Doanh nhân tham nhũng, tiêu cực – Bài học, tấm gương và giải pháp giáo dục!

Thứ Hai, 18/04/2022 16:21

. NGUYỄN THÀNH
 

Thời gian gần đây một số doanh nhân nổi tiếng bị đưa vào trại giam vì tội tham nhũng, tiêu cực, trái với đạo lý kinh doanh, trái với pháp luật. Doanh nhân là những người góp phần làm giàu cho đất nước, không ai muốn họ sa ngã, tù tội. Cần phải có bài học gì? Trước hết xin giới thiệu ba doanh nhân tiêu biểu của nước ta thời hiện đại: Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô mà tên tuổi của họ vang xa ở nhiều nước.

Thế giớikhâm phục, kính trọngtinh thần cầu thị và tự trọng trong kinh doanh của người Nhật. Có Giám đốc doanh nghiệp không mũ nón cứ đứng dưới trời mưa cúi chào khách hàng. Công ty Honda (năm 1967) khai báo lỗi của sản phẩm trước nhà chức trách dùchịu thiệt hại nặng nề đểvừa giữ uy tín cho mình vừa đảm bảo an toàn cho khách hàng. Thế giới ca ngợi chữ “tín” và tinh thần cộng đồng của người Hoa, tính bình đẳng trong quan hệ của người Ixrael... Với Việt Nam, giới doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô.

Bạch Thái Bưởi (1874 – 1932) xuất thân từ người bán hàng rong rồi được xếp vào bốn người giàu nhất Việt Nam đầu thế kỷ 20 nhờ kinh doanh hàng hải, khai thác than và in ấn. Bài học văn hoá kinh doanh của ông là tinh thần tự tôn dân tộc. Mua lại tàu từ đối thủ nước ngoài rồi đặt lại bằng những tên Việt Nam gợi về dòng giống dân tộc vẻ vang: Lạc Long, Hồng Bàng, Lê Lợi, Hàm Nghi... Rất quan tâm đời sống giới thợ thuyền, ông dành chế độ an sinh cho nhân viên, trợ cấp du học cho học sinh nghèo... Ông tự học tiếng Pháp để sang Pháptiếp thu kinh nghiệm kinh doanh phương Tây.

Nguyễn Sơn Hà (1894- 1980) khởi nghiệp từ một hãng sơn dầu ở Hải Phòng với logo hình con tắc kè xanh bám bốn chân vào thân cây cổ thụ. Tắc kè gần gũi với người Việt, có nhiều màu sắc (sơn nhiều màu), chân có nhiều móng bám rất chắc vào tường nhà (như sơn Sơn Hà!!!). Một logo thật ấn tượng! Sản phẩmcó giá thành thấp hơn sơn ngoại, chất lượng tốt nên bán rất chạy.Ông tham gia các hoạt động xã hội như thành lập Ban Cứu tế, xây dựng các cơ sở từ thiện, mở trường học nuôi dạy trẻ lang thang, cơ nhỡ… Nhà cách mạng Phan Bội Châu tặng ông câu đối thật xứng đáng: Lấy hoá học người Âu điểm tô sông núi bằng tấm lòng son/ Làm công nghệ đất Việt, đổi thời thế từ tay trắng!Gia đình ông hiến tặng số tài sản lớn (10,5 kg vàng, bạc, đá quý) cho Chính phủ Lâm thời của Bác Hồ!

Trịnh Văn Bô (1914-1988) nhà tư sản theo chủ nghĩa dân tộc rất nổi tiếng chuyên buôn bán mặt hàng tơ lụa. Có học vấn cao, lại cần cù, biết tận dụng cơ hội và nắm bắt thương trường khu vực và quốc tế qua tiếng Anh, tiếng Pháp nên rất giàu có. Cách mạng ghi nhớ công ơn của ông và gia đình đã đóng góp cho Tuần lễ Vàng (1945) hơn năm ngàn lượng vàng, gấp đôi ngân khố của Chính phủ bấy giờ!

Các ông đã để lại những bài học bằng vàng về kinh doanh phải hướng tới mục tiêu cao nhất vì lợi ích dân tộc, cộng đồng và khách hàng. Chữ “Tâm” đi liền với“Tín” là nền móng của ngôi nhà nhân cách doanh nhân. Chữ “Tín” là tin, là trung thực, trung thực với mình, với người mua, với bạn bè, với cả pháp luật. Thượng tôn pháp luật là một khía cạnh của “Tín”!

