Những mô hình hỗ trợ nhà văn trẻ tại một số quốc gia phát triển

Thứ Năm, 16/05/2024 00:49

. PHÙNG NGỌC KIÊN
 

Các quốc gia công nghiệp luôn có những chiến lược quan trọng để phát triển văn hóa đọc, trong đó chú trọng đến những người mới bắt đầu bước vào nghề được gọi là các nhà văn trẻ. Có thể kể ra một vài nhóm thiết chế tham gia vào sự hỗ trợ này. Trong giới hạn bài viết, tôi xin được nói đến sự hiện diện hỗ trợ của ba nhóm thiết chế: nhóm thiết chế quan phương, nhóm thiết chế phi thương mại và nhóm thiết chế nghề nghiệp. Ba nhóm thiết chế này hoạt động liên lập theo nghĩa chúng độc lập song có những sự hỗ trợ nhau dựa trên các chức phận khác nhau tùy theo đặc thù văn hóa xã hội.

Nhóm thiết chế quan phương được hiểu là các đơn vị tổ chức của nhà nước, chính quyền phụ trách hoặc có mối quan tâm tới văn hóa nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng. Tại các quốc gia công nghiệp phát triển phương Tây, như Mĩ, Anh, Đức hay Pháp, văn học hiện giờ là một trong những loại hình văn hóa nghệ thuật không có mối quan tâm đặc biệt. Mặc dù trong giai đoạn thế kỉ XIX, văn học từng là một trục chính của ngành công nghiệp văn hóa. Điều này cũng được thể hiện ngay trong việc các khoa văn học giờ đây thường mang một tên gọi kép khá phổ biến: văn học - điện ảnh - truyền thông. Nhóm thiết chế phi thương mại được hiểu là các tổ chức văn hóa không phải thuộc về nhà nước nhưng hoạt động trong lĩnh vực đang được nói đến, đó là văn học. Nhóm này thường bao gồm các quỹ văn hóa, các tổ chức giải thưởng, các đơn vị giáo dục hoặc truyền thông. Như vậy trong nhóm này chúng ta có thể để sang một bên các nhà xuất bản, các nhà sách vốn có mục đích thương mại rõ ràng, dù đó là thương mại văn hóa. Nhóm thiết chế nghề nghiệp tập hợp các hội đoàn những người làm nghề, hoặc những công việc gần với công việc viết văn. Đó có thể là các hội nhà văn, hội nhà báo, hội biên kịch điện ảnh…

Trước hết cần nói ngay rằng các trường đại học nhân văn tại các quốc gia công nghiệp phát triển đều có các phân môn đào tạo kĩ năng viết sáng tạo, không phân biệt hư cấu hay không hư cấu. Những kĩ năng viết này tập trung vào năng lực sử dụng ngôn ngữ, phát triển khả năng xây dựng cấu trúc, rèn luyện các thói quen trình bày và lựa chọn các hình thức biểu đạt phù hợp. Viết hư cấu, hay viết truyện như một nhà văn chỉ là một phần trong những công việc mà sinh viên cần theo học. Do vậy không có một khoa mục thật sự chuyên biệt cho viết văn như cách chúng ta có thể hình dung về công việc này cách đây gần 40 năm khi thành lập trường Nguyễn Du. Tính chất liên ngành và xuyên ngành như một đặc thù của sáng tạo tự do đòi hỏi người thực hành phải nắm được những kĩ thuật cụ thể của công việc ngôn từ. Chẳng hạn khoa Department of Literature của American University chia ra làm bốn phân ngành: literary studies track (nghiên cứu văn học), cinema studies track (nghiên cứu điện ảnh), transcultural studies track (nghiên cứu văn hóa), creative writing track (viết). Mặc dù phân ngành cuối cùng có vẻ như gần với việc sáng tạo ngôn từ nhất thì cũng không có nghĩa là sinh viên hoàn toàn tách biệt với các phân ngành khác vì trong đó có đầy đủ cả văn học lẫn điện ảnh. Từ đặc thù này của một trong những thiết chế “bảo thủ” trong cơ cấu xã hội, có thể thấy điều tương tự trong các quỹ hỗ trợ sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Đối với một sự hỗ trợ cho ngành văn học, các quỹ này cũng không phải bao giờ ưu ái cho riêng. Các thiết chế quan phương do vậy luôn không quá ưu ái cho văn học với tư cách một loại hình nghệ thuật. Thiết chế nghề nghiệp càng đa dạng và phồn tạp khiến cho “quy chế nhà văn” của một tác giả thường khá là mơ hồ. Việc xác định tư cách nghề nghiệp thường phải dựa trên những thành quả và sản phẩm của anh ta. Nói cách khác, anh ta cần được thừa nhận bởi công chúng. Đó có thể là công chúng giám khảo, công chúng tinh hoa hoặc một cộng đồng công chúng rộng lớn khác.

