Minh triết Hữu Thỉnh qua trường ca Đường tới thành phố

Thứ Bảy, 10/02/2018 00:36
. NGUYỄN MINH KHIÊM

Trường ca Đường tới thành phố của nhà thơ Hữu Thỉnh xuất hiện lần đầu trong tập thơ Từ chiến hào tới thành phố (Nxb Văn học, 1985), nâng thơ Hữu Thỉnh lên một tầm cao mới trong nền thơ Việt Nam hiện đại. 

 
huuthinh quig
Nhà thơ Hữu Thỉnh
Đường tới thành phố tái dựng một giai đoạn khốc liệt, bi tráng nhất trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ, cứu nước của dân tộc ta ở thế kỉ XX. Từ trong chiều sâu tác phẩm, những giá trị nhân văn, triết lí đánh giặc và thắng giặc mang đậm nét truyền thống Việt Nam, phản ánh sức mạnh tổng hợp Việt Nam: Giặc đến/ Người ốm chống giường, chống phản đứng lên/ Trẻ con vơ tro vơ cát đứng lên/ Người đang ăn thì cầm lấy đũa/ Người đi gặt thủ lấy chuôi liềm/ Không quay mặt, chẳng bao giờ tiếc máu; Lòng cứ đầy những Bình Định, Nha Trang; Cửa hầm trông ra sáu bậc cầu ao/ Những sơ đồ chị gói làm nhân bánh/ Giặc hành quân: Nhìn khăn mẹ trên đầu. Chính cuộc chiến tổng lực sáng chói tinh thần dân tộc ấy đã khiến kẻ thù hung tàn bậc nhất thế giới thảm bại: Lá cờ 50 ngôi sao/ Cuộn thành một tổ sâu/ Nước Mĩ ra đi với một khuôn mặt héo; Cờ bay lộng trên nóc Dinh Độc Lập/ Những cánh quân sum họp những chân trời. Đó là những cánh quân từ Thành Cổ, Trường Sơn, Địa đạo Củ Chi, Bưng biền Đồng Tháp, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Đoàn tàu Không số, Biệt động Sài Gòn... trở về thành phố như nước vỡ bờ: Đeo quanh anh không phải những vòng hoa/ Không nguyệt quế, không cầu vồng huyễn hoặc/ Đeo quanh anh là những vòng người; Anh lồng đi phá cửa các nhà tù/ Vai anh đỡ những người ốm lả/ Họ không còn sức để cười để khóc/ Toàn thân họ đã biến thành nước mắt/ Trên vai anh nóng bỏng tự do; Tháng tư nay cây cỏ cũng ra tù

Một giai đoạn văn học, một thời đại văn học, một nền văn học có thể sản sinh ra hàng trăm hàng nghìn nhà thơ, nhưng định hình được một giọng điệu riêng, khẳng định được một thi pháp nổi trội, đặc trưng thì không nhiều. Đường tới thành phố in dấu “vân chữ” Hữu Thỉnh, minh triết Hữu Thỉnh. Ông sáng tạo ra một loại thơ tích hợp vi ngữ và vĩ ngữ. Gorky nói, cái dằn vặt lớn nhất ở trên đời là dằn vặt về ngôn ngữ. Nhiều câu thơ của Hữu Thỉnh đạt đến độ vô vi, trong suốt: Mẹ đang đi gánh rạ giữa đồng/ Rạ chẳng nặng mà nặng nhiều vì gió; Những cánh đồng in dấu chân của mẹ/ Cứ ngày ngày ra khẩu lệnh cho tôi; Dòng Nậm Khìn từ bên Việt chảy sang/ Thèm vỏ sắn lật mình trôi dưới đáy; Đã trở về từng hạt muối ngoài khơi/ Từng đọt măng trên rừng, từng đám mây lưu lạc; Có người chỉ huy từ lứa chúng tôi lên/ Góp cho đất nước nhiều vầng trán; Một buổi sáng chẳng có gì to tát/ Con ve kêu úp mặt vào cây; Anh lớn lên đâu biết trước một ngày/ Ngồi nhặt sấu dưới vòm cây sốt rét/ Nắng kí ninh rải rác dọc rừng thưa/ Thèm trăm thứ nhưng đồng bằng thèm nhất. Ngôn ngữ ấy là ngôn ngữ được tích hợp rồi chắt ra từ trải nghiệm văn hoá, lịch sử, bản thân, đồng đội, dân tộc, xương máu, tình yêu, hạnh phúc. Người viết thả lỏng bút pháp. Người đọc bị cái tinh tế của ngôn ngữ dẫn đi, bị cái nhuần nhuyễn của ngôn ngữ mê dụ. 