Một đặc trưng của doanh nhân thời 4.0 không đơn thuần là nhà buôn bán, đầu tư, sản xuất... còn là sứ giả văn hóa (có điều kiện giao lưu với nhiều địa phương, với nước ngoài), là nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà tài trợ... Họtrở thành biểu tượng (như 3 doanh nhân trên) được xã hội kính trọng học tập. Thế mà gần đây có vài ba doanh nhân lại bị khởi tố! Lý do thì dễ hiểu, do đi ngược lại đạo đức kinh doanh, lừa dối Nhà nước, khách hàng, làm ăn kiểu “chụp giật”, “lách luật”, trốn thuế... Tóm lại là “Tâm”, “Tín” đều kém! Mới nhất một “đại gia” lại bị khởi tố vì tội “Gây rối trật tự công cộng” ngang nhiên cho người phá phách, thậm chí là ăn cướp tài sản của người khác. Điều này báo động một thực tế đáng ngại: cái gốc đạo đức của một số ít doanh nhân mục ruỗng nghiêm trọng!

Biểu tượng thường bền vững. Những doanh nhân bị khởi tố thì là “giả biểu tượng”, tức chỉ có lớp sơn hào nhoáng bên ngoài. Thời của trí tuệ nên chữ “chân” (thật) rất được coi trọng, làm thật, sống thật, học thật,... thì mới tồn tại, phát triển. Đạo Phật đang được đề cao ở cấp độ toàn cầunhờ tôn thờ chữ “Tâm” (chân tâm, chân thành, chân Phật pháp...) vì đó là chất keo kết dính tốt nhất gắn nối các nền văn hóa!

Cần có giải pháp gì ngăn chặn?

Trước hết phải khẳng định doanh nhân trước hết là một công dân có quyền, bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ như mọi người khác. Không ai có thể đứng trên luật pháp, đứng ngoài tập quán văn hóa. Thế nên ngăn chặn doanh nhân tham nhũng cũng là giáo dục đạo đức cho công dân.

Một là, nhóm giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo.

Sống ở xứ sở nhiệt đới khí hậu khắc nghiệt, nhiều thiên tai và lắm địch họa nên người dân Việt phải cô kết lại với nhau thành một khối để lao động và sinh tồn. Họ sống trọng tình, trọng niềm tin, “một điều bất tín vạn sự bất tin”. Dân ta rất thiết tha với Đảng, yêu Đảng và vì Đảng, do vậy Đảng phải đáp lại tấm lòng ấy, phải gần dân hơn, yêu và vì dân hơn, phải nói đi đôi với làm. Điều kỳ vọng nóng bỏng của dân ta hôm nay với Đảng, đặt niềm tin vào Đảng là việc chống tham nhũng triệt để và hiệu quả. Mà tham nhũng thì chỉ có ở những người có chức có quyền. Triết lý muôn đời trước nay, ở bất kỳ thể chế chính trị nào thì cũng “thượng bất chính hạ tắc loạn”, nói theo dân gian thì “nhà dột từ nóc”. Tội tham nhũng không chỉ đục khoét tài sản của Nhà nước và nhân dân, cái nguy hiểm hơn là nó đục khoét lòng tin của dân ta với Đảng, đục khoét vào các giá trị khác như đạo lý, đạo đức, trách nhiệm, bổn phận… Đảng phải lựa chọn cán bộ thực sự là “đầy tớ”, là “công bộc” của dân. Đấy là cách chủ yếu để trong sạch Đảng, có như vậy mới có thể nói được với dân, thuyết phục, tuyên truyền, kêu gọi được dân. Làm sao mỗi cán bộ đảng viên phải là tấm gương sáng để quần chúng, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên lấy đó làm hình mẫu để trau dồi, học tập. Chúng ta phải thấm thía hơn nữa lời Bác Hồ dạy: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” (1). Người nhiều lần nhấn mạnh mỗi cán bộ phải lấy đạo đức cách mạng là gốc: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (2).

Doanh nhân muốn tham nhũng phải cấu kết với người có chức quyền trong bộ máy Nhà nước. Nên muốn doanh nhân trong sạch, người trong bộ máy công quyền phải trong sạch trước!

Hai là, giải pháp về văn hóa.

