. PHÙNG VĂN KHAI
Nhắc đến nhà văn Nguyễn Trí Huân là nhắc về một con người mẫu mực. Mẫu mực trong văn chương. Mẫu mực trong đời sống. Mẫu mực trong công tác quản lí. Ông làm Tổng Biên tập Văn nghệ Quân đội từ năm 1992 đến năm 2006. Tiếp đó, ông được điều động ra làm Tổng Biên tập Báo Văn nghệ, rồi Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn và tác phẩm. Ông có 4 nhiệm kì làm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Quả là những dấu mốc thời gian, trọng trách lãnh đạo, cường độ và khối lượng công việc không hề nhỏ. Vậy mà ông vẫn hoàn thành tất cả các chức trách, nhiệm vụ, công việc tổ chức phân công rất nhẹ nhàng. Đó cũng là một biệt tài của Nguyễn Trí Huân.
Nhà văn Nguyễn Trí Huân có một đức tính không ai học được, đó là ông có thể chiều được tất cả mọi người không chỉ ở cơ quan Văn nghệ Quân đội mà còn cả ở Hội Nhà văn với nhiều cơ quan trực thuộc, nhiều cá tính, không ít những phiền nhiễu, thậm chí là tai ngược đã làm khó ông, nhưng ông đều vượt qua một cách nhẹ nhàng. Chính bởi vậy, anh em văn nghệ sĩ Nhà số 4 và cả các khu vực khác, đứng đầu là nhà thơ Trần Đăng Khoa, đồng thanh gọi vui Nguyễn Trí Huân là “ông bụt” Nhà số 4. (Thực ra nhà thơ Trần Đăng Khoa còn định danh Nguyễn Trí Huân “ác liệt” hơn nhiều, song chúng tôi đã “biên tập” lại để cho ổn thỏa hơn!)
Tôi được gặp nhà văn Nguyễn Trí Huân khi ông mang quân hàm Thượng tá - Tổng Biên tập Văn nghệ Quân đội năm 1996 trong buổi khai mạc trại viết văn tại Đồ Sơn - Hải Phòng. Ông trắng trẻo, luôn mỉm cười bẽn lẽn và có phần rụt rè trước các nhà văn lừng danh Lê Lựu, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh... lúc nào cũng hầm hố từ râu tóc đến cung cách phát ngôn giữa trường văn trận bút. Ấy vậy mà, trong buổi khai mạc, nhà văn Lê Lựu đã rất trịnh trọng đọc diễn văn kính thưa đồng chí Thượng tá - Tổng Biên tập Nguyễn Trí Huân hết sức trang nghiêm.
Chúng tôi đã học được nhiều điều từ thế hệ đi trước kể cả những việc nhỏ như vậy.
Nhà văn Nguyễn Trí Huân có một đặc tính làm việc gì đều hết sức nhẹ nhàng. Tôi tưởng tượng nếu trời có sập xuống thì ông cũng cứ nhẹ nhàng như không, mặc kệ cái sự nhẹ nhàng của ông có khi khiến người khác phải sốt ruột. Song đó mới là Nguyễn Trí Huân. Ông nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, quán xuyến công việc ở phần bên trong, phần cốt lõi và luôn hết sức thấu tình đạt lí ở các khu vực văn học nghệ thuật.
Tôi không thể ngờ Nguyễn Trí Huân luôn quan tâm tới tôi và hiểu biết chân tơ kẽ tóc mọi việc ở cơ quan dù ông đã rời sang Hội Nhà văn từ lâu. Có một việc tôi đã rất suy nghĩ khi buộc phải từ chối ông dù Nguyễn Trí Huân đã hai lần tới phòng mời tôi tham gia công tác quản lí Quỹ Nhà văn Lê Lựu. Tôi chỉ dám nhận lời ông hai việc trong khu vực công việc về Lê Lựu sau khi mất. Đó là thực hiện tập sách Nhà văn Lê Lựu - văn chương và số phận và tham gia Ban Chung khảo xét tặng Giải thưởng Quỹ Nhà văn Lê Lựu. Ông trầm ngâm một lúc và đồng ý chiều theo quyết định của tôi. Đúng là “ông bụt” Nguyễn Trí Huân!
