Niềm tin, lý tưởng- giá trị cốt lõi, hiện trạng, giải pháp

Thứ Tư, 20/03/2019 00:01

. THANH LOAN

Với quan niệm lý tưởng, niềm tin là hạt nhân của tinh thần yêu nước, bài viết này là sự triển khai, là sự cụ thể hóa theo quan điểm trên, dĩ nhiên từ góc nhìn cá nhân.

1. Niềm tin, lý tưởng – giá trị cốt lõi.

Lý tưởng, niềm tin luôn là điểm tựa tinh thần trong cuộc sống mỗi người, mỗi cộng đồng. Người ta yêu nhau trước hết là vì tin nhau: “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu đèo cũng qua”. Yêu nhau, tin nhau thì “củ ấu cũng tròn”. Các cụ ta dùng chữ “thuận” để nói về những cặp vợ chồng cùng chung mục đích ước mơ, yêu nhau, tin nhau thì có thể vượt qua mọi trở ngại, dù khó khăn gian khổ đến mấy: “Thuận vợ thuận chồng bể Đông tát cạn”. Trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt thì vấn đề lý tưởng niềm tin luôn giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong các cuộc kháng chiến. Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần chính là một biểu hiện về niềm tin và quyết tâm không gì lay chuyển, cũng là thể hiện một khí phách ngút trời cả nước đồng lòng đuổi giặc Nguyên. Thời đánh giặc Minh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi được dân tin, quân mến “Nhân dân bốn cõi một nhà dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới”, “Tướng sĩ một lòng phụ tử…” nên mới có thể làm nên “cỗ nhung y chiến thắng”. Một trong những nguyên nhân cơ bản đã giúp dân tộc ta “đánh thắng hai đế quốc to” Pháp và Mỹ là nhân dân ta tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo thiên tài của Bác Hồ, của Đảng. Nhìn rộng ra trên thế giới chưa thấy dân tộc nào trở nên hùng cường tự chủ mà dân tộc đó lại thiếu lý tưởng, niềm tin. Ở phương diện con người cá nhân thì nếu mất lý tưởng, niềm tin là mất tất cả: “Tưởng giếng sâu em nối sợi dây gầu dài. Ai ngờ giếng cạn em tiếc hoài sợi dây”. Em tưởng anh “sâu sắc” nên trao gởi tình yêu. Ai ngờ anh “nông nổi”, em tiếc cho niềm tin, ước mơ, khát vọng của mình, tiếc cho thời gian nuôi dưỡng tình yêu. Mà những thứ đó thì một đi không trở lại, không bao giờ lấy lại, nhất là tuổi xuân người con gái có thì…Đặt ý tứ bài ca dao này vào hoàn cảnh xã hội phong kiến xưa sẽ càng thấy nỗi đau đắng đót sâu thẳm của những cô gái có thể bị lỡ làng cả cuộc đời vì bị mất niềm tin vào một người con trai nào đó. Ngược lại, có lý tưởng, niềm tin là có tất cả, chúng luôn là cơ sở là động lực để thúc đẩy những phẩm chất khác, như dũng cảm, kiên trì, tự tin, đức hy sinh…Triết lý của câu chuyện ngụ ngôn cổ “Ngu công dời núi” là nói tới điều này. Phải cháy bỏng một khát vọng, phải tuyệt đối một niềm tin, tin vào mình, tin vào thế hệ con cháu mà ông lão mới có thể vượt qua sự già yếu của tuổi tác để cứ ngày này sang ngày khác tự mình bạt núi…

Như vậy những sự kiện và câu chuyện trên cũng tự nó cắt nghĩa các khái niệm về lý tưởng, niềm tin. Đó là hoài bão, là ước mơ, là sự trao gửi những điều tốt đẹp nhất, quý giá nhất của mình. Tìm được lý tưởng, niềm tin tức là tìm được sức mạnh, tìm được điểm tựa tinh thần trong cuộc sống. Các chiến sỹ cộng sản thời kỳ tiền khởi nghĩa sẵn sàng chết, sẵn sàng chịu tù đày vì họ có lý tưởng “Mặt trời chân lý”, có niềm tin cùng với giai cấp cần lao để “gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”…

Đây là vấn đề không mới nhưng vẫn đặt ra để khẳng định: Lý tưởng, niềm tin là những giá trị hàng đầu trong hệ giá trị con người. Mỗi thời đại đều có lý tưởng, niềm tin của riêng nó. Phải khẳng định rằng thời của chúng ta hướng theo lý tưởng tốt đẹp của Đảng và Bác Hồ đã chọn: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cụ thể hơn là xây dựng một xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Hiện trạng phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin.