Những giá trị văn hóa có từ ngàn năm trong việc giáo dục đạo lý con người cần được nghiên cứu kế thừa, phổ biến. Ví dụ tác phẩm “Hậu tự huấn” của Nguyễn Trãi viết giúp vua Lê Thái Tổ để răn dạy Quốc vương Tư Tề và Thái tử Nguyên Long hay “Nhị thập tứ huấn điều” (1470) do vua Lê Thánh Tông cho công bố 24 điều quy định huấn thị quan lại từ cấp trung ương đến cấp làng xã, rất cần để cán bộ đảng viên hôm nay tham khảo, học tập, tu dưỡng. Rồi “Gia huấn ca” (tương truyền của Nguyễn Trãi) là những bài học về đạo lý làm người trong gia đình...Có thể khẳng định thời Nhà Lê cực thịnh có sự góp phần không nhỏ của văn hóa đạo lý làm người rất được nhà nước quan tâm chú ý.

Doanh nhân nào cũng là công dân nhưng đặc thù của họ là phải tiếp xúc thường xuyên với tài sản vật chất, với lỗ lãi, với đầu tư, từ thiện... nên hơn tất cả mọi công dân họ phải được trang bị một ứng xử văn hóa chuẩn mực!

Chúng ta đang phải đối mặt với một thực tế về sự “xâm lăng văn hóa” mà bài học ở hầu hết các nước đang phát triển vẫn là tăng cường sức đề kháng văn hóa cho thế hệ trẻ bằng cách đầu tư làm lớn mạnh văn hóa truyền thống; bằng cách giáo dục ý thức, bản lĩnh văn hóa cho học trò ngay từ nhà trường phổ thông.

Do vậy cần một giải pháp quan trọng là phục hưng văn hóa, tức là làm sống lại những giá trị văn hóa cổ truyền. Nhưng lại xảy ra tình trạng có nơi quá chú ý tới hình thức hơn là chú ý tới nội dung của văn hóa. Ví dụ việc tổ chức lễ hội tràn lan, thiếu chọn lọc nên hội đông mà không vui, tiền thu được thì có thể nhiều nhưng lợi ích văn hóa thì ít thấy. Nhiều người đi hội chỉ chăm chăm cúng lễ, khấn vái…, thậm chí cướp lộc “thánh” chứ không mấy quan tâm tới lịch sử lễ hội, ý nghĩa ngày tưởng nhớ tôn vinh các vị thánh (thần) có công với hậu thế. Như thế thì tấm lòng không thanh tịnh (vì không nhận được bài học giáo dục), không thư thái vui vẻ (vì không được tiếp nhận ý thức thẩm mỹ) vốn là những yêu cầu đặc trưng về mặt tinh thần của lễ hội truyền thống.

Phải tích cực đấu tranh với những biểu hiện lai căng, những sản phẩm độc hại, những hành vi phi văn hóa góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc. Dĩ nhiên tiếp thu truyền thống phải trên tinh thần phản biện, gạn lọc, những cái gì bất cập, cổ hủ, phong kiến, không phù hợp với văn hóa hôm nay cần phải nghiên cứu loại bỏ. Đồng thời với việc kết hợp làm mới những giá trị truyền thống. Lịch sử văn hóa nhân loại chứng minh bất kỳ sáng tác của một nhà văn hóa lớn nào cũng đều được bắt nguồn, khơi nguồn từ truyền thống, nhưng trong những sáng tác ấy đều có những dấu ấn cách tân rất rõ. Hiện nay các khuynh hướng, các trào lưu sáng tác văn học nghệ thuật trên thế giới hay có dở có đang từng bước ảnh hưởng tới nước ta. Chúng ta chấp nhận sự đa dạng hóa trong hướng tiếp cận đối tượng sáng tác, nghiên cứu nhưng làm sao phải đảm bảo yếu tố phù hợp với bản sắc văn hóa Việt, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của người Việt Nam, phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của đông đảo quần chúng lao động. Liệu lối sáng tạo theo hướng “hậu hiện đại” trong văn học nghệ thuật Việt Nam có phù hợp?Đi theo lối phi truyền thống, đẩy sự tìm tòi đi về phía bản năng, hình thành tác phẩm theo lối cắt dán những mảnh vỡ vốn rời rạc, ngôn từ nghệ thuật giải sử thi để quay về cái thông tục, phi lý…Liệu những lý thuyết ấy có ăn nhập gì với mảnh đất văn hóa Việt?

Triết học văn hoá hiện đại rất chú ý tới khái niệm tính người, coi mỗi con người là một cá thể văn hoá phát triển trong một môi trường văn hoá nhất định. Hãy cứ hình dung mỗi cá nhân như một cây xanh tươi tốt là nhờ nó luôn cắm rễ rất sâu vào mảnh đất truyền thống để hút từ đó những dinh dưỡng tinh hoa. Đồng thời cây xanh ấy luôn vươn cao hô hấp, quang hợp ánh sáng, không khí của bầu trời văn hoá đương đại. Nếu cây được trồng ở mảnh đất dù có rất giàu dưỡng chất truyền thống mà thiếu ánh sáng và khí trời của thời hiện đại thì nó cũng còi cọc, và ngược lại.