Trường ca Đường tới thành phố có hai tuyến nhân vật trữ tình. Một tuyến là những người đàn ông. Một tuyến là những người phụ nữ. Tuyến đàn ông là những người lính (thi danh là anh, đồng chí, chính ủy, tôi, chúng tôi, xạ thủ trung liên lưỡng quyền cao, con…). Tuyến phụ nữ là những người mẹ, người chị, người em, người vợ, người yêu (thi danh cũng là mẹ, chị, em). Hai tuyến nhân vật trữ tình này song hành như hình với bóng suốt 2.119 câu thơ của trường ca. 

Nhân vật trữ tình đàn ông là hình tượng trung tâm của thi phẩm. Đó là những anh bộ đội Cụ Hồ trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, mặt giáp mặt với kẻ thù. Họ là hiện thân của sức mạnh đối kháng, tinh thần quyết chiến quyết thắng, trực diện kẻ thù hung bạo để giành và giữ từng tấc đất núi sông, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Họ là những người Quen nghĩ bằng trận đánh/ Quen hi sinh, quen đột biến từng giờ/ Họ làm nên những chiến trường giông bão. Tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng mãnh liệt thấm đẫm trong trái tim, khối óc họ. Trời ơi nếu kẻ thù chiếm được/ Chỉ một gốc sim thôi dù chỉ gốc sim cằn/ Tổ quốc sẽ ra sao Tổ quốc. Hình ảnh gốc sim trở thành biểu tượng cho sự toàn vẹn lãnh thổ, cho ý chí “một tấc không đi, một li không rời” của ông cha ta từ nghìn xưa để lại. Cái giá của hòa bình đối với một dân tộc yêu độc lập tự do là quá đắt: Thêm một người bị cắm cọc bêu đầu/ Thêm một người bị lôi đi mất tích/ Thêm một người bị chụp ảnh lăn tay/ Thêm một làng bị quăng bom hủy diệt. Người lính chính là biểu tượng cao đẹp của hòa bình, là linh hồn của cuộc chiến đấu: Năm cánh quân từ năm hướng trở về/ Thành phố đầy áo trận; Mình quấn đầy băng trắng/ Anh giơ tay cả thành phố động lòng. Các anh là Năm mươi triệu đứa con/…/ Những người yêu của những người yêu/ Niềm trông đợi của những niềm trông đợi/…/ Những con đường ôm chầm lấy các anh/ Cùng một lúc ôm bao miền đất nước. Khát vọng thống nhất. Khát vọng hòa hợp. Khát vọng một nhà. Tất cả hợp tấu thành một bản anh hùng ca về người lính. Họ rạng ngời, tỏa sáng, khắc khảm, in đậm không phai mờ trong lòng người đọc.

Những gì tuyến nhân vật trữ tình người lính chưa nói được hết về sức mạnh Việt Nam, về tính chất thần thánh của cuộc chiến thì tuyến nhân vật trữ tình phụ nữ sẽ bổ sung. Điều đặc biệt, trong Đường tới thành phố, những người phụ nữ không được xây dựng như một chuỗi nhân vật chính tuyến. Họ được sinh ra từ trong kí ức, nỗi nhớ, tình yêu, tâm trạng, hoài niệm, lo âu, chờ đợi, hi vọng của những người lính. Xét về mặt hình tượng, nếu những người lính như những ngọn núi hùng vĩ, trùng điệp, chất ngất, kiêu hãnh, thì những người phụ nữ như biển, như vịnh, như sông, như suối. Người lính là dương bản của cuộc chiến. Người phụ nữ là âm bản. Vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam, vẻ đẹp của cuộc kháng chiến chống Mĩ không phải chỉ có phần nhìn thấy. Còn rất nhiều phần khuất lấp. Nhà thơ Hữu Thỉnh xuyên thấu các trầm tích ấy, các tầng ngầm ấy. Tất cả những cái chưa nhìn thấy không những được ông mở ra, gọi tên, tạc hình hài dáng vóc, mà còn được ông chưng cất, luyện lọc để trở thành tinh chất lung linh, ngời sáng và ngân vang nhất. Bất cứ dòng nào, khúc nào, chương nào có hình ảnh người phụ nữ xuất hiện là chương ấy, khúc ấy đột sáng. Thi hứng nhà thơ thăng hoa, bùng cháy, đầy liên tươ2ng, đầy dồn nén cả về chiều sâu, chiều rộng khi nói về họ. 

