Bản nhạc buồn của một thế hệ

Chủ Nhật, 24/04/2022 07:07

Đã 35 năm kể từ lần xuất bản đầu tiên, Rừng Na Uy của Haruki Murakami vẫn là cuốn tiểu thuyết mang phức cảm cá nhân mạnh mẽ của những người mất đi phương hướng, mục đích sống. Rừng Na Uy theo thời gian vẫn như bản nhạc buồn của một thế hệ.

Khi vừa đặt chân đến Hamburg (Đức), chàng trai 37 tuổi, Toru Watanabe, bất chợt nghe được ca khúc Rừng Na Uy của The Beatles. Anh bỗng nhớ về Naoko - người con gái đầu tiên anh yêu. Kí ức dần đưa Toru quay lại những năm thập niên 60 của thế kỉ XX, khi quá nhiều chuyện xảy đến với anh. Người bạn thân đột ngột tự tử, những cô gái đi qua cuộc đời anh, và những cái chết, vẫn không ngừng ám ảnh Toru suốt bấy năm…

CUỐN TIỂU THUYẾT MANG NHỮNG PHỨC CẢM CÁ NHÂN

Được coi là một trong những tác phẩm phổ biến và nổi tiếng bậc nhất của tác gia Haruki Murakami, Rừng Na Uy tựa như một bản nhạc buồn tạo tác lên từ những nốt nhạc của bao phức cảm cá nhân. Mà ở đấy, vừa là cảm xúc phức tạp của con người trong tác phẩm, lại vừa là sự đồng cảm của người đọc như tìm thấy một phần chính mình khi soi chiếu bản thân lên trang sách. Người đã đi qua tuổi trẻ thì nhìn lại về quá khứ, người trẻ thì nhìn thấy bản thân ở hiện tại mà nghĩ về tương lai.

Trước hết, cần phải nói rằng ngay tựa đề tiểu thuyết Rừng Na Uy thực sự đã rất gợi và mang nhiều trường nghĩa biểu tượng. Đây là tên một bài hát có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc đời nhân vật chính Toru Watanabe, gợi cho anh nhớ về quê hương, về người bạn gái đầu tiên cùng cả một thời quá khứ đã xa với những đam mê, tình yêu, sự vô định không tìm được hướng đi của tuổi trẻ và cả những cái chết quẩn quanh ám ảnh anh từ ngày còn niên thiếu tới khi đã trưởng thành. Không chỉ vậy, ngay bản thân ca khúc Rừng Na Uy của The Batles cũng bao chứa gần như trọn vẹn tư tưởng, nội dung cuốn truyện. Một bài hát cũng đầy ắp phức cảm cô độc, mông lung của mối quan hệ giữa hai con người mang hai trái tim xa cách, dẫu gần gũi về thể xác đến thế, tưởng chừng có thể chạm được tới nhau nhưng cuối cùng tâm hồn vẫn quá đỗi cách xa. Tựa cánh rừng Na Uy trên bức tranh treo tường tưởng, thật đẹp, thật gần mà cũng thật hư vô, mờ ảo.

Rừng Na Uy được xuất bản và tái bản nhiều lần tại Việt Nam bởi các đơn vị xuất bản khác nhau.

Từ tên cuốn tiểu thuyết, bài hát chủ đề câu chuyện cùng hoàn cảnh xuất hiện “Rừng Na Uy”, tất cả đã gợi ra một không, thời gian nghệ thuật tác phẩm mang đầy màu sắc vô định của những hoài niệm, chắp nối từ bao mảnh vụn kí ức trong nội tâm nhân vật Toru Watanabe, xưng tôi, hồi tưởng lại tháng ngay xa vời. Trong hồi tưởng của Toru là quá khứ về người bạn Kizuki tự vẫn vào năm 17 tuổi. Giữa mối quan hệ Toru - Naoko luôn ẩn hiện dáng hình những cái chết: của Kizuki lẫn người chị gái đã mất trước đó của Naoko. Còn khi Toru quen biết Midori, anh lại chịu giằng xé với những cảm xúc thân thương, mơ hồ mà day dứt với Naoko, người con gái đã ở bên anh cùng tất cả nỗi đớn đau, vô định của tuổi trẻ.