Trong số những cách để một người có tư cách, có quy chế một tác giả văn học, giải thưởng là một trong những bậc thứ mà bất kì ai cũng đều muốn dấn mình vào thử thách. Quan sát cách mà các thiết chế xã hội phương Tây vận hành, có thể thấy giải thưởng thường là kết quả của sự kết hợp giữa thiết chế nghề nghiệp với thiết chế phi thương mại là truyền thông đại chúng. Giải thưởng RTS Littérature Ados (văn học thanh thiếu niên của Truyền hình Phát thanh Thụy Sĩ) được thành lập năm 2016 nhằm thúc đẩy và khuyến khích việc đọc và sáng tạo văn chương dành cho giới trẻ. Trên toàn nước Thụy Sĩ, các bạn đọc trẻ tranh luận nhiệt tình trước khi bỏ phiếu chọn tiểu thuyết hay nhất và gặp tác giả được vinh danh tại hội chợ sách hằng năm. Tại Anh, một trong những giải thưởng dành cho tác giả trẻ quen thuộc là của Hãng truyền thông BBC. Giải thưởng này có sự đồng hành của đại học danh tiếng Cambridge từ chín năm nay. Giải dành cho các tác giả từ 14 đến 18 tuổi nhằm cho phép các nhà xuất bản và bạn đọc khám phá những nhà văn mới cùng những tham vọng, mơ ước và thử thách của thế hệ đương đại.

