Bác Hồ quan niệm về sứ mệnh nghệ thuật hội họa, nhiếp ảnh

Thứ Ba, 12/03/2019 00:32

 

. NGUYỄN HẢI THANH

Tháng 8-1920 Nguyễn Ái Quốc bắt đầu làm thợ ảnh. Theo báo cáo của mật thám Đơvedơ, từ ngày 10-16 tháng 10 năm 1920, chiều nào Nguyễn Ái Quốc cũng đến nhà Phan Châu Trinh để sửa ảnh. Tháng 4-1923, Nguyễn Ái Quốc quảng cáo nghề ảnh của mình trên báo La Vie Ouvrière: “Xin giới thiệu với độc giả và bè bạn: Mọi loại ảnh cũ, hoặc trích trong báo chí… đều có thể chụp lại, làm thành như ảnh mới, ảnh kỹ thuật. Giá từ 20 phrăng, do Nguyễn Ái Quốc, số 3, đường Macsê đê Patơriásơ”.

Sau này có lần Người nói với Giô-rít I-ven, nhà điện ảnh xuất sắc Hà Lan: “Tôi nhiều tuổi hơn, tất nhiên là anh. Chú ít tuổi hơn, tất nhiên chú là em”, thì ngoài tình cảm anh em bè bạn thông thường còn một sợi dây vô hình gắn kết hai người lại là cùng nghề nghiệp.

Bác đến với hội hoạ sớm hơn. Thời niên thiếu học ở Huế, Bác học vẽ từ thấy Lê Văn Miến- người đi học ở Pháp về có tiếp thu hội hoạ phương Tây hiện đại.

Sau này Bác Hồ nói chuyện về hội hoạ thật thấm thía:

“Vẽ rất quan trọng, Bác gần tám mươi tuổi rồi mà Bác còn nhớ hình ảnh ông Tử Lộ đội gạo nuôi mẹ trong sách giáo khoa ngày xưa. Nhân dân ta rất thích tranh vẽ, nhưng có những bức vẽ không ai hiểu gì cả. Hình như mấy chú vẽ cho mình xem chứ không phải vẽ cho quần chúng…”.

Ít nhất có mấy ý nghĩa sau toát ra từ ví dụ này:

Một là, “Nhân dân ta rất thích tranh vẽ”, do vậy “Vẽ rất quan trọng” trong việc tuyên truyền giáo dục.

Hai là nhắc nhở mọi người về “đạo hiếu”.

Ba là những bức vẽ phải chân thực, giản dị, dễ hiểu, phù hợp với trình độ thưởng thức của người xem.

Nhà văn Vũ Ngọc Phan ghi nhớ lời Bác khi xem Triển lãm: “Các chú viết và vẽ thì phải chú ý đến công nông, phải viết về công nông, vẽ về công nông”. Khi đứng xem bức sơn mài lớn có chắp vỏ trứng, vẽ những cô thiếu nữ thướt tha, huyền ảo, Người hỏi: “Đây là những cô tiên trên trời hay là gì? Còn nhiều người ở trần gian đáng vẽ, sao không vẽ”.

Nhà văn Hà Xuân Trường khắc sâu lời Bác: “Làm văn nghệ phải chú ý đến đối tượng phục vụ là nhân dân, viết, nói phải dễ hiểu”.

Một số nghệ sỹ điêu khắc xin gặp Bác, Bác cho gặp nhưng không cho làm tượng. Bác bảo: “Các chú hãy nặn tượng tập thể bộ đội, dân quân, thanh niên, thiếu nhi anh hùng: không có nhân dân thì không có Bác”.

Trên báo Nhân dân số 3135 ngày 25-10-1962 Bác khen ngợi bước tiến của ngành mỹ thuật: “... ác tranh tượng đã nói lên được tình người, tả chân thực những người lao động bình thường. Anh chị em đã cố gắng đi vào đời sống, thế là tốt. Nhưng tranh chưa nói lên được khí thế thi đua của quần chúng. Nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc”.

Câu chuyện dưới đây tưởng chừng chỉ là kỷ niệm của các họa sỹ với Bác nhưng ngẫm kỹ đấy là lời dạy của Bác: văn nghệ sỹ “cũng là đầy tớ của nhân dân, phải phục vụ nhân dân vô điều kiện”:

“Sáng hôm sau, chúng tôi đến thực sớm nhưng khi bước vào, chúng tôi thấy Bác đã ở đấy rồi. Một chân Bác đứng dưới đất, còn chân kia đặt lên bục. Vừa trông thấy chúng tôi Bác đã vui vẻ hỏi:

- Các chú có biết ngày xưa người ta xưng với vua như thế nào không?

Bị hỏi bất ngờ, chúng tôi bỗng nhiên lúng túng nhìn nhau, nhưng rồi cũng mạnh dạn trả lời:

- Thưa Bác, người ta xưng là "tâu bệ hạ" ạ!

Bác bèn trỏ vào cái bục, châm biếm:

- Thế các chú muốn Bác "làm vua" hay sao mà lại mang "cái bệ" này đến?

