Văn học Việt Nam đương đại trong quá trình giao lưu văn hóa thời kì đổi mới và hội nhập

Thứ Năm, 21/04/2016 14:34
. NGUYỄN THANH TÂM
Bàn về vai trò của văn học Việt Nam đương đại trong quá trình giao lưu văn hóa thời kì đổi mới và hội nhập, thực chất là nói đến vai trò của văn học trong việc đưa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè thế giới, giúp thế giới hiểu rõ hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Trên phương diện là một công cụ, một sản phẩm văn hóa, văn học Việt Nam đương đại đang từng bước thâm nhập vào các nền văn hóa, văn học khác để giới thiệu và quảng bá hình ảnh Việt Nam đổi mới, phát triển và hội nhập.

Arnonld Toynbee trong công trình Nhận chân lịch sử đã xếp Việt Nam vào một trong ba mươi bảy nền văn minh trên thế giới. Trong số ấy, đến nay đã có nền văn minh bị mai một. Theo Toynbee, “Văn minh Việt Nam (cùng với văn minh Nhật Bản và Triều Tiên) là nền văn minh - vệ tinh, phát sinh và vận hành trong quỹ đạo của văn minh Trung Hoa”(1). Quan điểm này cũng được Trần Ngọc Vương nhắc đến trong công trình Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ với tiểu luận Giao thoa Đông - Tây và sự chuyển đổi hệ hình văn học. Trần Ngọc Vương đã làm rõ khái niệm “các nền văn học kiến tạo vùng” và “các nền văn học vệ tinh”. Theo đó, văn học Việt Nam thuộc nền văn học vệ tinh, cùng với các vệ tinh khác “lấy văn học Trung Quốc làm nền văn học kiến tạo vùng”. Nhìn nhận về những khía cạnh chung - riêng trong “quỹ đạo” của các “vệ tinh” tác giả tiểu luận chỉ ra rằng: “… xét riêng trong nhóm các nền văn hóa, văn học của các quốc gia “vệ tinh”, người quan sát có thể dễ dàng nhận ra “hai quỹ đạo” của cùng một sự vận động: quỹ đạo của nền văn hóa, văn học mang tính khu vực (chung) và quỹ đạo “li tâm” hoàn toàn chỉ biểu hiện “dân tộc tính” được duy trì bởi các khát vọng độc lập và những dấu hiệu trưởng thành (riêng)”(2). Từ góc độ lịch sử, văn học, văn hóa Việt Nam có những ảnh hưởng nhất định từ văn hóa, văn học Trung Hoa. Biểu hiện của sự ảnh hưởng này trong văn học chính là việc chúng ta tiếp thu các thể loại văn học Trung Hoa, những biểu tượng, ước lệ, lối sáng tác theo quan điểm “thuật nhi bất tác”, “bất dị Trung Hoa”… Năm 2010, giới nghiên cứu văn học chữ Hán bất ngờ và xôn xao về bộ sách dày 25 cuốn, có tên Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành (tạm dịch: Toàn tập văn chương Hán văn Việt Nam của sứ giả khi sang Yên Kinh) do Viện Nghiên cứu văn sử Đại học Phúc Đán (Thượng Hải, Trung Quốc) và Viện Nghiên cứu Hán - Nôm (Việt Nam) phối hợp thực hiện, xuất bản tại Trung Quốc. Bộ sách là cuộc thu gom và giới thiệu toàn bộ văn, thơ, kí chữ Hán của những sứ giả Việt Nam đi sứ từ đời nhà Trần đến nhà Nguyễn, như là cách nhìn lại một thời kì dài của văn học chữ Hán Việt Nam trong cuộc giao lưu Đông Á. Công trình này một lần nữa nói lên lịch sử giao lưu văn học của Việt Nam với Trung Hoa đã hình thành từ rất lâu trong quá trình bang giao của hai nước. Trong một nghiên cứu có tính xã hội học, các tác giả công trình Công chúng giao lưu và quảng bá văn học thời kì đổi mới đã cho thấy diện mạo dịch thuật, giới thiệu văn hóa, văn học Việt Nam ở Trung Quốc, giải tỏa nhận thức về sự áp đặt một chiều của văn hóa Trung Hoa lên các không gian “vệ tinh”, cho thấy sự trưởng thành và phát triển một cách độc lập, tự chủ của văn học Việt Nam(3).