Ba là về giáo dục:

Doanh nhân nào cũng có thời học sinh học tập ở trường phổ thông. Giáo dục họ khi học trong nhà trường là tạo ra một nền tảng văn hóa căn cốt để làm người có ích cho đất nước!

Chúng ta cần nhanh chóng hòa nhập với trào lưu giáo dục hiện nay của thế giới, nhất là ở các nước có nền giáo dục tiên tiến đều hướng theo khẩu hiệu “Học để biết, học để sống, học để chung sống, học để làm, học để sáng tạo”, tức là sự cụ thể hóa triết lý học để làm người. Phải tạo ra được một môi trường giáo dục lành mạnh, lấy việc xây dựng môi trường giáo dục gia đình làm căn bản. Vì gia đình là tế bào của xã hội, mỗi người từ thuở ấu thơ cho đến lúc trư­ởng thành đều thấm nhuần các chuẩn mực giá trị văn hoá truyền thống từ gia đình. Gia đình cũng là nơi phát hiện sớm nhất và kịp thời ngăn ngừa những hành vi, những hiện tư­ợng xã hội phi đạo đức, vi phạm pháp luật của các thành viên. Phải biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục ở mỗi cá nhân, bởi bản thân mỗi người vừa là chủ thể vừa là khách thể trong quá trình tự giáo dục, điều chỉnh lẽ sống, hành vi.

Mục đích giáo dục ở nhà trường phổ thông hướng tới là xây dựng nhân cách văn hóa. Cần quan tâm hơn nữa đến việc dạy người trước rồi mới dạy chữ. Cách dạy nhồi nhét kiến thức vừa phản khoa học vừa phản văn hóa. Vì nó bắt các em làm người lớn quá sớm, vất vả quá sớm, khôn quá sớm so với độ tuổi cần được chơi nhiều hơn học. Dạy người tức bồi dưỡng một tư cách công dân nhưng ở nhà trường hôm nay môn giáo dục công dân chưa được đánh giá đúng, bị coi là môn phụ, thậm chí giáo viên nào dạy cũng được. Văn hoá truyền thống ngấm rất sâu, biểu hiện rất tinh tế ở nghệ thuật truyền thống. Không thể không đưa những nét đẹp văn hoá của nghệ thuật truyền thống vào giảng dạy ở các cấp phổ thông. Cái gì là hồn cốt dân tộc thì phải học. Cần đưa vào chương trình phổ thông để giảng dạy cho học sinh một số bộ môn nghệ thuật dân tộc truyền thống cơ bản (như hát chèo, hát dân ca...).

Bốn là về luật pháp, hành chính.

Trong một xã hội hiện đại thì lý tưởng, niềm tin của con người gắn chặt với luật pháp, con người điều chỉnh suy nghĩ, hành vi của mình theo luật pháp. Các doanh nhân càng phải thế. Vì công việc của họ luôn liên quan đến pháp luật, đến ký kết pháp lý, đến buôn bán trong/ngoài nước, đến đầu tư...

Chịu ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông ngại va chạm, ngại đến “chốn công đường” (Vô phúc đáo tụng đình) nên phần lớn ng­ười dân chư­a nhận thức đ­ược quyền lợi và nghĩa vụ của mình tr­ước pháp luật. Vốn quen sống trong một môi trường không gian tư­ơng đối biệt lập, khép kín của làng xã với sự tĩnh lặng, ít biến đổi, quen sống và tuân thủ theo lệ làng nên dễ xuất hiện t­ư t­ưởng cục bộ, bè phái, thiếu một nhân cách pháp luật. Bác Hồ từng chỉ ra: quan tham vì dân dại, nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì quan dù không liêm cũng hoá ra liêm. Có nghĩa là khi trình độ dân trí cao, dân biết quyền hạn của mình, có năng lực kiểm tra, giám sát, không những ngăn chặn được hiện tượng “tham” mà còn giúp cán bộ thực hiện đư­ợc tốt phẩm chất “liêm”. Cho nên nâng cao dân trí là điều kiện để nâng cao nhận thức về vai trò của pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho người dân.

N.T

-----------

  1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12. Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tr. 558
  2. Hồ Chí Minh toàn tập. Sđd, tập 5, tr. 252 - 253.
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)