Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 833 (cuối tháng 11/2015)

Thứ Hai, 16/11/2015 14:49
logo VNQD - Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 833 (cuối tháng 11/2015) được mở đầu bằng bài đối thoại giữa phóng viên tạp chí với Trung tướng Trần Tấn Hùng, Chính ủy Học viện Kỹ thuật Quân sự. Bài đối thoại giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về mái trường đã đồng hành cùng ngành giáo dục và đào tạo cả nước, đồng hành cùng quân đội trong suốt nửa thế kỉ cống hiến và trưởng thành, đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kì Đổi mới.
 
Phần Văn xuôi giới thiệu hồi ức Những người con đất Tam Ngãi của Nguyễn Thị Ca, ghi chép Tây Bắc mờ xa của Đỗ Văn Nhâm, các truyện ngắn Bóng dáng người xưa của Trần Quỳnh Nga, Tiếng sáo của người lính của Châu La Việt và Những đôi mắt đá của Nguyễn Luân.

Những người con đất Tam Ngãi là dòng hồi ức sinh động, giàu tính tư liệu với nhiều chi tiết thú vị của Nguyễn Thị Ca, vợ liệt sĩ Nguyễn Hòa Luông – người từng dìu dắt và tác hợp cho vợ chồng anh Tịch và chị Út, những nguyên mẫu nhân vật trong tác phẩm nổi tiếng Người mẹ cầm súng của cố nhà văn Nguyễn Thi.

Tây Bắc mờ xa là sự vọng tưởng của một người đàn ông phong trần, sau năm chục năm trầm luân quăng quật, về một không gian núi rừng gắn với tuổi thơ nhọc nhằn, nghèo đói và tuyệt vời trong trẻo những ngày lên 11 tuổi theo mẹ đi khai hoang lập nghiệp.

Bóng dáng người xưa với cảm hứng lịch sử, là dòng hoài nhớ miên man của Nguyễn Du về đế đô Thăng Long xưa cũ, nơi diễn ra một cuộc bể dâu khốc liệt, nơi có bóng hình giai nhân Xuân Hương cùng mối tình câm nín, dở dang và nhiều ẩn ức của hai con người tài hoa nhưng cô độc, cái cô độc của những con chim đang sẵn sàng lao vào bụi cây gai và tấu lên khúc nhạc hay nhất của đời mình.

Tiếng sáo của người lính đưa người đọc đến một trọng điểm trong chiến tranh,  nơi có tiếng sáo đầy đặn vạm vỡ tròn căng của một người lính hứng quyện cùng giọng ca bồng bềnh, xôn xao như mây như gió của một cô gái thanh niên xung phong và mối tình chân thành, đắm si, đầy bất trắc của hai con người chung cuộc đời vào sinh ra tử, chung nồng nàn tình yêu quan họ.  

Những đôi mắt đá mở ra câu chuyện tình yêu và cuộc đời buồn của một chàng trai vùng cao. Sau cuối, những hốc đá như những đôi mắt cứ chòng chọc, xoáy lỗ vào anh ta. Đôi mắt sắc lạnh của người vợ đã địu con bỏ đi như con chim vỗ cánh ào ra khỏi tổ rách. Đôi mắt buồn câm lặng của người đàn bà muộn duyên không đủ kiên nhẫn chờ anh mở lòng đã đưa thân đi làm vợ kẻ khác. Đôi mắt sáng, ngơ ngác của đứa con nhỏ vô tội.

Phần Thơ số này là những thi phẩm suy tư về những không gian lịch sử - văn hóa cùng những muôn mặt đời thường, chủ yếu là của các tác giả tham gia dự thi Thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2015-2016.

“Thơ trong những tập thơ” là tác phẩm Minh triết đất đai của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm và chùm bài tiêu biểu do Phùng Văn Khai chọn và giới thiệu.

Trang Văn học nước ngoài số này giới thiệu tiểu luận Về tiểu thuyết ngắn của Kristjana Gunnars (Canada) do Trần Ngọc Hiếu dịch. “Chân lí luôn nằm bên ngoài chúng ta, và thay vì lèn chặt đời mình bằng những ngôn từ, chúng ta có thể rút lại, nói ít đi, nhưng hãy làm sao gia tăng trọng lượng cho mỗi từ, hãy làm mỗi từ chứa đầy sự bí ẩn và niềm kính sợ, ngôn ngữ xứng đáng được như vậy”. Đây có thể xem là tinh thần của tiểu luận thông tuệ, thuyết phục này. 

Phần Bình luận văn nghệ là các bài viết Văn học trong kỉ nguyên số của Hoàng Đăng Khoa, Biển và những biến hình kí hiệu trong thơ của Lý Hoài Thu, Lục bát Hoàng Cầm và những cách tân thể loại của Thái Phan Vàng Anh, Có một nhà Hà Nội học Lê Bầu của Tâm Thanh, Phố cổ Hà Nội của Lê Hữu Trúc và Tôi thành nhà văn Nguyễn Khắc Phê.

“Giao diện mở” mà kỉ nguyên số đang mang đến cho văn chương với tất cả những khả tính và giới hạn của nó được Hoàng Đăng Khoa phân tích với nhiều chủ kiến, khơi vẫy tranh luận, đối thoại học thuật.