Biết Bác đùa, chúng tôi ai nấy đều im, Bác lại nói tiếp:

- Các chú nên nhớ rằng Bác làm Chủ tịch, Chủ tịch cũng là đầy tớ của nhân dân, phải phục vụ nhân dân vô điều kiện.

Chúng tôi đang lo Bác không lên bục, ngồi vào bàn làm việc. Nhưng đoán được tâm trạng đó, Bác vui vẻ bảo:

- Nói thế thôi chứ bây giờ Bác cũng "thượng bệ" cho các chú vui lòng”.

Quan niệm của Bác căn cứ vào tình hình thực tế, những ngày đánh Pháp thì nghệ thuật cũng phải cùng dân tộc đánh Pháp. Câu chuyện của Bác với kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp, người thiết kế Hội trường Đại hội Đảng lần thứ 2, 2-1951, cho thấy rõ hơn nhiệm vụ văn nghệ phục vụ kháng chiến. Bác hỏi:

“- Làm việc này theo chú cái gì là quan trọng nhất?

Sau vài phút suy nghĩ, tôi mạnh dạn trả lời:

- Thưa Bác theo ý cháu giữ bí mật là quan trọng nhất.

Bác nói ngay:

- Đúng, trên trời nhìn xuống không thấy gì, ở dưới đất, bốn mặt nhìn vào cũng không thấy gì”.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Năng An kể lại lần được Bác xem ảnh: “Tôi khấp khởi hy vọng khi thấy Bác mỉm cười hỏi: - "Chú thấy ảnh thế nào?". Tôi đáp: - "Thưa Bác, vừa rồi cháu nhìn lại, thấy đúng như ảnh đã ghi được...". Bỗng nhiên tôi rụt rè trong lời nói. Bác nhẹ nhàng nhắc: - "Chú thấy sao?".

- "Ảnh đã chụp Bác giống như một ông tiên". Tôi đánh bạo nói vậy. Dứt lời tôi chú ý ngay cái nhìn và nụ cười của Bác, liền ngập ngừng nói tiếp:

- "Ảnh muốn khắc họa một phong thái tiên cốt... ".

- "Ảnh ông tiên thì không phải là ảnh Bác. Ảnh người trước hết phải thực". Bác ôn tồn nói vậy và thong thả xem những ảnh khác. Lời nói của Bác đã trở thành bài học lớn đối với tôi sau này. Lời của Người càng làm sáng rõ một quan niệm: “Chú làm nghề ảnh, phải hiểu nghề ảnh cũng là một loại hình nghệ thuật như những nghệ thuật khác, là phải phản ảnh chân thật cuộc sống của quân và dân ta. Muốn làm được điều đó phải đi vào đời sống của các tầng lớp nhân dân đang quyết tâm kháng chiến cứu nước".

Nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định kể nhiều lần đi công tác được chụp ảnh Bác, Bác đều nói "chụp Bác làm gì, quay máy ra ngoài mà chụp nhân dân". “Mỗi lần tôi đi chụp ảnh về, có dịp xem ảnh, cái nào được Bác khen, cái nào chưa được, Bác chỉ bảo cặn kẽ. Trong công tác Bác luôn luôn tạo điều kiện cho anh em nhiếp ảnh làm việc. Tôi nhớ một lần Bác về dự Hội nghị thuỷ lợi ở Hải Hưng, giờ nghỉ Bác xuống nói chuyện với các kiện tướng thuỷ lợi. Thấy thế mọi người liền vây kín để được gần Bác. Anh em nhiếp ảnh cũng muốn ghi lại hình ảnh thân mật này, nhưng vì bị vây chặt không thể làm nhiệm vụ được. Biết vậy, Bác liền nói:

- Các cô các chú đứng ra hai bên để các chú nhiếp ảnh làm việc chứ. - Lát sau Bác quay sang các đồng chí lãnh đạo của tỉnh, như dặn dò:

- Ta phải tạo điều kiện cho các chú ấy làm công tác tuyên truyền. Công việc đó cần thiết lắm... ".

Đó chính là quan niệm nghệ thuật bắt nguồn, phản ảnh và phục vụ đời sống.

Ở đây ta thấy Bác quan niệm nghệ thuật phải làm nhiệm vụ tuyên truyền, nhưng như chúng ta đã thấy, tuyên truyền nhưng phải đích thực nghệ thuật, 100% nghệ thuật.

 


[1]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử - Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, tập1, tr 105.

[2]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử - Nxb Chính trị Quốc gia, 2006, tập 1, tr 222.

[3]. Trần Đương - Ánh mắt Bác Hồ. Nxb Thanh niên,1999 tr 145.

[4]. HCMTT. Sđd.Tập 12, tr 552.

[5]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995.tr 60.

[6]. Lữ Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn) - Bác Hồ với văn nghệ sỹ. Nxb Văn học, 1995.tr 357.

[7]. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị Quốc gia, tập 8, tr 298.

[8]. Trần Văn Cẩn kể. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 226.

[9]. Nhiều tác giả - Bác Hồ ở Việt Bắc - Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 604.

[10]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 162.

[11]. Vũ Năng An kể - Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 163.

[12]. Hồ Chí Minh với văn nghệ sỹ văn nghệ sỹ với Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, 2010,Tập 1, tr 171.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)