Mà kí ức, luôn bất định giữa đúng - sai, nhớ - quên, hiện thực - hư vô; kí ức này chồng lấn, lồng ghép vào kí ức kia, khiến không gian tâm tưởng nhân vật càng trở nên hư ảo. Và chính những sự chồng chéo liên tục của vụn vỡ của kỉ niệm, thương tổn hồi ức mà độc giả càng thêm khó nắm bắt được thời không của câu chuyện. Là thực tại đấy hay người đọc, vốn dĩ vẫn đang vướng mãi vào hồi tưởng không có điểm dừng trong ranh giới vô định thực thực hư hư của tâm tưởng cá nhân con người trên trang sách.

NHỮNG CON NGƯỜI THUỘC MIỀN HƯ ẢO

Hiện tại mang bóng hình quá khứ, sự sống chịu ám ảnh từ cái chết, ánh sáng nhuốm màu bóng tối, bí ẩn này lồng ghép bí ẩn kia, mọi thứ, đã mở ra muôn vàn nỗi đau tích tụ trong cuộc đời những cá nhân trong tiểu thuyết Rừng Na Uy. Sinh mệnh con người mong manh ra sao và con người, tồn tại trên cuộc đời mang mục đích gì? Người ta sống trong hiện tại, hướng đến tương lai mà sao vẫn không thể thoát khỏi đau thương, dằn vặt kí ức. Tựa Naoko, đã chứng kiến đủ mạng sống con người vụt tắt rồi cuối cùng chính cô, lại chọn cách cực đoan nhất cho sinh mệnh ra sao và như Toru, luôn khắc khoải lê bước mà tiếp tục tồn tại như thế nào.

Thực ra, Rừng Na Uy có một cố truyện khá đơn giản. Chỉ là dòng chảy ý thức một con người. Nhưng sâu trong dòng chảy ấy là nỗi “quan hoài khắc khoải” về bản ngã con người, về chỗ đứng của một người giữa cuộc đời được Haruki Murakami gửi gắn vào con chữ. Nỗi đau những cá nhân trên trang sách của ông gánh chịu đến từ một quá khứ đầy u tối bao trùm bởi những cái chết không rõ nguyên nhân, kéo dài mãi đến thực tại rồi tương lai mở ra trước mắt Toru, trước mắt mỗi người sau tất cả vẫy vùng để được sống, lại chỉ “như sa mạc hoang vắng.”

Bởi thế, Rừng Na Uy không đơn thuần chỉ là dòng trải nghiệm từ một cá nhân đang hồi tưởng quá khứ mà đọng lại trong tầng kí ức là mâu thuẫn, đau thương của kẻ mang theo tâm hồn vụn vỡ, đi qua năm tháng tuổi trẻ, đón nhận tuổi trưởng thành, trung niên đầy những buồn thương, âu lo, vô định.

Nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami.

Toru Watanabe cùng những người trẻ xung quanh anh là hiện thân, cũng là những chứng nhân của lịch sử của nước Nhật những năm 60 của thế kỉ XX. Những năm sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, nước Nhật bắt đầu có những bước phát triển thần kì nhưng kéo theo đó là hệ lụy về cội gốc, về những truyền thống đang dần bị mai một trong cơn lốc phát triển như vũ bão để rồi rơi vào cuộc khủng hoảng căn cước trầm trọng.

