Cùng nhau trên những chuyến “về nhà”

Thứ Sáu, 22/04/2022 00:37

. TRẦN NHÃ THỤY
 

Chọn 39 bài viết vào chung khảo cuộc thi Về nhà để in thành tập sách nhỏ, chúng tôi xem đây là món quà của Ban tổ chức cuộc thi gửi đến bạn đọc. Chúng tôi cũng mong bạn đọc đón nhận ấn phẩm này với tâm thế vượt thoát khỏi khuôn khổ một cuộc thi, không chấp nê vào giải thưởng hay tên tuổi. Bởi cuộc thi chỉ là cái cớ, là cơ hội cho những cuộc giãi bày; cao hơn tự sự là gửi gắm niềm hi vọng và cả những giấc mơ vào tương lai.

“Về nhà” có thể được ví như dòng hợp lưu gồm ba nhánh: 1/ Về quê ăn Tết; 2/ Từ các bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 trở về nhà; 3/ Những hoài niệm về mái nhà trong đời người. Mỗi người sẽ chọn bơi trên một nhánh sông khác nhau, nhưng cuối cùng đều hòa vào một dòng chảy lớn mang tên “về nhà”. Đó là nơi chúng ta cảm thấy được xoa dịu, vỗ về, đồng thời cũng là nơi chúng ta nuôi nấng những khát khao sáng tạo mãnh liệt nhất.

Trong thực tế, những chuyến về quê hay về nhà diễn ra trong và sau đại dịch Covid-19 được ví như cuộc di tản lớn trong thời chiến. Kí ức đại dịch chắc chắn sẽ nằm trong những trang biên niên sử của Việt Nam và cả nhân loại. Ở đây, những trang tạp văn nhỏ bé không gánh trên vai nhiệm vụ của người chép sử, nhưng chắc chắn một điều nó ghi lại những câu chuyện thực tế với những cảm xúc chân thật nhất.

Tác phẩm Chuyến về nhà của Huyền của tác giả Minh Đan (thành phố Hồ Chí Minh) là một câu chuyện chân thật và cảm động. Đó cũng là câu chuyện kinh điển về những ngày đại dịch Covid-19 diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh và khắp cả nước. Chuyến về nhà của Huyền cũng là chuyến về nhà của bao phận đời nhỏ bé khác. Nhưng dù nhỏ bé và đầy tủi cực, họ chưa bao giờ bị bỏ rơi, và đó cũng là tinh thần của cuộc thi viết này.

Sư cô Diệu Hoa hiện đang tu học tại Sri Lanka gửi về cho Ban tổ chức cuộc thi một bài viết nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc: Về nhà thôi. Bối cảnh thủ đô Colombo lúc đó cũng khốc liệt không thua kém gì thành phố Hồ Chí Minh. Đường về nhà của Diệu Hoa tưởng có thể là đường xa vạn dặm, nhưng cuối cùng cô cũng về được tới nhà. Chính những dòng cuối của bài tạp văn khiến chúng ta đạt tới một cái ngưỡng cao hơn cả niềm xúc động, đó là sự tỉnh thức: “Về nhà thôi, đã về lại ngôi nhà bình yên của ta rồi, giờ phải về lại ngôi nhà tĩnh lặng trong ta nữa, về nhà thôi!”

Về được ngôi nhà vật chất đã khó, về trong ngôi nhà tinh thần còn khó hơn. Và như vậy cuộc “về nhà” còn là cuộc trường chinh của mỗi con người.

Từ Gia Lai, tác giả Tạ Ngọc Điệp chia sẻ câu chuyện Đón Tô về nhà như một lát cắt ám ảnh của đại dịch Covid-19. Lát cắt gây nhói lòng, nhưng cũng thật ấm áp. Hình ảnh cháu bé Tô mới hai tháng tuổi được ba mẹ đưa ra sân bay Tân Sơn Nhất để về quê nội Gia Lai. Chuyến đi chỉ có hai mẹ con, người bố phải ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ chống dịch. Lúc này “đầu cầu Gia Lai” bà và các cô lòng thắc thỏm đón Tô về nhà. Chuyến về nhà ấy sẽ trở thành kí ức khó quên của từng thành viên trong gia đình. Và, hình ảnh của Tô trong chuyến bay ấy sẽ là miền cảm xúc chứa chan không bao giờ dứt.