Các tác giả GS.VS Phạm Minh Hạc và GS.TSKH Thái Duy Tuyên trong công trình Định hướng giá trị con người Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập khảo sát 1.389 thanh niên là nông dân và doanh nhân cho biết tỷ lệ phần trăm người trả lời đánh giá các điểm yếu của người Việt Nam hiện nay như sau:

Ăn chơi đua đòi….75, 23%

Xu hướng thực dụng….74, 85%.

Dao động về lý tưởng phấn đấu…63, 81%.

Trốn tránh nghĩa vụ…66, 74%.

Sa vào các tệ nạn xã hội…66, 40%.

Không có ý thức phấn đấu vào Đoàn vào Đảng… 54, 20%...(1).

Chúng ta đang ở trong giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường, dù được điều tiết theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng do mới mẻ, có nơi có lúc còn ở trạng thái thăm dò, tìm hiểu, do vậy chưa thể làm chủ ngay được mặt trái của nó nên vấp phải những khó khăn là đương nhiên, mà cụ thể là xuất hiện những tiêu cực văn hóa xã hội rất khó giải quyết ngay. Biểu hiện rõ nhất là chủ nghĩa vị kỷ, vị lợi đang chi phối một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức và nhân dân. Nó trái với đạo lý truyền thống văn hóa vị tha “Thương người như thể thương thân”, làm rạn nứt bao mối quan hệ ấm áp, trong sáng ở những thời trước đó (nhất là thời cả nước đuổi giặc Pháp và Mĩ).

Ngày nay thanh niên chọn nghề rất thực dụng, chọn nghề nào dễ kiếm được nhiều tiền nhất, được nể trọng, được cung phụng. Thế là dẫn đến tình trạng mở quá nhiều trường đại học, có trường đại học có số lượng thí sinh thi quá đông, có trường lại đìu hiu vắng vẻ. Ngoài xã hội thì là cảnh “thừa thầy thiếu thợ”, mất cân đối nghiêm trọng giữa đội ngũ công nhân tay nghề cao và đội ngũ cử nhân đông đảo nhưng không có việc làm. Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học xong thì cố gắng chen chân vào “biên chế nhà nước”, nếu “phấn đấu” trở thành “cán bộ” thì cố chọn, cố “chạy” vị trí nào có nhiều lợi lộc nhất. Thế là sinh ra nạn chạy chức, chạy quyền.

Các tệ nạn xã hội nhức nhối diễn ra khó kiểm soát: nạn nghiện ma túy, cờ bạc, mại dâm (cả với những người không quá khó khăn về vật chất như một số người mẫu, diễn viên…). Theo số liệu mới nhất từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước có hơn 204.000 người nghiện ma túy, xuất hiện ở 100% các tỉnh, thành phố. Tai nạn giao thông được coi là “quốc nạn” có một nguyên nhân chính là sự ích kỷ lên ngôi, xe tải chở thêm hàng, xe khách chở thêm người, chạy nhanh chạy ẩu. Người đi xe máy, xe đạp vì nhanh chậm một vài giây mà vượt đèn đỏ, lấn đường hoặc không nhường đường cho người khác…Vị kỷ, vị lợi sẽ đẻ ra bệnh vô cảm. Có kẻ gây ra tai nạn thì bỏ chạy. Có kẻ thấy người bị tai nạn đã không cứu giúp còn hôi của. Vị kỷ vị lợi sẽ đẻ ra bệnh dối trá. Làm thật được ít tiền thì làm nhanh, làm ẩu, làm giả. Rồi bệnh ăn cắp. Vì mấy chục nghìn mà có kẻ sẵn sàng ăn cắp nắp cống tiêu nước giữa đường, để rồi vì thế mà có thể sẽ mang tai họa cho nhiều người khác…Thời chống Mỹ người dân miền hậu phương sẵn sàng dỡ nhà mình làm đường cho xe ra tiền tuyến. Vì thời ấy là thời đậm lý tưởng, con người sống say mê với lý tưởng. Còn thời nay,…

Tiêu cực ngoài xã hội cùng với những bất cập trong ngành giáo dục mà dẫn đến môi trường học đường cũng bị ô nhiễm: học không thực chất, ít sáng tạo, ít tư duy, chạy điểm, thuê làm khóa luận, luận văn, luận án…

Con người mất niềm tin vào con người thì sa vào tình trạng hoang mang, không làm chủ được chính mình dễ có những hàng động phi nhân tính.

Nhìn chung xã hội sẽ ngày một thêm sự bất an nếu chúng ta không cùng nhau ngăn chặn, mà cách chính là cùng nhau xây dựng một lý tưởng tiến bộ, niềm tin trong sáng.