Thời kì đổi mới và hội nhập, thành tựu giao lưu văn hóa, văn học của Việt Nam và Trung Quốc cũng được ghi dấu bằng một số tác phẩm được dịch. Cũng theo các tác giả công trình Công chúng giao lưu và quảng bá văn học thời kì đổi mới, “Ở Trung Quốc, trong bộ giáo trình Tiểu thuyết hiện đại Việt Nam gồm ba tập đã nói trên thì tập 3 là dành cho các tác giả và tác phẩm từ năm 1975 đến cuối thế kỉ XX. Những tác phẩm được các tác giả giáo trình giới thiệu là: Khoảng cách còn lại (trích của Nguyễn Mạnh Tuấn), Thời gian (Cao Duy Thảo), Sao đổi ngôi (trích của Chu Văn), Mùa lá rụng trong vườn (trích của Ma Văn Kháng), Thời xa vắng (trích của Lê Lựu), Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Hai em bé sắp ra đi (Tô Hoài), Những ngày cuối năm (Nguyễn Khải), Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh), Một chiều xa thành phố (Lê Minh Khuê), Lời hứa của thời gian (Nguyễn Quang Thiều), Gió vẫn thổi qua cánh đồng bên sông (Võ Thị Xuân Hà)…”(4).

 
hoa lan

Văn học Việt Nam đương đại đang đảm nhận trách nhiệm là một sứ giả để mang văn hóa Việt Nam đến với thế giới. Đúng như nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã nói: “Tuy nền văn học của ta có những tác phẩm ngang tầm, nhưng chúng ta phải quảng bá. Thế giới không tìm đến ta như họ đã từng tìm đến những nền văn học của Mĩ, Nga, Pháp, Colombia, hay Trung Quốc. Mà chúng ta phải tìm đến họ, để một ngày họ nhận ra ở đó có những tác phẩm rất xứng đáng cho bạn đọc của họ cần phải đọc”(5). Nỗ lực của các dịch giả, các trung tâm văn hóa, tổ chức và cá nhân để đưa văn học Việt Nam đến với cộng đồng thế giới thời kì đổi mới là rất đáng ghi nhận. Không chỉ ở Trung Quốc mà ở Nga, Nhật Bản, Mĩ, Pháp, Anh, Thái Lan, Hàn Quốc, Rumani, Hungari, Ba Lan, Đức…, văn học Việt Nam, dù còn thưa thớt, cũng đã bắt đầu được giới thiệu. Ở Pháp, chiều “đi ngược” từ tiếng Việt sang tiếng Pháp, rất đáng ghi nhận là việc thành lập tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại” tại Nhà xuất bản Riveneuve dưới sự chủ trì của Đoàn Cầm Thi, nơi đã xuất bản tác phẩm của Nguyễn Việt Hà, Thuận, Phong Điệp… tiếp nối công việc dịch văn học Việt Nam sang tiếng Pháp được tiến hành trước đây, chủ yếu thông qua Nhà xuất bản Philippe Picquier và có sự tham gia của các dịch giả như Phan Huy Đường, Kim Lefèvre… Ở Nhật, văn học Việt Nam cũng đã xuất hiện với nhiều tác phẩm thông qua những nỗ lực của các dịch giả từ hai bên. Trong những bài giới thiệu của Đoàn Lê Giang hoặc của nhóm tác giả công trình Công chúng giao lưu và quảng bá văn học thời kì Đổi mới, “mảng văn học đương đại Việt Nam tức những sáng tác hậu Đổi mới, chiếm lượng nhiều nhất trong các tác phẩm được dịch, đặc biệt là những sáng tác của Ma Văn Kháng, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Mai Ngữ… Có thể kể đến những dịch phẩm do Kato Sakae chuyển ngữ như Truyện như đùa của Mai Ngữ, Bức tranh của Nguyễn Minh Châu, Cái quạt của Trần Thùy Mai, Những nàng áo trắng của Thái Bá Tân, Mẹ và con của Ma Văn Kháng, Tập truyện ngắn hiện đại Việt Nam của nhiều tác giả như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Quang Thiều…, Truyền thuyết quán Tiên của Xuân Thiều, Anh lính Tony D của Lê Minh Khuê, Cây bồ kết nở hoa của Võ Thị Xuân Hà, Chim én bay của Nguyễn Trí Huân…”(6). Sự xuất hiện ngày càng nhiều các dịch phẩm văn học Việt Nam đương đại tại Nhật cho thấy sự giao lưu văn hóa ngày càng rộng mở giữa hai nước. Đặc biệt các tác phẩm tiêu biểu của thời kì Đổi mới như Thời xa vắng của Lê Lựu, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh… được tiếp nhận rộng rãi ở Nhật là thông điệp mới về đất nước và con người Việt Nam sau chiến tranh, sau những biến cố lịch sử.