Pháp là một trong những quốc gia phương Tây coi văn hóa như một lĩnh vực quan trọng cần đầu tư từ phía nhà nước. Có nhiều tổ chức của nhà nước tham gia vào hoạt động này, trong đó có Trung tâm sách quốc gia (Centre National du Livre - CNL). Như chính tên gọi của nó, mục đích của trung tâm quốc gia này là tạo điều kiện cho việc phổ biến đọc sách trong công chúng. Có chức phận khuyến khích việc sáng tạo sách vở, CNL còn đảm trách việc khuyến khích việc công bố thông qua các quỹ hỗ trợ. Có lẽ đây là quốc gia duy nhất của các nước công nghiệp phát triển phương Tây có quỹ hỗ trợ riêng cho hoạt động xuất bản sách trên toàn quốc bên cạnh các quỹ hỗ trợ các hoạt động sáng tạo và nghệ thuật rất phổ biến. Được thành lập từ trước Thế chiến 2, trung tâm có tên chính thức như hiện nay vào 1973 dưới sự quản lí của Bộ Giáo dục trước khi chuyển sang Bộ Văn hóa. Số tiền đầu tư cho việc hỗ trợ viết và in sách dao động trong khoảng 20 triệu euros hằng năm. Bộ phận xét duyệt bao gồm khoảng 300 chuyên gia là các nhà văn, giảng viên đại học, nhà nghiên cứu, phóng viên, dịch giả, nhà phê bình, nhà xuất bản, nhà sách phân bố trong khoảng 25 ủy ban chuyên đề và họp ba lần một năm. Như vậy trung tâm nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các cộng tác viên bên ngoài, người đọc và phản biện, nhằm nâng cao giá trị và phẩm chất của hỗ trợ đến từ CNL. Những hỗ trợ này có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau: cho tác giả, cho nhà sách, cho nhà xuất bản, thư viện các trường học… Bắt đầu từ 2019, CNL triển khai một vài trục hỗ trợ: giảm bớt các cuộc gặp gỡ nhà văn với công chúng, đưa việc đọc vào một sự thực hành đích thực, chia sẻ thú đọc sách thông qua việc đọc thành tiếng. Chẳng hạn vào 2022, CNL tiến hành đưa vào trường học 500 người hướng dẫn đọc sách ở bậc THCS và THPT với 1000 buổi gặp gỡ khắp nước Pháp. Từ 2015, CNL tổ chức mỗi hè một liên hoan sách có tên Partir en Livre (Đi chơi cùng sách) dành riêng cho giới trẻ. Chương trình Partir en Livre giới thiệu với bạn đọc trẻ những cuốn sách vốn nằm yên trên giá tùy theo địa điểm hay thời gian rảnh rỗi của công chúng trẻ nhằm truyền đến cho họ niềm vui đọc sách. Vào năm 2002, chương trình lần thứ 8 của Partir en Livre được đón tiếp tại hơn 1700 địa điểm với hơn 5000 sự kiện miền phí và mở dành cho tất cả mọi người tại bất kì không gian công cộng nào: thư viện, hiệu sách, bãi biển... Đây là những dịp quan trọng để các tác giả trẻ đến gặp các công chúng trẻ để trao đổi. Mỗi một năm thì chương trình sẽ có một chủ đề riêng, như năm 2023 có chủ đề là tự do. CNL giới thiệu các Masterclass d’auteurs của sách vở bài viết trong các trường học từ lớp 6 đến lớp 12 thông qua offres pass Culture. Những cuộc gặp gỡ này với các tác giả có mục đích để học sinh làm quen với thế giới sách, tạo nên hứng thú đọc và có những khoảng thời gian chia sẻ với học sinh.

