Vài nét về cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV của Hội Nhà văn

Chủ Nhật, 24/04/2016 00:49
. NGUYỄN CHÍ HOAN
logo 1 Cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV (2011 - 2013), kéo dài qua năm 2014, trong đó đặc biệt chú ý tới chủ đề chiến tranh cách mạng và các vấn đề xã hội trong thời kì Đổi mới đã kết thúc với một vài bước tiến về phía “cận nhân tình” bằng việc khắc họa đậm nét thân phận con người cá nhân. Các giải thưởng (không có giải Nhất) đã được trao cho 12 tác phẩm, gồm 3 giải Nhì - Người thứ hai của Tô Hải Vân, Chim ưng và chàng đan sọt của Bùi Việt Sĩ, Mảnh vỡ của mảnh vỡ của Vĩnh Quyền; 9 giải Ba - Vùng sâu của Tô Nhuận Vỹ, Thạch trụ huyết của Nguyễn Trần Bé, Hát của Trần Nhã Thụy, Dư chấn 3,5 độ richter của An Bình Minh, Gã tép riu của Nguyễn Bắc Sơn, Cuộc đời ngoài cửa của Nguyễn Danh Lam, Seo Sơn của Vũ Quốc Khánh, Đốt trúc của Nguyễn Đắc Như.

Một nhà văn dày dạn với các cuộc thi văn chương và việc tham gia chấm thi đã nhận xét rằng: Ban giám khảo nào thì giải thưởng đó. Nói như thế thật khó mà sai. Tuy nhiên, cái ta quen gọi là hiện thực “khách quan” bao giờ cũng có sức xuyên thấu những thành kiến, mà ở đây là cái thực tế khách quan của khu vực sáng tác tiểu thuyết. Không kể sự vắng mặt của loại truyện được gọi một cách quyến rũ là sách “giải trí” hay “thị trường” thì “bảng vàng” của giải thưởng nêu trên đã gần như đủ tính đại diện cho các xu hướng ưu thế được coi là “nghiêm túc” trong văn xuôi đương thời: hướng khai thác lịch sử có Chim ưng và chàng đan sọt, Thạch trụ huyết; hướng khai thác “đời thường” và thời sự chính trị - xã hội có Gã tép riu và Dư chấn 3,5 độ richter; hướng chiêm nghiệm đời sống hiện đại qua thân phận cá nhân có Bác sĩ trưởng khoa và Đốt trúc; hướng khai thác chủ đề đạo đức - đạo lí có Vùng sâu và Seo Sơn; hướng đi vào vương quốc con người cá nhân có Cuộc đời ngoài cửa, Người thứ hai; hướng phản tư xã hội - lịch sử gồm Hát, Mảnh vỡ của mảnh vỡ.

Những câu chuyện được kể qua các tác phẩm này, từ “đời thường” trong dòng thời sự chính trị - xã hội đến “đời thường” của những thân phận đã kinh qua “chiến tranh và hòa bình”, từ những thăng trầm về địa vị đến suy đồi về nhân cách, từ các mối bận tâm về công bằng, lẽ phải, đạo lí sống đến các mối bận tâm về giá trị, ý nghĩa cuộc đời và sự hoàn thiện bản thân - tất cả đều là những câu chuyện về số phận, nổi bật theo nhiều cách khác nhau của người Việt đương đại. Các tác phẩm này đi theo hai lối kể chuyện tiêu biểu: một bên là lối kể dựa vào “hình thức” của cuộc đời nhân vật, theo đó số phận nhân vật gắn với theo dòng biến thiên sự kiện xã hội khá đậm nét như ở Gã tép riu, Dư chấn 3,5 độ richter và Vùng sâu; một bên là lối kể dựa theo đặc điểm của hình ảnh nhân cách ở các nhân vật, kể cái “nội dung” của những số phận đó - như Bác sĩ trưởng khoa, Đốt trúc, Hát, Cuộc đời ngoài cửa, Người thứ hai, Mảnh vỡ của mảnh vỡ - trong đó, về chỉnh thể tiểu thuyết có hai cuốn đặc biệt ấn tượng là Hát và Mảnh vỡ của mảnh vỡ.