Kizuki, chị gái của Naoko, những người trẻ tuổi vô cùng xuất sắc nhưng đều kết thúc cuộc đời một cách bí ẩn không rõ nguyên do. Tất cả chỉ là phỏng đoán. Là họ hoàn hảo đến mức không còn mục đích để sống hay họ đã trải nghiệm đủ cuộc đời trần thế đủ và tìm đến cái chết, chỉ như họ lạc bước tới một cuộc dạo chơi đến thế giới khác mà thôi? Đặc biệt, với Kizuki, con người này chỉ xuất hiện thấp thoáng trên trang giấy nhưng cái bóng của anh lại bao trùm lên toàn bộ câu chuyện, nhất là trong tâm thức hai người bạn còn sống: Toru, Naoko. Để rồi người ra đi thì kết thúc tất cả còn người ở lại mãi gánh chịu chung nỗi đớn đau, hoài nghi vô hạn về hai tiếng sinh mạng. Hai con người tổn thương là thế, tìm đến nhau để cùng vượt qua thương tổn, mà càng gắn bó, vết thương càng như khoét rộng trong trái tim hai kẻ trẻ tuổi.

Kizuki - bóng ma đầy ám ảnh - đeo bám người ở lại. Nhưng đâu chỉ một mình Kizuki. Khi những cá nhân trong Rừng Na Uy, cũng tựa những cái bóng bước đi không mục đích, không nơi chốn, nếm trải đớn đau nơi quá khứ, lạc bước ở hiện tại, mịt mờ về tương lai. Thậm chí ngay bản thân một cô gái đầy sức sống như Midori, đến cuối truyện lúc Toru gọi cho cô, bóng hình cô cũng trở nên nhòe mờ tựa tới từ hư vô?

Vì thế, có lẽ chăng, Rừng Na Uy vốn là câu chuyện của phân mảnh những ảo ảnh từ ý niệm một con người vẫn đang lang thang, vật mình giữa cuộc đời vô thường để kiếm tìm bản ngã và lẽ sống. Dẫu rằng càng vẫy vùng, tìm kiếm, thương tổn của người ấy càng trải dài như sa mạc ngút ngàn mà ốc đảo, mãi khuất nẻo sau những cồn cát không thấy chân trời.

Và viết về những cá nhân như chiếc bóng lê bước chốn vô thường, Haruki Murakami đã khắc họa họ bằng ngôn ngữ văn chương giàu tính nghệ thuật, đậm chất nhân văn, tạo tác lên từ ngôn ngữ của tâm lí, cảm xúc. Ông đã đi sâu vào những xúc cảm mơ hồ nhất, sâu thẳm nhất và cũng cấm kị nhất của nội tâm con người để nói lên tiếng nói cảm giác tinh tế. Vì thế, kể cả những câu văn miêu tả sex ở trang viết của Murakami cũng không hề thô thiển mà vẫn đầy chất mĩ cảm. Vì tính dục trong Rừng Na Uy, chỉ là cách thức những nhân vật vốn đã chất chứa quá nhiều mặc cảm, đau đớn được ông giải tỏa tâm lí, là cách họ giao hòa, giao cảm để hiểu nhau hơn đồng thời khẳng định sự tồn tại của họ với người đối diện, với cả cuộc đời.

Nhưng sự táo bạo ấy vẫn khiến Rừng Na Uy, ngay khi ra đời đã làm dấy lên những làn sóng trái chiều quanh vấn đề tính dục và nghệ thuật của cuốn truyện. Tuy nhiên vượt lên trên dòng chảy thời gian, vượt lên trên định kiến trong văn học, tác phẩm vẫn khẳng định được chỗ đứng trong văn đàn Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung. Bởi giá trị chân thực của Rừng Na Uy nằm trọn giữa những xúc cảm thẩm mĩ văn chương ẩn sau muôn vàn phức cảm cá nhân cùng nỗi trầm buồn thăm thẳm thấm đẫm vào câu chữ ngay từ khi ca khúc Rừng Na Uy cất lên, mở ra thế giới nội tâm đầy hư ảo, vụn vỡ của chàng trai Toru Watanabe.

MỌT MỌT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)