Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Patrick Modiano - nhà khảo cổ bằng văn chương

Thứ Năm, 27/09/2018 00:32
.  HÀN HOA
 
modiano couv 03
Nhà văn Patrick Modiano
Ngày 9 tháng 10 năm 2014, Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển đã trao giải Nobel văn học cho Patrick Modiano, tôn vinh tiểu thuyết gia người Pháp với những tác phẩm đầy tính lịch sử và nỗi ám ảnh về những trải nghiệm đau thương của người Pháp trong thời kì bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Viện Hàn lâm Thụy Điển nói họ muốn tưởng thưởng “nghệ thuật của kí ức” của Patrick Modiano, mà với nghệ thuật đó ông đã “gọi lên những định mệnh không thể nắm bắt và phơi lộ cái thế giới nhân sinh của cuộc chiếm đóng”. Peter Englund, thư kí trọn đời của Viện, đã so sánh ông như là “Marcel Proust của thời đại chúng ta, lui lại quá vãng” bằng những câu chuyện “luôn luôn đa dạng trên cùng một chủ đề: về kí ức, về mất mát thất lạc, về bản sắc, về sự kiếm tìm”.

Modiano ưa nói rằng kí ức của ông đã có trước khi mình chào đời. Sinh ngày 30 tháng 7 năm 1945 tại Boulogne-Billancourt, một khu ngoại ô của Paris, ông thuộc về một lứa được hoài thai trong thời chiếm đóng của quân Nazi Quốc xã trong thế chiến II. Mặt khác, gia đình nơi ông sinh ra rất phức tạp và điều đó làm tiền đề cho nỗi ám ảnh suốt đời của ông về thời kì đen tối trong lịch sử nước Pháp. Cha của ông, Alberto Modiano, một người Ý gốc Do Thái là một người gần với các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Mẹ của ông, Louisa Colpeyn, là một nữ diễn viên gốc Hà Lan, “một cô gái đẹp với trái tim cằn cỗi” - như sau này ông kể lại - đến Paris trong thế chiến II, làm việc cho một hãng sản xuất phim. Sau khi học xong bậc phổ thông, Modiano vào học trường Lycée Henri-IV tại Paris. Ông theo những bài giảng riêng trong môn hình học của Raymond Queneau. Modiano bị ám ảnh bởi lối giáo dục gia đình mà ông thấy là quá lạnh lùng. Vào thời đó, khi ông hỏi xin cha ông ít tiền, người cha bèn gọi cảnh sát. Rồi em trai ông, Rudy, đã mất sớm, năm 1957, khi ông còn là một thiếu niên. Trong một lối kể đầy chất tự truyện, ông đã đặt cuộc đào thoát của riêng mình vào tuổi mười bốn, từ một chuyến xe đến trường. Ông đã xa gia đình khi còn là một đứa trẻ, không phải vì cha mẹ ông canh giữ mà bởi họ không đủ quan tâm để mà giữ. “Tôi là một con chó tự cho là mình có một dòng dõi”, ông nói điều này trong cuốn Gia phả, kể về kí ức của ông về buổi đầu đời, xuất bản ở Pháp lúc ông gần sáu mươi tuổi. Khi mười bảy tuổi, Modiano đã phá vỡ tất cả các mối quan hệ với cha mình, người đã chết mười lăm năm sau đó và được kể đến trong nhiều tác phẩm của ông. Rời khỏi gia đình, ông đi lang thang khắp Paris, bán sách để kiếm tiền. Ông đã học cách sao chép chữ viết tay của các nhà văn nổi tiếng như Paul Valéry và Alain Robbe-Grillet và giả mạo các lời đề tặng sách. “Đó là một giai đoạn hỗn độn kì quặc”, Modiano nói.