3. Nguyên nhân phai nhạt lý tưởng, giảm sút niềm tin:

Theo chúng tôi, có 5 nguyên nhân chính.

Một là cơ chế thị trường. Nói tới thị trường là nói tới tới kinh doanh, quy luật cung cầu, tới lợi nhuận…Những điều này xa lạ với tính cách truyền thống người Việt trọng lễ nghĩa, luôn có xu hướng vươn tới những giá trị tinh thần cao cả hơn những gì là vật chất phàm tục đời thường, do vậy có vẻ kỳ thị với nghề buôn “Thật thà cũng thể lái trâu”. Hơn nữa sống trong cơ chế ấy thì người ta buộc phải thích ứng với nó. Trước đó thì sống trong cảnh bao cấp, trước đó nữa thì là “tự cung tự cấp” (thời phong kiến) đến nay con người ta phải đối chọi với guồng quay đến chóng mặt của cuộc sống vật chất đòi hỏi, thì sao tránh được cảnh “xây sẩm mặt mày” hoang mang, thiếu tự chủ.

Hai là chủ nghĩa kỹ trị lên ngôi sẽ đem lại nguy cơ con người bị nhạt dần nhân tính. Ngay ở lĩnh vực công nghệ thông tin chúng ta cũng thấy con người, nhất là bộ phận lứa trẻ đang tự nguyện làm nô lệ cho những trang mạng xã hội với bao tiện năng hấp dẫn, thu hút. Mặt trái của công nghệ là làm cho người ta lười về tư duy, nghèo về tình cảm, đơn điệu về lối sống, và như vậy sẽ dẫn đến sự trống rỗng về tư tưởng, cùn mòn về cá tính, đánh mất bản sắc.

Ba là tình trạng xâm lăng văn hóa bằng con đường phim ảnh, sách báo và nhất là internet đang biến một bộ phận người Việt thành những người xa lạ trên chính quê hương mình. Internet là một thành tựu của nhân loại, cực kỳ tiện dụng cho những ai làm chủ được nó, để tra cứu, để tham khảo, để học tập…Nhưng mặt trái của nó cũng rất nguy hiểm: trẻ em tò mò xem những trang độc hại về giới tính, bạo lực, kẻ xấu lợi dụng tung những thông tin sai lạc...

Bốn là tình hình dân số tăng nhanh sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy rất khó giải quyết. Xu hướng đô thị hóa sẽ gây mất cân đối giữa nông thôn và thành thị về kinh tế, văn hóa.... Để kiếm miếng ăn người ta phải phá rừng làm rẫy, thế là thảm thực vật quý giá bị bóc đi. Để thêm nguồn điện năng người ta phải ngăn sông làm thủy điện, thế là hệ sinh thái ngàn đời bị phá vỡ...Tất cả những điều ấy là nguyên nhân khiến thiên tai ngày một nhiều hơn. Để thêm nguồn lương thực, thực phẩm, người ta bất chấp cảnh báo về an toàn, nuôi gia súc, gia cầm bằng thức ăn tăng trọng, trồng rau củ thì bón thuốc kích thích...Thế là chất độc hại theo đường ăn uống cứ ngấm dần vào cơ thể...Con người đông lên thì không gian sinh hoạt ngày một thu hẹp. Đất đai, nhà cửa, ruộng vườn ngày một đắt đỏ. Ngày trước người ta có thể tặng láng giềng cả sào đất vườn, ngày nay người ta tranh nhau từng milimét đất. Nhìn chung là con người đang tự mình đày đọa mình, tự mình gây ra những tai họa và cũng tự mình phải đương đầu, phải chịu đựng những tai họa ấy.

Con người bị hít thở khói bụi công nghiệp, phải nghe bao tiếng ồn, phải chứng kiến bao tai họa của nhân tai và thiên tai…Cả thế giới này như dồn lại, co lại, chồng lấn, chèn ép nhau. Thế là cả không gian vật lý và không gian tâm lý đều tạo ra cảm giác chật chội. Mà chật chội thì thường gây khó chịu, căng thẳng. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến con người dễ bị bức xúc trước một vấn đề có khi chỉ là nhỏ nhặt. Từ bức xúc dẫn đến manh động là khoảng cách không xa. Thêm nữa, nhìn từ góc độ môi trường sinh thái tự nhiên, trái đất ngày một nóng lên, cộng với nạn lạm dụng thuốc hóa học trong nông nghiệp, lạm dụng thuốc kháng sinh trong y tế… cũng là nguyên nhân gây nên những dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có căn bệnh thần kinh dễ đẩy con người vào tình trạng bản năng thú tính.