Lối kể bám theo các nội hàm của hình ảnh nhân cách đã cho thấy ưu thế văn học so với lối kể chú trọng phần ngoại diên của những hình ảnh đó. Trường hợp tác phẩm Đốt trúc là thí dụ rõ rệt. Tiểu thuyết này gồm hai phần, dựng lên hai câu chuyện số phận Hoàng Hữu Nguyên và Huỳnh Minh Cường theo kết cấu nhân - quả, số phận thứ nhất tác thành số phận thứ hai. Tuy nhiên, phần thứ nhất thành công trong việc tái hiện một nhân cách độc đáo, mạnh mẽ sáng suốt, với lối kể “nội dung” bề dày lịch sử của nhân cách đó, thì phần thứ hai dẫu có quy mô dung lượng ngang bằng phần trước, không gian hành động của nhân vật rộng lớn hơn, lại yếu hơn hẳn về tính cách nhân vật, do câu chuyện đời Huỳnh Minh Cường trở nên một minh họa rực rỡ cho mô hình quen thuộc về biến chuyển xã hội thời mở cửa đổi mới. Số phận này thật may mắn nên khiến nó chứa đựng nhiều rủi ro trên phương diện văn học.

 
56b0714b9535d
 
Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Nguyễn Trí Huân trao giải
                  cho các tác giả đoạt giải Cuộc thi tiểu thuyết 2011-2015 
      Ảnh: TL
 

Giữa hai lối kể thì Bác sĩ trưởng khoa và Seo Sơn đạt được sự cân bằng, đặc biệt là ở câu chuyện dày dặn và rất sâu sắc về các bác sĩ. Nhân vật bác sĩ Trần Tử Khang được xây lên giàu tính biểu tượng. Sinh trưởng trong một gia đình giàu có, ông nội là một thầy thuốc tài năng mẫu mực, cha hi sinh từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Khang được giáo dục chu đáo từ gia đình đến trường học, vào chuyên môn được thụ giáo những bác sĩ giáo sư hàng đầu ngành y Việt Nam; trở thành một trong những bác sĩ ngoại khoa được lựa chọn đào tạo cho chiến trường và qua thử thách ác liệt mà thành một “con dao” ưu tú, một bác sĩ chuyên khoa ngoại cấp một, mà rốt cục lại chịu số phận hẩm hiu, ngậm ngùi trong đời hòa bình. Đó là một hình ảnh nhân cách trí thức giàu tính lí tưởng và biểu trưng lịch sử, phần nào gợi nhớ hình tượng bác sĩ Zhivago. Ẩn dụ bao trùm của tiểu thuyết này hàm chứa trong tập hợp những hình ảnh nhân cách của các bác sĩ tài năng và đức độ đối diện một nhóm bác sĩ kém cỏi, tham lam, y đức thấp ở nhiều mức độ khác nhau; hàm chứa trong sự lẻ loi một cách kiên định, khác biệt của Khang với các nhân vật gần gũi mật thiết với anh nhưng lại thuộc về đám đông, theo kiểu sống của “xu thời mới”.