Người thầy dạy toán của Modiano, nhà văn cách tân nổi tiếng Raymond Queneau đã lưu ý chàng trai Patrick về tài năng văn chương hé lộ của cậu, và chàng trai bắt đầu tập trung viết. Vào năm 1968, Patrick Modiano có tác phẩm đầu tay với tư cách một nhà văn, cuốn Quảng trường Ngôi sao (La Place de l’Étoile) đề cập trực tiếp đến mối hổ thẹn đầy thương tổn về vấn đề Do Thái, một tiểu thuyết đã lập tức thu hút nhiều chú ý. Quảng trường Ngôi sao xuất hiện trong “bộ ba tiểu thuyết về cuộc chiếm đóng” của Modiano. Cái tên của tiểu thuyết này là một trò chơi chữ chua chát. Nếu trong thời chiến tranh, bạn hỏi một người Do Thái rằng Quảng trường Ngôi sao ở đâu, người đó có thể chỉ vào đám đường phố chằng chịt quanh Khải Hoàn Môn, một trong những phố đó có trụ sở chính của Gestapo(1) ở Pháp, hoặc chỉ vào ngôi sao màu vàng trên ngực (người Do Thái bị Quốc xã Đức đánh dấu bằng hình một ngôi sao vàng). Nhân vật Do Thái trong tiểu thuyết này là Raphael Schlemilovitch, một người bị bệnh lao, rất trí thức và là một tay chơi, không ngừng nghỉ kể xuyên cái lịch sử cay độc của đời mình. Anh ta ngủ với Eva Braun, bán những cô gái thuần Pháp làm nô lệ tình dục và đầu quân cho Gestapo để mạo hiểm cho vui… Schlemilovitch dâm đãng, thuộc một nhóm bài Do Thái nguy hiểm. Nhân vật này dàn dựng một vở kịch, trong đó có cảnh một đứa con trai mặc đồng phục S.S. cố bóp cổ người cha đội mũ chỏm (mũ đặc trưng đàn ông theo Do Thái giáo) của nó. Với tác phẩm này, người ta cho rằng Modiano muốn “tấn công” vào phần kí ức Pháp, vẫn còn bị che chắn vào thời điểm đó - hai thập kỉ sau chiến tranh - về cuộc tàn sát người Do Thái Pháp.
 
Boulouque, một nhà nghiên cứu ở khoa Nghiên cứu Do Thái tại Đại học Pennsylvania, nói rằng trong ba chục cuốn tiểu thuyết của mình, Modiano đã trở đi trở lại với cùng chủ đề: sự kéo dài của quá khứ, mối đe dọa của biến mất. Boulouque tin rằng “tiểu thuyết gia có bổn phận đạo đức trong việc ghi lại dấu tích của những người đã biến mất, những người bị biến mất”. Các tác phẩm của Modiano, như vậy, tập trung vào những chủ đề như hồi ức, sự biến mất trong quên lãng, bản sắc và nỗi bất hạnh vì cảm giác có tội. Nhiều tiểu thuyết của Modiano lấy khung cảnh ở Paris thời tạm chiếm, với những hợp tác và kháng chiến. Thành phố Paris thường hiện diện trong văn của ông và hầu như có thể coi là một thành tố tham gia sáng tạo. Khá thường xuyên những câu chuyện của ông được xây nên trên nền một chân dung tự truyện, hoặc trên những sự kiện đã xảy ra trong thời chiếm đóng. Các tiểu thuyết của ông thể hiện một quan hệ thân thích giữa chúng với nhau và sự thể là những chương đầu được kéo dài hay những nhân vật xuất hiện lại trong những câu chuyện khác. Thành phố quê hương của tác giả và lịch sử của nó thường giúp vào việc nối các câu chuyện lại với nhau. Hết lần này lần khác, ông quay lại cùng những cái tên, địa điểm và sự kiện, những “mẫu hình”, như ông nói “trên một tấm thảm dệt trong khi nửa thức nửa ngủ”. Những cuốn sách đồng vọng lẫn nhau, mâu thuẫn và khuếch đại cho đến khi chúng dường như là một tác phẩm duy nhất.

Ông đôi lúc lấy chất liệu cho những tác phẩm của mình từ các cuộc phỏng vấn, những bài báo hay những ghi chép của riêng ông tích tụ qua suốt những năm dài. Một tác phẩm có tính tư liệu, là Dora Bruder (1997) viết nên từ một câu chuyện thật về một cô gái Paris mười lăm tuổi bị đưa đến lò thiêu. Trong các tác phẩm của Modiano, cuốn sách hé lộ rõ nhất tư cách một tiểu sử tự thuật là Un Pdigree (Gia phả) xuất bản năm 2005. Theo Henri Astier, trên phụ trương Văn học thời đại (Times Literary Supplement), thì: “Cuốn sách mới này của Patrick Modiano là cuốn gây bối rối nhất cho đến nay… Phong cách giản dị chặt chẽ của ông tạo một hiệu quả kinh ngạc, khi nó lôi người đọc theo hai hướng đối lập. Một mặt, bản tính cá nhân tính của chủ đề - đặc biệt là nỗi khao khát không thành của ông về tình yêu của cha mẹ - khiến văn của ông còn cay đắng hơn. (...) Gia phả gây bối rối bởi vì nó cố tình lảng tránh những phạm trù quen thuộc. Chẳng phải hư cấu cũng không thẳng thừng một tiểu sử tự thuật, đây là một cuộc thăm dò đột phá cái biên giới giữa hai thể loại đó”.