Năm là sự thoái hóa biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Mà cụ thể là “quốc nạn” tham nhũng đang hoành hành. Không ít cán bộ mà sự giàu có tỉ lệ thuận với vị trí chức quyền, chức quyền càng cao bao nhiêu càng giàu có bấy nhiêu. Theo lẽ thông thường thì chỉ có thể chinh phục được người khác bằng chính nhân cách của mình. Những nhân cách tồi tệ lại nằm trong bộ máy lãnh đạo Nhà nước sẽ làm xói mòn niềm tin của người dân với lý tưởng tốt đẹp, trong sáng của Đảng ta.

Sáu là giáo dục. Chúng ta ở trong tình trạng quá lâu với triết lý học để mà thi nên có thể học sinh phổ thông thi quốc tế đạt nhiều giải thưởng, thi tốt nghiệp trong nước thì tỷ lệ cực cao, nhưng thiếu thực chất. Ở các trường đại học và dạy nghề vẫn giữ triết lý ấy nên sinh viên ra trường kém về kỹ năng lao động, khó xin việc. Kết hợp với khủng hoảng kinh tế nên tỷ lệ thất nghiệp lớn. Những số liệu mới nhất cho biết trong 3 tháng đầu năm 2014 Việt Nam có khoảng một triệu người thất nghiệp. Nhìn chung mặt bằng chất lượng nguồn nhân lực thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Nhiều sinh viên về làm việc ở các doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động của người Việt Nam rơi vào mức thấp nhất châu Á, chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 1/15 so với Singapore.

Giáo dục của ta vẫn chưa thoát ra khỏi sự lạc hậu, vẫn phương pháp truyền thống xưa cũ theo kiểu “thầy đọc trò ghi”. Ở cấp tiểu học chữ trò còn đẹp nhưng đến cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì do phải chép lời thầy cô giảng nên trò phải chép nhanh, viết ẩu cho kịp mà dẫn đến chữ xấu. Thành ra thầy cô lại là một nguyên nhân đẩy trò mình xa dần với cái đẹp, vốn là một nhiệm vụ giáo dục - giáo dục năng lực cảm nhận, sáng tạo cái đẹp. Mục đích giáo dục xét kỹ vẫn là nền giáo dục dạy con người ta biết “vâng lời”, thầy nói gì trò làm theo, trái lời thì cho là “thiếu ý thức” hoặc nặng nề hơn là “mất dạy”. Thành ra học trò có thể ngoan nhưng trì trệ về ý thức, xơ cứng về tư duy, ít có tính sáng tạo, kém năng động trong việc phát huy tìm tòi cái mới. Vì không kích thích được sự say mê sáng tạo nên người học chán nản, học đối phó, dẫn đến ngại học, lười học… Mà biểu hiện là chỉ có ở các trường đại học, cao đẳng nước ta mới có điểm được gọi là “điểm chuyên cần”!!! Nhà trường Việt Nam thiên về dạy lý thuyết, nhồi nhét lý thuyết. Chứng minh ngay một việc dạy ngoại ngữ thì thiên về phân tích ngữ pháp ít chú ý tới thực hành nên người học dịch trên văn bản có thể là tốt nhưng giao tiếp xã hội thì lúng túng, nghe kém, phát âm sai nhiều. Ở trường phổ thông lại ít chú ý tới dạy kỹ năng sống. Một điều tra nhỏ của một thầy giáo ở Hà Tĩnh được đăng tải trên các phương tiện truyền thông mới đây cho thấy trong số 45 học sinh lớp 12 biết đi xe đạp thì không em nào biết tự sửa xe, 3 em phân biệt được các chi tiết nhỏ của xe, chỉ 15 em biết nấu cơm, 17 em biết rửa bát…nhưng tất cả đều đi học thêm với mong muốn thi đỗ vào đại học rồi sau này làm cán bộ nhà nước. Như vậy lỗi học trò ít biết về kỹ năng sống (có người gọi châm biếm là “gà công nghiệp”) không chỉ có lỗi ở phía nhà trường mà có cả áp lực từ phía gia đình: phải luyện học, chăm học, ưu tiên gần như tuyệt đối cho việc học để thi rồi sau này làm công chức. Đấy chính là biểu hiện một quan niệm hết sức cổ hủ, lạc hậu “học để làm quan” có từ thời phong kiến xa xưa còn rơi rớt lại.

