"Kì nhân làng Ngọc" là ai

Thứ Ba, 03/05/2016 00:21
. TRẦN THANH CẢNH
 Năm tôi mới hơn mười tuổi, quãng 1971 hoặc 1972 gì đó, một buổi trưa hè nóng nực, tôi và lũ bạn đang chơi bi dưới búi tre to đầu làng thì thấy tiếng gào vang lừng “Xung phong… pằng pằng pằng… ùm…” ở dưới đầm sen đầu làng. Bọn trẻ, rồi cả người lớn nữa, nháo nhác chạy ra xem ai giữa trưa hè nắng như đổ lửa mà lại hò hét gớm vậy. Thì ra là ông Bình, xóm trên. Ông ấy cởi trần, người đỏ như tôm luộc, nhưng tráng kiện gân guốc. Những bắp thịt trên vai, trên ngực cuồn cuộn. Khuôn mặt chữ điền với những đường nét thẳng băng cực kì nam tính rực lên dưới nắng hè gay gắt. Ông lội qua đầm sen, băng qua cánh đồng Chằm, lộn về cánh đồng Ngo, rồi lại lội dọc đầm sen. Đạp băng cả sen súng gai góc. Tay vẫn như cầm khẩu súng “pằng… pằng… pằng…”. Thỉnh thoảng ông lại ngụp xuống đầm, vung tay lên… ùm… như tiếng nổ của thủ pháo.

 Hình ảnh ông Bình đạp sen băng đồng đánh trận đã in đậm trong trí óc non nớt của một đứa trẻ lên mười là tôi khi ấy. Và tôi bắt đầu tò mò về người đàn ông kì lạ, người mà dân làng tôi, dân vùng tôi khi ấy nhắc đến với một thái độ rất khó hiểu. Vừa như nể trọng. Vừa như kinh sợ. Và có cả một chút gì đó như là khinh khi. Họ thì thầm. Tôi thì dỏng tai lên, nghe.

 Họ nói, ông Bình này đánh trận Khe Sanh, một mình quần nhau với cả đại đội biệt kích Mĩ. Thế mà đánh nhau cả ngày, quân Mĩ thua chạy, bỏ xác nằm la liệt. Còn ông Bình vẫn cõng được người đồng đội bị thương về đơn vị.
Họ bảo, ông Bình này được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, được phong Dũng sĩ diệt Mĩ cấp ưu tú, thăng quân hàm vượt cấp từ trung sĩ lên trung úy (một cấp hàm oách như giời hồi đó).

 
bavi2

Họ nói, năm 1968, Ông Cụ đang ốm nặng, cũng bảo với cận vệ là cho gọi chú Bình ra gặp.
Họ nói, khẩu AK của ông Bình được treo ở Bảo tàng Quân đội. Báo Quân đội nhân dân hồi ấy còn in ảnh ông Bình đang ôm súng cùng đồng đội trên chiến trường ngổn ngang xác chết và mịt mù khói súng…

Tôi âm thầm chạy về nhà, vào buồng, lục chồng báo Quân đội nhân dân của bố ra. Tôi ngồi lọ mọ giở lại những tờ báo cũ. Và tôi thấy có tấm hình oai phong lẫm liệt của ông Bình trên trang nhất một số báo thật.
Nhưng người làng tôi cũng kể, ông Bình này ghê gớm lắm. Đi đến đâu có ngòi có khói đến đó. Chỗ nào cũng có gái theo. Theo mê theo mẩn. Chẳng biết bây giờ ông ấy có bao nhiêu vợ, bao nhiêu con. Người vợ đang ở với ông ấy cũng theo không về nhà ông ấy từ năm mười bảy tuổi, chả cưới xin gì.

 Tôi biết người vợ ấy.
Đó là một người đàn bà đẹp, phúc hậu. Những hôm ông Bình lên cơn điên vì trời nóng quá, ông hò hét chạy khắp cánh đồng, quần thảo dưới đầm sen. Bà ấy cứ ra đầu làng dõi theo. Không nói gì. Nước mắt cứ chảy ròng ròng. Hễ ông Bình mệt quá, gục xuống là bà lại hô hoán ầm lên: “Ới bà con làng nước ơi, cứu chồng tôi với…”. Nhưng có hôm ông ấy đang băng băng đạp sen dưới đầm thì thấy bà đứng chảy nước mắt nhìn mình. Bỗng nhiên ông chả hò hét gì nữa, lẳng lặng đi về nhà, lăn ra ngủ.

 Người làng tôi nói rằng, ông Bình bị điên là do di chứng sốt rét. Hồi vượt Trường Sơn vào Nam, ông ấy bị sốt rét ác tính, đã tắt thở. Tưởng chết, đồng đội đã bó vào tăng đem chôn. Lúc định thả xuống hố lấp đất thì tay y tá bảo, để tao tiêm cho thằng này mũi nữa xem sao. Thế là ông ấy hồi lại.
Dân vùng tôi đều bảo, ông Bình đáng được phong Anh hùng. Mà phải là Anh hùng rất to. Ông ấy lập được một đại kì tích.      
Thế nhưng người ta lại thấy ông lẳng lặng về làng. Mò cá sông. Bắt cua ốc ngoài đồng kiếm ăn. Moi bùn đất dưới đầm sen lên, đắp vào chân đê, vật nên mấy thửa ruộng to, tự cấy lúa, chả hợp tác hợp tung gì ráo.

