Bình luận văn nghệ  Phê bình văn nghệ

Điện ảnh gắn kết Ấn Độ và Pakistan?

Thứ Năm, 08/10/2015 22:28
Một bộ phim Bollywood gần đây có sự tham gia của ngôi sao Salman Khan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ tốt đẹp giữa Ấn Độ - Pakistan. Nhưng điện ảnh liệu có thể mở đường cho tình hữu nghị lâu dài giữa hai nước Nam Á này?

Bajrangi Bhaijaan, phim mới nhất của siêu sao Bollywood Salman Khan, do nhà làm phim trẻ Kabir Khan đạo diễn, kể lại câu chuyện một người Hindu đã phải vượt qua biết bao rào cản, khó khăn để giúp đỡ một cô gái Hồi giáo Pakistan đoàn tụ với gia đình tại Kashmir. Bộ phim không những thành công lớn tại các phòng vé, mà còn nhận được nhiều khen ngợi cả ở Ấn Độ và Pakistan. Bajrangi Bhaijaan là một phần quan trọng trong kỷ nguyên mới của ngành điện ảnh Ấn Độ và Pakistan. Bộ phim nhấn mạnh nền tảng văn hóa, lịch sử chung của hai quốc gia này, hơn là chiến tranh và hận thù. Điều gì đã làm nên thay đổi đó? Các nhà phê bình cho rằng, hiện tượng này liên quan đến quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở cả hai nước và sự phát triển của truyền thông xã hội tại tiểu lục địa Ấn Độ. Giới trẻ hai nước tương tác với nhau nhiều hơn.

Poster quảng cáo phim Bajrangi Bhaijan
 
Theo Ayesha Siddiqa, một tác giả xuất chúng của Pakistan, những bộ phim như Bajrangi Bhaijaan nhắc nhở người Ấn Độ và Pakistan về sự gần gũi địa lý giữa hai nước. “Người bạn thân nhất của Pakistan là Trung Quốc, nhưng người Pakistan xem phim Bollywood, chứ không xem phim Trung Quốc. Tuy nhiên, phần lớn người dân hai nước lại biết quá ít về nhau”. Trả lời phỏng vấn trên trang web DW, Ayesha Siddiqa cho biết: “Trong bối cảnh này, Bajrangi Bhaijaan đơn giản đề cập đến câu chuyện một người bình thường có thể gặp những việc bất khả kháng, đòi hỏi phải có sự hợp tác, đánh bại tư duy quan liêu tồn tại hàng thập kỷ nay. Nó đòi hỏi chủ nghĩa nhân văn hơn là chủ nghĩa dân tộc, để tôn trọng nhau”.

Không ít thanh niên Ấn Độ và Pakistan mong muốn hai nước cần chôn chặt quá khứ đau thương. Những người Pakistan trẻ và tự do đều tin rằng, điều quan trọng là tập trung vào hiện tại, không được dừng ở quá khứ. Pakistan cần thoát khỏi những khác biệt về tôn giáo và cải thiện quan hệ với Ấn Độ cũng như các quốc gia khác trong khu vực. Họ không tin Pakistan có thể thịnh vượng nếu không thiết lập hòa bình với các nước láng giềng. Wajahat Malik, nhà làm phim tài liệu Pakistan khẳng định: cách tốt nhất để người Ấn Độ và Pakistan gần nhau hơn là tương tác. “Tương tác giữa người với người, hợp tác trong thương mại, du lịch là giải pháp để cải thiện quan hệ Ấn Độ - Pakistan lúc này. Khi người dân gần gũi nhau, đất nước vì thế cũng hòa hợp”.

Mặc dù vậy, nhà văn Ấn Độ Tasneef Haidar, người đang sở hữu nhiều tác phẩm thơ lớn bằng tiếng Urdu (ngôn ngữ sử dụng ở cả Ấn Độ và Pakistan) không mấy lạc quan về những nỗ lực trên lĩnh vực văn hóa Ấn - Pakistan hướng đến hòa bình và hòa hợp. Ông nói: “Tôi không nghi ngờ về việc nhiều người trẻ của cả hai nước muốn cải thiện mối quan hệ, nhưng cơ hội rất nhỏ. Tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc đã hợp nhất trong chính trị của chúng tôi, và nó là một trở ngại lớn”. Nhà báo Pakistan Abdul Agha đồng tình: “Trao đổi văn hóa giữa hai nước không phải là một hiện tượng mới. Những bộ phim như Bajrangi Bhaijan là cầu nối, nhưng đến nay vẫn chưa tạo được phong trào. Mọi người xem phim, nói về hòa bình và tình yêu, nhưng không thấy cần gây áp lực với Chính phủ từ bỏ lòng thù hận. Điện ảnh đã phản ánh sự thay đổi trong mối quan hệ Ấn Độ - Pakistan, nhưng như thế là chưa đủ. Cuộc sống thực tế là trở ngại rất khó vượt qua”.

 Shivam Vij, blogger, nhà phê bình xã hội người Ấn lại cho rằng, có cả lý do thương mại đằng sau tình yêu trong phim Bollywood thời gian gần đây của người Pakistan. “Phải lưu ý điều quan trọng này, Pakistan là thị trường lớn thứ 6 của Bollywood. Điều này có nghĩa là Bollywood có lý do tài chính gián tiếp để không làm phim chống Pakistan nữa”.


Nguồn: Đại biểu nhân dân (Thanh Hà)
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)