Làm việc với nhà văn Nguyễn Trí Huân bất kể là việc gì đều hết sức yên tâm vì ông luôn rất nhẹ nhàng. Việc xét Giải thưởng Nhà văn Lê Lựu không hề dễ. Mọi cuộc xét giải thưởng văn chương đều luôn như vậy. Đã có cuộc lình xình đến mức phải thu hồi giải thưởng. Đã có cuộc khiến dư luận có ý kiến rất phức tạp. Vậy nên Ban Chung khảo Giải thưởng Quỹ Nhà văn Lê Lựu đã phải làm việc nghiêm túc, công bằng, xét theo chất lượng văn chương, chấm điểm kĩ lưỡng từng tác phẩm và bỏ phiếu trong các cuộc họp để từ đó mới ra quyết định cuối cùng. Ban Chung khảo gồm nhà văn Nguyễn Trí Huân - Trưởng ban; các thành viên là nhà văn Khuất Quang Thụy, nhà văn Văn Chinh và nhà văn Phùng Văn Khai đã làm việc khẩn trương, tận tụy, phải đọc hàng ngàn trang tác phẩm của hàng trăm tác giả để từ đó lựa chọn các giải thưởng.
Nhà văn Nguyễn Trí Huân luôn động viên tôi và nhiều lần tới phòng làm việc để trao đổi các công việc khác nhau. Tôi báo cáo ông đã thực hiện xong sách về nhà văn Lê Lựu và kịch bản sẽ trao tặng sách ấy cho Thư viện Quốc gia để phát hành toàn quốc. Tôi cũng báo cáo thực với ông những ý kiến còn thiếu thống nhất, thậm chí cả những ý kiến thiếu thiện chí của một số người thân gia đình nhà văn Lê Lựu. “Ông bụt” Nguyễn Trí Huân lắng nghe rồi mỉm cười như biết trước những chuyện như thế sẽ xuất hiện và bảo: “Thực hiện được như vậy là tốt lắm rồi! Các cậu tay không bắt giặc cũng giống như anh Lựu ngày trước ấy mà. Cuốn sách có ý nghĩa như vậy lại được trao tặng cho Thư viện Quốc gia cũng là để cho anh Lựu được thêm mát mẻ. Bao giờ giỗ đầu anh ấy, Khai nên nhớ đem vài cuốn về dâng hương anh Lê Lựu nhé!”
Tôi vâng lời nhà văn Nguyễn Trí Huân và đã thực hiện đúng sự chỉ đạo của ông. Rất lạ là ông không hề nhắc đến những ý kiến thiếu thiện chí mà tôi vừa báo cáo. Thế có nghĩa là tôi phải tự tìm cách vượt qua và xử lí để những việc tiếp theo tròn đầy hơn, khang trang hơn. Tôi đã tự học theo một phần tính cách và trí tuệ của Nguyễn Trí Huân. Cuộc họp bàn và thống nhất trao Giải thưởng Quỹ Nhà văn Lê Lựu đã diễn ra nghiêm túc, trên tinh thần chất lượng văn học và lễ trao giải thưởng đã được tiến hành ấm cúng tại hội trường Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, dưới thời Tổng Biên tập Nguyễn Trí Huân, trong một buổi cùng tiếp lãnh đạo và các cán bộ cơ quan Tổng cục Chính trị ra làm việc với Văn nghệ Quân đội đã nói một câu về toà soạn, đại ý là: “Các thủ trưởng, các đồng chí hãy hết sức tin tưởng vào anh em nhà văn quân đội chúng tôi. Tổng Biên tập Nguyễn Trí Huân rất trong sáng và tốt bụng. Anh em nhà văn quân đội các thế hệ đều là niềm vinh dự tự hào của nhân dân và chiến sĩ ta.”
Với tôi, nhà văn Nguyễn Trí Huân luôn rất nhẹ nhàng. Kể cả chuyện bước ngoặt của tôi cũng vậy. Khi tôi đã công tác ở Truyền hình Quân đội được gần 10 năm, một hôm, gặp ông ở cầu thang Nhà số 4, ông mời tôi vào phòng và nhẹ nhàng hỏi: “Phùng Văn Khai định xin chuyển sang đây à? Các chú ở đây nghèo lắm! Không như truyền hình đi làm phim có tiền đâu. Phải suy nghĩ kĩ đấy nhé!”
Tôi nghiêm túc báo cáo nhà văn Nguyễn Trí Huân về ý định của mình. Từ trước đó, tôi đã được Văn nghệ Quân đội “nhắm” để đưa về bổ sung đội ngũ. Nhà văn Khuất Quang Thụy ngày trước từng khuyên và giao ước với tôi: “Khai chỉ ở truyền hình 10 năm thôi nhé! Khi đã yên vững hậu phương, nhà cửa thì về Văn nghệ Quân đội viết văn mới là chuyện lâu dài. Về sớm hơn cũng chẳng hay ho mà 10 năm cậu không về coi như bỏ nghề văn là đáng tiếc lắm đấy.” Y theo lời hẹn, tôi đã hành quân trở về Nhà số 4 trong vòng tay ấm áp của các chú, các anh.