Mấy ông cán bộ xã thôn vào nhà tôi, ngồi nói chuyện, tôi nghe lỏm, thấy những đức tài, lí lịch… gì đó. Chả hiểu gì. Mấy ông ấy còn bàn nhau, hay là bắt thằng này giải huyện. Nó đào ngũ cũng nên. Về cứ công nhiên ở làng, chả báo cáo báo cầy ai. Chả mảnh giấy nào dắt lưng.
Nhưng một ông bảo, thôi chả dây, chả phải đầu lại phải tai. Kệ! Thằng cha ấy nó dám chơi nhau với cả đại đội biệt kích Mĩ, bọn mình mà loạng quạng, nó xơi tái. Lờ đi là thượng sách.

 Thế rồi chiến tranh kết thúc.
Tôi cũng lớn lên.
Tôi đi khỏi làng. Tôi vào bộ đội. Tôi đi học. Tôi đi làm. Tôi xây dựng gia đình. Tôi mải làm giàu, nuôi con…
 Một ngày không đẹp cũng không xấu, tôi bỗng nảy ra ý định viết văn. Người nhà tôi bảo, đó là ý tưởng rồ dại nhất đã từng nảy sinh trong đầu tôi. Nhưng biết làm sao được, khi cuộc đời luôn có những khúc quành mà không ai có thể định liệu trước.
Một hôm, sau khi viết được nửa câu chuyện tình ái ba lăng nhăng, tôi bỗng thấy bế tắc. Tôi ra đứng vẩn vơ trên phố, bâng quơ nhìn mọi người đi lại. Bỗng thấy một ông già tóc râu bạc trắng, gầy gò, nhưng rắn chắc khoẻ mạnh, đôi mắt thì vẫn sáng quắc, đạp cái xe cà tàng đi qua. Nhìn gương mặt ấy, tôi nhận ra ngay đó là người đàn ông nổi tiếng của làng tôi năm xưa. Tôi về làng, hỏi chuyện mẹ tôi. Mẹ tôi kể…

 Ông ấy - ông Bình dũng sĩ năm xưa - ở một mình trong mấy gian nhà rách cuối bãi sông. Chả vợ con nào chịu nổi ông ta. Chả có chế độ chính sách gì. Thế nhưng vẫn rượu khoẻ, rất lạ.
Tôi hỏi mẹ thêm, thế cô Ngơ, cái cô ngơ ngơ ngẩn ngẩn xưa hay ra chợ mua mười về làng bán năm ấy đâu rồi. (Là vì tôi vẫn nhớ chuyện các ông xã ghé vào nhà tôi nói chuyện với bố tôi hồi xưa, chung quy, tay Bình này không được vẻ vang chỉ vì đã hại đời cô Ngơ năm cô ấy mới có mười ba tuổi. Lúc ấy tôi bé nên chả hiểu thế nào là hại đời, nhưng cũng thấy tiếc cho ông Bình. Giá mà ông ấy được phong Anh hùng, lên làm Đại tướng quân oai phong lẫm liệt có phải làng tôi được vẻ vang, thơm lây không. Tiếc thế chứ!). Nhưng mẹ tôi thở dài, bảo nói đến cô ấy làm gì. Cho thêm buồn. Cũng là một kiếp. Chỉ có tí ti rồi tàn một đời hoa. Hình như nhà tôi có họ hàng xa với cô Ngơ, tôi chả dám hỏi thêm khi thấy mẹ cứ thở dài, rơm rớm.

 Tôi lọ mọ đi bộ xuống xóm bãi. Một khoảng vườn rậm rạp, cây cối xanh um. Bãi sông Đuống quê tôi phù sa dề dãi nên cây cối đẹp lắm. Một ngôi nhà hoang vắng, không thấy có người. Không có tiếng gà gáy, chó sủa. Mà không, đấy không thể gọi là nhà, phải là lều, lán, hay gì đó mới đúng. 
Tôi đứng nhìn, nhòm ngó, đánh tiếng chán cũng chả thấy ai. Đành đi về.
Tôi tốt nghiệp đại học. Làm doanh nghiệp. Viết văn. Không thật giàu, nhưng cũng thừa sức để có thể giúp ông Bình một chút gì.
Tôi đã định sẽ làm một điều gì đó.
Nhưng rồi tôi chả kịp làm gì. Mẹ tôi nhắn: “Con về thắp cho ông ấy nén hương, nghĩa tử là nghĩa tận”.
Tôi bàng hoàng.

Thắp hương xong, tôi như người mộng du. Cảm thấy khó ở. Một nỗi bức xúc cứ tràn dâng trong lòng. Đầy lên, ép tôi, thúc đẩy tôi. Tôi ngồi xuống bàn, cầm bút.
Tôi viết miên man như bị nhập đồng. Một truyện hơn mười ngàn chữ. Viết xong, tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Truyện ngắn Kì nhân làng Ngọc. Và rồi nó được đăng báo, được in trong tập truyện ngắn cùng tên của tôi như các bạn đã biết.
Thật sự thì khi tôi viết truyện ngắn này, có một sự thôi thúc nội tâm mãnh liệt. Dường như tôi viết để trả nợ. Nợ ai, nợ cái gì thì tôi không biết. Hình như con người ta khi sinh ra trên đời này, ai cũng mang một món nợ nào đó phải trả, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, thì phải…
 
        Làng Ngọc, ngày 24/2/2016
T.T.C
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)