Cho đến nay đã xuất bản khoảng ba mươi tác phẩm ở nhiều thể loại nhưng phần lớn là các tiểu thuyết ngắn, Modiano có lần thú nhận ông yêu thích tất cả những gì bí ẩn. “Càng nhiều thứ vẫn còn trong tối tăm và bí ẩn, thì sự vụ càng làm tôi quan tâm. Tôi thậm chí còn cố sức tìm ra cái bí ẩn trong những thứ không có gì bí ẩn”. Và tựa như tôn vinh thiên hướng về những bí ẩn đó, nảy sinh thuật ngữ “modianesque” - từ cái họ Modiano, được dùng khi đề cập đến một người hay một tình huống đặc biệt mơ hồ. Động lực thúc đẩy của Modiano là nhu cầu cần phải biết: ý muốn mạnh mẽ muốn đào sâu những thông tin bị che giấu hoặc đã mất đi. Nếu sự thúc đẩy đó có ý nghĩa đạo đức rõ ràng khi áp dụng cho kí ức u ám của nước Pháp về sự phức tạp thời chiếm đóng, thì nó lại sinh ra từ một sự thúc đẩy nguyên sơ hơn so với đạo đức. “Tôi biết những câu chuyện cuộc đời trong khuất bóng này không phải với bất kì ai cũng là mối quan tâm lớn, nhưng nếu tôi không viết ra, không ai khác sẽ làm điều đó” - nhân vật kể chuyện trong Ring Roads (Đường Vành Đai, năm 1972), cuốn tiểu thuyết thứ ba của ông, nói vậy. Những bóng khuất cần xem xét, chẳng hạn, là một nhóm những kẻ trục lợi chiến tranh thối nát - tay nhà báo chuyên tống tiền đang tuyệt vọng sợ bị vỡ nợ; người đàn bà đài các lả lơi đã khởi đầu từ một vai gái bao dành cho khách đi tàu hỏa đường dài; tay lê dương tàn bạo, một lái buôn chợ đen và là kẻ căm ghét người Do Thái. Những lóe sáng soi rọi sự yếu đuối của con người đã tạo nên sức nặng cho những hư cấu của tiểu thuyết.

Patrick Modiano nói thời kì chiếm đóng như là “mảnh đất mà tôi được gieo vào và lớn lên ở đó”. Những bản tái tạo Paris thời chiến của ông đầy những chi tiết dụng công tỉ mỉ - những tên phố, tên các quán cà phê, những ga tàu điện ngầm và những sự kiện đời sống hàng ngày vào thời đó - khiến ông được gắn biệt danh là nhà khảo cổ bằng văn chương.
Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Le Figaro, Modiano cho thấy rằng viết văn là một gánh nặng hơn là một niềm vui cho ông. “Trong một thời gian dài tôi đã có một giấc mơ cứ đều đặn quay lại - tôi mơ tôi không phải viết thêm gì nữa, rằng tôi được tự do. Tôi không có tự do, than ôi, tôi vẫn đang dọn dẹp một vùng đất ấy, với ấn tượng rằng việc này sẽ không bao giờ kết thúc”, ông nói. Ông cũng mô tả những rắc rối của mình khi ông lần đầu tiên bắt đầu như một nhà văn: “Gần đây tôi nhìn lại những bản thảo đầu tay của mình và không ngờ chúng thiếu không gian, thiếu hơi thở đến thế. Đó chính xác là cảm giác của thời điểm ấy, lúc đó… tôi như đang bị bóp đến ngạt thở”. Nhưng ông vẫn kiên trì và đã nhận được phần thưởng nhiều hơn cho những nỗ lực của mình. Modiano so sánh việc viết văn như việc lái xe trong sương mù: “Bạn không biết bạn đang đi đâu, bạn chỉ biết bạn phải tiếp tục”.

 H.H
______
 
1. Lực lượng cảnh sát bí mật do Đức  Quốc xã lập ra.                                      

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)