Một trong những cách đầu tư của xã hội là xây dựng các giải thưởng. Hiếm có quốc gia nào có nhiều giải thưởng như vậy. Phần lớn các giải thưởng đều không phải của nhà nước theo nghĩa quan phương. Các giải thưởng đều thuộc về các đơn vị truyền thông, các tổ chức văn hóa xã hội. Hiện nay có thể nói đến 10 giải thưởng lớn và có uy tín của văn học Pháp: giải Goncourt, Renaudot, Decembre, Flore, Femina, Medicis, Interallié, Academie française, Orange du livre. Giải thưởng Goncourt là một giải thưởng có tuổi đời cao và uy tín tại Pháp. Người sáng lập là anh em nhà Goncourt với mong muốn kích thích sự phát triển của tiểu thuyết thông qua một khoản tiền có giá trị 5000 quan vào thập niên đầu tiên của thế kỉ XX. Số tiền này đủ để một nhà văn có thể sống sung túc trong một thời gian khi sáng tác. Tuy nhiên, theo thời gian thì giá trị tài chính này không còn được như trước, song giá trị về uy tín vẫn được giữ vững. Điều quan trọng là mỗi một cuốn sách được giải thưởng luôn được công chúng chờ đợi và có một sự đảm bảo chắc chắn cho sự phát hành. Chẳng hạn gần đây, giải thưởng năm 2018 cho cuốn tiểu thuyết của Nicolas Mathieu viết về tuổi thiếu niên nổi loạn của những nhân vật sống ven đô được ghi nhận ở con số phát hành 400.000 bản như trung bình hằng năm, chưa tính việc cuốn sách được dịch sang 19 thứ tiếng khác. Do vậy, giải thưởng Goncourt luôn là một sự khao khát cả về danh tiếng lẫn tài chính đối với các nhà văn. Nếu như ban đầu, giải thưởng Goncourt là một giải thưởng hoàn toàn phi quan phương thì từ năm 2008, giải thưởng này được coi là có tính quan phương và chính thức như giải của Viện Hàn lâm Pháp. Tuy nhiên, theo thông lệ các thành viên hội đồng giải thưởng vẫn không có tiền niên liễm. Giải thưởng Goncourt dành riêng cho học sinh trung học (Goncourt des lycéens) là giải thưởng được thành lập vào năm 1988. Đây là giải thưởng dựa trên sự phối hợp giữa kết quả bình chọn của Hội đồng giải Goncourt với Fnac và Sở Giáo dục Rennes. Fnac là đơn vị kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực sách lớn nhất tại Pháp. Sự kết hợp này cho thấy các thiết chế quan phương, phi thương mại và nghề nghiệp đã cùng tạo nên những cơ hội để các nhà văn trẻ xuất hiện. Bởi lẽ bằng cách này, các nhà văn trẻ không chỉ có cơ hội công bố sản phẩm của mình, mà còn có thể hoàn thiện nó, và được tiếp nhận theo đúng nghĩa của một sáng tác văn chương. Giải Goncourt hoạt động theo đúng quy tắc hoạt động như bình thường. Giải dành cho các học sinh trung học được tổ chức theo cách hàng năm, hội đồng giải Goncourt gửi danh sách đề cử cho hơn 2000 học sinh trung học từ 15 đến 18 để họ đọc và tìm hiểu trong vòng hai tháng. Fnac sẽ hỗ trợ các hoạt động này ngay từ khi khai trường vào tháng 9 với việc cung cấp các cuốn sách cần được đề cử. Việc hợp tác với Bộ Giáo dục cho phép tổ chức các buổi thảo luận, các buổi đọc tiểu thuyết trong khuôn khổ nhà trường hoặc tại nơi công cộng để người đọc có thể trao đổi trực tiếp với người viết. Sau đó, học sinh trung học sẽ bỏ phiếu để chọn tác phẩm cho giải thưởng này. Bên cạnh giải này còn có giải Goncourt Jeunesse phối hợp với Thị chính thị trấn Fontevieille (tỉnh Bouches-du-Rhone), vùng PACA để ra giải Goncourt Jeunesse và kéo dài từ 1994 đến 2007. Không chỉ có giải Goncourt, mà một giải thưởng danh giá khác là giải Renaudot cũng có một giải thưởng dành cho các tác phẩm của những người viết trẻ gọi là prix Renaudot des lycéens từ 1992. Giải thưởng là sự phối hợp giữa Ban tổ chức giải thưởng Renaudot với Sở Giáo dục tỉnh Poitiers, quê hương của Renaudot, hệ thống hiệu sách danh tiếng Gibert Joseph. Cách thức tổ chức cũng tương tự như vậy và thường được khởi động từ giữa tháng 6, kinh phí cung cấp sách đọc do ban tổ chức cuộc thi đảm trách. Cho tới giữa tháng 10, học sinh trung học sẽ thảo luận và tổ chức đối thoại với các tác giả. Giáo viên giữ vai trò cung cấp các kiến thức ngữ văn cần thiết. Giữa tháng 11, tên tuổi của nhà văn sẽ được lựa chọn bởi một hội đồng họp kín và công bố trao giải cho báo chí cùng lúc với giải chính thức của giải Renaudot toàn quốc.