4. Giải pháp xây dựng lý tưởng, niềm tin trong hệ giá trị con người Việt Nam hôm nay:

Giải pháp chung mang tính chiến lược là xây dựng một xã hội “sống để yêu thương” và một xã hội học tập. Học Bác Hồ là học cách làm người có nghĩa có tình: “nghĩ cho cùng mọi vấn đề là ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị áp bức” (2). Bác Hồ cũng từng nói hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là để sống với nhau có tình có nghĩa. Đấy cũng là đạo lý “Người trong một nước phải thương nhau cùng” của người Việt. Xây dựng một xã hội học tập vừa phát huy truyền thống hiếu học, văn hóa “trọng chữ” vừa khuyến khích mọi người tích cực thu nhận kiến thức mới, học mọi nơi, mọi lúc, không kể tuổi tác…mới có thể giúp con người Việt Nam hòa nhập với đà phát triển như vũ bão của thế giới công nghệ.

Dưới đây là kiến nghị các giải pháp cụ thể.

1- Nhóm giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo

Sống ở xứ sở nhiệt đới khí hậu khắc nghiệt, nhiều thiên tai và lắm địch họa nên người dân Việt phải cô kết lại với nhau thành một khối để lao động và sinh tồn. Họ sống trọng tình, trọng niềm tin, “một điều bất tín vạn sự bất tin”. Dân ta rất thiết tha với Đảng, yêu Đảng và vì Đảng, do vậy Đảng phải đáp lại tấm lòng ấy, phải gần dân hơn, yêu và vì dân hơn, phải nói đi đôi với làm. Điều kỳ vọng nóng bỏng của dân ta hôm nay với Đảng, đặt niềm tin vào Đảng là việc chống tham nhũng triệt để và hiệu quả. Mà tham nhũng thì chỉ có ở những người có chức có quyền. Triết lý muôn đời trước nay, ở bất kỳ thể chế chính trị nào thì cũng “thượng bất chính hạ tắc loạn”, nói theo dân gian thì “nhà dột từ nóc”. Tội tham nhũng không chỉ đục khoét tài sản của Nhà nước và nhân dân, cái nguy hiểm hơn là nó đục khoét lòng tin của dân ta với Đảng, đục khoét vào các giá trị khác như đạo lý, đạo đức, trách nhiệm, bổn phận… Đảng phải lựa chọn cán bộ thực sự là “đầy tớ”, là “công bộc” của dân. Đấy là cách chủ yếu để trong sạch Đảng, có như vậy mới có thể nói được với dân, thuyết phục, tuyên truyền, kêu gọi được dân. Làm sao mỗi cán bộ đảng viên phải là tấm gương sáng để quần chúng, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên lấy đó làm hình mẫu để trau dồi, học tập. Chúng ta phải thấm thía hơn nữa lời Bác Hồ dạy: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” (3). Người nhiều lần nhấn mạnh mỗi cán bộ phải lấy đạo đức cách mạng là gốc: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (4).

2- Nhóm giải pháp văn hóa

Những giá trị văn hóa có từ ngàn năm trong việc giáo dục đạo lý con người cần được nghiên cứu kế thừa, phổ biến. Ví dụ tác phẩm “Hậu tự huấn” của Nguyễn Trãi viết giúp vua Lê Thái Tổ để răn dạy Quốc vương Tư Tề và Thái tử Nguyên Long hay “Nhị thập tứ huấn điều” (1470) do vua Lê Thánh Tông cho công bố 24 điều quy định huấn thị quan lại từ cấp trung ương đến cấp làng xã, rất cần để cán bộ đảng viên hôm nay tham khảo, học tập, tu dưỡng. Rồi “Gia huấn ca” tương truyền của Nguyễn Trãi là những bài học về đạo lý làm người trong gia đình...Có thể khẳng định thời Nhà Lê cực thịnh có sự góp phần không nhỏ của văn hóa đạo lý làm người rất được nhà nước quan tâm chú ý.

Chúng ta đang phải đối mặt với một thực tế về sự “xâm lăng văn hóa” mà bài học ở hầu hết các nước đang phát triển vẫn là tăng cường sức đề kháng văn hóa cho thế hệ trẻ bằng cách đầu tư làm lớn mạnh văn hóa truyền thống; bằng cách giáo dục ý thức, bản lĩnh văn hóa cho học trò ngay từ nhà trường phổ thông.