Cũng như vậy, tác giả Ngô Thị Thu Vân dẫn người đọc vào miền cảm xúc với bài viết Có nhà chỉ để… nhớ. Thật lạ, khi càng xa ngôi nhà quê, nhiều khi tưởng trôi thăm thẳm trong trí nhớ, thì nay bỗng dưng từng hình ảnh hiện ra rõ mồn một. Ngôi nhà này như là chốn trở về của tác giả, và đó cũng là nơi mà mỗi chúng ta đều muốn trở về sau những bon chen mệt nhoài: “Mỗi lần về thăm nhà, tôi chỉ kịp ở lại một ngày, ngủ lại một đêm như thể truyền cho nó một chút hơi ấm, cho nó biết nó vẫn còn có chủ. Rồi đi. Rồi lại nhớ. Lại về. Lại đi. Lại nhớ… Mặc dù ở đó không còn ai. Bạn bè biểu, sao không bán nó đi, nhà ở quê đó, không ai ở, để làm gì. Tôi trả lời vừa đủ để mình nghe: Để… nhớ, để… về nhà. Và chỉ mình tôi biết, rốt cuộc đó là lí do hay chỉ là cái cớ.”

Nhiều, còn nhiều nữa, dường như bài nào khi đọc đến cũng chạm vào trái tim ta. Đó là Về với mùa sim quê nhà của Trần Thanh Bình, Bờ đê trước nhà của Nguyễn Khánh Ly, Ôi, nôn tới Tết quá chừng của Nguyễn Rông, Ngồi nghe dâu bể đi qua của Huỳnh Giản, Phảng phất tiếng cười sau màn sương ẩm của Tịnh Yên, Về nghe con cúi thì thầm của Hoàng Thanh Linh, Ngày về còn xa của Vũ Bình, Lá thư mùa xuân của Lê Hải Yến…

Dường như thấy vẫn còn chưa bộc bạch hết nỗi lòng mình, từ Sri Lanka tác giả Diệu Hoa gửi thư chia sẻ thêm:

“Sống trong thời kì dịch bệnh, mỗi người có một cách riêng để trải lòng mình. Có người họa những bức tranh, gửi hết tâm tư vào từng nét vẽ. Có người gửi trọn tâm tình vào từng vần thơ. Có người gói cả yêu thương vào từng câu văn con chữ.

Về nhà, hôm bữa vừa nghe qua chủ đề cuộc thi là tôi muốn tham gia hưởng ứng ngay. Bởi chủ đề này không chỉ là ý tưởng hay của người khởi xướng, mà còn mang đầy tính nhân văn và vô cùng ý nghĩa. Chắc cũng có nhiều người nước mắt lưng tròng khi nghe đến hai từ “về nhà” và Ban tổ chức dường như cũng thấu hiểu nỗi niềm đó. Với tôi, cuộc thi viết Về nhà là một liều vaccine tinh thần mà tôi may mắn được biết đến, được có cơ hội viết lên cảm xúc thật của mình. Mong Ban tổ chức sẽ có thêm những cuộc thi Về nhà để đây trở thành “ngôi nhà thân yêu” cho tất cả mọi người trên khắp năm châu được trải lòng mình.”

Tác giả Nguyễn Rông quê Quảng Ngãi cũng là một trường hợp thú vị. Sinh năm 1996, từng học sĩ quan lục quân, nhưng do sức khỏe không đảm bảo, phải bỏ học giữa chừng, đi học ngành điện rồi vào thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân. Lại có thời gian xuống Bến Tre, Kiên Giang đi biển. Khi tham gia viết Về nhà, Nguyễn Rông lúc thì đi biển, lúc thì làm nước đóng chai nếu biển động, rồi sửa điện cho một xưởng làm chả ở Kiên Giang. Lúc bài đăng cũng là khi anh đang trên đường về quê Quảng Ngãi ăn Tết. Ăn Tết xong, Nguyễn Rông ở lại quê nhà làm việc trong khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát (khu kinh tế Dung Quất). Những ngày qua, Nguyễn Rông trong “thân phận F0”, không vào thành phố Hồ Chí Minh dự lễ trao giải được, đã gửi thư chia sẻ:

“Ngày viết bài Ôi, nôn tới Tết quá chừng..., tôi ở một nơi cách quê nhà hơn... 1100 cây số.

Lúc viết bài, tôi không nghĩ đến việc viết để dự thi. Tôi cũng chẳng để ý và chưa từng nghĩ đến việc sẽ có cơ hội nhận được những giải thưởng.