Tiểu thuyết Seo Sơn cho thấy tính chân thực văn chương có thể giúp cân bằng lối kể nghiêng về “hình thức” của số phận nhân vật như thế nào. Ít có sáng tác văn xuôi gần đây mô tả vừa mạch lạc sinh động vừa có tính khái quát những lựa chọn làm người trong xã hội đương đại như tác phẩm này. Trong Seo Sơn, lựa chọn đó nổi bật qua hai nhân vật Triệu Văn Cưởi và Hà Trọng Căn. Xuất thân họ Nguyễn, không cha, theo mẹ lên miền ngược, nhân vật Cưởi khi còn là học trò đã biết dùng mánh lới để được một cán bộ uy tín địa phương nhận làm con nuôi và được đổi theo họ Triệu, thành ra một Triệu Văn Cưởi. Từ đó, hắn nhằm hướng quan lộ tiến thân; khéo trốn nghĩa vụ quân sự mà vẫn thành một đảng viên; khéo nắm bắt tâm tư tộc người mà thành cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở có tiếng tăm; khéo mưu mô lấy được con gái bí thư huyện ủy, trở thành “phò mã” của huyện; gian ngoan dùng chuyện tình cảm của mẹ mình mà “bẫy” được một cán bộ lãnh đạo thành “ô dù” và “bệ phóng” cho mình. Thành tựu đời quan chức của Cưởi là “cơ bản đã phá xong rừng”. Cưởi cũng đi trước đón đầu âm thầm ôm tiền bán lậu rừng về Hà Nội mua nhà khi còn chưa mấy ai biết nhà đất Thủ đô có thể mua bán. Và cũng tiền ấy Cưởi dùng đưa một nhân vật lưu manh đô thị vào làm việc trong doanh nghiệp nhà nước do y điều hành, làm kẻ thân tín giúp y thao túng sự nghiệp công. Nhân vật cựu chiến binh Hà Trọng Căn thì ngược lại, bỗng nhiên xin nghỉ công tác về làm một nông dân bình thường. Căn cũng chuyển biến thành doanh nhân thời thị trường nhưng đi lên từ chỗ phục hóa đất hoang, phát triển cộng đồng nông thôn miền núi, gây dựng lại vị thế kinh tế và con người của đất quê hương giàu tiềm năng sản vật. Seo Sơn đã tái tạo thành công một hình mẫu có tính phúng dụ cao về một lớp người ở thời đổi mới mở cửa: lớp doanh nhân vốn là cán bộ, có óc thực dụng nhạy bén, biết khai thác vô tội vạ các nguồn lực quốc gia miễn sao mình có phần thủ lợi. Và cái kết thúc bi thảm của số phận Triệu Văn Cưởi đã được xây nên rất hợp lí, có tình người, nhất quán về bề sâu một hình ảnh nhân cách.

Trong chừng mực nhất định, các tác phẩm như Bác sĩ trưởng khoa, Đốt trúc hay Seo Sơn khá gần gũi với các tác phẩm có khuynh hướng phản tư lịch sử - xã hội như Hát và Mảnh vỡ của mảnh vỡ. Tiểu thuyết Hát nghiêng hẳn về lối kể một vương quốc cá nhân: xoay quanh và đi sâu vào cuộc đời hàng ngày của nhân vật Kỷ, một gã trung niên, khá giả, tinh tế về khẩu vị tinh thần, sống thư thả giữa đô thị lớn phồn hoa nhất nước. Nhịp đời ung dung đến mức ngầm chứa rõ rệt một trạng thái vật vờ của nhân vật Kỷ gợi lên một lát cắt ảm đạm hình ảnh của tầng lớp trung lưu đô thị mới (cũng một ấn tượng gần như thế gợi lên ở tiểu thuyết Cuộc đời ngoài cửa). Ngược với bề ngoài ung dung đó là một tâm thế lo âu dai dẳng, vừa hiển hiện vừa mơ hồ, cùng sự đeo đuổi xem chừng ám ảnh với môn ca trù, với các ca khúc hoài niệm… khiến hình ảnh Kỷ hàm ngụ một phản đề vừa từ bên trong vừa từ bên ngoài với cái lớp trung lưu hiện hữu kia. Với giọng kể khách quan, lối trần thuật giản lược trên cấu trúc chương đoạn phức hợp tỉ mỉ làm nổi rõ các động thái và sắc thái chính yếu ở nhân vật, đã giăng ra một tấm lưới văn chương có hiệu quả khiến tác phẩm này không phải đặt ra vấn đề mà đặt ra câu hỏi về thân phận con người trong thời hiện đại.