Hiện nay rất nhiều trẻ em ta mê chơi game trên mạng (mà là những trò độc hại xa lạ với văn hóa Việt) hơn mê học bài, biết tên các danh thủ bóng đá, các tài tử nghệ thuật thế giới hơn là biết các danh nhân văn hóa Việt Nam…Cũng dễ hiểu, vì chúng không có chỗ chơi, không có trò chơi hấp dẫn. Các trò chơi có trong truyền thống hàng ngàn năm như đi kheo, đánh khăng, nhảy dây, chơi đu…phù hợp với thể chất, tính cách người Việt thì hầu như bị quên lãng. Do vậy cần một giải pháp quan trọng là phục hưng văn hóa, tức là làm sống lại những giá trị văn hóa cổ truyền. Nhưng lại xảy ra tình trạng có nơi quá chú ý tới hình thức hơn là chú ý tới nội dung của văn hóa. Ví dụ việc tổ chức lễ hội tràn lan, thiếu chọn lọc nên hội đông mà không vui, tiền thu được thì có thể nhiều nhưng lợi ích văn hóa thì ít thấy. Nhiều người đi hội chỉ chăm chăm cúng lễ, khấn vái…, thậm chí cướp lộc “thánh” chứ không mấy quan tâm tới lịch sử lễ hội, ý nghĩa ngày tưởng nhớ tôn vinh các vị thánh (thần) có công với hậu thế. Như thế thì tấm lòng không thanh tịnh (vì không nhận được bài học giáo dục), không thư thái vui vẻ (vì không được tiếp nhận ý thức thẩm mỹ) vốn là những yêu cầu đặc trưng về mặt tinh thần của lễ hội truyền thống.

Phải có những giải pháp quản lý văn hóa một cách chặt chẽ về mặt nhà nước. Tại sao có quy định hẳn hoi mà vẫn có nhiều sinh viên (là trí thức) khi đến Văn Miếu vẫn sờ, thậm chí còn ngồi cả lên đầu rùa? Tại sao tình trạng “chặt chém” khách du lịch diễn ra thường xuyên? Tại sao lại có thịt thú rừng bày bán la liệt ở khu vực lễ hội lẽ ra phải là một không gian trong lành, chay tịnh, hòa hợp với thiên nhiên…? Vì ý thức kém của con người, và rõ ràng có nguyên nhân từ phía cơ quan chủ quản chưa có một điểm tựa pháp luật để răn đe, xử phạt. Nghĩa là chúng ta phải sớm luật hóa lễ hội, phải có những văn bản pháp quy dưới luật làm căn cứ để quản lý. Không chỉ lễ hội mà còn bao phương diện khác của văn hóa đời sống cần được luật hóa, như chuyện đánh cãi nhau, chuyện đổ rác sai quy định…Những điều này trong Bộ Luật Hồng Đức cách nay đã trên năm trăm năm lại được ghi rất cụ thể. Nhìn sang các nước bên cạnh, như Singapore, Malaixia...luật pháp của họ quy định cụ thể đến chi tiết nhỏ như cãi lộn trên đường phố, hút thuốc sai quy định,...đều bị xử phạt bằng cả hai hình thức, trừng phạt về vật chất (nộp tiền), về tinh thần (ngồi tù)…

Phải tích cực đấu tranh với những biểu hiện lai căng, những sản phẩm độc hại, những hành vi phi văn hóa góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc. Dĩ nhiên tiếp thu truyền thống phải trên tinh thần phản biện, gạn lọc, những cái gì bất cập, cổ hủ, phong kiến, không phù hợp với văn hóa hôm nay cần phải nghiên cứu loại bỏ. Đồng thời với việc kết hợp làm mới những giá trị truyền thống. Lịch sử văn hóa nhân loại chứng minh bất kỳ sáng tác của một nhà văn hóa lớn nào cũng đều được bắt nguồn, khơi nguồn từ truyền thống, nhưng trong những sáng tác ấy đều có những dấu ấn cách tân rất rõ. Hiện nay các khuynh hướng, các trào lưu sáng tác văn học nghệ thuật trên thế giới hay có dở có đang từng bước ảnh hưởng tới nước ta. Chúng ta chấp nhận sự đa dạng hóa trong hướng tiếp cận đối tượng sáng tác, nghiên cứu nhưng làm sao phải đảm bảo yếu tố phù hợp với bản sắc văn hóa Việt, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của người Việt Nam, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của đông đảo quần chúng lao động. Ví dụ gần đây có xu hướng cổ xúy cho lối sáng tạo “hậu hiện đại” trong văn học nghệ thuật Việt Nam. “Hậu hiện đại” là gì? Thực ra đến nay vẫn chưa có khái niệm hoàn chỉnh, đại để đó là hướng sáng tạo đi theo lối phi truyền thống, đẩy sự tìm tòi đi về phía bản năng, hình thành tác phẩm theo lối cắt dán những mảnh vỡ vốn rời rạc, ngôn từ nghệ thuật giải sử thi để quay về cái thông tục, phi lý…Liệu những lý thuyết ấy có ăn nhập gì với mảnh đất văn hóa Việt?