Các thành phố hoặc các tỉnh cũng đều có những giải thưởng khác phù hợp với quy mô, đặc thù của địa phương. Mọi giải thưởng này đều có sự phối hợp giữa chính quyền với bộ phận giáo dục. Chẳng hạn thành phố Boulogne sur Mer có giải thưởng Découvreurs (Người khám phá) dành cho thơ, nhưng ban giám khảo là hàng trăm học sinh trung học phổ thông, và kể từ 2007 thì có thêm học sinh trung học cơ sở lớp 8. Mục đích của hoạt động này, như ghi trong Công báo giáo dục (BOEN) là nhằm “góp phần vào tri thức học sinh trong mối quan hệ với các chương trình giảng dạy”. Được thành phố Boulogne-sur-Mer lập ra vào 1997 theo lời đề nghị của nhà thơ Georges Guillain, cộng tác viên của tờ tạp chí nổi tiếng Quinzaine littéraire, giải thưởng trị giá nhỏ bé 1500 € nhằm để công chúng rộng rãi biết đến việc xuất bản các ấn phẩm thi ca bên cạnh những thể loại sinh lời lớn và những vòng quay lợi nhuận kinh tế.

Có một giải thưởng đáng chú ý là giải Thứ sáu (Vendredi). Được thành lập vào 2016, giải Vendredi là giải thưởng duy nhất mang tính quốc gia dành riêng cho văn học thanh thiếu niên. Giải thưởng do nhóm các nhà xuất bản Tuổi trẻ của Công đoàn quốc gia xuất bản (SNE) thành lập. Gần đây là tác giả Claudine Desmarteau cho giải Vendredi 2023 với cuốn AU nom, de Chris được xuất bản tại tủ sách Tuổi trẻ của nhà xuất bản danh tiếng Gallimard Jeunesse. Được hỗ trợ bởi quỹ Bưu điện, giải thưởng trị giá 3000 € trao cho một cuốn sách viết bằng tiếng Pháp cho người đọc trên 13 tuổi. Giải thưởng Flore được nhà văn Frédéric Beigbeder lập ra năm 1994 nhằm phát hiện các tài năng trẻ hứa hẹn. Giải thưởng Graoully là giải Liên hoan sách trẻ tại Metz và chính các bạn thiếu nhi là giám khảo chọn tác phẩm.

Pháp là một trường hợp khá gần gũi với Việt Nam ở phương diện có nhiều giải thưởng dành riêng cho văn học. Tuy nhiên điều chúng ta nhận thấy ở đây là có một vài điểm khác biệt mà họ nỗ lực xây dựng ngay từ đầu cho bất kì một tác giả trẻ nào nếu muốn tham gia vào công việc vất vả nhọc nhằn này. Thứ nhất, sự quyết định xuất hiện và tồn tại một tác giả văn học là hoàn toàn thuộc về công chúng. Chỉ khi anh ta được đọc thì tác giả trẻ mới có cơ may xuất hiện. Nhưng anh ta chỉ tồn tại khi tác phẩm của anh ta bán được, nghĩa là được công chúng “mua một cách thờ ơ”. Bởi vậy, không thể không tính đến vai trò của các thiết chế thương mại. Điều này chúng ta chưa có dịp bàn tới ở đây, dù đã thấy thấp thoáng. Thứ hai, công chúng là một đối tượng vừa thụ động vừa năng động, vừa phồn tạp vừa sâu sắc. Chính bởi vậy việc giáo dục quảng đại công chúng là cần thiết và phải được tiến hành ngay từ khi họ ngồi trên ghế nhà trường. Việc giáo dục phải được tiến hành không chỉ bằng cách trao cho họ những kiến thức và hiểu biết mà còn phải cho học chủ động có quyền lựa chọn. Chính việc trao cho họ quyền lực dựa trên hiểu biết và trách nhiệm là cách để họ tham gia một cách chủ động vào việc thúc đẩy các nhà văn trẻ sáng tạo. Thứ ba, việc đọc của quảng đại công chúng dù sao vẫn là một cách đọc “tự phát”. Do vậy, vai trò của cách thức tổ chức những buổi lựa chọn, những cơ cấu bỏ phiếu, giáo dục và đánh giá cần được tính toán kĩ càng để đạt hiệu quả cao về nhiều mặt. Chỉ khi tính đúng và đủ các mặt của xã hội, ít nhất là những thiết chế mà chúng tôi vừa nêu trên, sự hỗ trợ đối với văn học trẻ mới đạt được hiệu quả thực sự.

P.N.K

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)