Ở Mĩ, sự xuất hiện của văn học Việt Nam đương đại ghi nhận những cố gắng của Trung tâm William Joiner về việc xuất bản nhiều tác phẩm của các cựu chiến binh Việt Nam. Trong bài phát biểu tại Hội thảo Văn học Việt - Mĩ sau chiến tranh (Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức tại tỉnh Hòa Bình, ngày 2/6/2010) nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: “Qua những cuốn sách ấy, bạn đọc Mĩ có thể tiếp cận vẻ đẹp của lòng yêu nước, khát vọng độc lập tự do, sức mạnh chủ nghĩa anh hùng Việt Nam đã làm thất bại bộ máy chiến tranh khổng lồ của nước Mĩ và những tham vọng phía sau những khẩu súng. Gấp lại những cuốn sách, bạn đọc Mĩ có thể cảm nhận đầy đủ thông điệp hòa bình của các nhà văn Việt Nam”. Với tư cách là Giám đốc Trung tâm William Joiner, ông Kevin Bowen cho biết: “Những tuyển tập, sách, bài báo viết về các tác phẩm của Việt Nam cũng xuất hiện. Thời xa vắng được University of Massachusetts Press xuất bản. Writing between the Lines (Viết giữa những đường ranh giới) là một tuyển tập những bài thơ và truyện của các nhà văn từ cả hai phía cũng đã ra mắt công chúng lần đầu tiên. Bản thảo mà Vũ Tú Nam, Chính Hữu và Anh Ngọc trao cho chúng tôi đã trở thành tuyển tập song ngữ Mountain River (Sông núi). Martha Collins và Thùy Dinh dịch Green Rice (Lúa xanh) của Lâm Thị Mỹ Dạ. Martha Collins cũng dịch Người đàn bà gánh nước sông của Nguyễn Quang Thiều. Nguyễn Bá Chung và tôi dịch Distant Road (Đường xa) của Nguyễn Duy. George Evans và Nguyễn Quý Đức dịch The Time Tree (Cây thời gian) của Hữu Thỉnh. Fred Marchant và Nguyễn Bá Chung hợp tác dịch Từ góc sân nhà em của Trần Đăng Khoa. Tập thơ của các nhà thơ Việt Nam và một loạt các xuất bản phẩm của Curbstone cũng ra đời”(7). Một trong những tác phẩm Việt Nam nổi tiếng tại Mĩ là tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Theo Phạm Xuân Nguyên, tiểu thuyết này được dịch, đặc biệt được đưa vào giảng dạy ở một số trường đại học của Mĩ. Tác phẩm được mổ xẻ, phân tích, tìm hiểu rất kĩ lưỡng với tinh thần tự do khám phá và thâm nhập văn bản văn học, văn hóa. Các chủ điểm từ Nỗi buồn chiến tranh được gợi lên để sinh viên Mĩ tìm hiểu là: cách tổ chức tác phẩm, phong cách, hình ảnh, bối cảnh lịch sử, hậu quả chiến tranh, người Mĩ, nhân vật, lạc địa, gia đình, giới, đất đai, tôn giáo, không tưởng(8).

Giao lưu văn hóa, văn học Việt Nam với thế giới còn có thể nhận thấy trong việc văn học Việt Nam được dịch, giới thiệu ở một số nước khác như Rumani, Hungari, Thái Lan… Theo Phạm Viết Đào: “Nếu có dịp vào các thư viện lớn của Rumani chúng ta sẽ gặp các tác phẩm văn học, các tên tuổi lớn của văn học Việt Nam nằm trong nhiều giá sách. Đó là Truyện Kiều của Nguyễn Du được dịch từ những năm sáu mươi; Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm; các tập truyện như Dế mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài, Chí Phèo của Nam Cao, Ở xã Trung Nghĩa của Nguyễn Thi, Mẫn và tôi của Phan Tứ, Hòn Đất của Anh Đức, 10 thế kỉ thơ văn Việt Nam… Gần đây là các tác phẩm Nhật kí trong tù, Thơ Hồ Xuân Hương, Nhật kí Đặng Thùy Trâm, Thao thức với thời gian - tuyển thơ của 30 nhà thơ đương đại Việt Nam đã được dịch sang tiếng Rumani…”(9)

Ở Thái Lan, những năm gần đây, sự giao lưu văn hóa, văn học ngày càng mở rộng. Chủ tịch Hội Nhà văn Thái Lan bày tỏ: “Tuyển tập văn học Bông sen trong dòng chảy văn học của Dự án hợp tác văn học Thái Lan - Việt Nam là đại diện cho mối quan hệ hữu nghị và tình thân ái, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng cũng như giới thiệu những tác phẩm văn học đặc sắc của dân tộc. Sự hợp tác này tuy nhỏ bé nhưng hi vọng sẽ là sự kiện đáng ghi nhớ trong tương lai, đánh dấu cho quá trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, kinh tế, an ninh… Bông sen trong dòng chảy văn học và Chai thời gian được giới thiệu sẽ góp phần làm tăng mối giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia vốn có nhiều điểm tương đồng. Được biết, trong thời gian tới, Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Thái Lan sẽ tiếp tục tăng cường giao lưu giữa các nhà văn hai nước, việc đầu tiên là sẽ sớm tổ chức cho các nhà văn đi thực tế để sáng tác”(10).

