Anh đã tham gia cuộc trò chuyện này! 

ĐOÀN VĂN MẬT thực hiện
   
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)