Nhà thơ nào cũng nói về người yêu, về mẹ, về vợ, về em. Nhưng em là vùng che chở thì đến Hữu Thỉnh mới xuất hiện: Em có nghe thấy không/ Em xa cách em là vùng che chở. Phụ nữ là bóng mát tình yêu, là nơi nương tựa vững chãi tinh thần cho người lính Sau những lần hổ vồ/ Sau những lần voi đuổi/ Sau bữa canh nấm độc cào gan: Đất thầm thì và nóng bỏng như em; Em không phải sau lưng/ Em đang ngồi trước mặt/ Bởi anh biết, em ơi anh biết/ Cuối chặng đường là nỗi nhớ gặp nhau; Nếu em buồn rừng còn có gì che; Em ơi em, em là biển của đời anh/ Là vụng kín/ Là bến bờ nương tựa. Những người mẹ, người vợ, người chị, người em là nơi chia sẻ từng khoảnh khắc tâm trạng, từng giây phút suy tư, từng thoáng chốc trải nghiệm của người lính.  
 
Phụ nữ là một nửa của cuộc kháng chiến vĩ đại. Họ chứa đựng một nửa lịch sử, một nửa vinh quang. Nhưng không phải một nửa cay đắng, mà là nhiều hơn thế. Mọi sang chấn của cuộc chiến đều vọng dội vào họ. Tình yêu bấp bênh. Hạnh phúc bấp bênh. Họ chịu hai thứ chiến trường, hai thứ bom đạn, hai thứ tra tấn. Nửa trước của cuộc chiến tranh họ gánh đã nặng. Nửa sau của cuộc chiến tranh họ gánh còn nặng hơn.

Diễn đạt được đa chiều, đa diện về cuộc chiến, về người phụ nữ mà không quẩn lặp như Đường tới thành phố quả là rất khó. Củ chụp thôi đâu phải là trầm/ Đâu phải ngọc trai mà hiếm hoi lặn lội/ Rừng cồn gió bụng người thì đói/ Em vừa đào vừa hát Sài Gòn ơi. Chị nuôi anh dưới đất/ Năm năm trời anh nhìn chị trong đêm/ Chị gặp anh mà không hay anh đen hay trắng/ Chị nghe giọng anh mỗi ngày nặng xuống/ Chị góa bụa trong hồ sơ tự khai/ Chị cười cợt với thằng chỉ điểm/…/ Chị cố làm cho thật lẳng lơ/ Thắt vạt áo trước bao điều dị nghị. Nếu bài thơ Người con gái Việt Nam của Tố Hữu miêu tả thành công nỗi đau xương thịt khi người phụ nữ bị giặc tra tấn man dã theo kiểu trung cổ điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung thì trường ca Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh miêu tả thành công nỗi đau bị tra tấn về tinh thần: Chị đợi chờ quay mặt vào đêm/ Hai mươi năm mong trời chóng tối/ Hai mươi năm cơm phần để nguội/ Thôi tết đừng về nữa chị tôi buồn/ Thôi đừng ai mừng tuổi chị tôi/ Chị tôi không còn trẻ nữa/ Xóm làng thương ý tứ vẫn kêu cô/ Xóm làng thương không khoe con trước mặt/ Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/ Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc/ Vẫn được tiếng là người ở vậy/ Nhưng anh tôi vẫn còn/…/ Hai mươi năm áo gấm đi đêm/ Chị mỡ màu mà anh tôi chẳng biết/ Nhưng chị tôi không thể làm như con rắn que cời/ Lột cái xác dưới gốc cây cạm quẫy/ Chị thiếu anh nên chị thừa ra/ Trong giỗ tết họ hàng nội ngoại/ Bao nhiêu tiếng cười vẫn côi cút một mình/ Những đêm trở trời trái gió/ Tay nọ ấp bàn tay kia/ Súng thon thót ngoài đồn dân vệ/ Một mình một mâm cơm/ Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền.

Nếu nỗi đau của nàng Kiều của Nguyễn Du là nỗi đau của kẻ “bướm chán ong chường bấy thân” thì nỗi đau của người phụ nữ trong trường ca Hữu Thỉnh là nỗi đau của những con người còn nguyên vẹn tất cả để mà đau. Nỗi đau queo kết, đong vón lại, không thể nào rã tan được. Chính nỗi đau khủng khiếp này đã bật bung sức mạnh Việt Nam. Bom đạn kẻ thù bất lực bởi sức mạnh ấy. 
Phát lộ và hình tượng hoá thành công sức mạnh này làm nên minh triết Hữu Thỉnh trong trường ca Đường tới thành phố.

N.M.K

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)