Nguyễn Trí Huân luôn nhẹ nhàng như vậy nhưng cái gì cũng hiểu tới bản chất, nhất là về con người và tác phẩm của đội ngũ nhà văn quân đội, các khu vực văn chương toàn quốc đồng thời có những đóng góp rất hữu ích để nhà văn Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm cơ sở tiến hành chỉ đạo các công việc trong Hội Nhà văn. Tôi rất nhớ, một lần, trong cuộc ra mắt sách của tôi, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói: “Chúng ta làm việc gì cũng phải có trước, có sau; phải biết rõ người trên, kẻ dưới. Như công việc ở Hội Nhà văn chúng tôi, nếu có vắng anh Thỉnh, nếu anh Thỉnh đi công tác nước ngoài, thì mọi việc ở nhà phải là anh Huân. Chúng tôi cũng là cấp phó nhưng anh Huân có kinh nghiệm và vị trí của anh Huân phải là ở trên chúng tôi.” Trần Đăng Khoa luôn biết nói những câu rất tinh tế. Anh Khoa cũng rất trung thực với chính mình và trung thực với mọi người. Thì chính anh luôn nói rằng: “Đối với thế hệ chúng tôi, nhà văn Nguyễn Trí Huân là “ông bụt” của Nhà số 4.”
Nguyễn Trí Huân sinh ngày 20 tháng 9 năm 1947 tại quê Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Tây. 18 tuổi, Nguyễn Trí Huân nhập ngũ (1965) vào đơn vị Công binh thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. 19 tuổi Nguyễn Trí Huân được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1968 ông được điều về Cục Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân viết văn, viết báo. Năm 1971, ông theo học lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam rồi vào chiến trường Khu 5. Năm 1978, Nguyễn Trí Huân ra Hà Nội theo học trường viết văn Nguyễn Du (khóa I). Sau đó ông về Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Nguyễn Trí Huân được biết đến nhiều nhất với tác phẩm Chim én bay (tiểu thuyết - Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng 1984 - 1989 và Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1990). Nguyễn Trí Huân cho thấy những điểm nhìn về chiến tranh từ tác phẩm văn học phải đa dạng, sát với sự thực là hết sức cần thiết và phải mau chóng có cái nhìn toàn diện, nhất là biên độ mở cho giới sáng tác đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Nguyễn Trí Huân là người từng có mặt rất sớm nơi chiến trường ác liệt - chiến trường Khu 5 khi ông là phóng viên, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ. Ông với tư cách nhà văn chiến trường đã có lúc là “thành viên” của Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng. Ông đã từng trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch, chiến đấu như một người lính. Sau này, ông là một trong những người chủ chốt viết cuốn lịch sử truyền thống Sư đoàn Sao Vàng anh hùng.
Cũng chẳng hiểu tại sao, một người lính trận dày dặn kinh nghiệm chiến trường, nhiều năm đối mặt với cái chết như Nguyễn Trí Huân khi trở về trên cương vị lãnh đạo lại hết sức nhẹ nhàng, có phần thư sinh và khiêm nhường trong hàng chục năm đến lúc nghỉ hưu đều như vậy. Nguyễn Trí Huân tổng cộng có tới gần 30 năm làm Tổng Biên tập Văn nghệ Quân đội (1992 - 2006), Văn nghệ (2006 - 2014), Nhà văn và tác phẩm (2014 - 2020). Ông còn có 25 năm trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (1995 - 2020) với 4 nhiệm kì làm Phó Chủ tịch Hội. Những con số thống kê đã thể hiện rõ ràng nhất tính cách và nhân cách của nhà văn Nguyễn Trí Huân. Ông đã nhận nhiều giải thưởng văn học và cao nhất là Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
Đối với thế hệ chúng tôi, “ông bụt” Nhà số 4 luôn rất hiền lành thân thiện. Đến mức, nhà văn Ngô Vĩnh Bình đã từng nói đùa, anh em văn nghệ sĩ là rất hay “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Các kì cuộc ở cơ quan, bao giờ “ông bụt” cũng nhẹ nhàng đến sớm, nhẹ nhàng chào hỏi, trò chuyện với tất cả mọi người. Nguyễn Trí Huân luôn có tư thế của một người đã đi qua rất nhiều khó khăn thử thách để hiểu được rằng, trong cuộc sống hãy nói ít, làm nhiều, hãy biết nhận những phần thua thiệt về mình, biết lắng nghe và nhất là biết nhường nhịn anh em, đồng chí đồng đội, phải biết kính trọng những người đi trước và trân trọng thế hệ nối tiếp mình. Đó cũng là phẩm chất thường trực của “ông bụt” Nguyễn Trí Huân.
P.V.K
VNQD