Cùng với việc dịch các tác phẩm văn học Việt Nam sang các ngôn ngữ khác, sự phát triển của văn học Việt Nam ở nước ngoài cũng góp phần không nhỏ trong việc đưa văn hóa Việt Nam đến gần với thế giới. Việt Nam hiện nay có hơn 4,5 triệu người sinh sống ở nước ngoài. Đây là một cơ hội lớn để văn hóa Việt Nam được biết đến trong cộng đồng thế giới. Phác thảo bức tranh văn học Việt Nam ở hải ngoại, như là một cách để nhận diện tinh thần và bản sắc con người Việt Nam trong quá trình sống và sáng tác bên ngoài Tổ quốc, Đỗ Quyên nhận xét: “Nội dung không còn khu biệt ở vài đề tài quan trọng (nỗi nhớ quê hương, nối dài văn học miền Nam, thân phận li hương, hội nhập định cư...) mà tất cả hòa vào nhau rồi được cộng thêm các đề tài mới, tới mức rất khó định danh đề tài chính như ở các thời kì trước; trừ đề tài muôn thuở là tình yêu. Rõ hơn cả là sự liên đề tài với các vấn đề, sự kiện lớn của cuộc sống chính trị, xã hội và văn nghệ ở Việt Nam”(11).

Văn học Việt Nam nói chung và văn học đương đại nói riêng là sứ giả của văn hóa trong tiến trình hội nhập và phát triển. Còn nhiều khó khăn, bất cập và hạn chế trong việc dịch văn học Việt Nam sang các ngôn ngữ khác, tuy nhiên, thành tựu mà chúng ta đã có nói lên nỗ lực rất lớn của các nhà văn, các dịch giả, các trung tâm, tổ chức văn hóa… nhằm hướng đến một sân chơi văn hóa rộng lớn. Từ Đổi mới, với những chính sách mở cửa, hội nhập và phát triển, văn hóa Việt Nam đang từng bước vận động đến các giá trị nhân loại có tính phổ quát. Văn học Việt Nam đương đại đã cho thấy vai trò của mình trong quá trình giao lưu văn hóa bằng chính phẩm chất của nghệ thuật ngôn từ. Dịch văn học Việt Nam sang các ngôn ngữ khác không đơn giản là chuyển ngữ, đó là sự chuyển dịch cả một nền văn hóa. Ý thức rõ điều đó càng nhận ra tầm quan trọng của văn học trên tiến trình hội nhập và phát triển
N.T.T
 
------
(1). Dẫn theo Phạm Vĩnh Cư, Sáng tạo và giao lưu, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr. 551.
 (2). Trần Ngọc Vương, Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2010, tr. 396.
(3). Tôn Thị Thảo Miên (chủ biên), Công chúng giao lưu và quảng bá văn học thời kì Đổi mới (1986 - 2010), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014, tr. 349 - 351.
(4). Tôn Thị Thảo Miên, sđd, tr. 352.
(5). Nguyễn Thanh Bình (Phỏng vấn Nguyễn Quang Thiều), Giới thiệu văn học và hình ảnh Việt Nam ra thế giới: Cần đi bằng cửa chính, chứ không phải lối thoát hiểm sau nhà, http://daidoanket.vn, 29/8/2014.
(6). Tôn Thị Thảo Miên, sđd, tr. 366 - 367.
(7). Kevin Bowen, Hành trình của Trung tâm William Joiner: Nhớ 20 năm hoạt động trao đổi nghệ thuật, http://tiasang.com.vn, ngày 04/6/2010.
(8). Tôn Thị Thảo Miên, sđd, tr. 378 - 380.
(9). Phạm Viết Đào, Nửa thế kỉ giao lưu văn học Việt Nam - Rumani, Hội Hữu nghị Việt Nam - Rumani, http://www.viromas.org
(10). Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam - Thái Lan tăng cường hợp tác văn học, http://www.baosonla.org.vn, 26/08/2013.
(11). Đỗ Quyên, Văn học Việt ở ngoài nước trong vài năm qua, http://vietvan.vn
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)