Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 835 (cuối tháng 12/2015)

Thứ Ba, 15/12/2015 10:12
Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 835 (cuối tháng 12/2015) được mở đầu bằng bài đối thoại giữa phóng viên tạp chí với đồng chí Trung tướng Trần Quang Phương, Chính ủy Quân khu 5, xoay quanh quá trình hình thành, phát triển cùng những đóng góp to lớn của bộ đội Khu 5 hôm qua và hôm nay. 
 
Phần Văn xuôi giới thiệu ghi chép Chuyện về vị tướng anh hùng của đơn vị anh hùng của Nhất Hoa và các truyện ngắn Những đôi mắt nâu đồng của Trần Thanh Cảnh, Người lạ ở giảng đường của Tô Hải Vân.
 
Chuyện về vị tướng anh hùng của đơn vị anh hùng dựng sinh động chân dung của doanh nhân khoác áo lính - Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ti Đông Bắc, Bộ Quốc phòng, người vừa được xướng danh “Anh hùng Lao động” trước Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.
 
Những đôi mắt nâu đồng dí dỏm quyến dụ người đọc lần giở quá khứ lãng mạn và chừng mực của một nhân vật từng là Tiểu đoàn trưởng pháo cao xạ đóng quân ở một miền đồi trung du, nơi mà từ đó ngày đêm cứ vấn vít, quấn quyện phả về thứ hương mê nồng, tinh khiết, cứ chấp chới ánh về những đôi mắt nâu đồng, mắt của nữ quân y nồng nàn gợi cảm, mắt của chú chó trung thành, tinh khôn…
 
Người lạ ở giảng đường với lối văn rề rà, vừa có khả năng gây cười, vừa có khả năng gây mệt mỏi, là một nhát cắt trần trụi về không gian trường ốc, là một cách thế giễu nhại, giải thiêng cái gọi là mác nghiên cứu sinh, cái gọi là màn bảo vệ luận án, cái gọi là học vị tiến sĩ…
 
Trang Văn học nước ngoài kì này là truyện ngắn Sinh ra để sống của nhà văn Zoe Lambert (Anh) do Nguyễn Phan Quế Mai dịch từ nguyên bản tiếng Anh. Thông qua hành trình nhân vật chính - nạn nhân phát xít Đức - đi từ yếm thế đến mạnh mẽ để vượt lên, hóa giải nỗi sợ hãi, sự tủi nhục của bản thân, gia đình, tác phẩm là một diễn ngôn sâu lắng, nhân văn về quyền con người.
 
Phần Thơ số này là những thi phẩm suy tư về người lính, về biển đảo, về những không gian lịch sử - văn hóa cùng muôn mặt đời thường, chủ yếu là của các tác giả tham gia dự thi Thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2015 - 2016.
 
“Thơ trong những tập thơ” là tác phẩm Dáng hình Tổ quốc của Lê Anh Dũng và chùm bài tiêu biểu do nhà văn Phùng Văn Khai chọn và giới thiệu.
 
Phần Bình luận Văn nghệ số này giới thiệu các bài viết: Bác Hồ với “nền nhân dân” của Nguyễn Hữu Quý, Khrapchenko và Pospelov trong lịch sử tiếp nhận tư tưởng lí luận nước ngoài vào Việt Nam của Lã Nguyên, Đổi mới nghệ thuật viết về chiến tranh trong văn học Việt Nam đương đại của Đoàn Ánh Dương, Khi nhà văn là người rừng, người lính của Nhật Thanh và Ngô Minh đối thoại với khôn cùng của Yến Thanh.
 
Bài viết của Nguyễn Hữu Quý tường minh “nền nhân dân” là một nội dung chính trị cơ bản, xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Bác là người kế thừa, phát triển lên tầm cao mới tinh thần “dĩ dân vi bản” (lấy dân làm gốc) của cha ông, làm cho tinh thần này càng trở nên đậm rõ, sâu sắc và toàn vẹn.
 
Tác giả Lã Nguyên lần lại những năm 70, 80 của thế kỉ trước để quan sát và rút ra những kết luận bổ ích về câu chuyện tiếp nhận tư tưởng lí luận nước ngoài vào Việt Nam, qua hai trường hợp là Khrapchenko và Pospelov, và trình bạn đọc một bài viết giàu tính tư liệu và hàm lượng học thuật.
 
