. HỒNG DIỆU (*)
Nhà thơ Xuân Diệu chưa đến Cà Mau đã có thơ viết về vùng đất này. Anh rất tâm đắc với “Mũi Cà Mau”, bài thơ viét trong những năm đất nước còn bị chia cắt làm hai miền. Có lần, anh nói với tôi bằng một giọng khá là... thỏa mãn:
- Chị Anh Thơ gần đây phát biểu: “Tôi mà không đi thực tế thì tôi không thể làm thơ được”! Chưa biết chừng, một người chưa từng đến Cà Mau lại có thơ về Cà Mau hay hơn thơ của nhiều người đã đến Cà Mau!
Ta hãy đọc lại bài thơ “Mũi Cà Mau” ấy của Xuân Diệu, dù nó có hơi dài. Để khảo sát một bài thơ mà tác giả thích thú. Và, quan trọng hơn, là vì nó... có vấn đề!
Mũi Cà Mau
Mũi Cà Mau: mầm đất tươi non
Mấy trăm đời lấn luôn ra biển;
Phù sa vạn dặm tới đây tuôn,
Đứng lại; và chân người bước đến.
Tổ quốc tôi như một con tàu,
Mũi thuyền ta đó, mũi Cà Mau.
Những dòng sông rộng hơn ngàn thước.
Trùng điệp một màu xanh lá đước.
Đước thân cao vút, rễ ngang mình
Trổ xuống nghìn tay, ôm đất nước!
Tổ quốc tôi như một con tàu,
Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau.
Lạ thay tình với đất quê hương,
Chưa thấy, chưa thăm mà đã nhớ.
Ai hay mỏm đất mấy năm trường
Đêm ngủ hồn tôi bay tới đó!
Đầu sao cháy bỏng, ruột sao đau
Vết thương lòng - ở mũi Cà Mau
Nơi xa nhất là nơi gần nhất:
Mũi Cà Mau, mũi Cà Mau trước mắt!
Đôi bên Bến Hải nước non nhà
Đâu cũng là Nam, đâu cũng Bắc!
Nắng mưa có thể đổi trăm màu
Lòng không rời hướng mũi Cà Mau.
Ở đầu sóng gió, mỏm non sông
Như ngực anh hùng Lý Tự Trọng.
Cao hơn sóng gió một Thành Đồng,
Đây chốn đi về, nơi ước vọng.
Tổ quốc tôi như một con tàu
Đêm ngày tôi nhớ mũi Cà Mau.
Như dòng máu khỏe thắm đầu tay,
Như ở đầu cây dòng nhựa trút,
Như sức cung dồn ở mũi tên,
Như sức bút ở đầu ngọn bút:
Tổ quốc tôi như một con tàu,
Mũi thuyền xé sóng - mũi Cà Mau.
10-1960
Một người bình thường đọc bài thơ cũng có thể thấy ngay có một cái gì... gờn gợn. “Cái gì” ấy ở hai câu này, được lặp lại hai lần:
Tổ quốc tôi như một con tàu,
Mũi thuyền ta đó, mũi Cà Mau.
Không những thế, nó còn lặp lại lần thứ ba, có chỗ hơi khác hai lần trước:
Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền xé sóng - mũi Cà Mau...
Tôi thấy trên báo chí lâu nay, có hai luồng ý kiến của bạn đọc và các nhà phê bình khi viết về những câu ấy trong bài thơ “Mũi Cà Mau” này. Có người cho đó là hai câu thơ dở (nhưng không nói rõ nó dở ở chỗ nào). Có người cho là ở đây, Xuân Diệu đã sơ ý mà lẫn lộn giữa tàu và thuyền.
Tôi tưởng cần phải nói rằng những câu thơ trên của Xuân Diệu, tùy theo cách hiểu của mỗi người: có thể dở, có thể hay, có thể không dở cũng không hay, nhưng chắc chắn là Xuân Diệu không sơ ý, mà có chủ định hẳn hoi.
Tôi có thể cả quyết như thế vì mấy lý do. Thứ nhất, tàu và thuyền ở hai câu thơ liền nhau, rất khó lẫn lộn để sơ ý. Thứ hai, trong một bài thơ mà có đến ba lần Xuân Diệu sử dụng ý tứ này; nếu có sơ ý chăng nữa, thì chỉ sơ ý một lần. Thứ ba, bài thơ “Mũi Cà Mau” được in đi in lại khá nhiều; cả tác giả và báo chí, và Nhà xuất bản chẳng ai cho đấy là sơ ý để mà sửa lại.
Đó là những điều dễ thấy nhất. Còn nếu nghiên cứu kỹ về cách dùng chữ, dùng từ, cách đặt câu... trong thơ Xuân Diệu thì càng thấy rõ hơn. Ngay từ thuở mới làm thơ (thể hiện trong tập thơ đầu là “Thơ thơ”) cách đây 80 năm cho đến những năm cuối đời, Xuân Diệu luôn luôn muốn viết khác người...
Vậy, trong những câu thơ trên kia, Xuân Diệu có dụng ý gì khi dùng tàu và thuyền ở hai câu thơ liền nhau?