Câu hỏi từ một cuốn tiểu thuyết nảy sinh một cách tự nhiên từ chỉnh thể tác phẩm, hơn là một hay những câu hỏi hiển ngôn trong tác phẩm truyện kể ấy hay suy ra từ đó. Về chỉnh thể tác phẩm, tiểu thuyết Mảnh vỡ của mảnh vỡ dường như ứng đáp với lời nhân vật Phan, một cựu biệt động thành, khuyên nhủ nhân vật Thanh vợ nhân vật Quang đồng đội cũ của mình: “Chúng ta cứ như những mảnh vỡ, thậm chí là mảnh vỡ của mảnh vỡ… phải học cách hàn gắn những mảnh vỡ, chữa lành những vết thương tâm hồn”. Kha, nhân vật chính của tiểu thuyết, là một giáo chức từ chế độ cũ trước năm 1975. Phan, cựu sinh viên y khoa, theo kháng chiến, và những nhân vật khác trong nhóm bạn bè sinh viên của họ như Quang, Long, Mây, Huy - tất cả là những trí thức trẻ, cùng trải nghiệm nhiều đổ vỡ sự nghiệp, tình yêu và hôn nhân trong thời hậu chiến khó khăn khắc nghiệt. Nhưng nếu chỉ có thế thì vì sao Phan, một nhân vật gây ấn tượng đặc biệt thuyết phục về nhân cách và suy nghĩ, lại thấy số phận bọn họ “cứ như những mảnh vỡ…”. Hãy thử xem một trường hợp “phụ” của nhân vật Long. Long tình cờ rơi vào một căn hầm với Duyên, trong lúc bị pháo kích, anh định cứu cô lên thì hầm bị đá vùi. Sau những cố gắng tuyệt vọng, họ hầu như chỉ còn chờ chết, và lúc ấy Duyên bảo Long hãy “yêu em đi”. Khi được cứu lên, đường đời họ đi hai ngả: Duyên thành vợ một sĩ quan chỉ huy, rồi ra Bắc; Long bị ám ảnh vì tình yêu với Duyên, không thể có hôn nhân bền vững nào. Vài chục năm sau, anh bỗng được Duyên nhắn ra Hà Nội gặp mặt. Đứng trước nơi Duyên hẹn anh, một thanh niên trẻ chặn Long lại. Thanh niên tên Hoàng, con trai của Duyên, đã được người mẹ đang bệnh nan y tiết lộ về người cha thực sự của cậu. Chuyện này hoàn toàn không có cái kết mùi mẫn hay có hậu, mà kết lửng, một cách hợp lẽ. Nó cho thấy nhân vật Hoàng, chỉ xuất hiện trong một cảnh không dài, tiếp tục là một “mảnh vỡ” nữa - nói theo chữ thời thượng, là một mảnh vỡ “3G”.

Những câu chuyện trong tác phẩm này rất đa dạng về tình huống, và đặc biệt cả về các thân phận hết sức khác biệt, song đã cùng nhau tạo nên một chỉnh thể khiến cho cái ý tưởng - hình ảnh về “mảnh vỡ” trở nên sâu xa và lấp lánh đa diện. Chỉnh thể đó, rất tự nhiên, đặt ra không chỉ một câu hỏi.

Nhìn chung, các tác phẩm được giải ở cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã cho thấy một số mẫu hình nổi trội về thực tế “lấy con người làm trung tâm” của văn chương đương đại nước nhà. Trong đó, vài tác phẩm đã có tính dự báo rõ rệt, trước hết là dự báo sự xuất hiện của những sáng tác ngày càng tương xứng sâu sắc hơn với tính chân thực của lịch sử hiện đại và chân dung người Việt hiện đại.
N.C.H
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)