Tôi xem những gì viết ra như là đôi dòng nhật kí của những ngày mưu sinh xa quê với nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ cha cồn cào, da diết. Và có một nơi như cuộc thi Về nhà cho tôi được trao gởi những nỗi niềm tâm sự, đã là một giải thưởng lớn.

Tôi có hai chuyện muốn kể. Hai chuyện cách nhau chẵn một tháng. Trưa 21/1, khi tranh thủ nghỉ ngơi ở nơi làm việc, tôi nhận được một cuộc gọi điện thoại. Sau mới biết đó là nhà văn Trần Nhã Thụy, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Về nhà. Nghe anh thông báo bài sẽ được đăng trong vài ngày tới, tôi sướng... rân người.

Ngày 21/2, cũng vào buổi trưa, tôi nhận được một cuộc điện thoại và cũng là của nhà văn Trần Nhã Thụy. Anh thông báo bài viết đoạt giải. Thật bất ngờ và vui khi những trải lòng của tôi “chạm” được vào cảm xúc của Ban tổ chức và Ban giám khảo.

Tôi kể lại hai chuyện ấy, như là để cảm ơn sự quan tâm của nhà văn Trần Nhã Thụy nói riêng và Ban tổ chức nói chung.

Cảm ơn thêm Ban tổ chức cuộc thi Về nhà, vì tạo ra một sân chơi, một diễn đàn thật sự ý nghĩa và nhân văn. Với riêng tôi, đọc những bài viết đầy cảm xúc của cuộc thi đã giúp tôi biết thương người thân, yêu gia đình, yêu thương nhà mình nhiều hơn. Và tôi tin là nhiều người cũng giống như tôi.

Giờ đây, tôi lại tiếp tục... “nôn tới Tết quá chừng...” nữa. Là vì tới Tết, biết đâu sẽ lại có cơ hội đọc những bài viết của cuộc thi Về nhà. Thật mong là cuộc thi này sẽ tiếp tục được tổ chức đều đặn vào mỗi cuối năm, để mọi người có thể trao gởi những niềm thương nỗi nhớ!”

Có lẽ một vài kỉ niệm trong và ngoài cuộc thi như vậy cũng thật đáng nhớ. Nhưng quan trọng là cuối cùng chúng ta có được một cuốn sách nhỏ. Chúng ta cũng biết, thời đại càng văn minh bao nhiêu thì con người càng tốc độ bấy nhiêu. Trong cái tốc độ chóng mặt, nhiều khi con người ta không kịp nhặt nhạnh những gì không được cho là cần thiết. Ở một khía cạnh khác, càng tốc độ thì con người càng dễ lãng quên. Đời sống cứ như những lớp sóng xô, sóng sau vùi sóng trước. Cho nên những bài viết nhỏ trong chuyến “về nhà” cũng có thể được xem là những nhặt nhạnh còn lại sau cơn sóng thần Covid-19. Rồi đây, con người ta sẽ nhìn lại những mẩu nhặt nhạnh nhỏ bé ấy để hồi tưởng hay lần tìm về ngôi nhà thiêng của riêng mình. Đó chính là ngôi nhà trái tim, ngôi nhà tinh thần. Và, cuộc “về nhà” cuối cùng là trong cái trường nghĩa ấy. Về với chính mình, với những điều bình yên giản dị nhất.

Cũng trong chuyến “về nhà” này, chúng tôi tình cờ gặp một thông điệp được cho là từ Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Hành tinh này không cần thêm những người “thành công”. Nó vật vã mong có thêm những người kiến tạo bình an, những người chữa lành, những người kể chuyện, và những người biết yêu thương.”

Đúng vậy. Con virus nhỏ bé, ở một khía cạnh nào đó, đã dạy cho nhân loại một bài học lớn. Chúng ta phải thay đổi, phải sống tốt hơn trong mạnh mẽ mà khiêm nhường. Chưa bao giờ thế giới cần những người kiến tạo bình an như lúc này.

Trong lúc chờ đợi những điều thay đổi lớn lao đó, có lẽ chúng ta nên cúi xuống với những điều nhỏ nhặt quanh mình. Chúng tôi tin rằng, những tác giả góp mặt trong cuộc thi, đặc biệt là trong tập sách nhỏ này đã làm được hai nhiệm vụ, đó là “kể chuyện” và “chữa lành”.

Còn bây giờ, hãy nhẹ nhàng ngồi xuống, hít thật sâu, thở thật chậm và cùng nhau trên những chuyến “về nhà”.

T.N.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)