Tôi cho rằng, rất có thể, Xuân Diệu muốn thể hiện sự dũng cảm, kiên cường của mảnh đất tận cùng Tổ quốc là Cà Mau, trong những câu thơ ấy (và suốt cả bài thơ). Nghĩ “vân vi” một chút sẽ thấy: tàu thường làm bằng sắt, thuyền thường làm bằng gỗ, tàu thường lớn hơn thuyền, tàu thường dùng để đi xa hơn thuyền. Cho nên, rất có thể, nhà thơ muốn nói (một cách ẩn ý) rằng: đất nước hình chiếc tàu, nhưng mũi tàu thì như mũi một chiếc thuyền - mà lại có một sức mạnh để hiên ngang, dũng cảm “xé sóng”. (Tất nhiên mũi tàu cũng có thể “xé sóng”, nhưng đó là chuyện thường tình).
Hãy đọc lại sáu câu cuối và lưu ý đến dấu hai chấm (:) ở câu thứ tư, ta sẽ thấy rõ hơn dụng ý của tác giả: nhà thơ đem sức mạnh của “mũi thuyền xé sóng” gắn với các thứ sức mạnh khác để làm một sức mạnh tổng hợp vừa ở trong đời thường, vừa ở trong cuộc chiến đấu trước kẻ thù:
Như dòng máu khỏe thắm đầu tay,
Như ở đầu cây dòng nhựa trút,
Như sức cung dồn ở mũi tên,
Như sức bút ở đầu ngọn bút:
Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền xé sóng - mũi Cà Mau...
Nhìn từ một phương diện khác, sẽ thấy ngôn ngữ có đời sống riêng của nó, nhiều khi nó biến đổi trái với logic thông thường, mà người đời vẫn chấp nhận và sử dụng. Thí dụ gần nhất với câu thơ Xuân Diệu trên kia là, khi nói về người chỉ huy một con tàu, người ta không gọi “tàu trưởng” mà gọi là “thuyền trưởng”; những người làm việc trên tàu không gọi là “tàu viên” mà gọi là “thuyền viên”!
Một thí dụ khác trong văn chương có “anh em, họ hàng” với hai câu thơ Xuân Diệu là những câu ở bài thơ “Giấc mơ anh lái đò” của nhà thơ Nguyễn Bính viết năm 1938. Trong bài thơ này, Nguyễn Bính đã coi đò và thuyền là một, cũng như ở đây, Xuân Diệu đã coi tàu và thuyền là một vậy.
Không biết có ai giải thích mấy câu thơ Xuân Diệu vừa nói, khác với cách giải thích của tôi?
Tôi muốn lưu ý thêm rằng, đây cũng là một cách đổi mới của Xuân Diệu trong việc biểu đạt tư tưởng của nhà thơ. Có điều, đó là một cách đổi mới... không thành công. Thiếu gì cách đổi mới khác đắc địa hơn mà vẫn nói được cái ý mà nhà thơ muốn nói, như cái ý trong mấy câu thơ kia của nhà thơ Xuân Diệu?
Lại sực nhớ câu thơ của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh trong bài “Buồn xưa” viết năm 1942, mà lâu nay nhiều người cho là bí hiểm:
Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà
Những năm gần đây, có nhà nghiên cứu cho câu thơ này không bí hiểm gì, có thể hiểu được. Theo ông, nghĩa của câu thơ là: Qua những thứ hoa trái thiên nhiên bày trên đĩa, thấy những mùa thời gian đi. (Câu thơ không đụng gì đến hoa với trái bày trên đĩa)!
Gần chúng ta hơn là những câu thơ, chẳng hạn, của nhà thơ Dương Tường, trong tập thơ “36 bài tình” (1989):
Za em
Jêsusalem
pha phem...
requi
em
mưa nhem
lọ lem...
Noel
Nô
elle
Nô
em
trót quen
thành quen
phố nên
phonème...
Noel
Nô
em
leng beng
lang bang
malem
Mariem
x
em x
em
hem
em...
Nếu không phải là một trò đùa cợt vô duyên ở đây, thì chỉ có tác giả là hiểu được những chữ, những dòng thơ trên nói cái gì!
Bất giác, nhớ mấy câu nhà nghiên cứu Trịnh Đình Rư (1893-1962) viết trên tờ: “Phụ nữ tân văn” (số 29, ra ngày 21 - 11-1929):
“Đời trước có một cụ đọc tới một bài văn lông bông liền phê luôn một câu rằng:
Ngoài biển Bắc sâu bốn mươi trượng rưỡi
Chim bon bon chạy vào sườn núi Linh Sơn!
Đố ai hiểu nghĩa câu ấy là chi! Ấy là một câu dở để tỏ ý công kích kẻ làm thơ không có ý tưởng... Đương nói biển sâu, nói ngay về núi, há chẳng phải là văn đầu Ngô mình Sở ru? Đại khái những văn thơ của các nhà tự nhận là văn sĩ và nữ sĩ đời nay, tấp tểnh đua nhau đăng báo, xuất bản, ta có thể đưa hai câu này mà đề tặng, tưởng cũng không lấy gì làm quá”.
Hai câu thơ mà Trịnh Đình Rư muốn “đề tặng” chẳng những không lấy gì làm quá mà còn quá nhẹ nhàng, quá ưu ái, nếu ta đem nó “đề tặng” cho tác giả những câu thơ kiểu Dương Tường ở trên!
H.D
__________
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả - nhà phê bình văn học Hồng Diệu. BBT sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến muốn trao đổi lại.