Học tập văn hóa nước ngoài để làm giàu cho văn hóa nước mình, là để làm nổi bật cái nét riêng, nét khác lạ của văn hóa mình. Vì càng toàn cầu hóa người ta càng cần đến bản sắc riêng, nếu không có cái riêng này sẽ bị hòa lẫn vào các sắc màu văn hóa khác. Trào lưu hội nhập chung trên thế giới hiện nay là lấy văn hóa làm hệ quy chiếu, với những giao lưu văn hóa, đối thoại văn hóa, cầu nối văn hóa, xuất/nhập khẩu văn hóa…Một đất nước giàu có trữ lượng, bản sắc văn hóa càng được đánh giá cao, càng được quan tâm chú ý. Càng ngày người ta càng khẳng định chân lý có văn hóa là có tất cả. Văn hóa là đạo đức, đạo đức là văn hóa. Nâng cao văn hóa, làm giàu văn hóa tức là một cách nâng cao và trau dồi đạo đức. Một khi văn hóa được chú ý, được coi trọng thì tự nó là một phương tiện giáo dục đạo đức hiệu quả. Bởi đã là con người thì bao giờ cũng phải hít thở không khí từ hai bầu sinh quyển là tự nhiên và văn hóa. Triết học văn hoá hiện đại rất chú ý tới khái niệm tính người, coi mỗi con người là một cá thể văn hoá phát triển trong một môi trường văn hoá nhất định. Hãy cứ hình dung mỗi cá nhân như một cây xanh tươi tốt là nhờ nó luôn cắm rễ rất sâu vào mảnh đất truyền thống để hút từ đó những dinh dưỡng tinh hoa. Đồng thời cây xanh ấy luôn vươn cao hô hấp, quang hợp ánh sáng, không khí của bầu trời văn hoá đương đại. Nếu cây được trồng ở mảnh đất dù có rất giàu dưỡng chất truyền thống mà thiếu ánh sáng và khí trời của thời hiện đại thì nó cũng còi cọc, và ngược lại.

3- Nhóm giải pháp giáo dục

Chúng ta cần nhanh chóng hòa nhập với trào lưu giáo dục hiện nay của thế giới, nhất là ở các nước có nền giáo dục tiên tiến đều hướng theo khẩu hiệu “Học để biết, học để sống, học để chung sống, học để làm, học để sáng tạo”, tức là sự cụ thể hóa triết lý học để làm người. Phải tạo ra được một môi trường giáo dục lành mạnh, lấy việc xây dựng môi trường giáo dục gia đình làm căn bản. Vì gia đình là tế bào của xã hội, mỗi người từ thuở ấu thơ cho đến lúc trư­ởng thành đều thấm nhuần các chuẩn mực giá trị văn hoá truyền thống từ gia đình. Gia đình cũng là nơi phát hiện sớm nhất và kịp thời ngăn ngừa những hành vi, những hiện tư­ợng xã hội phi đạo đức, vi phạm pháp luật của các thành viên. Phải biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục ở mỗi cá nhân, bởi bản thân mỗi người vừa là chủ thể vừa là khách thể trong quá trình tự giáo dục, điều chỉnh lẽ sống, hành vi. Không ai có thể sống thay ai. Do vậy việc giáo dục một ý thức văn hóa tự làm chủ bản thân mỗi người là rất quan trọng. Hơn nữa nhận thức là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ trong đó chủ thể nhận thức đóng vai trò quyết định. Phải tự mày mò, học hỏi, tự tìm lấy con đường đi cho chính mình thì tri thức thu được mới chắc chắn, mới làm chủ được nó. Nói thế cũng không hề phủ nhận ý nghĩa, giá trị, công lao hướng dẫn, gợi mở của người thầy, nhưng cái chính vẫn là người học, tự học, tự rèn. Không một ông thầy giỏi nào có thể dạy một trò từ kém thành giỏi nếu trò đó không thích học, không chủ động học. Bởi trò đó không có động cơ tiếp thu. Nhưng một trò thích học lại được học thầy giỏi thì sẽ tiến bộ rất nhanh chóng.

Mục đích giáo dục ở nhà trường phổ thông hướng tới là xây dựng nhân cách văn hóa. Cần quan tâm hơn nữa đến việc dạy người trước rồi mới dạy chữ. Cách dạy nhồi nhét kiến thức hiện nay vừa phản khoa học vừa phản văn hóa. Vì nó bắt các em làm người lớn quá sớm, vất vả quá sớm, khôn quá sớm so với độ tuổi cần được chơi nhiều hơn học. Dạy người tức bồi dưỡng một tư cách công dân nhưng ở nhà trường hôm nay lại có tình trạng môn giáo dục công dân chưa được đánh giá đúng, bị coi là môn phụ, thậm chí giáo viên nào dạy cũng được. Văn hoá truyền thống ngấm rất sâu, biểu hiện rất tinh tế ở nghệ thuật truyền thống. Không thể không đưa những nét đẹp văn hoá của nghệ thuật truyền thống vào giảng dạy ở các cấp phổ thông. Chương trình kiến thức giáo dục của ta hiện nay đã quá nặng nhưng cái gì bỏ được thì phải bỏ, còn cái gì là hồn cốt dân tộc thì phải học. Bớt đi những kiến thức khoa học tự nhiên cao siêu mà chưa phù hợp, bớt đi mấy bài học văn học nước ngoài xa lạ, thay vào đó là những áng văn chương dân gian nói về đạo hiếu, đạo nghĩa của người Việt, của con người nói chung… Phải có kế hoạch sớm đưa vào chương trình phổ thông để giảng dạy cho học sinh một số bộ môn nghệ thuật dân tộc truyền thống cơ bản (như hát chèo, hát dân ca...).