Biển đảo là một nguồn cảm hứng lớn, một dòng chảy mạnh mẽ, liên tục trong thi mạch dân tộc. Đây là mảng văn chương chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, sinh thái, nhân văn, là hành trang và kí ức dân tộc, là tấm căn cước văn hóa để  người Việt đối thoại với các nền văn minh, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm. Bài viết của Lý Hoài Thu là một khảo sát công phu, hứng khởi về bộ phận thơ biển đảo trong sinh thể thơ Việt.

Nhà thơ Hoàng Cầm từng nổi tiếng với các thi phẩm như Lá diêu bông, Bên kia sông Đuống… Thái Phan Vàng Anh đưa người đọc thưởng lãm bức tranh lục bát khiêm nhường mà ảo diệu, mới mẻ, riêng khác của thi sĩ đất Kinh Bắc trong tổng phổ thể tài thơ lục bát dân tộc.

Tâm Thanh lại đưa người đọc tìm về “tuổi thơ Hà Nội ngày xưa” để cùng bất ngờ thú vị trước một nhà Hà Nội học Lê Bầu, ngoài một Lê Bầu nhà văn, Lê Bầu dịch giả như từng biết.

Bằng cái nhìn gần của một nhà chuyên môn, bài viết của tác giả Lê Hữu Trúc hấp dụ người đọc cùng khám phá phố cổ Hà Nội, không gian có sức cám dỗ vô hình, nơi tồn tại của những cái tưởng chừng phi nguyên tắc nhưng lại hợp lí, nơi chứa đựng những cái đẹp ẩn mình với sự song hành tuyệt vời giữa quá khứ và hiện tại.   
Từ một cậu bé mang chiếc xách vải bạt đựng đầy sách đi bán dạo khắp phố phường Hà Nội khoảng năm 1954 đến tác giả của những tiểu thuyết có tiếng vang như Đường giáp mặt trận, Chỗ đứng người kĩ sư, Biết đâu địa ngục thiên đường… là cả một hành trình dài. Câu chuyện bản thân trở thành nhà văn được Nguyễn Khắc Phê tự sự một cách chân thành, thú vị.

Quán văn tháng 11 là cuộc trò chuyện giữa nhà văn Nguyễn Xuân Thủy và dịch giả 8x Nguyễn Thị Minh Thương, người vừa được vinh danh tại Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015 với dịch phẩm Kiên ngạnh như thủy, chuyển ngữ từ tiểu thuyết của nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa. 
 
Tạp chí Văn nghệ Quân đội số đặc biệt 833 (tháng 11/2015) dày 120 trang với nhiều tranh, minh họa đẹp, dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc cả nước ngày 20/11/2015. Mời quý vị đón đọc.
  
833

Văn
Đoàn Văn Mật
Học viện Kỹ thuật Quân sự: Sức ép của sự đi lên  
Trần Quỳnh Nga
Bóng dáng người xưa  
Nguyễn Thị Ca
Những người con đất Tam Ngãi  
Châu La Việt
Tiếng sáo của người lính  
Đỗ Văn Nhâm
Tây Bắc mờ xa  
Nguyễn Luân
Những đôi mắt đá  
  

Thơ
Nguyễn Thị Thanh Long
Với con trai; Gọi trăng về  
Hương Sinh
Chòng chành bến cũ; Côn Đảo  
Cao Hạnh
Mưa Huế; Tiếng chuông Thành Cổ  
Trần Hữu Dũng
Về miền Tây; Dấu ngấn nước nơi cột nhà  
Nguyễn Thị Ngọc Hà
Tựa vào nỗi nhớ quê; Giọt buồn trong vắt  
Trần Đức Toản
Con cá và bầu trời; Đá  
Nguyễn Quang Hưng
Tưởng niệm; Hoang tưởng thực; Cốm cải lương  
Lê Vi Thủy
Ngày hạt mầm tỏa hương; Khúc mưa  
Miên Di
Lục bát li thân; Lẽ chết  
Đặng Diệu Thoa
Con đường; Những điều chưa ai nói em nghe  
Đặng Quốc Hoàng
Người đàn bà ngồi khâu  
Khanh Phan Hữu
Đồng dao làng  
Nguyễn Chí Ngoan
Nỗi buồn thinh lặng  
Phạm Thị Ngọc Thanh
Tình em  
Phùng Văn Khai
Xôn xao bàn tay sóng (giới thiệu tập thơ Minh triết đất đai của Nguyễn Vũ Tiềm)
Văn Thùy
Nhà dột; Sau bước mùa xuân  
Trần Vũ Long
Giấc mơ; Một ông già đi vào phố  
Nguyễn Trọng Hoàn
Phiêu cùng con chữ; Và thu ở lại  
  

Văn học nước ngoài
Kristjana Gunnars
Về tiểu thuyết ngắn (Trần Ngọc Hiếu dịch)  
 

Bình luận văn nghệ
Hoàng Đăng Khoa
Văn học trong kỉ nguyên số  
Lý Hoài Thu
Biển và những biến hình kí hiệu trong thơ  
Thái Phan Vàng Anh
Lục bát Hoàng Cầm và những cách tân thể loại  
Tâm Thanh
Có một nhà Hà Nội học Lê Bầu  
Lê Hữu Trúc
Phố cổ Hà Nội  
Nguyễn Khắc Phê
Tôi thành nhà văn  
 

Quán văn
Nguyễn Xuân Thủy
Nguyễn Thị Minh Thương: Sức hấp dẫn của tác phẩm
đã khiến tôi không bỏ cuộc  
VNQD
Thống kê