Bằng một khảo sát vừa lịch đại vừa đồng đại công phu, đặc biệt là với việc trình ra những diễn dịch ngắn gọn mà thuyết phục về các trường hợp Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Người đi vắngMình và họ của Nguyễn Bình Phương, Cơ bản là buồn của Nguyễn Ngọc Thuần, tác giả Đoàn Ánh Dương đã phác dựng đường đi của đề tài chiến tranh trong văn học Việt Nam đương đại.
 
Bắt đầu cầm bút từ năm 1960, bền bỉ và lặng lẽ gửi tâm tình qua hơn 40 đầu sách, nhà văn quân đội Vũ Hùng lẽ ra phải được dư luận quan tâm sớm hơn và nhiều hơn. Câu trả lời thuyết phục cho vấn đề này có trong bài viết mang hơi hướng phê bình sinh thái của tác giả Nhật Thanh.  
 
Tác giả Yến Thanh dẫn người đọc đi sâu khảo sát đối tượng đối thoại cũng như nội dung đối thoại trong thơ Ngô Minh để cùng họ tìm và sở hữu chìa khóa nhằm len lỏi khám phá cánh đồng mật ngữ và thế giới nghệ thuật của nhà thơ xứ Huế này.
 
Quán văn kì này là cuộc trò chuyện học thuật thú vị giữa Hoàng Đăng Khoa và tiến sĩ 8x Nguyễn Thanh Tâm, người vừa trình làng chuyên luận Loại hình Thơ mới Việt Nam (1932 – 1945), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015.
 
Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 835 (cuối tháng 12/2015) dày 120 trang với nhiều tranh, minh họa đẹp, dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc cả nước ngày 20/12/2015. Mời quý vị đón đọc.
 
bia 835 convert
Văn
Nguyễn Đình Tú
Lực lượng vũ trang Quân khu 5: Từ “đi đầu diệt Mĩ” đến tuyến đầu bảo vệ “khúc ruột miền Trung”
Trần Thanh Cảnh
Những đôi mắt nâu đồng
Nhất Hoa
Chuyện về vị tướng anh hùng của đơn vị anh hùng
Tô Hải Vân
Người lạ ở giảng đường
  

Thơ
Ngân Vịnh
Những ngọn tháp Chàm; Mùa đông; Mình sống - mình lặng lẽ
Nguyễn Hưng Hải
Mưa trên đồng; Đất
Nguyễn Trọng Luân
Khoảng lặng trước bình minh; Chiều bên hang làng Lò
Trần Thị Nương
Biển; Khi không còn mẹ trên đời; nụ cười Thị Nở
Bình Thanh
Nhớ anh; Hoa đồng hồ trên đảo Cô Lin  
Nguyễn Thị Mai
Người anh hùng của cỏ; Lời buồn cho lá; Gần lửa
Hoàng Liên Sơn
Lưỡng lự; Khúc biến tấu 
Thái Bá Hoàng Kim
Tắm trăng; Trong mắt tôi 
Nguyễn Hồng Minh
Hai vòng tròn
Thanh Quế
Bên bậu cửa; Khi người khác 
Nguyễn Thế Hùng
Tháng ba 
Phùng Văn Khai
Người lính từ Dáng hình Tổ quốc 
(giới thiệu tập thơ của Lê Anh Dũng)
 

Văn học nước ngoài
Zoe Lambert
Sinh ra để sống (Nguyễn Phan Quế Mai dịch)
 

Bình luận văn nghệ
Nguyễn Hữu Quý
Bác Hồ với “nền nhân dân”  
Lã Nguyên
Khrapchenko và Pospelov trong lịch sử tiếp nhận
tư tưởng lí luận nước ngoài vào Việt Nam  
Đoàn Ánh Dương
Đổi mới nghệ thuật viết về chiến tranh trong
văn học Việt Nam đương đại 
Nhật Thanh
Khi nhà văn là người rừng, người lính 
Yến Thanh
Ngô Minh đối thoại với khôn cùng 
 

Quán văn
Hoàng Đăng Khoa
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm: “Với tôi, phê bình thơ là quá trình
tìm kiếm chính mình”  
VNQD
Thống kê