4- Nhóm giải pháp luật pháp, hành chính

Nhìn chung trình độ dân trí ở nước ta còn thấp nên phần lớn ng­ười dân chư­a nhận thức đ­ược quyền lợi và nghĩa vụ của mình tr­ước pháp luật. Người dân quen sống trong một môi trường không gian tư­ơng đối biệt lập, khép kín của làng xã với sự tĩnh lặng, ít biến đổi, quen sống và tuân thủ theo lệ làng. Do vậy họ thường có t­ư t­ưởng cục bộ, bè phái, thiếu một nhân cách pháp luật. Bác Hồ từng chỉ ra: quan tham vì dân dại, nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì quan dù không liêm cũng hoá ra liêm. Có nghĩa là khi trình độ dân trí cao, dân biết quyền hạn của mình, có năng lực kiểm tra, giám sát, không những ngăn chặn được hiện tượng “tham” mà còn giúp cán bộ thực hiện đư­ợc tốt phẩm chất “liêm”. Cho nên nâng cao dân trí là điều kiện để nâng cao nhận thức về vai trò của pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho người dân.

Đạo đức là cái gốc của cây nhân cách người. Đạo đức cũng là cái gốc của pháp luật, bởi pháp luật bao giờ cũng bắt nguồn từ đạo đức. Một ng­ười có đạo đức tốt có thể chư­a có kiến thức về pháp luật như­ng người đó nhận thức đúng về cái thiện, cái ác và ứng xử theo các chuẩn mực đạo đức. Do vậy nâng cao ý thức pháp luật cũng là cách bồi dưỡng, giáo dục đạo đức.

Việc ra luật là rất cần thiết và việc giải thích, h­ướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực thi pháp luật cũng cực kỳ quan trọng. Luật phải đi vào đời sống mới có giá trị. Không tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thì không hình thành đư­ợc ý thức pháp luật, văn hoá pháp luật cho ng­ười dân. Có vậy người dân mới có ý thức tôn trọng pháp luật, ứng xử theo pháp luật.

Dân ta chưa có thói quen hành xử theo luật, có thể do hậu quả của tâm lý tiểu nông có từ ngàn đời ngại liên quan đến pháp luật, không ưa việc kiện tụng nên cho đến tận hôm nay người dân vẫn thiếu niềm tin vào pháp luật dẫn đến thiếu tôn trọng luật, và do vậy rất dễ có hành động chệch khỏi các chuẩn mực pháp lý. Luật pháp là những chuẩn mực, do vậy cần thiết phải triển khai giảng dạy pháp luật một cách hệ thống ở trường phổ thông và việc tuyên truyền giáo dục pháp luật phải là việc làm thường xuyên ở các đơn vị hành chính cơ sở.

Việc xây dựng lý tưởng, niềm tin trong hệ giá trị con người Việt Nam hôm nay là việc cực kỳ trọng đại, mang tính chiến lược, lâu dài, vĩ mô, vừa mang tính sách lược, cụ thể trước mắt. Nó vừa phải được thể hiện trong đường lối lãnh đạo, chỉ đạo vừa được thể hiện ở những việc làm, hành động cụ thể. Nó đòi hỏi không chỉ là nhà trường mà toàn xã hội, cả hệ thống chính trị, của tất cả các đoàn thể, tất cả mọi người dân tham gia, hưởng ứng. Đã là người ai cũng có lý tưởng, niềm tin của riêng mình nên ai cũng phải được giáo dục bồi dưỡng về lý tưởng, niềm tin cho phù hợp với hệ giá trị chung của thời đại.

--------

(1). GS.VS Phạm Minh Hạc và GS.TSKH Thái Duy Tuyên (Chủ biên) - Định hướng giá trị con người Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập - Nxb Chính trị Quốc gia, 2012, tr 196.

(2). Nhà nước và pháp luật Việt Nam – Nxb Pháp lý, 1990, tr 174.

(3). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tr. 558.

(4). Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tr. 252 - 253.

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)